Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

Crimée và giàn khoan HD 981 : Gọng kìm Nga – Trung chống Mỹ ?

 

Tàu tuần dương Trung Quốc (màu trắng) cản mũi tàu cảnh sát biển Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam (ảnh chụp ngày 14/05/2014)
Tàu tuần dương Trung Quốc (màu trắng) cản mũi tàu cảnh sát biển Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam (ảnh chụp ngày 14/05/2014) REUTERS
RFI
 
Hãng tin Mỹ UPI, ngày 14/05/2014 có bài phân tích của Jeff Moore về hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển của Việt Nam, tựa : “Kịch bản chiếu tướng nguy hiểm đang diễn ra ở Biển Đông”. Tác giả nhìn nhận sự kiện này, cùng với việc Nga sáp nhập Crimée, như một chiến lược gọng kìm của Trung Quốc và Nga chống lại ảnh hưởng của Mỹ, vì theo Bắc Kinh, Hoa Kỳ đang suy yếu, khó có thể đối phó cùng một lúc với một cuộc chiến trên hai mặt trận. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Việc Trung Quốc triển khai dàn khoan biển nước sâu 981 ở bờ biển Việt Nam vào đầu tháng Năm vừa là một sự leo thang nguy hiểm trong lúc tình hình Biển Đông đang căng thẳng. Khả năng va chạm hàng hải giữa Trung Quốc và Việt Nam không còn chỉ ở mức có thể xẩy ra nữa, kể từ vụ xung đột ở đảo Gạc Ma (Johnson Reef) năm 1988 làm khoảng 70 thủy thủ Việt Nam thiệt mạng. Nhiều người ở Washington đánh giá hành động của Bắc Kinh là không đáng lo ngại, thế nhưng, trong suy tính của Trung Quốc, thì sự khiêu khích này bắt nguồn từ lô gich chiến lược.
Điều gì đã xẩy ra ?
 
Bắc Kinh khẳng định rằng, trên cơ sở nghiên cứu lịch sử, Biển Đông và tất cả các nguồn tài nguyên trong đó thuộc về Trung Quốc. Gần đây, Bắc Kinh lớn tiếng đưa ra các đòi hỏi lãnh thổ dựa trên bản đồ 9 đường gián đoạn và Trung Quốc đã triển khai tàu đánh cá, tàu cảnh sát biển và tàu hải quân ra để khẳng định đòi hỏi này.
 
Việt Nam cho rằng khu vực đó là của mình mà Việt Nam gọi là Biển Đông và khu vực này thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Cả Việt Nam và Philippines phản đối mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc, còn Indonesia, Brunei và Malaysia thì cũng có phản ứng tương tự, tuy có kín đáo hơn.
 
Trung Quốc biết là việc triển khai giàn khoan dầu 981 có thể làm cho Việt Nam tức giận, do vậy, họ điều khoảng 80 tàu đi bảo vệ. Việt Nam chống lại và đã điều động 29 tàu tuần duyên và hải quân, trong số này, nhiều tàu bị các tàu Trung Quốc đâm và phun vòi rồng tấn công.
 
Tất cả những điều này có nghĩa gì ?
 
Trước tiên, nhìn từ góc độ chiến lược chung, Bắc Kinh hành động phối hợp với đồng minh mới của họ là Nga. Trong ba năm qua, hai bên đã xây dựng liên minh chiến lược, cho dù còn lỏng lẻo, để chống lại ảnh hưởng của Mỹ. Vào lúc Nga chiếm Crimée và làm cho chiến trường Tây Âu ù tai với các máy bay ném bom chiến lược, thì Trung Quốc cũng hành động tương tự ở phía đông. Đó là một động thái xiết gọng kìm, với cuộc chiến phi đối xứng, được tính toán kỹ lưỡng, sử dụng tối thiểu lực lượng và thủ đoạn, chưa đến mức để gây ra phản ứng quân sự của Mỹ, nhưng cũng đủ để Nga và Trung Quốc đi xa hơn trong các mục tiêu của mình. Điều này phần nào được khuyến khích do chính quyền Obama đã mất đi khả năng đối phó với một cuộc chiến trên hai mặt trận. Trung Quốc và Nga đã buộc Hoa Kỳ phải dàn trải các mối quan tâm và nguồn lực. Trong “Tam Thập Lục kế” truyền thống, người Trung Quốc gọi đây là kế « Hỗn thủy mạc ngư – Đục nước bắt cá – Lợi dụng tình thế, hành động đạt mục đích ».
 
Thứ hai, Trung Quốc nhìn thấy Hoa Kỳ, với tư cách là cường quốc thế giới, đang trong quá trình rút lui chiến lược nhanh chóng. Trung Quốc nhận ra cốt lõi các thất bại của Mỹ về an ninh quốc gia, như trong hồ sơ Irak (ra đi quá sớm), Afghanistan (chiến lược chống nổi dậy quá khó để thực hiện), Libya (tình trạng tồi tệ sau thời kỳ « lãnh đạo từ phía sau, giật dây ở hậu trường ») và Yemen (Al Qaeda có căn cứ mới bất chấp các vụ tấn công liên tiếp bằng máy bay không người lái). Bắc Kinh nghĩ rằng Washington không thể hiểu nổi Pakistan, « anh em cừu địch » của Hoa Kỳ và gần như là đồng minh của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng đánh giá rằng chính sách dấn thân vào Trung Đông của Tổng thống Obama ở Trung Đông trong bài diễn văn Cairo 2009 đã thất bại vì khủng bố thánh chiến Hồi giáo gia tăng và tất cả các cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập đều trở nên tồi tệ. Do vậy, ở trong khu vực Châu Á, cần phải chiếm lấy Biển Đông. Người Trung Quốc gọi kế này là « Cách ngạn quan hỏa – Đứng trên bờ xem lửa cháy trên sông » – có nghĩa là cứ để yên cho kẻ địch tự rối loạn, kiệt quệ về quân sự, sau đó, ra tay hành động.
 
Thứ ba, liên quan đến chiến lược khu vực, cho dù Trung Quốc nhìn thấy Hoa Kỳ đang ngày càng yếu đi, nhưng họ cũng lo ngại về chuyến công du Châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, để « thêm da đắp thịt » cho chiến lược xoay trục sang Châu Á, với các thỏa thuận quốc phòng và hỗ trợ an ninh. Các thỏa thuận này bao gồm cả việc đẩy mạnh các cuộc tập trận quân sự thường niên với các đồng minh Đông Nam Á như Philippines : Cuộc tập trận Balikatan (Vai kề vai) đã bắt đầu ngày 05/05 vừa qua. Do vậy, các hành động khiêu khích của Trung Quốc là nhằm lách vào bên trong « chiến lược tổng lực dấn thân cùng khu vực » truyền thống của Hoa Kỳ, với một « cú đấm thẳng trong cuộc chiến phi đối xứng ». Nếu hành động nhanh bây giờ, Trung Quốc nghĩ rằng sẽ khiến cho Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giúp đỡ các đồng minh ASEAN về sau này.
 
Thứ tư, Trung Quốc lo ngại Việt Nam đang mạnh lên. Kinh tế Việt Nam phát triển. Hà Nội đang nâng cấp quân đội và hải quân để bảo vệ bờ biển – Biển Đông – nơi đóng vai trò trung tâm đối với ngành hàng hải, ngư dân và lĩnh vực năng lượng của Việt Nam. Chính quyền Hà Nội cũng biết rằng toàn bộ đất nước của họ có thể bị xâm lược và tấn công từ phía bờ biển vào.
 
Với các ý tưởng về an ninh quốc gia, Trung Quốc mong muốn có một Việt Nam ngoan ngoãn và vâng lời theo truyền thống Khổng Tử và Vương triều Trung Quốc. Họ nhắc lại cuộc xâm lăng trừng phạt vào miền bắc Việt Nam trong lúc Hà Nội có đội quân đứng hàng thứ tư trên thế giới. Việt Nam đã nhượng một ít lãnh thổ và mỗi bên có khoảng 30 ngàn người bị thiệt mạng trong gần một tháng chiến sự. Do vậy, theo quan điểm của Bắc Kinh, làm giảm sức mạnh đang chớm nở của Việt Nam là trò chơi thông minh.
 
Vậy tình hình ở Biển Đông sẽ đi tới đâu ? Dường như tình hình sẽ tồi tệ hơn. Không bên nào chịu lùi bước. Vả lại, Trung Quốc đang có những động thái tương tự trong các đòi hỏi chủ quyền biển đảo với Nhật Bản. Trừ phi những cái đầu trầm tĩnh ở Bắc Kinh thắng thế, những rối loạn này có thể dẫn đến một sự sai lầm khủng khiếp.
 
Một nước Việt Nam bị dồn vào chân tường sẽ phản ứng dữ dội hơn là Bắc Kinh lầm tưởng. Các nước ASEAN, vốn liên minh lỏng lẻo với nhau, sẽ buộc phải đoàn kết trước các hành động của Trung Quốc và điều này đi ngược lại các mục tiêu của Bắc Kinh. Nhật Bản đang bị chèn ép và tiến hành tái vũ trang. Còn Hoa Kỳ chưa hẳn là quá suy yếu và bị tổn thương đến mức Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương và hải quân Mỹ không còn khả năng hành động.
 
Bắc Kinh dường như bị mù quáng về « sự trỗi dậy Trung Hoa », về sự tự hào dân tộc hào nhoáng và thành công kinh tế vang dội. Do vậy, Trung Quốc đang gặp nguy hiểm khi không tuân thủ ngạn ngữ của chính họ : « Lên nhà rút thang », có nghĩa là Trung Quốc đang trên đường tự cô lập mình về mặt quân sự, khi hành động một cách vội vã. Chỉ có các chiến lược gia sáng suốt của Trung Quốc có thể giúp làm giảm nhiệt tình hình đang rất nóng bỏng này.
 
Nguồn: http://www.viet.rfi

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Hạm đội 7 muốn tăng hợp tác với VN

Thời sự: Thứ năm, 15/05/2014


Tàu USS John McCain từng tới Việt Nam trong đợt hoạt động hải quân chung hồi tháng Tư
 
Hải quân Hoa Kỳ một lần nữa đề nghị tăng các chuyến thăm tới Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng về tranh chấp biển đảo ngày càng leo thang giữa Việt Nam và Trung Quốc.
 
Trong một thông cáo gửi tới hãng tin Reuters, phía Hoa Kỳ khẳng định lại mong muốn thiết lập quan hệ hải quân chặt chẽ hơn với Việt Nam.
 
Hôm 02/05 Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển do cả hai quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền, gây ra biểu tình chống Trung Quốc ở nhiều địa điểm khác nhau trên Việt Nam.
 
Phát ngôn viên và chỉ huy Hạm đội 7, ông William Marks viết trong thư trao đổi với Reuters: “Chúng tôi quan tâm tới việc kết nối các đối tác trên Biển Đông và hoan nghênh việc tăng cường các chuyến thăm cảng với Việt Nam.”
 
Viên chức quân sự Mỹ nói rằng hải quân nước này không thay đổi việc điều động do căng thẳng Trung – Việt, nhưng hàng ngày vẫn điều máy bay do thám bay trên vùng Biển Đông.
 
Tàu chỉ huy của Hạm đội 7 là tàu khu trục USS Blue Ridge, hiện cũng đang ở trong vùng biển Đông.
 
Reuters dẫn nhận định của ông Carl Thayer, một chuyên gia về quân sự Việt Nam từ Học viện Quốc phòng Úc, nói ông tin rằng Hà Nội nên chớp lấy cơ hội để mở rộng hợp tác với Hoa Kỳ, trong đó có cả chia sẻ thông tin tình báo.
 
Ông Carl Thayer cũng cho rằng, đây là “lựa chọn duy nhất” vào lúc này, và sẽ có lợi ích “lâu dài cho Việt Nam”.


Bãi đáp trực thăng của tàu khu trục USS Blue Ridge – thuộc Hạm đội 7
 
Nguồn: http://www.bbc

Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Trung Quốc đã lộ dã tâm, Việt Nam phải làm gì?


ASEAN kêu gọi chấm dứt gia tăng căng thẳng tại Biển Đông

Thời sự: Chủ nhật, 11/05/2014
 
Các lãnh đạo Asean chụp ảnh chung tại lễ khai mạc Thượng đỉnh Asean, Naypyidaw, 11/05/2014.
Các lãnh đạo Asean chụp ảnh chung tại lễ khai mạc Thượng đỉnh Asean, Naypyidaw, 11/05/2014. REUTERS/Soe Zeya Tun
 
Thanh Hà
 
Kết thúc thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 tại Miến Điện, lãnh đạo 10 thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á đã thông qua bản « Tuyên bố Naypyidaw ». Các bên kêu gọi chấm dứt các hành động làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông.

Trong bản « Tuyên bố Naypyidaw » vừa được công bố chiều ngày 11/05/2014, các lãnh đạo của khối ASEAN « đồng ý đẩy mạnh hợp tác để Tuyên bố chung của các bên về Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC) được thực hiện đầy đủ và hiệu quả, phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế, gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) ». Ngoài ra các bên còn nhất trí thông qua bản Tuyên bố riêng của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tình hình Biển Đông, đã công bố nhân cuộc họp ngày 10/05/2014.
 
Cũng trong bản Tuyên bố Naypyidaw, các lãnh đạo 10 nước ASEAN đặc biệt kêu gọi « các bên liên quan kiềm chế và không dùng vũ lực, chấm dứt các hành động có thể làm căng thẳng thêm tình hình và sớm tiến tới một bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) ».
 
Lần đầu tiên kể từ khi gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á vào năm 1997 tới nay, Miến Điện được quyền tổ chức thượng đỉnh ASEAN. Chủ đề cuộc họp tại Naypyidaw lần này là « Đoàn kết hướng tới một cộng đồng hòa bình và thịnh vượng ». Giới phân tích cho rằng, việc đưa tranh chấp tại Biển Đông vào bản Tuyên bố kết thúc hội nghị Naypyidaw đánh dấu thành công ngoạn mục của ngành ngoại giao Miến Điện.
 

Ba miền VN biểu tình lớn chống TQ

Thời sự: Chủ nhật, 11/05/2014
 

Hình ảnh những người biểu tình tại Sài Gòn hô khẩu hiệu chống Trung Quốc
 
Biểu tình lớn nổ ra sáng Chủ nhật 11/5 tại cả ba miền Bắc Trung Nam để phản đối hành động Trung Quốc mang giàn khoan vào vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam.
 
Con số người tham gia được nói lên tới hàng nghìn ở cả nước.
 
Báo điện tử Vnexpress đưa tin dòng người biểu tình ở Hà Nội sáng 11/5 ước tính lên đến hơn 1000 người.
 
Đoàn biểu tình đã có mặt từ sáng sớm trước tòa đại sứ Trung Quốc với các khẩu hiệu viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung.
 
Tại TP.HCM, 54 nhân sỹ trí thức bao gồm những gương mặt quen thuộc như Giáo sư Tương Lai, bác sỹ Huỳnh Tấn Mẫm, sáng 11/5 cũng đã chủ trì một buổi mít-tinh trước Nhà Hát Lớn.
 
Trong những người xuống đường, còn có các cựu công chức nhà nước, trong đó có những gương mặt quen thuộc như ông Đặng Văn Khoa, ủy viên Ủy ban MTTQ TP.HCM.
 
Ông Khoa được Vietnamnet dẫn lời nói "quan trọng nhất trong việc bảo vệ chủ quyền vẫn là lòng dân. Khi mọi người cùng đồng lòng thì nhất định sẽ bảo vệ được đất nước, giang sơn mà cha ông ta đã xây dựng".
 
Giáo sư Tương Lai phát biểu tại buổi mít-tinh sáng 11/5 trước Nhà Hát Lớn

Đông đảo người dân đã đổ về Nhà Hát Lớn, TP.HCM

Ông Đặng Văn Khoa được nhiều người biết đến nhờ những phát biểu thắng thắn chỉ trích sai phạm của giới công chức

Trao đổi với BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh hôm 11/5, nhà thơ Đỗ Trung Quân, người tham gia vào cuộc tập hợp, tuần hành chống hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, kể lại những điều mà ông đã nghe thấy trong cuộc biểu tình sáng nay như sau:
 
"Trên đường tôi gia nhập vào đoàn biểu tình tôi thấy có một công nhân vệ sinh đẩy xe quét rác đứng lại nói chuyện với một chiến sỹ bảo vệ lãnh sự quán cũng là người Việt. Anh nói rằng 'Họ như thế là đã đụng đến Tổ quốc'."
 
'TQ đã đụng đến Tổ quốc VN'
 
"Một chị đi nhặt bao ny lông và bán vé số cũng nói rằng phải vậy thôi vì nó quá lắm rồi."
"Tôi nhận ra được Trung Quốc đã đụng đến vấn đề thiêng liêng nhất của Việt Nam đó là vấn đề đất nước," nhà thơ nói.
 
Theo tường thuật của VnExpress, sáng 11/5 nắng nóng gay gắt, nhưng người Đà Nẵng vẫn tập trung tại công viên Bạch Đằng, dưới chân cầu Rồng.
 
Thông tin do cư dân mạng đăng tải cho biết đoàn người biểu tình đã diễu đến trước UBND thành phố trước khi giải tán vào tầm 10 giờ.
 
Đây là một trong những lần hiếm hoi một cuộc biểu tình nổ ra ở Đà Nẵng

Theo một số phản ánh từ TP.HCM, các đường chính dẫn đến tòa lãnh sự Trung Quốc đã bị chặn sau cuộc biểu tình hôm 10/5, vốn đã được báo chí trong nước đăng tải rộng rãi.
 
Tuy nhiên, đông đảo người biểu tình vẫn đứng trước rào chắn của lực lượng an ninh, với quốc kỳ Việt Nam và các khẩu hiệu phản đối Trung Quốc.
 
Các đường chính dẫn đến tòa lãnh sự Trung Quốc ở TP.HCM đều bị chặn

Một người dân sống ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, nói với BBC với điều kiện giấu tên rằng cuộc biểu tình chống hành động của Trung Quốc vào sáng 11/5 ở thành phố Hồ Chí Minh diễn ra 'thuận lợi', 'không bị cấm cản' và 'không có ai bị bắt'.
 
Theo lời người này kể do sáng Chủ nhật trên đường phố xe cộ đông đúc nên chỉ có cảnh sát điều tiết giao thông để những người biểu tình tuần hành thuận lợi và đoạn đường trước Lãnh sự quán Trung Quốc được công an bảo vệ để tránh người biể̉u tình tiếp cận.
 
Tuy nhiên, theo quan sát của người này thì cũng có nhiều công an có mặt để theo dõi những người mà họ cho là khả nghi để phòng khi cuộc biểu tình chống Trung Quốc chuyển thành chống chế độ.
 
Theo lời kể của anh này thì anh có gặp một người phụ nữ trong đám đông biểu tình bức xúc trước thái độ mà bà cho là 'bán nước' của chính quyền.
 
Tuy nhiên, trong số những khẩu hiệu được hô trong cuộc biểu tình không có khẩu hiệu chống chính quyền, theo lời nhân chứng giấu tên này.
 
"Có một số người có tâm lý dè dặt. Khi tôi rủ họ đi biểu tình thì họ không dám đi vì sợ ra đến đó sẽ bị dính vào biểu tình chống chế độ," ông nói.
 
"Nếu chỉ biểu tình phản đối Trung Quốc thôi thì không sao."
 
Một cuộc biểu tình cũng đã diễn ra trước tòa lãnh sự Trung Quốc sáng 10/5

Tân Hoa Xã nói về hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Miến Điện:
 
Hôm thứ Bảy các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã bày tỏ'quan ngại sâu sắc' về các diễn biến ở Biển Nam Trung Hoa và kêu gọi có giải pháp hòa bịnh.
 
Các bộ trưởng ASEAN khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không trong vùng biển Nam Trung Hoa(SCS) cũng như Nguyên tắc sáu điểm về SCS cùng Tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh A SEAn- Trung Quốc nhân kỉ niệm 10 năm Tuyên bố ứng xử của các bên tại vùng biển Nam Trung Hoa (DOC).
 
Hôm thứ Sáu, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc bà Hoa Xuân Oánh đã nhắc lại Trung Quốc đặt giàn khoan ở Tây Sa, nơi không hề có tranh chấp, Tân Hoa Xã nói.
 
Người biểu tình hô vang các khẩu hiệu khẳng định chủ quyền trước tòa đại sứ Trung Quốc

BBC News, London: Hiệp hội các nước Đông Nam Á họp thượng đỉnh lần đầu tại Miến Điện đã kêu gọi Trung Quốc cùng Việt Nam chấm dứt đối đầu ngoài Biển Đông và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
 
Theo phóng viên Bill Hayton của BBC News (11/5), tuần trước Trung Quốc đã cho một giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam cũng tyên bố chủ quyền và khiến nổ ra các vụ va chạm nhiều ngày liền giữa các tàu của lực lượng phòng vệ bờ biển hai bên.
 
Các tổ chức dân sự cũng kêu gọi trả tự do cho những người từng tham gia chống Trung Quốc đang bị bỏ tù

Bản tin của hãng thông tấn Mỹ AP vừa được phát đi viết: "Việt Nam cho phép hàng trăm người tập hợp la ó phía ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội vào Chủ nhật ngày 11/5 để phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan ra vùng biển có tranh chấp trên Biển Đông."
 
"Các nhà lãnh đạo chuyên chế của Việt Nam kiểm soát các cuộc tập hợp của quần chúng rất chặt chẽ do lo sợ những người biểu tình chống chính quyền. Nhưng lần này dường như họ phải nhường bước trước sự phẫn nộ của quần chúng."
 
AP dẫn lời một luật sư có tên là Nguyễn Xuân Hiền nói: "Chúng tôi đều phẫn nộ trước hành động của Trung Quốc."
 
"Chúng tôi phải đến đây để người Trung Quốc có thể hiểu được sư phẫn nộ của chúng tôi," ông nói với AP.
 
Một số nhân viên bên trong tòa đại sứ Trung Quốc được cho là đã quay phim, chụp hình người biểu tình

Theo AP thì đây là cuộc biểu tình lớn nhất ở Việt Nam sau sự cố tàu thăm dò của Việt Nam bị phía Trung Quốc cắt cáp hồi năm 2011. Khi đó, chính quyền Việt Nam cho phép biểu tình trong một vài tuần nhưng sau đó đã dùng biện pháp trấn áp khi các cuộc tập hợp này chĩa mùi dùi vào phía chính quyền.
 
Theo miêu tả của AP thì trong cuộc biểu tình hôm Chủ nhật 11/5 có diễn giả đứng trên xe cảnh sát lên án hành động của Trung Quốc, đài truyền hình nhà nước có mặt tại chỗ ghi lại diễn biến và có những người tung khẩu hiệu ghi: "Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào Đảng, Chính phủ và Quân đội nhân dân."
 
"Một số người biểu tình rõ ràng là người của chính quyền, trong khi nhiều người khác là những người dân thường phẫn nộ trước hành động của Trung Quốc. Một số nhà hoạt động quyết định không tham gia vì có sự dính líu của Nhà nước," bản tin viết.
 
Từ Sài Gòn, blogger Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng nay đã là thời điểm Đảng và nhà nước Việt Nam phải dựa vào nhân dân mới có thể đối phó được với Trung Quốc trong vụ giàn khoan đang gây ra đối đầu căng thẳng giữa hai nước.
"Đến lúc nhà nước cũng phải cần đến sự ủng hộ của nhân dân, do vậy cũng không còn ngăn cấm như hồi xưa nữa, hồi xưa bất cứ những phát biểu nào, biểu hiện nào tự phát của nhân dân đều bị nhà nước cấm đoán khi đụng tới Trung Quốc," nguyên Thư ký Tòa soạn báo thanh niên giải thích sự thay đổi đột ngột của chính quyền.
 
"Nhưng bây giờ nhà nước nghĩ rằng phải dựa vào nhân dân, cho nên báo chí bắt đầu cũng được cho phép nói, và cụ thể là chiều nay tại Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, đã cho luật sư đoàn tổ chức một cuộc mít-tinh chống lại xâm lấn của Trung Cộng."
 
Ông Trần Tiến Đức, nguyên Vụ trưởng Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam đã có bình luận với BBC về động thái được cho là thay đổi 180 độ của chính quyền đối với các cuộc phản đối Trung Quốc do người dân tự động tổ chức, hay còn gọi là 'biểu tình tự phát'.
 
"Theo ý kiến của tôi, chắc chắn việc người dân được biểu tình một cách tương đối là tự do, mà không bị lực lượng an ninh hoặc công an ngăn cấm, thì chắc chắn đó là có chủ trương của nhà nước," , nói.
 
"Một số nguồn tin người ta nói rằng là (chính quyền) không ngăn cản mà cũng không khuyến khích, tôi nghĩ rằng trước tình hình như thế này, nếu bây giờ các ông ấy ngăn cản người dân đi biểu tình, biểu thị lòng yêu nước.
 
"Biểu thị thái độ lên án đối với sự xâm lược trắng trợn của Trung Cộng đối với chủ quyền, đối với toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam, thì các ông ấy sẽ bộc lộ ngay cái bộ mặt là những kẻ bán nước,
 
"Trước tình hình như thế này, nếu bây giờ các ông ấy ngăn cản người dân đi biểu tình, biểu thị lòng yêu nước, biểu thị thái độ lên án đối với sự xâm lược trắng trợn của Trung Cộng đối với chủ quyền, đối với toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam, thì các ông ấy sẽ bộc lộ ngay cái bộ mặt là những kẻ bán nước."
 
"Và chắc chắn là các ông ấy không muốn để cho người dân lên án như vậy."
 
Tác giả "Bên Thắng Cuộc" cũng xuống đường

Nhà báo Huy Đức viết trên Facebook: Có quá nhiều lời kêu gọi, vậy sáng nay, chủ nhật 11-5-2014, chúng ta nên đi theo lối nào? - Nhiều bạn trẻ hỏi tôi. Tôi nghĩ, bạn có thể đọc hay không đọc những lời kêu gọi ấy, thậm chí, bạn có thể nghe hoặc không nghe nói đến "đèn xanh" của Chính quyền; nhưng, bạn chỉ nên bước ra khỏi nhà khi biết trong lòng mình nghĩ gì.
 
Chỉ khi chúng ta nhận ra đất nước cần gì ở mình trong tình thế này; biết mình có thể đóng góp được gì và đặc biệt biết những việc mình đang làm là để thỏa tâm nguyện của chính mình thì mới nên Xuống Đường!
 
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết trên Facebook: Những hình ảnh xuống đường của nhân dân, nhân sĩ, trí thức, cựu chiến binh ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng....cảm động đến trào nước mắt.
 
Tổ Quốc tôi như một con tàu, dũng mãnh, can trường, xông thẳng ra biển lớn
 
Nhà thơ, nhà văn Thái Bá Tân viết trên Facebook:
 
Sơn hà đang nguy biến.
Kẻ thù đã kề bên.
Chúng ta, con dân Việt,
Hãy nhất tề đứng lên.
 
Mỗi người theo một cách
Yêu đất nước của mình.
Nhưng không ai được phép
Thờ ơ và vô tình.
 
Nguồn: http://www.bbc

Việt Nam lên án Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông tại Thượng đỉnh ASEAN

Thời sự: Chủ nhật, 11/05/2014

Các nguyên thủ Đông Nam Á tại Thượng đỉnh Asean, Naypyidaw, 10/05/2014. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (thứ sáu từ trái sang).
Các nguyên thủ Đông Nam Á tại Thượng đỉnh Asean, Naypyidaw, 10/05/2014. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (thứ sáu từ trái sang).
REUTERS/Soe Zeya Tun
Thanh Hà
        
Ngày 11/05/2014, Thượng đỉnh ASEAN khai mạc tại Miến Điện. Căng thẳng tại Biển Đông là trọng tâm Hội nghị. Lãnh đạo 10 thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á đặc biệt quan ngại về tình hình Biển Đông. Thủ tướng Việt Nam trực tiếp lên án Trung Quốc « ngang nhiên » gây hấn và đã có những hành động « cực kỳ nguy hiểm » đe dọa hòa bình.
 
Căng thẳng ở Biển Đông làm lu mờ sự kiện lần đầu tiên thượng đỉnh ASEAN được tổ chức tại Miến Điện kể từ khi quốc gia này tham gia Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Phát biểu tại phiên họp toàn thể các lãnh đạo ASEAN tại Naypyidaw, Miến Điện, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lên án Trung Quốc vi phạm luật biển quốc tế qua việc đã « ngang nhiên » đưa giàn khoan vào thềm lục địa, « rất hung hăng » bắn vòi rồng, và « đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, dân sự của Việt Nam, gây nhiều hư hại và làm nhiều người bị thương ».

Thủ tướng Việt Nam nói thêm : « Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào địa điểm nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của một nước trong ASEAN. Đây là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông ».

Sau cùng Thủ tướng Việt Nam cho biết Hà Nội đã dùng mọi kênh đối thoại để liên lạc với Bắc Kinh nhằm "phản đối và yêu cầu” Trung Quốc rút giàn khoan, tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Nhưng đến nay «Trung Quốc không những không đáp ứng mà còn tiếp tục gia tăng các hành động vi phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn».

Trong cuộc họp với các lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Việt Nam khẳng định coi trọng quan hệ Việt Trung nhưng « kiên quyết phản đối các hành động vi phạm và bằng mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình ». Việt Nam kêu gọi ASEAN và quốc tế phản đối hành động khiêu khích của Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam.

Phản ứng của Trung Quốc

Hôm qua (10/05/2014) chỉ vài giờ sau khi các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra Tuyên bố về tình hình Biển Đông, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định « Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc với ASEAN ». Đồng thời Bắc Kinh lên án một số quốc gia « lợi dụng vấn đề Biển Đông để chia rẽ Trung Quốc với Hiệp hội các nước Đông Nam Á ».

Sau khi Trung Quốc đơn phương đạt giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, sau vụ tài Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam, bản Tuyên bố của các Ngoại trưởng ASEAN về tình hình Biển Đông được công bố hôm 10/05/2014 tại Naypyidaw bày tỏ « quan ngại sâu sắc » về những gì đang diễn ra tại khu vực này. Ngoại trưởng các nước ASEAN kêu gọi các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 ; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình ; khẳng định tầm quan trọng của an ninh hàng hải, tự do lưu thông trên biển và trên không ở Biển Đông. Ngoại trưởng Singapore, nhấn mạnh : ASEAN không thể im lặng trước những sự cố gần đây ở Biển Đông vì điều đó sẽ càng làm tổn hại đến uy tín của khối này.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1995, ASEAN ra một Tuyên bố riêng về mối đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Giới quan sát nhấn mạnh đến sự đoàn kết của 10 thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á.

Nguồn: http://www.viet.rfi