Hiển thị các bài đăng có nhãn Cuộc Chiến Năng Lượng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cuộc Chiến Năng Lượng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Bán Dầu Chống Giặc... Và Kiếm Lời

Nguyễn-Xuân Nghĩa

Vì sao Hoa Kỳ nên cho xuất cảng dầu thô?



* Thả dầu may ra thì đỡ thả bom!... *
 
Tuần qua, khi Iraq có loạn với lực lượng xưng danh Quốc gia Iraq và Đông phương (ISIL) từ Syria tràn qua đã chiếm các thành phố Mosul và Tikrit rồi uy hiếp thủ đô Baghdad, giá dầu thô đã tăng vọt. Hôm Thứ Năm 19, dầu thô trên thị trường Brent vượt mức 115 đồng một thùng, còn trên thị trường NYMEX của Mỹ vẫn cứ chờn vờn ở giá 107 đồng,

Do tình trạng cung cầu khá căng thẳng hiện nay, nếu xứ Iraq mới trở lại bán dầu ở giữa khu vực chiến lược về năng lượng là Trung Đông mà lại bị khủng hoảng và các giếng dầu bị tấn công thì kinh tế thế giới có thể lại bị tổng suy trầm nữa. Đó là kịch bản đáng ngại nếu giá dầu tăng thêm 20 đô la, trong khi Ngân hàng Thế giới vừa hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,4% xuống 2,8% cho năm nay. Nhiều chuyên gia về thương phẩm và năng lượng còn nói đến giả thuyết kinh hoàng mà họ cho là khả thể, là dầu thô sẽ lên tới 200 đô la một thùng!

Khi ấy, kinh tế toàn cầu không chỉ suy trầm mà suy thoái, và trôi vào khủng hoảng.


***

Bốn tháng trước, khi vụ khủng hoảng Ukraine bùng nổ, người ta đã nói đến thế mạnh của Tổng thống Vladimir Putin nhờ Liên bang Nga là một nước xuất cảng dầu thô và khí đốt cho nên có thể dùng năng lượng làm võ khí hóa giải áp lực của các nước Âu Châu.

Năng lượng đem lại phân nửa thu nhập của Nga và ngân sách của Putin được trù tính với giá dầu ở mức 117 đồng một thùng. Nếu giá dầu mà sụt đến mức 90 đồng thì nền kinh tế đang suy trầm của Nga sẽ gặp khủng hoảng, như đã từng bị vào năm 2009. Vì vậy, một trong các giải pháp ứng phó của Tây phương, Âu Châu và Hoa Kỳ, là làm giảm giá dầu thô và khí đốt.

Để giải toả sức ép của Nga, và yểm trợ Ukraine cùng các đồng minh Âu Châu, Hoa Kỳ có thể áp dụng giải pháp đó như nhiều nhân vật trong Quốc hội đã đề nghị từ Tháng Ba. Người ta lý luận rằng việc Mỹ cho phép xuất cảng dầu thô và khí đốt của mình có thể là đòn phản công.

Nhưng bây giờ với vụ Iraq, vấn đề hết là phản công để đối phó với Liên bang Nga, mà là ngừa rủi ro khủng hoảng vì năng lượng lên giá. Một trong các giải pháp lại được nhắc nhở là Chính quyền nên cho phép bán dầu. Ngẫu nhiên sao, cuối Tháng Năm vừa qua, công ty tư vấn đa năng IHS vừa công bố một phúc trình nghiên cứu theo chiều hướng này.

Vài hàng về IHS này đã.

Xuất phát từ một nhà xuất bản sách báo kỹ thuật vào năm 1959, IHS Inc. (Information Handling Service, Vận trù Thông tin) là doanh nghiệp về thông tin của Hoa Kỳ có hội sở tại tiểu bang Colorado và có nhiều phân bộ như Jane's Information ở bên Anh, nổi tiếng về nghiên cứu quốc phòng, hay Global Insight ở bên Mỹ, chuyên về tư vấn kinh tế.... Doanh nghiệp này chú trọng đến các vấn đề kỹ thuật không gian, khai thác nhu liệu thông tin, năng lượng hay kinh tế toàn cầu và nhận nghiên cứu từng hồ sơ chuyên biệt cho các khách hàng.


***

Về bối cảnh, Hoa Kỳ vừa lặng lẽ tiến hành một cuộc cách mạng về thuật lý năng lượng ("energy technology") với những kỹ thuật khai thác rất mới để (xin tạm gọi là) "gạn cát lấy dầu và khí đốt". Bài này xin nói riêng về dầu thô, theo bản phúc trình 144 trang của IHS.

Nhờ cuộc cách mạng về kỹ thuật "fracking", từ năm 2008 đến Tháng Ba năm nay, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng đến 64%, thêm được ba triệu 200 ngàn thùng một ngày, viết tắt là 3,2 mbd. Cũng nhờ tăng sản lượng nội địa, Hoa Kỳ lệ thuộc ít hơn vào dầu nhập cảng, từ 60%, lượng dầu ngoại nay chỉ chiếm có 30% số tiêu thụ. Tức là Mỹ vẫn nhập dầu, nhưng ít hơn, và sản lượng Mỹ có nâng số cung trên toàn cầu trong khi nhiều nước sản xuất khác lại bị trở ngại nên Hoa Kỳ đã tránh cho thế giới một vụ tăng giá dầu. Tăng suất của Mỹ - hơn ba triệu thùng một ngày như vừa nói – là một kỷ lục lịch sử và cao hơn tổng số gia tăng vừa qua của tất cả các nước khác.

Theo một công trình nghiên cứu năm ngoái của cơ quan International Energy Agency (World Energy Outlook 2013), thì nhờ đặc tính địa chất và thuật lý mới, nội trong thập niên này Mỹ có triển vọng là nước sản xuất dầu thô số một thế giới, tức là vượt Nga và các nước Trung Đông. Khi ấy, bài toán năng lượng của Hoa Kỳ và hậu quả chiến lược cho thế giới, sẽ có thay đổi.

Nhưng câu hỏi đặt ra là ngày nay Hoa Kỳ vẫn còn phải mua của thiên hạ đến 30% lượng dầu tiêu thụ, tại sao lại muốn cho bán dầu ra ngoài? Ai cấm mà phải xin?

Người ta có ba câu trả lời; trước hết là trở ngại pháp lý về quyền xuất cảng.

Từ những năm 1972, khi thế giới bị khủng hoảng năng lượng vì đòn phong toả dầu thô của các nước bán dầu tại Trung Đông, Hoa Kỳ áp dụng chánh sách kiểm soát giá dầu và cấm xuất cảng dầu để bảo đảm an toàn cho thị trường nội địa. Mươi năm sau, từ năm 1981, việc kiểm soát giá dầu theo chế độ bao cấp khá phổ biến trước đó đã chấm dứt để giá dầu lên xuống theo quy luật cung cầu. Nhưng lệnh cấm xuất cảng vẫn được duy trì cho tới ngày nay.

Vấn đề thứ hai thuộc về kỹ thuật, là khả năng chế biến, tức là lọc dầu thô ra xăng, nhớt, dầu cặn, v.v.....

Hệ thống chế biến của Mỹ đã đầu tư cả trăm tỷ để lọc dầu ra xăng và dầu ở đây là loại "nặng", chủ yếu nhập từ Canada, Mexico hay Venezuela. Trong khi đó, kỹ thuật hay công nghệ "fracking" – bơm nước và dung dịch hóa học vào các tầng đá phiến để giải phóng dầu thô và khí đốt – lại bơm lên loại "dầu chặt" hay "dầu nhẹ", tight oil hay light oil.

Tức là hạ tầng chế biến không phù hợp với loại nguyên nhiên liệu mới, cho nên Mỹ thiếu dầu nặng mà thừa dầu nhẹ nhưng lại chưa được phép xuất cảng vì những ràng buộc được đưa ra từ hơn 30 năm trước.

Vấn đề thứ ba là chính trị.

Nhiều doanh nghiệp chế biến là các hãng lọc dầu thì vẫn muốn duy trì lệnh cấm bán để mua nguyên liệu với giá rẻ. Họ vận động hành lang chính trị và yêu cầu Quốc hội không đổi luật. Kế đó, các trung tâm bảo vệ môi sinh rất có ảnh hưởng trong đảng Dân Chủ và Chính quyền Barack Obama thì e là kỹ thuật mới sẽ gây ô nhiễm. Họ đã muốn hạn chế giấy phép lập hãng lọc dầu, và nay vẫn chặn đường xuất cảng nên cản trở cuộc cách mạng về thuật lý năng lượng.

Hậu quả là Hoa Kỳ tiếp tục mua năng lượng do nơi khác khai thác, với kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm thua xa kỹ thuật Hoa Kỳ. Nói theo kinh tế là khi nhập cảng dầu, Hoa Kỳ gây thêm ô nhiễm cho địa cầu nhiều hơn là nếu sản xuất lấy. Việc Tổng thống Obama đã lần lữa nhiều năm rồi vẫn trì hoạn dự án lập ồng dẫn dầu Keystone XL để nhập dầu Canada cho các doanh nghiệp Mỹ chế biến tại nhiều tiểu bang cũng phản ảnh áp lực đó của giới bảo vệ môi sinh.

Bây giờ, ta bước qua bài toán then chốt là chuyện lời lỗ trên tổng thể...


***


Trước hết là mối lợi kinh tế.

Theo phúc trình của IHS, nếu Hoa Kỳ giải toả lệnh cấm bán dầu và cho phép mua bán tự do, thì nhật lượng dầu thô của Mỹ hiện nay là 8,2 triệu thùng (một ngày) có thể tăng thêm ba triệu, lên tới 11 triệu 200 ngàn thùng. Nhờ vậy, từ năm 2016 đến 2030, kinh tế Hoa Kỳ có thêm một lượng đầu tư trị giá 746 tỷ đô la và tạo thêm việc làm cho công nhân Mỹ. IHS ước tính là sản lượng kinh tế Hoa Kỳ đã tăng được 1% trong hai năm qua chính là nhờ khu vực năng lượng và thống kê Bộ Lao Động cũng cho biết là khu vực dầu khí đã tạo ra nhiều việc làm nhất trong giai đoạn khó khăn vừa qua.

Thứ nhì, thế giới ngày nay vẫn yết giá dầu bằng đô la và giá xăng dầu tiêu thụ trên thị trường Mỹ được tính giá từ giá dầu quốc tế, chứ không theo giá dầu thô nội địa. Khi Hoa Kỳ nâng sản lượng dầu thì giá dầu trên thế giới sẽ giảm, nhờ vậy mà xăng dầu cho nhà tiêu thụ tại Mỹ cũng giảm. IHS dự toán là giảm được tám xu cho một ga lông. Nhờ đó, giới tiêu thụ đỡ tốn – hay tiết kiệm được – 265 tỷ đô la trong khoảng thời gian từ 2016 đến 2030.

Lập luận này quan trọng vì phản bác lối suy tính của các hãng lọc dầu. Họ muốn chặn đà xuất cảng để giá dầu nội địa sẽ giảm vì cung nhiều hơn cầu. Thật ra, khi Mỹ xuất cảng dầu thì hậu quả dội ngược vào trong sẽ khiến giá dầu thô và xăng nhớt nội địa sẽ giảm.

Thứ ba, khi được phép xuất cảng dầu, sản lượng kinh tế Mỹ có thể tăng được 135 tỷ, số việc làm thêm được gần một triệu và cụ thể thì lợi tức của mỗi hộ gia đình có thêm 391 đồng. Ngoài ra, hóa đơn mua dầu của Hoa Kỳ có giảm được 67 tỷ một năm; so với tình trạng nhập cảng vào năm 2013 thì giảm 30%.

Tổng kết lại thì số thu nhập của nhà nước Hoa Kỳ trong khoảng thời gian 15 năm tới, từ 2016 đến 2030, sẽ tăng thêm được 1.311 tỷ....

Quan trọng hơn cả, Hoa Kỳ sẽ thành một đại gia về năng lượng, ít lệ thuộc hơn vào dầu thô của nước ngoài mà còn có ảnh hưởng mạnh hơn đến giá dầu trên thế giới, kể cả ngân sách của Liên bang Nga hay khả năng chống đỡ của Ukraine và các nước Âu Châu.

Xưa nay, người ta cứ lầm tưởng rằng Hoa Kỳ gây chiến khắp nơi là để mua dầu. Nhiều người còn cho là nước Mỹ nham hiểm cứ mua dầu của thiên hạ trong khi ngồi lên các giếng dầu của mình. Sự thật lại không đơn giản như vậy. Và từ ba chục năm nay, luật chơi về năng lượng đã có thay đổi nhưng giới chánh trị thì chậm lụt và cục bộ nên chưa nhìn ra.

Dù sao, khuyến cáo của IHS rất nên được các chính khách Mỹ chú ý.

Còn hơn là nghe lời một Nghị sĩ Dân chủ tại New York là Chuck Schumer, rằng nên phản đòn Putin bằng cách bán dầu từ kho Dự trữ Chiến lược để làm giảm giá dầu trên thế giới!

Kho dự trữ được lập ra từ năm 1975 để đối phó với sự gián đoạn bất thường của nguồn cung cấp, và tổng cộng chỉ có gần 700 triệu thùng, đủ cho hơn một tháng tiêu thụ. Xả kho chiến lược này không thể làm giảm giá dầu quốc tế mà chỉ phản ảnh tầm nhìn ngắn ngủi của các chính khách!

Chúng ta sẽ theo dõi viễn kiến của họ, và nên bỏ phiếu căn cứ trên tiêu chuẩn đó.


_______________


ISIL hay ISIS?

Bài này xin có một bonus làm mưỡu hậu về cách gọi tên lực lượng vừa gây chấn động tại Iraq.

Thành lập từ năm 2004 như một phân cục của tổ chức khủng bố Al-Qaeda tại Iraq, lực lượng này đã xưng danh là "Islamic State in Iraq and Syria", nên được nhiều cơ quan truyền thông Mỹ, kể cả tờ New York Times viết tắt là ISIS. Trên đài truyền hình hay phát thanh, nhiều nơi đọc tên tắt ISIS thành "eye-sis", tương tự như nữ thần Isis của Ai Cập. Nhưng cũng có nơi đọc thành "ee-sis"

Rắc rối là Chính quyền Hoa Kỳ và nhiều hãng thông tấn như AP thì gọi là "Islamic State in Iraq and the Levant" và viết tắt là ISIL. Tên tắt này được đọc thành "eye-ess-eye-ell". Cũng tên tắt ISIL ấy phù hợp với một cách xưng danh khác của lực lượng phiến quân vừa từ Syria tràn qua Iraq "Islamic State in Iraq and ash-Sham" hay "al-Sham."

Vấn đề ngôn từ ở đây là tên của lực lượng xuất phát từ tiếng Ả Rập: "al-Dawla al-Islamiya fil-Iraq wa al-Sham". Al-Sham là tiếng Ả Rập chỉ vùng đất chung quanh Dasmascus của Syria, sau này mở rộng thành cả khu vực từ Địa Trung Hải vào tới đất Lưỡng Hà của Iraq. Khi theo đúng tên gọi al-Sham ấy thì lực lượng ISIL muốn lập ra một đế chế Hồi giáo bao trùm lên đất Syria, Israel, Jordan, Lebanon, Iraq và cả vùng Đông Nam của Turkey.

Vì mấy rắc rối về lịch sử như vậy, người ta mới dịch tên thành "Islamic State in Iraq and the Levant", "Islamic State in Iraq and Syria", hay "and Greater Syria", v.v.... 

Nhưng chưa đủ nhức đầu, kẻ trong cuộc là đám phiến quân ấy không chấp nhận chữ Syria - là do Hy Lạp đặt ra thời xưa - hay tên Syria là quốc gia hiện đại mà chính họ muốn xoá bỏ để trở về một khái niệm cổ xưa hơn, cách mạng hơn!

Người viết này thiên về cách gọi tắt là ISIL, nó vừa thể hiện chữ Levant vừa phản ảnh chữ al-Sham hay ash-Sham, và cho còn thấy tham vọng rộng lớn của lực lượng cuồng tín này vì muốn xây dựng một Đế chế Hồi giáo bao trùm lên Syria, Lebanon, Israel, Jordan và Iraq.

Chuyện còn dài, nhưng vài dòng trình bày cũng để cho thấy sự đắn đo cân nhắc của người làm tin hay viết bình luận.
 

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

CNOOC và Trận Đánh Ngoài Đông Hải

Mũi Nhọn, Cán Sắt và Cái Đầu Có Sạn  

Bản đồ Đông Hải và Trò Chơi hơi Tối Xám của Bắc Kinh
Nguyễn-Xuân Nghĩa

Mùng ba Tháng Năm vừa qua, Bắc Kinh thông báo một quyết định gây chấn động. 

Từ mùng bốn Tháng Năm đến ngày năm Tháng Tám, giàn khoan Haiyang Shiyou 981 của Tổng công ty CNOOC sẽ vào tìm dầu trong một khu vực cách quần đảo Trường Sa 20 hải lý ở phía Nam. Và rằng tầu bè các nước phải tránh xa khu vực này trong khoảng ba hải lý.
 
Sau đó, có tin là Trung Quốc đưa vào 80 tầu đủ loại với máy bay để bảo vệ giàn khoan được gọi tắt là HD981.
Diễn giải cho dễ hiểu: Trung Quốc đưa giàn khoan thuộc loại tối tân nhất của họ - trị giá cả tỷ đô la, với khả năng thăm dò tới ba ngàn thước dưới mặt biển và đào sâu tới 10 cây số – để trong ba tháng sẽ thăm dò thềm lục địa của Việt Nam, tại một nơi trong khu vực đặc quyền kinh tế Việt Nam, cách đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré) của Việt Nam có 150 cây số.
 
Phía Hà Nội lập tức phản đối, và Hoa Kỳ trách cứ hành động này là khiêu khích và không ích lợi. Rồi đụng độ xảy ra khi tầu cảnh sát của Việt Nam bị tầu Trung Quốc đâm rách khiến sáu người bị thương....
 
Đông hải đã nổi sóng. Chúng ta sẽ lần lượt nhìn lại toàn cảnh để suy ra nội vụ và hậu quả. 

***
 
Trước hết là mũi dùi CNOOC.
 
Được gọi tắt là CNOOC hay "Xi Nốc", "Trung Quốc Hải dương Thạch du Tổng công ty" là tập đoàn kinh tế nhà nước Trung Quốcn đứng hạng thứ ba trong lãnh vực năng lượng sau tập đoàn CNPC và CPC, chuyên về thăm dò và khai thác dầu thô cùng khí đốt (dầu và khí) ở ngoài khơi. Thuộc quyền sở hữu của nhà nước, Tổng công ty Dầu khí Hải dương CNOOC nằm dưới sự quản lý của Ủy ban SASAC, chuyên về giám đốc và quản lý tài sản nhà nước. Và lãnh đạo là đảng viên cao cấp. Một Tổng quán trị của CNOOC ngày xưa từng được đưa lên làm Bí thư tỉnh Hải Nam.
 
Từ nhiều năm nay, CNOOC bành trướng hoạt động, hùn vốn với nhiều tổ hợp quốc tế để vừa tìm năng lượng cho Trung Quốc vừa thu thập kiến thức hiện đại về kỹ thuật khai thác. Đã từng dạm mua tổ hợp Uncocal của Hoa Kỳ từ năm 2005 – sau phải bỏ khi thấy Quốc hội Mỹ điều tra – năm ngoái CNOOC đã hoàn tất việc mua doanh nghiệp Nexen của Canada với giá cao hơn giá trị trường để làm chủ nhiều giếng dầu khí của Nexen ở nhiều nơi, kể cả trong Vịnh Mexico của Hoa Kỳ.
 
Trong nỗ lực hiện đại hóa, CNOOC tung tiền hợp tác với các tập đoàn đầu tư tài chánh và năng lượng của Tây phương. Cho nên việc tập đoàn này có giàn khoan tối tân tên là Hải dương Thạch du 981, hoàn thành từ Tháng Năm năm 2012 cách Hong Kong 350 cây số ở phí Đông-Nam, cùng nhiều phương tiện hiện đại khác, không thể là chuyện lạ.
 
Đấy là một mũi dùi của Bắc Kinh.
 
Nếu nhớ lại thì Tháng Sáu năm 2012, CNOOC thông báo việc mở ra chín lô thăm dò dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam trong phạm vi 200 hải lý của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc Bắc Kinh đòi mở ra chín lô khai thác này dĩ nhiên là vô giá trị về pháp lý và vi phạm Công ước Luật biển của Liên hiệp quốc. Nhưng họ cứ làm vì tin vào lòng tham của thiên hạ.
 
Nếu thuyết phục được các nước là hãy cùng vào khai thác các giếng dầu này – mà thật ra họ có thể tự khai thác lấy – Trung Quốc có thêm thế mạnh về pháp lý vì coi như các nước xác nhận chủ quyền của Bắc Kinh trên một vùng biển đang có tranh chấp về chủ quyền với năm sáu nước khác trong khu vực.
 
Cho nên, các nước có thể chọn: là theo Bắc Kinh hay Hà Nội, hay Manila để kiếm lời?
 
Một thí dụ là doanh nghiệp ONGC Videsh của Ấn đã có hai dự án liên doanh với Việt Nam trên hai lô dầu 127 và 128 trong khu vực tranh chấp này. Khi thăm dò như vậy thì tốn kém và họ mất 45 triệu đô la mà chưa thấy triển vọng. Vì vậy, Tháng Tư năm 2012, Ấn Độ tính rút khỏi lô 127 và cân nhắc lại về lô 128 trong khi Việt Nam cố thuyết phục họ ở lại.
 
Thế rồi quyết định của Trung Quốc là đem chín lô trên thềm lục địa của Việt Nam ra gọi thầu quốc tế làm Ấn Độ bị kẹt.
 
Nếu kinh doanh không lời mà triệt thoái thì ai cũng thông cảm. Nhưng khi Trung Quốc nhảy vào một nơi mà Ấn đang liên doanh với Việt Nam thì việc triệt thoái của Ấn lại có ý nghĩa ngoại giao, như phải bỏ chạy vì sợ đụng độ với Trung Quốc. 
 
Vì doanh lợi lẫn ngoại giao chính trị, mũi dùi CNOOC của Bắc Kinh thật ra có cán khá dài. Mà là cán sắt.
 
***
 
Kế tiếp, ta hãy tìm hiểu vì sao giàn khoan 981 lại được 80 tầu Trung Quốc bảo vệ mà chưa dùng tới Hải quân?
 
So với các nước khác, lãnh thổ Trung Quốc có bờ biển dài nhất thế giới,: từ cửa sông Áp Lục gần bán đảo Triều Tiên đến Vịnh Bắc Bộ là hơn 22 ngàn cây số. Nhưng vì là một cường quốc lục địa mới vươn ra ngoài, họ không có hệ thống duyên phòng hay hải cảnh (bảo vệ duyên hải) thống nhất và phân tán vào năm bộ phận với cấp số khoảng bốn vạn người cùng chia sẻ trách nhiệm về hải dương mà lại không phối hợp.
Năm bộ phận ấy là Hải Sự, Hải Cảnh, Hải Quan, Ngư Chính và Hải Giám.
 
Trong năm cơ quan, lớn nhất là Cục Hải Sự MSA (Maritime Safety Administration) có hai vạn nhân viên thi hành luật lệ liên quan đến hải dương, như an ninh hay an toàn hàng hải, cứu hộ, kiểm tra tầu bè, quản lý hải cảng. Cơ quan thật sự là hành chánh này mới chỉ thành hình từ 1998 sau khi sát nhập hai bộ phận thanh tra tầu bè và kiểm tra hải cảng nằm trong Bộ Giao Thông.
 
Cơ quan thứ hai là lực lượng cảnh sát ngoài biển, tên là Hải Cảnh (cứ được gọi là Coast Guard), thuộc bộ Công An, tức là bộ Nội vụ. Về hình thức, Hải Cảnh là cơ quan duy nhất được võ trang và về thực tế là cánh tay bạo lực hay cưỡng hành cho các cơ quan khác.
Cơ quan thứ ba là Hải Quan Tổng Thự (General Administration of Customs), phụ trách về quan thuế, bài trừ buôn lậu và quản lý thương cảng. Cơ quan thứ tư là Ngư Chính (Fisheries Law Enforcement Command) thuộc Bộ Nông Nghiệp, với trách nhiệm khuếch trương và bảo vệ quyền lợi đánh bắt thủy sản cho một quốc gia tiêu thụ nhiều cá nhất thế giới.
 
Cơ quan thứ năm, nổi tiếng vì thẩm quyền và sức bành trướng rất mạnh trong các năm qua là Hải Giám (Marine Surveillance), thuộc về Cục Hải Dương Quốc Gia của Bộ Tài Nguyên và Quốc Thổ (quản lý đất đai và tài nguyên quốc gia). Với cấp số khoảng tám ngàn người, Hải Giám có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc trên một diện tích ngoài biển khoảng ba triệu cây số vuông, kể cả Đặc Khu Kinh Tế EEZ, và là mũi nhọn trong những xung đột gần đây với Nhật Bản, Việt Nam và Phi Luật Tân nhờ phi cơ, trực thăng và cả tầu tuần duyên.
Thế rồi mùng 10 Tháng Ba năm ngoái, Bắc Kinh công bố kế hoạch tái phối trí hệ thống kiểm soát và bảo vệ quyền lợi ngoài biển qua việc thống nhất bốn cơ quan hữu trách làm một, dưới quyền chỉ đạo của Quốc Gia Hải Dương Cục (thuộc bộ Tài Nguyên và Quốc Thổ) là cơ chế đang chỉ huy lực lượng Hải Giám. Bốn cơ quan đó là Hải Cảnh, Hải Quan, Ngư Chính và Hải Giám. Lực lượng Hải Sự thì vẫn được duy trì dưới quyền giám hộ của Bộ Giao Thông.
Xin nhìn lại cho kỹ: từ năm ngoái, Bắc Kinh tổ chức lại hệ thống bảo vệ quyền lợi ở vùng biển cận duyên, với danh nghĩa hiền hòa là thuộc quyền giám hộ của Bộ Tài Nguyên hay Giao Thông, nhưng có khả năng quân sự đáng kể nếu so với khả năng của các lân bang đang có tranh chấp.
 
Bí thuật ở đây là không dùng tới Hải quân để Hoa Kỳ không e ngại hoặc có lý do can thiệp.
 
 
***
 
Tổng kết lại, Bắc Kinh chuẩn bị mọi việc từ khá lâu và quyết định của Tổng công ty CNOOC chỉ là kết cục tất yếu, nhưng mở ra nhiều vấn đề không chỉ cho Việt Nam mà cho các nước khác trong khu vực.
Chúng ta nên tìm hiểu về các khía cạnh kinh tế, kinh doanh và, sâu xa hơn vậy, là cả khía cạnh an ninh chiến lược.
 
Thứ nhất, miền Tây Thái bình dương mà ta gọi chung là biển Đông Á có khu vực Đông Bắc Á là vùng biển tiếp cận giữa Trung Quốc, Triều Tiên, Nga, Nhật Bản xuống tới Đài Loan. Miền Nam có khu vực Đông Nam Á, là vùng biển Đông hải của Việt Nam mà thế giới quen gọi là Trung Nam hải, biển miền Nam của Trung Quốc, hay biển Hoa Nam. Vùng biển Đông Nam Á này mới là khu vực chiến lược nhất cho cả thế giới, vì thịnh vượng hay chiến tranh có thể là từ đấy mà ra.
 
Đây là nơi sinh sống của gần 600 triệu dân Đông Nam Á bên cạnh hơn hai tỷ người tại Trung Hoa và bán đảo Ấn Độ, tức là 40% dân số toàn cầu. Vùng biển này có các dòng hải lưu và ba eo biển nối liền Ấn Độ dương với Thái bình dương, nối liền Đông Bắc với Đông Nam Á và Úc Châu. Vì vậy, không chỉ có 10 quốc gia Đông Nam Á mà hầu hết các nước khác đều phải đi qua khu vực này trong mục tiêu giao dịch buôn bán.
 
Thứ hai, vùng biển Đông Nam Á có tiềm lực cao về năng lượng. 
 
Người ta tính ra trữ lượng đã xác định về dầu thô là bảy tỷ thùng và về khí đốt là 900 ngàn tỷ thước khối. Là một nước đói ăn và khát dầu, Trung Quốc rốt ráo tìm hiểu tiềm năng về dầu và khí tại đây. Họ ước lượng là dưới lòng biển Đông, họ có thể tìm ra 130 ngàn tỷ thùng dầu, coi đây là giếng dầu khổng lồ chỉ thua Saudi Arabia mà thôi. Nhìn cách khác, mà cũng từ Trung Quốc ra, một phần ba trữ lượng về dầu khí của xứ này thật ra lại nằm tại biển Đông Nam Á. Nhưng 70% của số năng lượng đó lại nằm rất sâu dưới đáy biển, trên một khu vực có diện tích là 1.600 ngàn cây số vuông.

Khi vạch ra cái lưỡi bò chín đoạn và đòi chủ quyền trên một vùng biển rộng lớn của thiên hạ, có diện tích là ba triệu rưởi cây số vuông - bằng một phần ba của lãnh thổ Trung Quốc - tất nhiên Bắc Kinh nhắm vào nguồn dầu khí ở dưới. Nhưng dầu khí không là tất cả.

Sau ba tháng thăm dò, có khi giàn khoan HD 981 chẳng tìm ra cái gì đáng phấn khởi và mất toi vài chục triệu đô la. Nhưng cái "được" nó lại nằm ở phía khác. Tại Bắc Kinh. 
 
Đó là chứng minh được sức mạnh của Trung Quốc, trước sự bất nhất và do dự của Hoa Kỳ.

Các nước tính sao đây?
 

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Nhật Bản ngồi trên ‘núi vàng’ năng lượng chưa khai thác

Thời sự: Thứ năm 17/04/ 2014
      
Tàu khoan đáy biển Chikyu được Nhật Bản dùng để tìm khí mêtan hydrat
Tàu khoan đáy biển Chikyu được Nhật Bản dùng để tìm khí mêtan hydrat
DR
Mai Vân
        
Cơ quan Năng lượng Nhật Bản vừa loan báo việc tiến hành một chương trình thăm dò mới, tìm khí mêtan hyđrat (méthane hydrate) tại vùng Biển Nhật Bản ở phía đông nước Nhật, và vùng phía Đông Nam đảo Hokkaido ở miền Bắc. Công cuộc thăm dò được khởi động vào hôm thứ Ba, 15/04/2014. Đây là một loại khí rất dồi dào ở dưới đáy vùng biển bao quanh Nhật, với trữ lượng có thể vượt mức 100 năm sử dụng. Tokyo hy vọng là nguồn năng lượng mới đó có thể giúp họ thoát được khó khăn năng lượng hiện nay.
 
Sau tai nạn ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản đang phải trở lại thời kỳ lệ thuộc nặng nề vào năng lượng hóa thạch mà Nhật Bản không có và phải nhập khẩu hầu như toàn bộ năng lượng cần thiết. Đây là một gánh nặng to lớn cho một nền kinh tế đang trên đà hồi phục.
 
Khí mêtan hyđrat – đôi khi được gọi là còn gọi là ‘nước đá cháy’ hay ‘băng cháy’ - là một dạng khí mêtan bị kẹt trong một cấu trúc tinh thể nước, tạo thành một chất rắn tựa như băng, ổn định ở điều kiện nhiệt độ thấp và áp suất cao, và phần lớn được tìm thấy bên dưới lớp băng vĩnh cửu và những tầng địa chất sâu bên dưới lòng đại dương.
 
Loại khí này đã được phát hiện ở nhiều vùng chung quanh Nhật Bản, nhưng nguồn năng lượng này đến nay vẫn không được khai thác do những nguyên nhân vừa kỹ thuật, vừa kinh tế.
 
Tuy nhiên, sau thảm họa hạt nhân tại nhà máy Fukushima vào tháng 3 năm 2011, hầu như đánh gục ngành điện nguyên tử tại Nhật, buộc nước này phải cấp tốc nhập khẩu năng lượng hóa thạch như đầu hỏa và khí đốt thiên nhiên từ nước ngoài, Bộ Công nghiệp Nhật (Meti) đã nghĩ đến việc khai thác nguồn khí metan hydrat tiềm tàng của mình.
 
Một cuộc thăm dò đầu tiên đã được thực hiện vào tháng 6/2013 ở Biển Nhật Bản nhằm ước tính khối lượng khi metan nằm dưới đáy biển. Bên cạnh đó, các viện nghiên cứu tư nhân cũng nhập cuộc, thậm chí còn đi trước chính phủ một bước khi tiến hành công việc vẽ bản đồ những nơi có mỏ khí metan.
 
Cuộc thăm dò bắt đầu hôm 15/04 là bước tiếp theo, kết hợp một viện nghiên cứu khoa học quốc gia AIST, và các chuyên gia thuộc trường Đại học tư Meiji. Ngoài ra, từ đầu tháng 6 đến đầu tháng 7/2014, một chiến dịch thu thập mẫu cũng được dự kiến.
 
Những cuộc thăm dò kể trên nằm trong một kế hoạch rộng lớn hơn của Nhật Bản nhằm khai thác nguồn khí metan được dự kiến là sẽ chỉ thực hiện được sau năm 2020 mà thôi. Lý do, theo các chuyên gia được AFP trích dẫn, đó là vì Nhật Bản – dù là nước tiên tiến nhất trong lãnh vực này – nhưng cũng phải mất nhiều năm đề hoàn thiện công nghệ, kỹ thuật khai thác, cũng như nghiên cứu cách giảm chi phí vốn rất to lớn vì phải lấy khí từ dưới đáy biển khơi.
 
Hồi tháng 3 / 2013, giới nghiên cứu Nhật lần đầu tiên trên thế giới đã trích được khí metan được từ đáy biển, cách bán đảoAtsumi miền Trung Nam nước Nhật 80 cây số, ngay tại Thái Bình Dương. Trước đó vài năm, Canada cũng đã thử nghiệm cách trích xuất khí mêtan hydrat trên đất liền.
 
Trong lúc phải đối đầu với khó khăn năng lượng, Nhật Bản được cho là có thể đang ngồi trên ‘một núi vàng ‘ năng lượng : Vùng đáy biển ngoài khơi lãnh hải phía Nhật Bản chạy dài từ Shizuoka đến Wakayama, được xác định là có trữ lượng khí metan tương ứng với 10 năm nhu cầu về khí đốt của Nhật.
 
Tuy nhiên, theo giới nghiên cứu, trữ lượng ở đây không bằng ở vùng đang có cuộc thăm dò ở Biển Nhật Bản.
 
Tìm hiểu nguồn khí metan dồi dào chung quanh Nhật Bản, bà Chiharu Aoyama, một chuyên gia độc lập về các nguồn năng lượng, giải thích là loại khí này đặc biệt tập trung ở những nơi có độ động đất cao. Nhật Bản lại nằm ở nơi tiếp giáp 4 mảng kiến tạo của vỏ trái đất, cho nên hiện là nước phải chịu nạn động đất nhiều nhất hành tinh. 20% các vụ động đất hàng năm trên thế giới là xẩy ra tại Nhật.
 
Theo một số ước tính, Nhật Bản có thể sở hữu tổng cộng một lượng khí metan hydrat tương đương với một thế kỷ tiêu thụ - hay hơn nữa. Đây quả là một triển vọng rất tươi sáng vào lúc xứ Hoa anh đào hiện phải lệ thuộc vào năng lượng ngoại nhập, chiếm hơn 90% năng lượng tiêu dùng trong nước.
 

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Mỹ có thể trợ giúp khí đốt cho Châu Âu

 
Ukraina và 6 nước châu Âu khác đều phải mua khí đốt của Nga.
Ukraina và 6 nước châu Âu khác đều phải mua khí đốt của Nga
 
 
Thời sự: Chủ nhật, 13.04.2014                
 
Vào lúc Nga tiếp tục tăng giá khí đốt bán cho Ukraina, một số người nhìn vào khí đốt của Hoa Kỳ như là một cách giảm bớt sự lệ thuộc về năng lượng của châu Âu vào Nga. Tuy nhiên theo như tường trình của Thông tín viên đài VOA Kent Klein, đây là một giải pháp còn phải chờ vài năm nữa mới thực hiện được.

Cư dân Kyiv Svetlana Kuleshova và Yuri Kuleshov đang phải trả giá cho khí đốt đắt tiền hơn của Nga.

Ôngg Yuri Kuleshov nói: “Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách của chúng tôi. Chúng tôi đơn giản sẽ phải ngưng mua tất cả mọi thứ chúng tôi đang mua hiện nay, vì trong bất cứ mọi trường hợp, chúng tôi buộc phải trả tiền mua khí đốt để ít nhất là sưởi ấm nhà tránh khỏi bị lạnh giá. Chúng tôi dĩ nhiên sẽ bắt đầu tìm cách thay thế.”

Việc lo lắng của họ cũng tương tự như nhiều người châu Âu. Ukraina và 6 nước châu Âu khác đều mua khí đốt của Nga.

Trong khi đó những đe dọa trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga bị coi thường. Phó Thủ tướng thứ Nhất Nga Igor Shuvalov nói Nga có thể tìm nơi khác để bán khí đốt và việc này sẽ làm châu Âu tổn hại thêm.

Ông Igor Shuvalov nói: “Việc này sẽ buộc các nước châu Âu đầu tư thêm vào hạ tầng cơ sở mới để mua khí đốt của Mỹ và những nơi khác trên thế giới. Châu Âu sẽ phải trả thêm. Điều này có nghĩa là các người tiêu dùng sẽ phải trả thêm tiền, nhưng khí đốt của Nga sẽ được các vùng khác trên thế giới tiêu thụ.”

Khí đốt của Mỹ được dẫn qua một nhà máy tại tiểu bang Maryland, miền đông Hoa Kỳ, có thể giúp giải quyết vấn đề…nhưng còn phải chờ.

Một khu vực mới của nhà máy giúp cơ sở này hóa lỏng khí đốt và chở ra nước ngoài chưa sẵn sàng cho đến cuối năm 2017. Những nhà máy khác được xây dựng cũng mất thời gian tương tự.

Và khi nhà máy mới hoạt động, nơi này sẽ xuất khẩu tất cả khí đốt sang Ấn Độ và Nhật Bản.

Chuyên gia về năng lượng Paul Bledsoe thuộc Quỹ Marshall Đức của Mỹ cho biết Hoa Kỳ sẽ không phải là nguồn khí đốt mới đầu tiên của châu Âu.

“Nơi đầu tiên là những ống dẫn ở phía nam từ Trung Á, từ Bắc Phi và từ chính những nguồn của các nước châu Âu. Điều chúng tôi muốn nói ở đây là mở rộng các nguồn khí đốt sẵn có trên toàn cầu, chính yếu là toàn cầu hóa thị trường khí đốt.”

Ông Bledsoe nói Washington nên nhanh chóng chấp nhận đơn đặt hàng của các nước châu Âu nhập khẩu khí đốt và giúp châu Âu khai thác khí đốt từ đá phiến sét.

“Điều chúng tôi thực sự kêu gọi là kế hoạch chung Hoa Kỳ-Liên hiệp châu Âu về khí đốt, đa dạng hóa nguồn khí đốt cho châu Âu, giảm giá trong dài hạn, cắt giảm khí thải và giảm lệ thuộc vào Nga. Có cơ hội rất to lớn trong chuyện này.”

Theo nhà văn và giáo sư về năng lượng Steve LeVine, khi việc này xảy ra, châu Âu và Hoa Kỳ đều được lợi.

“Ảnh hưởng của việc xuất khẩu tất cả khí đốt này, và tín hiệu được gởi đi là sẽ gia tăng ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên thế giới, ảnh hưởng về địa lý chính trị từ khí đốt này.”

Theo ông LeVine, Tổng thống Nga Vladimir Putin lúc đó sẽ phải bán khí đốt cho Trung Quốc với giá rẻ hơn.
 

Dầu Khí Âu-Mỹ và Ống Dẫn Khí Nối Ruột Nga-Hoa


Nguyễn-Xuân Nghĩa 
Thứ bảy, 05/04/2014
 
Chuyện Dầu Khí - Thổi Từ Ukraine Qua Đông Hải
 
 * Ống dẫn Nga Hoa, dự án trên mạn Bắc * 
 


Việc Vladimir Putin thôn tính bán đảo Crimea của Ukraine xảy ra khi kinh tế Liên bang Nga tăng trưởng chậm hơn – bị suy trầm – và có thễ dẫn tới suy thoái, là không tăng trưởng dù chậm mà còn tụt xuống số âm. Nhìn trong một viễn cảnh dài, vụ khủng hoảng Ukraine còn đánh dấu một chuyện động lớn lao hơn vậy, đó là vai trò mới của năng lượng, khi cuộc cách mạng về dầu thô và khí đốt tại Hoa Kỳ sẽ làm thay đổi tương quan kinh tế giữc các khu vực của toàn cầu.

Chúng ta hãy cùng nhìn lại....

Bài học thường thức về địa dư chính trị và an ninh kinh tế cứ hay được tóm lược như sau, đôi khi để giải thích sự tranh chấp hay chinh chiến từ hơn nửa thế kỷ vừa qua:

Thế giới có hai nhu vực sản xuất nhiều năng lượng dầu khí nhất, đó là Trung Đông và nước Nga. Và có hai khu vực tiêu thụ mạnh nhất, ở quanh Ấn Độ dương và Đông Á. Nơi tiêu thụ bao trùm lên một xứ đông dân và mới ni63i là Ấn Độ, trải qua các nước đang phát triển tại Đông Nam Á, tới Trung Quốc vừa cải cách và lên vùng Đông Bắc Á của các nước đã công nghiệp hoá mà không có dầu khí: Nhật Bản, Nam Hàn và cũng nên kể thêm Đài Loan.

Vì dầu khí, xin gọi chung là năng lượng không tái tạo, là nhiên liệu cần thiết cho công nghiệp cho nên chuyện cung cầu đã trở thành định luật chi phối quan hệ giữa các khu vực và các nước, giữa nguồn sản xuất và nơi tiêu thụ. Các nước liên kết hoặc cạnh tranh với nhau không chỉ vì y thức hệ hay tư tưởng mà còn vì nguyên liệu tối cần thiết cho kinh tế.

Trong khung ảnh đó, thế giới có "Lục địa già" là Âu Châu và siêu cường mới nổi từ trăm năm thì nghe nói là đã bắt đầu lụn bại, là Hoa Kỳ. Cả Âu Châu lẫn Hoa Kỳ đều cần năng lượng và từ bốn chục năm trước, người ta đã báo động cái ngày cạn dầu khí, peak oil khiến các nước bán dầu có thể chi phối được thế giới.

Nói về "Thế giới già", the Old World, sau nhiều thế kỷ tung hoành tứ phương để tìm nguyên nhiên vật liệu rồi giết nhau bao lần, ngày nay Âu Châu đã an phận thủ thường. Các nước trong khu vực tìm cách dung hòa với Trung Đông cùng nước Nga, để có nhiên liệu sưởi ấm tuổi già.

Còn Hoa Kỳ thì vì sợ cạn dầu và mất an toàn về năng lượng nên đòi gây chiến khắp nơi để xài dầu của xứ khác. Gần đây nhất là vụ tấn công Iraq năm 2003 "chỉ để tìm dầu", như nhiều nơi kết án! Vì đi trước, Hoa Kỳ còn sợ ô nhiễm môi sinh nên muốn làm cuộc cách mạng năng lượng xanh. Hạn chế khí thải rồi bắt gió hay nhốt ánh sáng mặt trời để có năng lượng sạch và tái tạo là chủ trương của Chính quyền Barack Obama với sự cổ võ của đảng Dân Chủ và các nhóm áp lực.

Thế rồi giữa cơn nguy nàn ấy, một cuộc cách mạng năng lượng khác đã bất ngờ xảy ra!

Chuyện quang phong năng vẫn còn hão huyền. Vụ công ty Solyndra phá sản sau khi lãnh trợ cấp của Chính quyền Obama là cái ngoặc đơn được báo chí thiên tả khép lại cho kín. Cách mạng bất ngờ là người ta tìm ra kỹ thuật giải phóng dầu thô và khí đốt bị nhốt trong các phiến đá trầm tích. Đó là kỹ thuật fracking.

Khởi đi từ năm 2006 tại Hoa Kỳ, kỹ thuật gạn cát ra dầu khí, hoặc đánh bung những túi dầu bị nhốt - dầu chặt hay tight oil - đem lại triển vọng mới cho các nước có loại trầm tích này.

Trước tiên là triển vọng cho nước Mỹ, với nhiều "túi đá" rộng lớn tại các tiểu bang Texas, Louisiana, North Dakota, Pennsylvania, Ohio, New York và nơi khác. Trong vòng mươi năm tới, Hoa Kỳ có tiềm năng vượt qua Liên bang Nga và Saudi Arabia thành quốc gia có sản lượng dẫn đầu thế giới, lại còn dư để xuất cảng qua xứ khác. Tiềm năng đó sẽ làm thay đổi vị trí địa dư kinh tế của vùng Vịnh Mễ Tây Cơ qua tới khu vực Trung Mỹ, bao trùm lên vùng biển Caribbean và có thể xuống tới xứ Brazil.

Nhưng không chỉ có Hoa Kỳ. Canada và Mexico cũng tìm ra nhiều khu vực có thể khai thác và đưa cả lục địa Bắc Mỹ thành một trung tâm năng lượng của thế giới. Chúng ta sẽ chứng kiến việc thay bậc đổi ngôi, với Trung Đông và nước Nga mất dần vị trí trọng yếu. Sự chuyển dịch trọng tâm năng lượng còn bao gồm nhiều quốc gia Âu Châu, nay cũng đã tìm ra những khối trầm tích có khí đốt. Lục địa già có thể trỗi dậy và nhìn năng lượng Nga hay Trung Đông theo cách khác....

Khi vụ khủng hoảng Ukraine bùng nổ, cả thế giới nói đến cái thế rất mạnh của Putin nhờ năng lượng của Nga đang bắt bí các nước Âu Châu. Sự quờ quạng bất nhất của Chính quyền Obama có thể kéo dài cái thế của Putin được vài năm, nhưng Hoa Kỳ cũng sẽ chuyển hướng theo thực tế mới của năng lượng và địa dư kinh tế. Các nước Âu Châu cũng vậy, sẽ phải thay đổi để thoát vòng kiềm tỏa năng lượng của Liên bang Nga.

Manh nha từ vài năm nay, chiều hướng đa diện hóa nguồn cung cấp dầu khí cho Âu Châu đã là bài toán sinh tử cho Putin. Nhìn về dài thì vụ Ukraine là đỉnh cao, hay điểm lật, của ông ta.

Từ nhiều năm nay, Nga đã thấy ra hai chuyển động nặng, hai xu hướng khó cưỡng.

Trước hết, Âu Châu sẽ ít lệ thuộc hơn vào năng lượng của Nga và tìm nguồn cung cấp điền thế. Và càng sớm đạt kết quả đó nhờ sức đẩy của Mỹ qua xuất cảng dầu khí và nhờ đầu tư vào hệ thống tái chế khí lỏng thành khí đốt để phân phối cho các nước. Hoa Kỳ cũng sẽ phổ biến kỹ thuật khai thác khí đốt cho các nước có đá trầm tích nếu được đầu tư dễ dàng để cùng chia mối lợi về năng lượng.

Chuyển động thứ hai và ngược lại, Á Châu vẫn là nơi cần năng lượng hơn cả.

Trong vòng 20 năm tới, khu vực kéo dài từ Ấn Độ dương qua Thái Bình dương sẽ tiêu thụ đến 85% số năng lượng toàn cầu. Đứng đầu là Trung Quốc, sau đó tới Ấn Độ, và thường xuyên là Nhật Bản và Nam Hàn, ở mức độ thấp hơn hai xứ đông dân kể trên. Cho nên, trong khi Hoa Kỳ có thể nhìn vào Trung Đông với con mắt khác, Á Châu vẫn cần tới dầu khí Hồi giáo tại Trung Đông.

Nhìn từ nước Nga, với khu vực dầu khí xa xôi mãi ở Tây Bá Lợi Á Siberia, thì sức hút về khí đốt của Châu Á mới có triển vọng. Liên bang Nga của Putin thấy gần gũi hơn với Trung Quốc của Tập Cận Bình và đôi bên đang nối kết sự hợp tác qua mạng lưới các ống dẫn khí xuyên lục địa.

Xuyên lục địa cũng có nghĩa là qua nhiều nước Hồi giáo Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkemenistan và Uzbekistan...

Ở bên này, xuyên qua Đại Tây dương, là hệ thống hàng hải có thể đưa khí lỏng từ Bắc Mỹ qua Tây Âu, dưới sự hộ tống và bảo vệ của các hạm đội Tây phương. Và vì trái đất hình tròn, dầu khí từ Bắc Mỹ cũng có thể vượt Thái Bình dương để tiếp vận cho Nhật Bản, Nam Hàn.

Cho nên, âm thầm mà mãnh liệt, cuộc cách mạng năng lượng đang dẫn tới những xoay chuyển có ảnh hưởng lâu dài.

Kết luận tạm ở đây là hai nước đồng chí, rồi cừu thù, rồi lại đồng minh, là Trung Quốc và Liên bang Nga, thấy gắn bó với nhau nhờ sợi dây nối ruột là khí đốt. Nhưng cả hai đều chỉ là cường quốc đại lục và có cảm giác như bị bao vây phong tỏa bởi các nước Tây phương, từ Bắc Mỹ qua Âu Châu tới Nhật Bản. Chưa nói gì đến Ấn Độ ở bên kia Hy Mã Lạp Sơn, bên cạnh Ấn Độ dương. Ngoài khía cạnh hợp tác và cạnh tranh Nga-Hoa, việc Trung Quốc quậy sóng Đông hải và khống chế vùng biển Đông Nam Á dĩ nhiên là có lý do an ninh và kinh tế.

Nhưng đã gây phản ứng ngược, chạy dài từ Nhật Bản qua Ấn Độ.

Nhiều người trong chúng ta đã thấy sự tương đồng giữa những gì xảy ra tại Ukraine dưới sức ép của Putin, và những gì xảy ra tại Việt Nam, dưới áp lực của Bắc Kinh. Ngoài sự phấn đấu đầy gian nan của lãnh đạo Ukraine tại Kyiv, chúng ta cũng nên để ý tới vai trò của năng lượng và những chuyển động lớn trong thập niên trước mặt....

Ngẫm lại thì 40 năm về trước, trong cơn hấp hối của Việt Nam Cộng Hoà, lãnh đạo Hà Nội chưa biết sợ khi quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng đoạt. Ngày nay, quần đảo Trường Sa và cả khu vực Đông Nam Á còn bị hải quân Trung Quốc uy hiếp. Một trong nhiều động lực của sự bành trướng cũng là dầu khí, hay an ninh về năng lượng cho một xứ đói ăn khát dầu.

Chuyện ý thức hệ - xã hội chủ nghĩa với màu sắc linh linh hay kinh tế thị trường theo định hướng lăng nhăng - nằm ở đâu trong bài toán chiến lược đó? Rõ là vớ vẩn!