Hiển thị các bài đăng có nhãn Tham Luận - Chính Trị. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tham Luận - Chính Trị. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Bán Dầu Chống Giặc... Và Kiếm Lời

Nguyễn-Xuân Nghĩa

Vì sao Hoa Kỳ nên cho xuất cảng dầu thô?



* Thả dầu may ra thì đỡ thả bom!... *
 
Tuần qua, khi Iraq có loạn với lực lượng xưng danh Quốc gia Iraq và Đông phương (ISIL) từ Syria tràn qua đã chiếm các thành phố Mosul và Tikrit rồi uy hiếp thủ đô Baghdad, giá dầu thô đã tăng vọt. Hôm Thứ Năm 19, dầu thô trên thị trường Brent vượt mức 115 đồng một thùng, còn trên thị trường NYMEX của Mỹ vẫn cứ chờn vờn ở giá 107 đồng,

Do tình trạng cung cầu khá căng thẳng hiện nay, nếu xứ Iraq mới trở lại bán dầu ở giữa khu vực chiến lược về năng lượng là Trung Đông mà lại bị khủng hoảng và các giếng dầu bị tấn công thì kinh tế thế giới có thể lại bị tổng suy trầm nữa. Đó là kịch bản đáng ngại nếu giá dầu tăng thêm 20 đô la, trong khi Ngân hàng Thế giới vừa hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,4% xuống 2,8% cho năm nay. Nhiều chuyên gia về thương phẩm và năng lượng còn nói đến giả thuyết kinh hoàng mà họ cho là khả thể, là dầu thô sẽ lên tới 200 đô la một thùng!

Khi ấy, kinh tế toàn cầu không chỉ suy trầm mà suy thoái, và trôi vào khủng hoảng.


***

Bốn tháng trước, khi vụ khủng hoảng Ukraine bùng nổ, người ta đã nói đến thế mạnh của Tổng thống Vladimir Putin nhờ Liên bang Nga là một nước xuất cảng dầu thô và khí đốt cho nên có thể dùng năng lượng làm võ khí hóa giải áp lực của các nước Âu Châu.

Năng lượng đem lại phân nửa thu nhập của Nga và ngân sách của Putin được trù tính với giá dầu ở mức 117 đồng một thùng. Nếu giá dầu mà sụt đến mức 90 đồng thì nền kinh tế đang suy trầm của Nga sẽ gặp khủng hoảng, như đã từng bị vào năm 2009. Vì vậy, một trong các giải pháp ứng phó của Tây phương, Âu Châu và Hoa Kỳ, là làm giảm giá dầu thô và khí đốt.

Để giải toả sức ép của Nga, và yểm trợ Ukraine cùng các đồng minh Âu Châu, Hoa Kỳ có thể áp dụng giải pháp đó như nhiều nhân vật trong Quốc hội đã đề nghị từ Tháng Ba. Người ta lý luận rằng việc Mỹ cho phép xuất cảng dầu thô và khí đốt của mình có thể là đòn phản công.

Nhưng bây giờ với vụ Iraq, vấn đề hết là phản công để đối phó với Liên bang Nga, mà là ngừa rủi ro khủng hoảng vì năng lượng lên giá. Một trong các giải pháp lại được nhắc nhở là Chính quyền nên cho phép bán dầu. Ngẫu nhiên sao, cuối Tháng Năm vừa qua, công ty tư vấn đa năng IHS vừa công bố một phúc trình nghiên cứu theo chiều hướng này.

Vài hàng về IHS này đã.

Xuất phát từ một nhà xuất bản sách báo kỹ thuật vào năm 1959, IHS Inc. (Information Handling Service, Vận trù Thông tin) là doanh nghiệp về thông tin của Hoa Kỳ có hội sở tại tiểu bang Colorado và có nhiều phân bộ như Jane's Information ở bên Anh, nổi tiếng về nghiên cứu quốc phòng, hay Global Insight ở bên Mỹ, chuyên về tư vấn kinh tế.... Doanh nghiệp này chú trọng đến các vấn đề kỹ thuật không gian, khai thác nhu liệu thông tin, năng lượng hay kinh tế toàn cầu và nhận nghiên cứu từng hồ sơ chuyên biệt cho các khách hàng.


***

Về bối cảnh, Hoa Kỳ vừa lặng lẽ tiến hành một cuộc cách mạng về thuật lý năng lượng ("energy technology") với những kỹ thuật khai thác rất mới để (xin tạm gọi là) "gạn cát lấy dầu và khí đốt". Bài này xin nói riêng về dầu thô, theo bản phúc trình 144 trang của IHS.

Nhờ cuộc cách mạng về kỹ thuật "fracking", từ năm 2008 đến Tháng Ba năm nay, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng đến 64%, thêm được ba triệu 200 ngàn thùng một ngày, viết tắt là 3,2 mbd. Cũng nhờ tăng sản lượng nội địa, Hoa Kỳ lệ thuộc ít hơn vào dầu nhập cảng, từ 60%, lượng dầu ngoại nay chỉ chiếm có 30% số tiêu thụ. Tức là Mỹ vẫn nhập dầu, nhưng ít hơn, và sản lượng Mỹ có nâng số cung trên toàn cầu trong khi nhiều nước sản xuất khác lại bị trở ngại nên Hoa Kỳ đã tránh cho thế giới một vụ tăng giá dầu. Tăng suất của Mỹ - hơn ba triệu thùng một ngày như vừa nói – là một kỷ lục lịch sử và cao hơn tổng số gia tăng vừa qua của tất cả các nước khác.

Theo một công trình nghiên cứu năm ngoái của cơ quan International Energy Agency (World Energy Outlook 2013), thì nhờ đặc tính địa chất và thuật lý mới, nội trong thập niên này Mỹ có triển vọng là nước sản xuất dầu thô số một thế giới, tức là vượt Nga và các nước Trung Đông. Khi ấy, bài toán năng lượng của Hoa Kỳ và hậu quả chiến lược cho thế giới, sẽ có thay đổi.

Nhưng câu hỏi đặt ra là ngày nay Hoa Kỳ vẫn còn phải mua của thiên hạ đến 30% lượng dầu tiêu thụ, tại sao lại muốn cho bán dầu ra ngoài? Ai cấm mà phải xin?

Người ta có ba câu trả lời; trước hết là trở ngại pháp lý về quyền xuất cảng.

Từ những năm 1972, khi thế giới bị khủng hoảng năng lượng vì đòn phong toả dầu thô của các nước bán dầu tại Trung Đông, Hoa Kỳ áp dụng chánh sách kiểm soát giá dầu và cấm xuất cảng dầu để bảo đảm an toàn cho thị trường nội địa. Mươi năm sau, từ năm 1981, việc kiểm soát giá dầu theo chế độ bao cấp khá phổ biến trước đó đã chấm dứt để giá dầu lên xuống theo quy luật cung cầu. Nhưng lệnh cấm xuất cảng vẫn được duy trì cho tới ngày nay.

Vấn đề thứ hai thuộc về kỹ thuật, là khả năng chế biến, tức là lọc dầu thô ra xăng, nhớt, dầu cặn, v.v.....

Hệ thống chế biến của Mỹ đã đầu tư cả trăm tỷ để lọc dầu ra xăng và dầu ở đây là loại "nặng", chủ yếu nhập từ Canada, Mexico hay Venezuela. Trong khi đó, kỹ thuật hay công nghệ "fracking" – bơm nước và dung dịch hóa học vào các tầng đá phiến để giải phóng dầu thô và khí đốt – lại bơm lên loại "dầu chặt" hay "dầu nhẹ", tight oil hay light oil.

Tức là hạ tầng chế biến không phù hợp với loại nguyên nhiên liệu mới, cho nên Mỹ thiếu dầu nặng mà thừa dầu nhẹ nhưng lại chưa được phép xuất cảng vì những ràng buộc được đưa ra từ hơn 30 năm trước.

Vấn đề thứ ba là chính trị.

Nhiều doanh nghiệp chế biến là các hãng lọc dầu thì vẫn muốn duy trì lệnh cấm bán để mua nguyên liệu với giá rẻ. Họ vận động hành lang chính trị và yêu cầu Quốc hội không đổi luật. Kế đó, các trung tâm bảo vệ môi sinh rất có ảnh hưởng trong đảng Dân Chủ và Chính quyền Barack Obama thì e là kỹ thuật mới sẽ gây ô nhiễm. Họ đã muốn hạn chế giấy phép lập hãng lọc dầu, và nay vẫn chặn đường xuất cảng nên cản trở cuộc cách mạng về thuật lý năng lượng.

Hậu quả là Hoa Kỳ tiếp tục mua năng lượng do nơi khác khai thác, với kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm thua xa kỹ thuật Hoa Kỳ. Nói theo kinh tế là khi nhập cảng dầu, Hoa Kỳ gây thêm ô nhiễm cho địa cầu nhiều hơn là nếu sản xuất lấy. Việc Tổng thống Obama đã lần lữa nhiều năm rồi vẫn trì hoạn dự án lập ồng dẫn dầu Keystone XL để nhập dầu Canada cho các doanh nghiệp Mỹ chế biến tại nhiều tiểu bang cũng phản ảnh áp lực đó của giới bảo vệ môi sinh.

Bây giờ, ta bước qua bài toán then chốt là chuyện lời lỗ trên tổng thể...


***


Trước hết là mối lợi kinh tế.

Theo phúc trình của IHS, nếu Hoa Kỳ giải toả lệnh cấm bán dầu và cho phép mua bán tự do, thì nhật lượng dầu thô của Mỹ hiện nay là 8,2 triệu thùng (một ngày) có thể tăng thêm ba triệu, lên tới 11 triệu 200 ngàn thùng. Nhờ vậy, từ năm 2016 đến 2030, kinh tế Hoa Kỳ có thêm một lượng đầu tư trị giá 746 tỷ đô la và tạo thêm việc làm cho công nhân Mỹ. IHS ước tính là sản lượng kinh tế Hoa Kỳ đã tăng được 1% trong hai năm qua chính là nhờ khu vực năng lượng và thống kê Bộ Lao Động cũng cho biết là khu vực dầu khí đã tạo ra nhiều việc làm nhất trong giai đoạn khó khăn vừa qua.

Thứ nhì, thế giới ngày nay vẫn yết giá dầu bằng đô la và giá xăng dầu tiêu thụ trên thị trường Mỹ được tính giá từ giá dầu quốc tế, chứ không theo giá dầu thô nội địa. Khi Hoa Kỳ nâng sản lượng dầu thì giá dầu trên thế giới sẽ giảm, nhờ vậy mà xăng dầu cho nhà tiêu thụ tại Mỹ cũng giảm. IHS dự toán là giảm được tám xu cho một ga lông. Nhờ đó, giới tiêu thụ đỡ tốn – hay tiết kiệm được – 265 tỷ đô la trong khoảng thời gian từ 2016 đến 2030.

Lập luận này quan trọng vì phản bác lối suy tính của các hãng lọc dầu. Họ muốn chặn đà xuất cảng để giá dầu nội địa sẽ giảm vì cung nhiều hơn cầu. Thật ra, khi Mỹ xuất cảng dầu thì hậu quả dội ngược vào trong sẽ khiến giá dầu thô và xăng nhớt nội địa sẽ giảm.

Thứ ba, khi được phép xuất cảng dầu, sản lượng kinh tế Mỹ có thể tăng được 135 tỷ, số việc làm thêm được gần một triệu và cụ thể thì lợi tức của mỗi hộ gia đình có thêm 391 đồng. Ngoài ra, hóa đơn mua dầu của Hoa Kỳ có giảm được 67 tỷ một năm; so với tình trạng nhập cảng vào năm 2013 thì giảm 30%.

Tổng kết lại thì số thu nhập của nhà nước Hoa Kỳ trong khoảng thời gian 15 năm tới, từ 2016 đến 2030, sẽ tăng thêm được 1.311 tỷ....

Quan trọng hơn cả, Hoa Kỳ sẽ thành một đại gia về năng lượng, ít lệ thuộc hơn vào dầu thô của nước ngoài mà còn có ảnh hưởng mạnh hơn đến giá dầu trên thế giới, kể cả ngân sách của Liên bang Nga hay khả năng chống đỡ của Ukraine và các nước Âu Châu.

Xưa nay, người ta cứ lầm tưởng rằng Hoa Kỳ gây chiến khắp nơi là để mua dầu. Nhiều người còn cho là nước Mỹ nham hiểm cứ mua dầu của thiên hạ trong khi ngồi lên các giếng dầu của mình. Sự thật lại không đơn giản như vậy. Và từ ba chục năm nay, luật chơi về năng lượng đã có thay đổi nhưng giới chánh trị thì chậm lụt và cục bộ nên chưa nhìn ra.

Dù sao, khuyến cáo của IHS rất nên được các chính khách Mỹ chú ý.

Còn hơn là nghe lời một Nghị sĩ Dân chủ tại New York là Chuck Schumer, rằng nên phản đòn Putin bằng cách bán dầu từ kho Dự trữ Chiến lược để làm giảm giá dầu trên thế giới!

Kho dự trữ được lập ra từ năm 1975 để đối phó với sự gián đoạn bất thường của nguồn cung cấp, và tổng cộng chỉ có gần 700 triệu thùng, đủ cho hơn một tháng tiêu thụ. Xả kho chiến lược này không thể làm giảm giá dầu quốc tế mà chỉ phản ảnh tầm nhìn ngắn ngủi của các chính khách!

Chúng ta sẽ theo dõi viễn kiến của họ, và nên bỏ phiếu căn cứ trên tiêu chuẩn đó.


_______________


ISIL hay ISIS?

Bài này xin có một bonus làm mưỡu hậu về cách gọi tên lực lượng vừa gây chấn động tại Iraq.

Thành lập từ năm 2004 như một phân cục của tổ chức khủng bố Al-Qaeda tại Iraq, lực lượng này đã xưng danh là "Islamic State in Iraq and Syria", nên được nhiều cơ quan truyền thông Mỹ, kể cả tờ New York Times viết tắt là ISIS. Trên đài truyền hình hay phát thanh, nhiều nơi đọc tên tắt ISIS thành "eye-sis", tương tự như nữ thần Isis của Ai Cập. Nhưng cũng có nơi đọc thành "ee-sis"

Rắc rối là Chính quyền Hoa Kỳ và nhiều hãng thông tấn như AP thì gọi là "Islamic State in Iraq and the Levant" và viết tắt là ISIL. Tên tắt này được đọc thành "eye-ess-eye-ell". Cũng tên tắt ISIL ấy phù hợp với một cách xưng danh khác của lực lượng phiến quân vừa từ Syria tràn qua Iraq "Islamic State in Iraq and ash-Sham" hay "al-Sham."

Vấn đề ngôn từ ở đây là tên của lực lượng xuất phát từ tiếng Ả Rập: "al-Dawla al-Islamiya fil-Iraq wa al-Sham". Al-Sham là tiếng Ả Rập chỉ vùng đất chung quanh Dasmascus của Syria, sau này mở rộng thành cả khu vực từ Địa Trung Hải vào tới đất Lưỡng Hà của Iraq. Khi theo đúng tên gọi al-Sham ấy thì lực lượng ISIL muốn lập ra một đế chế Hồi giáo bao trùm lên đất Syria, Israel, Jordan, Lebanon, Iraq và cả vùng Đông Nam của Turkey.

Vì mấy rắc rối về lịch sử như vậy, người ta mới dịch tên thành "Islamic State in Iraq and the Levant", "Islamic State in Iraq and Syria", hay "and Greater Syria", v.v.... 

Nhưng chưa đủ nhức đầu, kẻ trong cuộc là đám phiến quân ấy không chấp nhận chữ Syria - là do Hy Lạp đặt ra thời xưa - hay tên Syria là quốc gia hiện đại mà chính họ muốn xoá bỏ để trở về một khái niệm cổ xưa hơn, cách mạng hơn!

Người viết này thiên về cách gọi tắt là ISIL, nó vừa thể hiện chữ Levant vừa phản ảnh chữ al-Sham hay ash-Sham, và cho còn thấy tham vọng rộng lớn của lực lượng cuồng tín này vì muốn xây dựng một Đế chế Hồi giáo bao trùm lên Syria, Lebanon, Israel, Jordan và Iraq.

Chuyện còn dài, nhưng vài dòng trình bày cũng để cho thấy sự đắn đo cân nhắc của người làm tin hay viết bình luận.
 

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Đổ Bộ 1944 và Đổ Bể 2014

Nguyễn-Xuân Nghĩa

Mỗi lễ tưởng niệm quá khứ lại là một vở kịch chính trị cho hiện tại....

* Nhửng hài kịch trong một bi kịch lớn của nhân loại *

 
Ngày Thứ Sáu, mùng sáu Tháng Sáu, lãnh đạo các nước "đồng minh", trong ngoặc kép, tới Pháp dự lễ kỷ niệm cuộc đổ bộ tại Normandie cùng ngày hôm đó vào năm 1944 để mở đầu cho việc giải phóng Âu Châu đúng 70 năm về trước. Năm nay, ngần ấy vị nguyên thủ đều "có những niềm riêng"....

Cho nên chúng ta chứng kiến một hài kịch nhiều cảnh.

Normandie là lãnh thổ của Pháp, khi đó nằm dưới gót giày Đức quốc xã. Lãnh đạo Lực lượng Pháp Tự do (France Libre) khét nổi tiếng với lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến" phát thanh từ thủ đô Luân Đôn của Anh vào ngày 18 Tháng Sáu năm 1940 là Tướng Charles de Gaulle. Ông bị gạt ra ngoài quyết định đổ bộ để tổng phản công của Anh và Mỹ, chỉ được Winston Churchill ái ngại cho biết có hai ngày trước!


***

Một chút bối cảnh gần xa:

Khi Thế chiến II bùng nổ vào đầu Tháng Chín 1939, de Gaulle mới là Đại tá. Ông tham gia kháng chiến chống Đức rất sớm và tới Tháng Năm 1940 được gắn một sao của Thiếu tướng, Trừ bị thôi, sau này miền Nam chúng ta gọi là Chuẩn tướng. Dù lon lá rất thấp so với nhiều thượng cấp lẫy lừng hơn trong quân đội Pháp, de Gaulle vẫn tự trao phó trách nhiệm lãnh đạo kháng chiến, tự cho mình là đại diện chân chính của nước Pháp, là nước Pháp, nên gặp khá nhiều trở ngại.

Một trong những trở ngại lớn nhất là Tổng thống Franklin D. Roosevelt của Hoa Kỳ.

Ông Roosevelt hâm mộ văn hoá Pháp nhưng dị ứng với chế độ thực dân và coi thường de Gaulle. Về sau còn chê nhân vật này là lãnh tụ độc tài con con. Trong hàng ngũ kháng chiến Pháp, Roosevelt tin vào loại người dễ nói chuyện hơn, như Đại tướng Henri Giraud hay Đô đốc François Darlan. Trong nội bộ công cuộc kháng chiến của Pháp, nhiều tướng lãnh khác đã từng muốn lật de Gaulle mà không thành, kể cả Giraud và Darlan với thế lực Mỹ ở đằng sau. Đấy là chuyện quá xa cho chúng ta ngày nay?

Qua năm sau, khi nước Pháp được giải phóng, cũng de Gaulle đã đòi là quân đội Pháp dẫn đầu đoàn binh tiến vào thủ đô Paris và quyết liệt từ chối việc Hoa Kỳ phát hành MPC (đô la đỏ) cho lính Mỹ tạm sử dụng trên thị trường Pháp. Phải chi miền Nam chúng ta nhớ được và làm được chuyện đó sau khi Thủy quân Lục chiến Mỹ bất ngờ đổ bộ vào Đà Nẵng, Tháng Ba 1965!

Tinh thần quốc gia của de Gaulle và thái độ trịch thượng của Roosevelt khiến quan hệ Pháp-Mỹ có mâu thuẫn nặng. Cho nên về sau cũng ảnh hưởng đến phản ứng của de Gaulle với cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam! Vậy mà Lyndon B. Johnson chọn thủ đô Paris đế tiến hành "hòa đàm" với Hà Nội năm 1968. Nhưng đấy là những chuyện về sau của một hài kịch khác.

Vì những lý do sâu xa nói trên, khi lên làm Thủ tướng (1944-1946) rồi Tổng thống Pháp (1959-1969) de Gaulle không hề dự lễ kỷ niệm ngày đổ bộ, ngày D-Day như Mỹ và Anh vẫn gọi.


***


Cuộc đổ bộ ấy cũng không có sự tham gia của quân đội Liên bang Xô viết.

Đây là một kế hoạch Anh-Mỹ.

Trong Thế chiến II, trên địa bàn Âu Châu, ba nước thực tế lãnh đạo phe "đồng minh" là Hoa Kỳ, Anh và Liên Xô. Biệt tài của lãnh đạo Liên Xô thời ấy là Stalin là... sát quân và giết dân. Việc đo đếm tổn thất là điều khó và khó chính xác, nhưng số tử thương của Liên Xô lên tới ít nhất là 22 triệu người (khoảng 14% dân số thời ấy), so với Hoa Kỳ (cỡ 420 ngàn, 0,4% dân số) và Anh (450 ngàn, gần 1% dân số) và Đức (gần sáu triệu, quãng 10% dân số) thì nặng gấp bội. Vì vậy, Stalin rất mừng khi Anh-Mỹ mở cuộc tổng phản công ở hướng Tây, để giảm áp lực cho Hồng quân Xô viết tại hướng Đông.

Nghĩa là Liên Xô không có tí lon nào trong vụ Normandie 1944. Mãi tới năm 2004, 15 năm sau khi Liên Xô bắt đầu tan rã và 13 năm sau khi Liên bang Nga ra đời, lãnh đạo nước Nga mới được mời dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày đổ bộ.

Năm đó, Tổng thống Vladimir Putin mới chỉ là thợ vịn đóng vai phụ diễn trong vở Normandie. Khi ấy, Tổng thống George W. Bush mới gây chấn động sau chiến dịch Iraq năm trước. Lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ công khai phê phán sự sai lầm - và bày tỏ nỗi ân hận - của Hoa Kỳ là hy sinh tự do của phân nửa Âu Châu, để Đông Âu rơi vào quỹ đạo Xô viết.

Bài diễn văn đó khiến ta nhớ lại lễ kỷ niệm 40 năm ngày đổ bộ Normandie.

Năm 1984, Tổng thống Ronald Reagan tới Normandie đọc diễn văn, hào hiệp tỏ lòng thương tiếc cái giá rất đắt mà thường dân Nga đã phải hứng chịu trong Thế chiến II, rồi hào hùng đả kích việc Hồng quân Liên Xô chiếm đóng các nước Đông Âu. Lễ kỷ niệm ngày đổ bộ là một dịp phê phán về đạo lý, hoàn toàn phù hợp với lý luận Reagan, rằng Liên Xô là "Đế quốc độc ác".

Chúng ta nhảy tới năm nay, lễ kỷ niệm thứ 70.


***

Vladimir Putin vẫn được Tổng thống François Hollande của Pháp mời qua để hiên ngang có mặt và phóng hình tuyên truyền về nhà, dù đã có vụ thôn tính Crimea và uy hiếp Ukraine. Vì vậy, vở kịch "Normandie 70" trở thành hài kịch.

Hãy nhắc tới bi kịch đã: 20 năm trước, vào năm 1994, ba nước "đồng minh năm xưa" thời Thế chiến II là Anh, Mỹ, Nga có một thỏa thuận tại Budapest về cách xử lý kho võ khí hạch tâm của Ukraine. Nước Ukraine độc lập từ 1991 sẽ trao lại toàn bộ số võ khí tàn sát này cho Liên bang Nga.

Dưới thời Liên Xô, một phần ba võ khí hạch tâm Xô viết nằm tại Cộng hoà Liên bang Ukraine trong Liên bang Xô viết. Khi Liên Xô tan rã, kho võ khí ấy đứng hàng thứ ba thế giới về số lượng. Ukraine xin trả lại cho Liên bang Nga với lời cam kết là được giữ nền độc lập. Sự cam kết đó của Nga có Anh và Mỹ bảo trợ. Pháp và Trung Quốc có được mời vào nhưng lảng xa để khỏi bị trách nhiệm gì trong trò bảo lãnh đó.

Bây giờ, nền độc lập của Ukraine bị uy hiếp! Các nước bảo trợ nghĩ sao?

Lãnh đạo Anh, Pháp, Mỹ đều vui lòng trao giải an ủi cho Ukraine khi gặp Tổng thống tân cử của xứ này là Petro poroshenko. Nhưng chuyện chính thì chưa ai dám nhắc. Nhiều người nhẹ dạ còn mong là qua lễ kỷ niệm buổi sáng và dạ tiệc khoản đãi buổi tối, các lãnh tụ Anh, Đức, Mỹ, Pháp sẽ có dịp nói chuyện phải quấy với Putin về Đông Âu.

Trong một bi kịch lớn của nhân loại thường có nhiều hài kịch chính trị.

Cho dù Liên Âu dõng dạc phản đối Putin về chuyện Ukraine thì Pháp vẫn bán chiến hạm Mistral cho Nga và tháng này sẽ huấn luyện Hải quân Nga sử dụng món hàng của mình. Nước Đức thì tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế với Nga. Hoa Kỳ thì lâm nạn với vụ trao đổi đặc công khủng bố của Taliban lấy một tù binh đào ngũ về để rồi chẳng biết giấu đi đâu!

Công trình sư của trò hề này là Barack Obama thì cố trấn an Liên Âu với một tỷ đô la quân viện. Một tỷ Mỹ kim là lớn lắm, bằng tổng số chi phí của nước Mỹ trong một năm tranh cử như 2014 chứ không ít. Nhìn từ cách khác, đấy là tiền dân Mỹ bỏ ra trong một năm để... nhai kẹo cao su, chewing gum.

Trong bi kịch Thế chiến, người ta cũng thường quên nhiều thảm kịch quốc gia.

Liên Xô hy sinh nhiều nhất trong cuộc chiến này, với số tử vong và thương vong khổng lồ, cả quân và dân. Nhưng Liên bang Xô viết khi đó bao gồm nhiều nước Cộng hoà về sau đã giành lại độc lập. Các quốc gia này có lúc nằm trong hệ thống Liên Xô và phải góp phần xương máu, như Ukraine, Armenia, Georgia, Belarus, Uzbekistan, hay Kazakhstan, v.v... Tự nguyện hay không là tùy hoàn cảnh, nhưng hy sinh thì có.

Nước Pháp tràn đầy văn hóa nhân bản đã quên chuyện đó. Lãnh đạo của nhiều nước độc lập trong Liên bang đã tan hoang của Nga lại không được mời tham dự lễ kỷ niệm Normandie!

Một kỳ thủ xuất sắc của Nga và trở thành nhân vật đấu tranh dân chủ nổi tiếng là Garry Kasparov có một nhận xét đầy mỉa mai: khi mời Putin qua Pháp dự lễ kỷ niệm, có lẽ người ta muốn có một chuyên gia về nghệ thuật xâm lược!

Chuyện đổ bộ mới đổ đốn ra đổ bể!
 

Từ cuộc đổ bộ Normandie đến hiệp ước tự do thương mại xuyên Đại Tây dương

Tổng thống Hoa Kỳ Obama và đồng nhiệm Pháp Hollande tại nghĩa trang Mỹ Colleville-Sur-Mer - AFP / DAMIEN MEYER
Tổng thống Hoa Kỳ Obama và đồng nhiệm Pháp Hollande tại nghĩa trang Mỹ Colleville-Sur-Mer - AFP / DAMIEN MEYER

Tú Anh

Hoa Kỳ và Châu Âu cần phải đoàn kết trong một liên minh thương mại để tìm lại mức độ tăng trưởng cao và duy trì thế lực đối đầu với những nước đang lên. Trong bối cảnh đại lễ kỷ niệm chiến dịch đổ bộ Normandie giải phóng nước Pháp và châu Âu khỏi chế độ Đức Quốc xã, giới chính trị và doanh nghiệp hai bờ Đại Tây dương xem Trung Quốc, chứ không phải Nga, là thách thức tương lai.
 
Ý tưởng « đồng minh xuyên Đại Tây dương » đã được khơi dậy qua chiến dịch « Hải Vương Tinh » đổ bộ lên bờ biển Normandie phía Tây Bắc nước Pháp, ngày 06/06/1944, và được cụ thể hóa với chương trình viện trợ ồ ạt tái thiết châu Âu được đặt tên là kế hoạch Marshall ba năm sau đó.

Với nhận định này, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Pháp và Hiệp Hội Ký ức thành phố Caen, nơi mà hàng chục ngàn dân bị thiệt mạng dưới hàng ngàn tấn bom của đồng minh, trong ba tuần xung đột giữa Mỹ và Đức, tổ chức một ngày hội thảo quy tụ sinh viên,chính trị gia, giáo sư đại học và doanh nhân chủ nhân xí nghiệp.

Ưu tư của doanh nhân và chuyên gia kinh tế hai bờ Đại Tây dương là phải nhanh chóng thông qua Hiệp định Thương mại Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương gọi tắt là TTIP (Transatlantic Trade and Investment Partnership) thiết lập vùng mậu dịch tự do rộng nhất thế giới.

Tiến trình đàm phán TTIP, gay go không kém dự án Hiệp ước Thương mại Tự do Xuyên Thái Bình dương TPP, nhưng mới ở giai đoạn đầu mà vòng thứ năm diễn ra từ ngày 19 đến 23 tháng 5 vừa qua.
Xã hội dân sự và nhiều chính khách Châu Âu than phiền không được thông tin minh bạch về nội dung đàm phán và do vậy họ lo ngại các chuẩn mực về an toàn thực phẩm trong Liên Hiệp Châu Âu sẽ không được tôn trọng một khi mở rộng thị trường nhập khẩu hàng hóa Mỹ theo những chuẩn mực khác về chất bảo quản hay chăn nuôi.

Do bận tiếp đón các phái đoàn nguyên thủ và ngoại giao quốc tế đến Pháp dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày đồng minh đổ bộ lên Normandie, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius không đến dự hội thảo nhưng qua thông điệp truyền hình, ông nhấn mạnh đến nhu cầu hai bờ Đại Tây dương, dù quyền lợi có dị biệt đến đâu, cũng cần phải có nhau để đối phó với những cuộc khủng hoảng hiện tại. Ngoại trưởng Pháp không quên nhắc lại là chỉ một mình Hoa Kỳ và và Liên Hiệp Châu Âu không thôi đã đại diện cho gần 50% tổng sản xuất thế giới và một phần ba trao đổi quốc tế.

Cũng như trong tiến trình đàm phán hiệp định TPP xuyên Thái Bình dương với châu Á , Hoa Kỳ muốn nhanh chóng ký kết với Tây Âu hiệp định TTIP. Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ Thomas Donahue, nhân vật có thế lực vừa kêu gọi chính quyền Mỹ bỏ cấm vận Cuba, tuyên bố tại Caen : Chúng ta cần một liên minh Đại Tây dương hùng mạnh vì không thế phát triển với tỷ lệ tăng trưởng là con số không hay với 1% hay 2%.

Theo chủ tịch Phòng Thương Mại Hoa Kỳ, giải pháp hiệu quả nhất để phương Tây hùng mạnh là đạt đến thỏa thuận trao đổi thương mại tự do. Vấn đề là ở châu Âu nhất là các tổ chức bảo vệ môi trường, sức khỏe, an toàn thực phẩm không muốn hàng hóa Mỹ không theo chuẩn mực của Bruxelles tràn ngập tủ lạnh, nhà bếp, quán ăn ở châu Âu.

Nhưng tại sao phải cần một « liên minh xuyên Đại Tây dương mới » nếu chỉ để nâng tỷ lệ tăng trưởng ? Theo lập luận của cựu Thủ tướng vùng Québec tự trị ở Canada, ông Jean Charest, một người có kinh nghiệm đàm phán quốc tế thì cuộc cờ TTIP có tầm chiến lược sinh tử vượt lên trên dị biệt quyền lợi thương mại của Đại Tây dương.

Trong chủ đề thảo luận làm cách nào đem lại sức bật mới cho liên minh Đại Tây dương 70 năm sau trận Normandie và kế hoạch tái thiết hậu chiến Marshal, nhà chính trị Canada phân tích tình hình tương lai : Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đang vùng lên trong thế giới chúng ta đang sống thì thế được thua tùy thuộc vào kẻ nào định đoạt luật chơi thương mại quốc tế.

Jean Charest nói tiếp và nói thẳng : chính vì Trung Quốc mà chúng ta phải đạt được thỏa thuận mậu dịch tự do Xuyên Đại Tây dương. Không kể tự do trao đổi hàng hóa và dịch vụ, còn có khả năng tự do đi lại cho phép các nước thành viên thu hút nhân tài, tạo hoàn cảnh đất lành chim đậu.

Không riêng Bắc Mỹ, ủy viên châu Âu đặc trách thị trường nội địa và dịch vụ Michel Barnier cùng xác quyết « cần hiệp ước TTIP » nhưng với điều kiện đối tác bên kia bờ Đại Tây Dương phải tuân thủ một số chuẩn mực về an toàn thực phẩm của Châu Âu chẳng hạn.

Alexis Jamet, chủ nhân công ty điện toán Bunkr, một doanh nhiệp trẻ nhưng đã có cơ sở tại 160 quốc gia, mong đợi cơ hội mà ông gọi là « kế hoạch Marshall thứ hai » cho phép doanh nghiệp hợp tác hoặc cạnh tranh tự do để nâng cao khả năng canh tân.

Theo AFP, các doanh nhân trẻ và sinh viên tham gia hội thảo rất hoan nghênh và mong chờ viễn ảnh trao đổi tự do này giữa hai bờ Đại tây dương.

70 năm sau khi nửa triệu quân đồng minh đổ bộ giúp châu Âu diệt Đức Quốc Xã, vì sự sống còn của các nước Tây phương, một liên minh mới đang hình thành nhưng lần này để đối phó với mối đe dọa tương lai được chỉ đích danh là Trung Quốc.

Nguồn: http://www.viet.rfi

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

THẾ CỜ CHIẾN LƯỢC CHÍNH TRỊ VIỆT NAM


Suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, kể từ thời Pháp thuộc cho đến giờ Việt Nam vẫn là nước tuột hậu mọi mặt so với đà tiến hóa chung của thế giới gồm những nước phát triển về mặt khoa học kỹ thuật, chính trị, văn hóa xã hội theo đà văn minh tiên tiến như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Hòa Lan, Nhật Bản... Những nước này trước đây đã từng là thực dân, mặc dù một vài nước đã từng bị bại trận sau thế chiến như Đức, Ý, Nhật, nhưng tất cả đều đã đặt nền móng cho đất nước họ, đi bước đầu thế giới trong việc công nghệ hóa quốc gia và nhất là khoa học chính trị ngày nay thật đã giải phóng cho nhân loại có đuợc nhiều tự do nhân phẩm và quyền làm người thật sự được bảo đảm tôn trọng.

Khác với các quốc gia chậm tiến khác, ngày hôm nay Việt Nam còn thua cả Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Nam Hàn, những quốc gia này cũng đã từng là thuộc địa bị đô hộ, nhưng họ có được may mắn là sau thế chiến, nước họ đã không có xảy ra chiến tranh dai dẳng như Việt Nam, nên họ đã có thời gian yên ổn để xây dựng phát triển. Ngược lại Việt Nam lại rơi vào cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam Bắc, để rồi bị tàn phá, tuột hậu hơn nữa so với các quốc gia cũng từng là thuộc địa hay bán thuộc địa nói trên.

Sự tuột hậu của Việt Nam có những nguyên nhân sâu xa còn kéo dài đến ngày nay. Khi so sánh về sự tiến bộ phát triển với các nước quanh khu vực, Việt Nam thường hay đem Nhật hay gần nhất là Nam Hàn cũng đã từng có chung những trường hợp tương tự như đất nước bị chia đôi để lượng định hướng đi và những bài học của lịch sử.

Nước Nhật và Việt Nam đã có những giai đoạn lịch sử khá giống nhau vào giữa thế kỷ thứ 19 với triều đại Minh Trị Thiên Hoàng ở Nhật và nhà Nguyễn ở Việt Nam. Lúc chế độ Mạc Phủ (Tokugawa) ở Nhật bế quan toả cảng thì Việt Nam đang trong thời kỳ cai trị của vua Gia Long, có thể nói còn cởi mở hơn chế độ Mạc Phủ bởi vua Gia Long đã từng giao tiếp với Pháp cũng như nhiều giáo sĩ Thiên Chúa giáo đến truyền giáo ở Việt Nam. Vua Gia Long cũng đã thấy rõ  phần nào tình hình và những thế lực thực dân bành trướng theo đường biển đến vùng Đông Nam Á như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hòa Lan có mặt trên các thuộc địa như Philippines, Nam Dương, Mã Lai Á... nhưng tiếc thay vua Gia Long cũng như những vị vua khác sau này không thức thời thấy được sức mạnh hàng hải và những kỹ thuật khoa học lẫn quân sự cũng như xu thế chính trị của thời đại nên đã bỏ mất cơ hội canh tân hóa đất nước theo khoa học Tây phương để có đủ sức mạnh bảo vệ chủ quyền quốc gia trước sự xâm chiếm của thực dân Châu Âu. Những năm như 1842 Anh gây cuộc chiến tranh Nha Phiến ở Trung Hoa để mở đầu việc thiết lập các Tô giới giao thương dưới quyền cai trị của các cường quốc Tây phương. Năm 1853 Đô đốc Perry của Mỹ  kéo chiến hạm tới Nhật buộc chề độ Mạc Phủ phải dỡ bỏ chính sách bế quan tỏa cảng cũng nhằm thiết lập những hải cảng giao thương. Năm 1856 Pháp kéo chiến thuyền Catinat đến cửa biển Đà Nẵng bắn phá khắp nơi cũng nhằm buộc nhà Nguyễn phải gỡ bỏ chính sách bế quan tỏa cảng. Thấy thế để có dịp so sánh những quốc gia nào trong cùng một thời gian đã sớm biết thức tỉnh để canh tân hóa quốc gia theo kỹ thuật khoa học Tây phương ngõ hầu đủ mạnh để không bị thực dân Tây phương xâm chiếm. Trường hợp nước Nhật, chế độ Mạc Phủ dần suy yếu, cuối cùng phải trao trả mọi quyền hành cai trị lại cho Minh Trị Thiên Hoàng để mở ra thời kỳ canh tân đất nước với những người lãnh đạo dưới trướng của Minh Trị đầy hùng tâm, trong sạch cùng chủ động triệt để theo đuổi sách lược canh tân đất nước theo hướng khoa học kỹ thuật của Tây phương.

Phần Việt Nam, các vua nhà Nguyễn luôn thủ cựu, ôm lấy cái học của Trung Hoa không muốn bứt rời, vẫn bế quan tỏa cảng mặc dù tiếng súng của Pháp đã cảnh báo, nếu không thức tỉnh canh tân đất nước theo khoa học Tây phương thì tai họa vì yếu thế, bại trận, bị đô hộ sẽ xảy ra sau này. Nhưng các vua nhà Nguyễn vẫn cứ mê ngủ trong cái học cổ thời của Trung Hoa, vẫn cứ cấm đạo, giết hại các giáo sĩ lẫn những người theo Thiên Chúa giáo, tuyệt giao chung với những đòi hỏi mở cửa thông thương của Tây phương. Cơ hội canh tân đất nước theo lối Tây phương như Nhật đã bỏ lỡ, hậu qủa là bại trận trước sự xâm lăng của Pháp để bị đô hộ suốt gần 100 năm kéo dài trong tình trạng nhược tiểu lệ thuộc.

Tinh trạng Việt Nam bị lệ thuộc Pháp kéo dài gần một thế kỷ, cho đến thế chiến thứ 2 kết thúc, các cường quốc Châu Âu đã dần trao trả độc lập lại cho các quốc gia thuộc địa. Cơ hội mới đã đến cho Việt Nam để có thể chung sức bắt tay canh tân đất nước, nhưng tiếc thay cơ hội lần thứ 2 này cũng đã bỏ lỡ. Từ khi Việt Nam được trao trả độc lập 1954, đồng thời cung bị phân chia hai miền Nam Bắc thành hai chế độ qua sự chi phối trong một thế giới lưỡng cực giữa tư bản và cộng sản. Chiến tranh đã nổ ra giữa hai miền Nam Bắc thành một cuộc nội chiến tương tàn, hủy hoại toàn diện đến tận cùng mọi nền tảng xã hội. Trên 20 năm chiến tranh đã tàn phá mọi nguồn nhân lực, tàn phá mọi mặt đời sống nên không thể nào có được cơ hội để canh tân đất nưóc. Khi chế độ cộng sản miền Bắc đã khai tử chế độ tự do miền Nam để rồi có dịp nhìn lại, mặc dầu đã gần nửa thế kỷ chiến tranh đã đi qua, ngày nay ta thấy rõ chế độ cộng sản chỉ là sản phẩm giai đoạn của đế quốc Nga và Tàu. Chủ thuyết Mác-Lênin có thời hai nước Nga-Hoa đã xem nhau như thù địch, tố cáo nhau là "phản động", là "chủ nghĩa xét lại". Điều này chứng tỏ lý thuyết Mác-Lênin được áp dụng đầu tiên tại nước Nga để xây dựng nên nhà nước Sô-Viết chỉ nhằm chống lại phương Tây, phản ảnh rõ hoàn cảnh địa lý và chính trị với chiều dài lịch sữ nhiều thế kỷ từ thời các Sa Hoàng đến giờ nước Nga luôn trong tình thế tranh chấp với các nước phương Tây. Xét cho cùng lý thuyết Mác-Lênin cũng chỉ như phương tiện tiếp tục phản kháng lại phương Tây, nhưng đến khi không còn phù hợp cho quyền lợi nước Nga nửa thì giới lãnh đạo cũng biết vứt bỏ đi, bới nó không phải là cứu cánh tốt đẹp cần đeo đuổi. Có chăng chỉ còn giới lãnh đạo Hà Nội, lú mù như các tổng bí thư, ban tuyên giáo đảng cộng sản cứ nhại đi nhại lại mà chẳng biết chút gì về thực trạng thế giới ngày nay với những thể chế chính trị tự do dân chủ đang bước vào ngưỡng cửa toàn cầu hóa, có những trách nhiệm chung trong những tương quan đối nội và đối ngoại trên con đường xây dựng và phát triển giữa quốc gia và cộng đồng thế giới.

Trở lại việc canh tân đất nước như đã nói, sau 40 năm sau kết thúc chiến tranh với sự cai trị của chế độ cộng sản, Việt Nam ngày nay thật sự cũng đã đánh mất đi cơ hội thứ 2  kể từ năm 1954 đến nay. Điều dễ thấy nhất như đã trình bày, thể chế chính trị cộng sản theo học thuyết Mác-Lênin chỉ là phương tiện giúp nước Nga lôi kéo những nước khác trên thế giới chống lại phương Tây, ngày nay nó không còn hiệu qủa nửa thì phương tiện lỗi thời này phải bị nước Nga khai tử để tìm những phương tiện khả thi khác. Việt Nam chỉ còn chờ một cơ hội thứ 3 sau thời kỳ hậu cộng sản, chờ cho đến khi nào chế độ công sản không còn tồn tại trên đất nước Việt Nam như trường hợp nước Nga đã hủy bỏ nó như một phương tiện chống Tây phương đã lỗi thời. Vấn đề canh tân của Việt Nam từng ấp ủ gần hai thế kỷ qua không phải để chống lại Tây phương như Nga, hay bế quan tỏa cảng, khư khư ôm lấy cái học cổ thời như nhà Nguyễn, mà vấn đề canh tân đất nước phải nhìn đến phương Tây như Nhật Bản đã thực hiện cách nay đã hai thế kỷ.

Canh tân đất nước theo khoa học kỹ thuật Tây phương cũng cần phải canh tân cả về mặt khoa học chính trị theo lối Tây phương mới tạo nên những điều kiện: Ắt có và  hội đủ cho công cuộc phát triển theo chiều hướng tốt.

Khi nhìn nhận chính trị là một khoa học tổng quan, thống lãnh mọi môn học khác trong việc điều hành và chi phối tất cả những hoạt động của toàn thể quốc gia và xã hội thì mặc nhiên chúng ta cũng phải thừa nhận những sự liên quan đến cả mọi lãnh vực khác như kinh tế, quân sự, văn hóa xã hội... đến bang giao quốc tế cũng đều có những định chế và công ước tuân thủ chung cho những quốc gia thật sự thấy mình có trách nhiệm muốn đưa đất nước tiến theo chiều hướng phát triển tốt đẹp chung.

Cuối cùng chính trị mới là cứu cánh luôn cần phải đeo đuổi, cần có một tầng lớp lãnh đạo thanh liêm và thông hiểu được hết đường hướng canh tân chung, giữ cho xã hội không tan rã vì lối học theo Tây của từng cá nhân người Việt trong hai thế kỷ qua chỉ thụ động vì thời thế bắt buộc, nước đến chân nên mới chịu nhảy nên đa số không có phương hướng và chủ đích nào ngoài vấn đề  mưu cầu sự sống vật chất, chưa nói khi những cá nhân ngồi lại như tình trạng người Việt ngày nay thì ôi thôi!... ấu đả nhau vô số chuyện ông nói gà, bà nói vịt... chẳng ai chịu nghe ai! Khác hẳn người Nhật khi ngồi chung lại với nhau là cả một sức mạnh đáng kính nể, cho thấy công cuộc canh tân khởi đầu từ hai thế kỷ qua, những nguời lãnh đạo nước Nhật luôn có chính sách và đường hướng giữ cho xã hội Nhật Bản luôn được đều hòa phát triển, nhất là công cuộc lãnh đạo từ thời Minh Trị Thiên Hoàng đến ngày nay luôn được kế tục qua mọi chính quyền nên những kinh nghiệm cùng những tinh hoa qúi báu đã trở thành di sản vô gía giúp nước Nhật luôn biết đoàn kết gắn bó, đến thế giới nhìn vào đều phải kiên nể, thán phục.

Nhìn lại Việt Nam ngày nay, chúng ta nhận thấy con đường tiến thủ đã rõ! Chế độ chính trị đường cùng của cộng sản đã mất phương hướng. Không có con đường nào bi đát hơn là " Định hướng xã hội chủ nghĩa ". Chế độ cộng sản đã tự mâu thuẩn với mọi gía trị văn minh thời đại, còn tệ hại hơn thời kỳ bế quan tỏa cảng của nhà Nguyễn đã dẫn đến hậu qủa bại trận trước thực dân Pháp.

Ngày nay thể chế chính trị cộng sản Việt Nam luôn dựa dẫm theo Tàu, nên mọi chính sách chiến lược ít nhiều đều bị lệ thuộc theo Bắc Kinh, đặt Việt Nam vào trong quỹ đạo vận hành của Bắc Kinh. Mới nhất là giàn khoan Hải Dương (Haiyang Shiyou) 981 của Trung cộng đã khuấy động ngoài Biển Đông, cũng là lúc mọi người thấy rõ hơn những phản ứng luôn mang tính đỡ đòn, thụ động của Hà Nội, chẳng tạo được một chiến lược đối trọng trường kỳ nào trước sự xăm lăng trắng trợn của Bắc Kinh, bởi bản chất chế độ Hà Nội là đầu phục Bắc Kinh để còn ve vãn tưng hót và nương nhờ vai trò đồng chí truyền thống còn sót lại trong lịch sử đã cáo chung của các chế độ cộng sản trên khắp thế giới.


Thể chế chính trị cộng sản Việt Nam đã nương bóng theo người thì làm gì có chiến lược sâu xa nào hơn là chấp nhận bị lệ thuộc vào những quyết định may rủi của nước lớn như Trung cộng. Khi nước lớn muốn tác oai tác quái, kéo giàn khoan đến cắm sâu vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam thì nội bộ đảng cộng sản Việt Nam không còn bưng bít được những chia rẽ xáo trộn. Mai đây nếu Bắc Kinh cho triệu tập một hội nghị theo ý tổng bí thư đảng CSVN từng sợ hãi quếnh quán muốn khẩn khoản liên lạc cầu hòa gấp qua đường dây nóng về vụ giàn khoan, nhưng đã bị Bắc Kinh cắt đứt theo lối giận dữ kiểu như cha muốn từ con, thôi còn gì tủi nhục hơn nữa hỡi ông tổng bí thư!... Mai này Bắc Kinh nguôi ngoai, Tập Cận Bình có chút bớt giận, sẽ triệu hồi cả hàng ngũ đảng CSVN qua răn đe trách móc thì phận yếu hèn như đảng CSVN biết sao hơn là phải lục đục, cố lôi kéo nhau hết qua Tàu triều kiến là cái chắc.

Một hội nghị Thành Đô thứ 2 chăng? Cả đất nước Việt Nam lại thêm một lần tắt ngủm nữa vì thế cờ chả ra chiến lược chính trị gì của đảng cộng sản Việt Nam đành phải chịu khuất phục trước thế cờ chiến lược chính trị của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán.

@ Phạm Thiên Thơ

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

MỘT MŨI TÊN BẮN RƠI HAI KẺ THÙ ẢO TƯỞNG

 
Bất cứ một cuộc chiến tranh xâm chiếm lớn nhỏ nào từ phía những kẻ khởi động trước đều đã được tính toán kỹ trưóc khi xua quân xâm lăng, đe dọa tước đoạt chủ quyền lảnh thổ hay lãnh hải của một quốc gia khác. Trong trường hợp Việt Nam, giàn khoan Hải Dương (Haiyang Shiyou) 981 của Trung cộng  đã ngang nhiên kéo vào vùng đặt quyền kinh tế của Việt Nam, đi theo giàn khoan còn có  trên 80 tàu bảo vệ, cho đến hôm nay thứ bảy 17/5 Trung cộng đã tăng cường thêm lên tới 126 tàu bao gồm hải cảnh, hải giám, bán quân sự lẫn quân sự có trang bị tên lửa cùng nhiều máy bay tuần thám đã  thực sự là những kẻ đầu tiên gây chiến trước, công khai  thách thức lại chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
 
Chế độ Hà Nội không còn có thể mơ ngủ được nữa quanh 16 chữ vàng và 4 tốt. Nguyên nhân sâu xa nào Bắc Kinh đã luôn là những kẻ khởi đầu trước mọi cuộc xâm lăng Việt Nam, trong lúc giới cầm quyền Hà Nội từ trước đến giờ vẫn luôn là những kẻ thụ động đẩy đưa cả dân tộc Việt Nam phải nhận lãnh mọi hậu qủa tai tai hại bất ngờ từ dã tâm xâm lược của Bắc Kinh? Xét qúa trình lịch sử cầm quyền của đảng CSVN, đáng cho tất cả mọi người Việt Nam rút ra  được những bài học ngàn đời không thể quên đưọc.
 
Sau hiệp định Genève 1954 phân chia hai miền Nam Bắc với hai chế độ khác nhau, đảng CSVN đã cho tiến hành cuộc chiến, quyết chiếm cho bằng được miền Nam, nên chịu nhận tất cả mọi viện trợ quân sự lẫn kinh tế từ Liên Xô và Trung cộng, nhận chịu lệ thuộc luôn cả ý thức hệ cộng sản và mọi chiến lược chống lại cả thế giới tự do với sự lãnh đạo của Mỹ. Cuộc chiến do CSVN phát động với sự tiếp tay xô đẩy từ phái sau của Nga và Tàu là một cuộc chiến vô vọng, chỉ tự mình gây điêu linh và tàn phá mọi nền tảng tốt đẹp còn lại của dân tộc sau khi Pháp đã rút lui ra khỏi Việt Nam. Mục tiêu chiến tranh để giành quyền thống nhất  đất nước của đảng CSVN chỉ là sự ngụy biện. Lịch sử đã vén màn bí mật, cho thấy cuộc thống nhất này đã đưa đất nước và dân tộc Việt Nam đến chổ bị tàn phá mọi mặt, càng  nghèo khốn và lạc hậu hơn trước thế giới ngày nay. Nhìn quanh thế giới hiện đại, ta thấy cuộc thống nhất nước Đức không tốn sương máu và cũng không băng hoại mọi nền tảng xây dựng xã hội nên đã đưa cả Đông Đức vực dậy trong tự do dân chủ và giầu mạnh. Thật đáng tủi hổ biết bao nhiêu cho tất cả người Việt chúng ta khi biết so sánh lại sự thống nhất của nước Đức với sự thống nhất Việt Nam, đáng để cảnh tỉnh những ai cứ thích hô hào thống nhất theo con đường chiến tranh huynh đệ tương tàn. Thử nhìn hai nước Nam và Bắc Hàn, có nên thống nhất dưới quyền lãnh đạo một thể chế như Bắc Hàn không? – Chắc chắn không ai muốn thế, nếu có thống nhất thì khả năng vực dậy một Hàn quốc giàu mạnh phải đặt dưới sự lãnh đạo theo thể chế Nam Hàn mới tốt đẹp. Sự thống nhất Hàn quốc trong tương lai có nhiều xác xuất  sẽ như nước Đức, tránh mọi cuộc chiến tương tàn, tránh được mọi nền tảng xây dựng xã hội tốt đẹp bị hủy hoại, đó mới chính là  hoài bảo thượng sách tối ưu nhất nơi những người lãnh đạo thật sự lỗi lạc hơn người.
 
Cuộc chiến do đảng CSVN chủ trương đã đưa Việt Nam phải bị lệ thuộc hơn vào qũy đạo Nga Hoa, cho nên Trung cộng ngày nay mới lên mặt tác oai tác quái, đòi hỏi đảng CSVN phải trả món nợ vay mượn trong chiến tranh. Nhưng với viện trợ vũ khí, kinh tế lẫn sự lệ thuộc tư tưởng và đường lối đấu tranh, áp đặt cai trị, tất cả đều rập khuôn theo mô hình chủ nghĩa Mao đã làm tiêu ma hết đất nước thì còn có gì để trả ngoài việc phải cắt đất, dâng biển cầu hòa, để Bắc Kinh mặc tình thao túng hàng ngũ những kẻ cầm quyền, buộc phải đề ra mọi chính sách phù hợp theo lợi ích nước Tàu. Rõ ràng đảng CSVN đã trở nên nhu nhược trước dã tâm xâm lăng của Bắc Kinh. Đảng CSVN ngày nay đã đi ngược lại quyền lợi của dân tộc, đã tước đoạt hết quyền làm chủ của người dân với những hành động đàn áp và triệt tiêu hết những tiếng nói bất đồng chính kiến.
 
Giàn khoan Hải Dương (Haiyang Shiyou) 981 của Trung cộng đang cắm sâu nơi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam chính là thước đo xem hàng ngũ chớp bu đảng CSVN sẽ đối phó ra sao. Ai chống đối, ai cúi đầu bỏ mặc cho Trung cộng hoành hành, hay còn ra lệnh đàn áp những cuộc biểu tình chống Tàu như năm 2007 trước đây? Mọi sự sẽ lần lượt phơi bày khi Bắc Kinh thật sự đã bất ngờ cho tiến hành cuộc xâm lăng. Sự hợp tác về mọi phương diện đối với Bắc Kinh chỉ là chiêu bài che đậy dã tâm đế quốc, luôn muốn xâm chiếm các lân bang như Việt Nam nhằm nối dài truyền thống bành trướng chủ nghĩa thiên triều Đại Hán. Mọi người Việt Nam yêu nước đã bừng tỉnh cơn mộng mị 16 chữ vàng và 4 tốt do đảng CSVN cõng từ bên Tàu về.  
  
Cả Tây phần Thái Bình Dương từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á đều chống lại  bản đồ lưỡi bò chín đoạn. Bắc Kinh như kẻ cô độc khi tình hữu nghị giả tạo cuối cùng với đàng em Hà Nội duy nhất còn sót lại đã bị rơi rớt.
 
Việt Nam phải chuẩn bị những cuộc xuống đường đấu tranh khắp nơi từ quốc nội đến hải ngoại, phải kết thành trường lũy kháng chiến chống Tàu. Chuẩn bị mọi kế sách đối phó chiến tranh gián điệp, đối phó đám dân Tàu và những kẻ tay sai đã được cấy vào khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam để làm nội ứng cho cuộc xâm lăng từ bên ngoài vào.  Bằng mọi gía phải xua đuổi giàn khoan 981 ra khỏi hải phận Việt Nam.
 
Mũi tên của dân tộc đã vươn cao, chờ bắn rơi 16 chữ vàng cùng 4 tốt lừa mị của Bắc Kinh và những kẻ ươn hèn theo giặc.
 
Một mũi tên đồng lúc bắn rơi hai kẻ thù ảo tưởng. 
  
@Phạm Thiên Thơ

Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

Crimée và giàn khoan HD 981 : Gọng kìm Nga – Trung chống Mỹ ?

 

Tàu tuần dương Trung Quốc (màu trắng) cản mũi tàu cảnh sát biển Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam (ảnh chụp ngày 14/05/2014)
Tàu tuần dương Trung Quốc (màu trắng) cản mũi tàu cảnh sát biển Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam (ảnh chụp ngày 14/05/2014) REUTERS
RFI
 
Hãng tin Mỹ UPI, ngày 14/05/2014 có bài phân tích của Jeff Moore về hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển của Việt Nam, tựa : “Kịch bản chiếu tướng nguy hiểm đang diễn ra ở Biển Đông”. Tác giả nhìn nhận sự kiện này, cùng với việc Nga sáp nhập Crimée, như một chiến lược gọng kìm của Trung Quốc và Nga chống lại ảnh hưởng của Mỹ, vì theo Bắc Kinh, Hoa Kỳ đang suy yếu, khó có thể đối phó cùng một lúc với một cuộc chiến trên hai mặt trận. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Việc Trung Quốc triển khai dàn khoan biển nước sâu 981 ở bờ biển Việt Nam vào đầu tháng Năm vừa là một sự leo thang nguy hiểm trong lúc tình hình Biển Đông đang căng thẳng. Khả năng va chạm hàng hải giữa Trung Quốc và Việt Nam không còn chỉ ở mức có thể xẩy ra nữa, kể từ vụ xung đột ở đảo Gạc Ma (Johnson Reef) năm 1988 làm khoảng 70 thủy thủ Việt Nam thiệt mạng. Nhiều người ở Washington đánh giá hành động của Bắc Kinh là không đáng lo ngại, thế nhưng, trong suy tính của Trung Quốc, thì sự khiêu khích này bắt nguồn từ lô gich chiến lược.
Điều gì đã xẩy ra ?
 
Bắc Kinh khẳng định rằng, trên cơ sở nghiên cứu lịch sử, Biển Đông và tất cả các nguồn tài nguyên trong đó thuộc về Trung Quốc. Gần đây, Bắc Kinh lớn tiếng đưa ra các đòi hỏi lãnh thổ dựa trên bản đồ 9 đường gián đoạn và Trung Quốc đã triển khai tàu đánh cá, tàu cảnh sát biển và tàu hải quân ra để khẳng định đòi hỏi này.
 
Việt Nam cho rằng khu vực đó là của mình mà Việt Nam gọi là Biển Đông và khu vực này thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Cả Việt Nam và Philippines phản đối mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc, còn Indonesia, Brunei và Malaysia thì cũng có phản ứng tương tự, tuy có kín đáo hơn.
 
Trung Quốc biết là việc triển khai giàn khoan dầu 981 có thể làm cho Việt Nam tức giận, do vậy, họ điều khoảng 80 tàu đi bảo vệ. Việt Nam chống lại và đã điều động 29 tàu tuần duyên và hải quân, trong số này, nhiều tàu bị các tàu Trung Quốc đâm và phun vòi rồng tấn công.
 
Tất cả những điều này có nghĩa gì ?
 
Trước tiên, nhìn từ góc độ chiến lược chung, Bắc Kinh hành động phối hợp với đồng minh mới của họ là Nga. Trong ba năm qua, hai bên đã xây dựng liên minh chiến lược, cho dù còn lỏng lẻo, để chống lại ảnh hưởng của Mỹ. Vào lúc Nga chiếm Crimée và làm cho chiến trường Tây Âu ù tai với các máy bay ném bom chiến lược, thì Trung Quốc cũng hành động tương tự ở phía đông. Đó là một động thái xiết gọng kìm, với cuộc chiến phi đối xứng, được tính toán kỹ lưỡng, sử dụng tối thiểu lực lượng và thủ đoạn, chưa đến mức để gây ra phản ứng quân sự của Mỹ, nhưng cũng đủ để Nga và Trung Quốc đi xa hơn trong các mục tiêu của mình. Điều này phần nào được khuyến khích do chính quyền Obama đã mất đi khả năng đối phó với một cuộc chiến trên hai mặt trận. Trung Quốc và Nga đã buộc Hoa Kỳ phải dàn trải các mối quan tâm và nguồn lực. Trong “Tam Thập Lục kế” truyền thống, người Trung Quốc gọi đây là kế « Hỗn thủy mạc ngư – Đục nước bắt cá – Lợi dụng tình thế, hành động đạt mục đích ».
 
Thứ hai, Trung Quốc nhìn thấy Hoa Kỳ, với tư cách là cường quốc thế giới, đang trong quá trình rút lui chiến lược nhanh chóng. Trung Quốc nhận ra cốt lõi các thất bại của Mỹ về an ninh quốc gia, như trong hồ sơ Irak (ra đi quá sớm), Afghanistan (chiến lược chống nổi dậy quá khó để thực hiện), Libya (tình trạng tồi tệ sau thời kỳ « lãnh đạo từ phía sau, giật dây ở hậu trường ») và Yemen (Al Qaeda có căn cứ mới bất chấp các vụ tấn công liên tiếp bằng máy bay không người lái). Bắc Kinh nghĩ rằng Washington không thể hiểu nổi Pakistan, « anh em cừu địch » của Hoa Kỳ và gần như là đồng minh của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng đánh giá rằng chính sách dấn thân vào Trung Đông của Tổng thống Obama ở Trung Đông trong bài diễn văn Cairo 2009 đã thất bại vì khủng bố thánh chiến Hồi giáo gia tăng và tất cả các cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập đều trở nên tồi tệ. Do vậy, ở trong khu vực Châu Á, cần phải chiếm lấy Biển Đông. Người Trung Quốc gọi kế này là « Cách ngạn quan hỏa – Đứng trên bờ xem lửa cháy trên sông » – có nghĩa là cứ để yên cho kẻ địch tự rối loạn, kiệt quệ về quân sự, sau đó, ra tay hành động.
 
Thứ ba, liên quan đến chiến lược khu vực, cho dù Trung Quốc nhìn thấy Hoa Kỳ đang ngày càng yếu đi, nhưng họ cũng lo ngại về chuyến công du Châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, để « thêm da đắp thịt » cho chiến lược xoay trục sang Châu Á, với các thỏa thuận quốc phòng và hỗ trợ an ninh. Các thỏa thuận này bao gồm cả việc đẩy mạnh các cuộc tập trận quân sự thường niên với các đồng minh Đông Nam Á như Philippines : Cuộc tập trận Balikatan (Vai kề vai) đã bắt đầu ngày 05/05 vừa qua. Do vậy, các hành động khiêu khích của Trung Quốc là nhằm lách vào bên trong « chiến lược tổng lực dấn thân cùng khu vực » truyền thống của Hoa Kỳ, với một « cú đấm thẳng trong cuộc chiến phi đối xứng ». Nếu hành động nhanh bây giờ, Trung Quốc nghĩ rằng sẽ khiến cho Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giúp đỡ các đồng minh ASEAN về sau này.
 
Thứ tư, Trung Quốc lo ngại Việt Nam đang mạnh lên. Kinh tế Việt Nam phát triển. Hà Nội đang nâng cấp quân đội và hải quân để bảo vệ bờ biển – Biển Đông – nơi đóng vai trò trung tâm đối với ngành hàng hải, ngư dân và lĩnh vực năng lượng của Việt Nam. Chính quyền Hà Nội cũng biết rằng toàn bộ đất nước của họ có thể bị xâm lược và tấn công từ phía bờ biển vào.
 
Với các ý tưởng về an ninh quốc gia, Trung Quốc mong muốn có một Việt Nam ngoan ngoãn và vâng lời theo truyền thống Khổng Tử và Vương triều Trung Quốc. Họ nhắc lại cuộc xâm lăng trừng phạt vào miền bắc Việt Nam trong lúc Hà Nội có đội quân đứng hàng thứ tư trên thế giới. Việt Nam đã nhượng một ít lãnh thổ và mỗi bên có khoảng 30 ngàn người bị thiệt mạng trong gần một tháng chiến sự. Do vậy, theo quan điểm của Bắc Kinh, làm giảm sức mạnh đang chớm nở của Việt Nam là trò chơi thông minh.
 
Vậy tình hình ở Biển Đông sẽ đi tới đâu ? Dường như tình hình sẽ tồi tệ hơn. Không bên nào chịu lùi bước. Vả lại, Trung Quốc đang có những động thái tương tự trong các đòi hỏi chủ quyền biển đảo với Nhật Bản. Trừ phi những cái đầu trầm tĩnh ở Bắc Kinh thắng thế, những rối loạn này có thể dẫn đến một sự sai lầm khủng khiếp.
 
Một nước Việt Nam bị dồn vào chân tường sẽ phản ứng dữ dội hơn là Bắc Kinh lầm tưởng. Các nước ASEAN, vốn liên minh lỏng lẻo với nhau, sẽ buộc phải đoàn kết trước các hành động của Trung Quốc và điều này đi ngược lại các mục tiêu của Bắc Kinh. Nhật Bản đang bị chèn ép và tiến hành tái vũ trang. Còn Hoa Kỳ chưa hẳn là quá suy yếu và bị tổn thương đến mức Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương và hải quân Mỹ không còn khả năng hành động.
 
Bắc Kinh dường như bị mù quáng về « sự trỗi dậy Trung Hoa », về sự tự hào dân tộc hào nhoáng và thành công kinh tế vang dội. Do vậy, Trung Quốc đang gặp nguy hiểm khi không tuân thủ ngạn ngữ của chính họ : « Lên nhà rút thang », có nghĩa là Trung Quốc đang trên đường tự cô lập mình về mặt quân sự, khi hành động một cách vội vã. Chỉ có các chiến lược gia sáng suốt của Trung Quốc có thể giúp làm giảm nhiệt tình hình đang rất nóng bỏng này.
 
Nguồn: http://www.viet.rfi

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

CNOOC và Trận Đánh Ngoài Đông Hải

Mũi Nhọn, Cán Sắt và Cái Đầu Có Sạn  

Bản đồ Đông Hải và Trò Chơi hơi Tối Xám của Bắc Kinh
Nguyễn-Xuân Nghĩa

Mùng ba Tháng Năm vừa qua, Bắc Kinh thông báo một quyết định gây chấn động. 

Từ mùng bốn Tháng Năm đến ngày năm Tháng Tám, giàn khoan Haiyang Shiyou 981 của Tổng công ty CNOOC sẽ vào tìm dầu trong một khu vực cách quần đảo Trường Sa 20 hải lý ở phía Nam. Và rằng tầu bè các nước phải tránh xa khu vực này trong khoảng ba hải lý.
 
Sau đó, có tin là Trung Quốc đưa vào 80 tầu đủ loại với máy bay để bảo vệ giàn khoan được gọi tắt là HD981.
Diễn giải cho dễ hiểu: Trung Quốc đưa giàn khoan thuộc loại tối tân nhất của họ - trị giá cả tỷ đô la, với khả năng thăm dò tới ba ngàn thước dưới mặt biển và đào sâu tới 10 cây số – để trong ba tháng sẽ thăm dò thềm lục địa của Việt Nam, tại một nơi trong khu vực đặc quyền kinh tế Việt Nam, cách đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré) của Việt Nam có 150 cây số.
 
Phía Hà Nội lập tức phản đối, và Hoa Kỳ trách cứ hành động này là khiêu khích và không ích lợi. Rồi đụng độ xảy ra khi tầu cảnh sát của Việt Nam bị tầu Trung Quốc đâm rách khiến sáu người bị thương....
 
Đông hải đã nổi sóng. Chúng ta sẽ lần lượt nhìn lại toàn cảnh để suy ra nội vụ và hậu quả. 

***
 
Trước hết là mũi dùi CNOOC.
 
Được gọi tắt là CNOOC hay "Xi Nốc", "Trung Quốc Hải dương Thạch du Tổng công ty" là tập đoàn kinh tế nhà nước Trung Quốcn đứng hạng thứ ba trong lãnh vực năng lượng sau tập đoàn CNPC và CPC, chuyên về thăm dò và khai thác dầu thô cùng khí đốt (dầu và khí) ở ngoài khơi. Thuộc quyền sở hữu của nhà nước, Tổng công ty Dầu khí Hải dương CNOOC nằm dưới sự quản lý của Ủy ban SASAC, chuyên về giám đốc và quản lý tài sản nhà nước. Và lãnh đạo là đảng viên cao cấp. Một Tổng quán trị của CNOOC ngày xưa từng được đưa lên làm Bí thư tỉnh Hải Nam.
 
Từ nhiều năm nay, CNOOC bành trướng hoạt động, hùn vốn với nhiều tổ hợp quốc tế để vừa tìm năng lượng cho Trung Quốc vừa thu thập kiến thức hiện đại về kỹ thuật khai thác. Đã từng dạm mua tổ hợp Uncocal của Hoa Kỳ từ năm 2005 – sau phải bỏ khi thấy Quốc hội Mỹ điều tra – năm ngoái CNOOC đã hoàn tất việc mua doanh nghiệp Nexen của Canada với giá cao hơn giá trị trường để làm chủ nhiều giếng dầu khí của Nexen ở nhiều nơi, kể cả trong Vịnh Mexico của Hoa Kỳ.
 
Trong nỗ lực hiện đại hóa, CNOOC tung tiền hợp tác với các tập đoàn đầu tư tài chánh và năng lượng của Tây phương. Cho nên việc tập đoàn này có giàn khoan tối tân tên là Hải dương Thạch du 981, hoàn thành từ Tháng Năm năm 2012 cách Hong Kong 350 cây số ở phí Đông-Nam, cùng nhiều phương tiện hiện đại khác, không thể là chuyện lạ.
 
Đấy là một mũi dùi của Bắc Kinh.
 
Nếu nhớ lại thì Tháng Sáu năm 2012, CNOOC thông báo việc mở ra chín lô thăm dò dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam trong phạm vi 200 hải lý của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc Bắc Kinh đòi mở ra chín lô khai thác này dĩ nhiên là vô giá trị về pháp lý và vi phạm Công ước Luật biển của Liên hiệp quốc. Nhưng họ cứ làm vì tin vào lòng tham của thiên hạ.
 
Nếu thuyết phục được các nước là hãy cùng vào khai thác các giếng dầu này – mà thật ra họ có thể tự khai thác lấy – Trung Quốc có thêm thế mạnh về pháp lý vì coi như các nước xác nhận chủ quyền của Bắc Kinh trên một vùng biển đang có tranh chấp về chủ quyền với năm sáu nước khác trong khu vực.
 
Cho nên, các nước có thể chọn: là theo Bắc Kinh hay Hà Nội, hay Manila để kiếm lời?
 
Một thí dụ là doanh nghiệp ONGC Videsh của Ấn đã có hai dự án liên doanh với Việt Nam trên hai lô dầu 127 và 128 trong khu vực tranh chấp này. Khi thăm dò như vậy thì tốn kém và họ mất 45 triệu đô la mà chưa thấy triển vọng. Vì vậy, Tháng Tư năm 2012, Ấn Độ tính rút khỏi lô 127 và cân nhắc lại về lô 128 trong khi Việt Nam cố thuyết phục họ ở lại.
 
Thế rồi quyết định của Trung Quốc là đem chín lô trên thềm lục địa của Việt Nam ra gọi thầu quốc tế làm Ấn Độ bị kẹt.
 
Nếu kinh doanh không lời mà triệt thoái thì ai cũng thông cảm. Nhưng khi Trung Quốc nhảy vào một nơi mà Ấn đang liên doanh với Việt Nam thì việc triệt thoái của Ấn lại có ý nghĩa ngoại giao, như phải bỏ chạy vì sợ đụng độ với Trung Quốc. 
 
Vì doanh lợi lẫn ngoại giao chính trị, mũi dùi CNOOC của Bắc Kinh thật ra có cán khá dài. Mà là cán sắt.
 
***
 
Kế tiếp, ta hãy tìm hiểu vì sao giàn khoan 981 lại được 80 tầu Trung Quốc bảo vệ mà chưa dùng tới Hải quân?
 
So với các nước khác, lãnh thổ Trung Quốc có bờ biển dài nhất thế giới,: từ cửa sông Áp Lục gần bán đảo Triều Tiên đến Vịnh Bắc Bộ là hơn 22 ngàn cây số. Nhưng vì là một cường quốc lục địa mới vươn ra ngoài, họ không có hệ thống duyên phòng hay hải cảnh (bảo vệ duyên hải) thống nhất và phân tán vào năm bộ phận với cấp số khoảng bốn vạn người cùng chia sẻ trách nhiệm về hải dương mà lại không phối hợp.
Năm bộ phận ấy là Hải Sự, Hải Cảnh, Hải Quan, Ngư Chính và Hải Giám.
 
Trong năm cơ quan, lớn nhất là Cục Hải Sự MSA (Maritime Safety Administration) có hai vạn nhân viên thi hành luật lệ liên quan đến hải dương, như an ninh hay an toàn hàng hải, cứu hộ, kiểm tra tầu bè, quản lý hải cảng. Cơ quan thật sự là hành chánh này mới chỉ thành hình từ 1998 sau khi sát nhập hai bộ phận thanh tra tầu bè và kiểm tra hải cảng nằm trong Bộ Giao Thông.
 
Cơ quan thứ hai là lực lượng cảnh sát ngoài biển, tên là Hải Cảnh (cứ được gọi là Coast Guard), thuộc bộ Công An, tức là bộ Nội vụ. Về hình thức, Hải Cảnh là cơ quan duy nhất được võ trang và về thực tế là cánh tay bạo lực hay cưỡng hành cho các cơ quan khác.
Cơ quan thứ ba là Hải Quan Tổng Thự (General Administration of Customs), phụ trách về quan thuế, bài trừ buôn lậu và quản lý thương cảng. Cơ quan thứ tư là Ngư Chính (Fisheries Law Enforcement Command) thuộc Bộ Nông Nghiệp, với trách nhiệm khuếch trương và bảo vệ quyền lợi đánh bắt thủy sản cho một quốc gia tiêu thụ nhiều cá nhất thế giới.
 
Cơ quan thứ năm, nổi tiếng vì thẩm quyền và sức bành trướng rất mạnh trong các năm qua là Hải Giám (Marine Surveillance), thuộc về Cục Hải Dương Quốc Gia của Bộ Tài Nguyên và Quốc Thổ (quản lý đất đai và tài nguyên quốc gia). Với cấp số khoảng tám ngàn người, Hải Giám có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc trên một diện tích ngoài biển khoảng ba triệu cây số vuông, kể cả Đặc Khu Kinh Tế EEZ, và là mũi nhọn trong những xung đột gần đây với Nhật Bản, Việt Nam và Phi Luật Tân nhờ phi cơ, trực thăng và cả tầu tuần duyên.
Thế rồi mùng 10 Tháng Ba năm ngoái, Bắc Kinh công bố kế hoạch tái phối trí hệ thống kiểm soát và bảo vệ quyền lợi ngoài biển qua việc thống nhất bốn cơ quan hữu trách làm một, dưới quyền chỉ đạo của Quốc Gia Hải Dương Cục (thuộc bộ Tài Nguyên và Quốc Thổ) là cơ chế đang chỉ huy lực lượng Hải Giám. Bốn cơ quan đó là Hải Cảnh, Hải Quan, Ngư Chính và Hải Giám. Lực lượng Hải Sự thì vẫn được duy trì dưới quyền giám hộ của Bộ Giao Thông.
Xin nhìn lại cho kỹ: từ năm ngoái, Bắc Kinh tổ chức lại hệ thống bảo vệ quyền lợi ở vùng biển cận duyên, với danh nghĩa hiền hòa là thuộc quyền giám hộ của Bộ Tài Nguyên hay Giao Thông, nhưng có khả năng quân sự đáng kể nếu so với khả năng của các lân bang đang có tranh chấp.
 
Bí thuật ở đây là không dùng tới Hải quân để Hoa Kỳ không e ngại hoặc có lý do can thiệp.
 
 
***
 
Tổng kết lại, Bắc Kinh chuẩn bị mọi việc từ khá lâu và quyết định của Tổng công ty CNOOC chỉ là kết cục tất yếu, nhưng mở ra nhiều vấn đề không chỉ cho Việt Nam mà cho các nước khác trong khu vực.
Chúng ta nên tìm hiểu về các khía cạnh kinh tế, kinh doanh và, sâu xa hơn vậy, là cả khía cạnh an ninh chiến lược.
 
Thứ nhất, miền Tây Thái bình dương mà ta gọi chung là biển Đông Á có khu vực Đông Bắc Á là vùng biển tiếp cận giữa Trung Quốc, Triều Tiên, Nga, Nhật Bản xuống tới Đài Loan. Miền Nam có khu vực Đông Nam Á, là vùng biển Đông hải của Việt Nam mà thế giới quen gọi là Trung Nam hải, biển miền Nam của Trung Quốc, hay biển Hoa Nam. Vùng biển Đông Nam Á này mới là khu vực chiến lược nhất cho cả thế giới, vì thịnh vượng hay chiến tranh có thể là từ đấy mà ra.
 
Đây là nơi sinh sống của gần 600 triệu dân Đông Nam Á bên cạnh hơn hai tỷ người tại Trung Hoa và bán đảo Ấn Độ, tức là 40% dân số toàn cầu. Vùng biển này có các dòng hải lưu và ba eo biển nối liền Ấn Độ dương với Thái bình dương, nối liền Đông Bắc với Đông Nam Á và Úc Châu. Vì vậy, không chỉ có 10 quốc gia Đông Nam Á mà hầu hết các nước khác đều phải đi qua khu vực này trong mục tiêu giao dịch buôn bán.
 
Thứ hai, vùng biển Đông Nam Á có tiềm lực cao về năng lượng. 
 
Người ta tính ra trữ lượng đã xác định về dầu thô là bảy tỷ thùng và về khí đốt là 900 ngàn tỷ thước khối. Là một nước đói ăn và khát dầu, Trung Quốc rốt ráo tìm hiểu tiềm năng về dầu và khí tại đây. Họ ước lượng là dưới lòng biển Đông, họ có thể tìm ra 130 ngàn tỷ thùng dầu, coi đây là giếng dầu khổng lồ chỉ thua Saudi Arabia mà thôi. Nhìn cách khác, mà cũng từ Trung Quốc ra, một phần ba trữ lượng về dầu khí của xứ này thật ra lại nằm tại biển Đông Nam Á. Nhưng 70% của số năng lượng đó lại nằm rất sâu dưới đáy biển, trên một khu vực có diện tích là 1.600 ngàn cây số vuông.

Khi vạch ra cái lưỡi bò chín đoạn và đòi chủ quyền trên một vùng biển rộng lớn của thiên hạ, có diện tích là ba triệu rưởi cây số vuông - bằng một phần ba của lãnh thổ Trung Quốc - tất nhiên Bắc Kinh nhắm vào nguồn dầu khí ở dưới. Nhưng dầu khí không là tất cả.

Sau ba tháng thăm dò, có khi giàn khoan HD 981 chẳng tìm ra cái gì đáng phấn khởi và mất toi vài chục triệu đô la. Nhưng cái "được" nó lại nằm ở phía khác. Tại Bắc Kinh. 
 
Đó là chứng minh được sức mạnh của Trung Quốc, trước sự bất nhất và do dự của Hoa Kỳ.

Các nước tính sao đây?