CÁC CƯỜNG-QUỐC
VÀ SÁCH-LƯỢC
THÁI-BÌNH-DƯƠNG
(Tiếp theo…)
CHƯƠNG TÁM
********************************************************
8. ÚC CHÂU VÀ TÂN TÂY LAN
· Úc Châu, cơ sở hậu cần và cứ điểm xuất
phát phục thù của Mỹ ở Thái Bình Dương.
· Tài nguyên Úc Châu và giao thương Nhật-Úc.
· Tân Tây Lan và Úc Châu: sự thịnh vượng ở
Nam Bán cầu. Viễn
vọng Nam-cực-châu.
VIII
mở rộng vòng đai, 2 trận thủy chiến
ở đảo midway và biển san-hô
Nếu đầu
năm 1942, Nhật dám phát động chiến tranh ở Ấn Độ thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng
nguy hại, uy hiếp đường tiếp tế của Nga ở Ba Tư. Năm 1941, Anh phải đồng ý để
cho quân Nga cùng chiếm Ba Tư với mình là vì nếu Nga thiếu tiếp tế , Nga bại trận,
Anh sẽ lâm nguy. Nhật sợ mất lòng Nga không dám Tây tiến sau ngày chiến thắng ở
Miến Điện.
Tháng
7 năm 1942, Nhật đã từ tạ, không đặt kế hoạch phối hợp quân sự với Đức Ý. Nhật
còn nơm nớp sợ Mỹ phản công ở Thái Bình Dương. Một sự việc nhỏ mà có ảnh hưởng
lớn lao đến chương trình tiến quân của Nhật. Ngày 18 tháng 4 năm 1942, hai hàng
không mẫu hạm Enterprise và Hornet chở phi cơ đến gần đất Nhật, 16 chiếc B.52
thả bom xuống Tokyo. Sự thiệt hại không có gì đáng kể, nhưng sự việc này làm
cho các nhà thao lược Nhật ăn ngủ không yên. Họ không thể tin rằng phi cơ B.52
lại có thể cất cánh từ các sân bay trên hàng không mẫu hạm. Chắc chúng phải đến
từ đảo Midway. Đảo này ở giữa đường Nhật và Hạ Uy Di, Nhật cần phải đánh chiếm để
dứt mối lo thị trấn hứng mưa bom đạn.
Vậy cần
phải nới rộn vòng đai phòng thủ và uy hiếp đường giao thương tiếp tế của Mỹ từ
Hạ Uy Di đi Úc châu. Tại đây, tàn quân của tướng Marc Arthur đương chỉnh bị lực
lượng. Trong chương trình vòng đai mở rộng, Nhật cần phải đánh chiếm những cứ điểm
hình thắng:
1)
Hải cảng Moresby trên
bờ biển Tây Nam
đảo Tân Guinée.
2)
Đảo Tulagi trong quần
đảo Salomon.
3)
Midway và các đảo quanh
vùng.
4)
Các đảo Addak, Attu , Kisbat trong quần đảo Aléoutiennes.
Các cứ diểm ở quần đảo Kouriles thêm mạnh thanh thế.
Chiếm Midway là ngăn trở được Mỹ không tập Tokyo . Chiếm Tulagi và cảng Moresby là uy hiếp
miền Đông Bắc Úc. Từ 2 căn cứ này, Nhật có thể chiếm thêm các quần đảo Samoa , Fidji, đảo Tân Calédonie nữa.
Nhật gọi đô đốc Nagumo từ Ấn Độ Dương để lo việc chương
trình hải phòng nới rộng. Mỹ cầm cự được và cuối cùng thắng trận Midway vì mật điện
của Nhật lọt vào tai Mỹ mà Mỹ lại biết chìa khóa của mật điện Nhật. Cơ mưu bại
lộ, Nhật vẫn không nghi nghờ gì cả… Nhật còn chiến thắng làm sao? Tuy không thắng
trận ở đảo Midway song ở phía Đông Bắc Thái Bình Dương, quân Nhật chiếm cứ quần
đảo Aléoutiennes một cách dễ dàng. Không gặp sức kháng cự đáng kể.
Nhật vẫn chiếm được đảo Tulagi và vì đảo này nhỏ, Nhật
muốn thiết lập một phi trường lớn ở Guadalcanal .
Mỹ đem lực lượng hải không quân tấn công đảo này. Trận đánh với nhiều keo thắng
bại kéo dài từ tháng 8 năm 1942 đến cuối tháng 2 năm 1943 đô đốc Tanaka phải
triệt thoái Guadalcanal với 12.000 tàn binh sau khi 25.000 chiến sĩ Nhật đã tử
thương trên mặt biển và trên hải đảo.
Ở phía quần đảo Aléoutiennes, Mỹ cũng phản công kịch
liệt, nhưng quân Nhật thừa lúc trời sương, rút lui êm thắm, Mỹ cứ lo vãi đạn, đến
chừng biết là mình bắn phí đạn vào đất trống thì quân Nhật đã đi xa tự lúc nào
rồi.
Kế hoạch nối rộng vòng đai phòng thủ của Nhật bị thất
bại, Úc châu nhờ đó mà được an toàn, Úc châu và Tân Tây Lan tận lực giúp Anh Mỹ
trong việc phục thù rửa hận.
GÍA TRỊ ÚC CHÂU
TRONG CUỘC DIỆN THÁI BÌNH DƯƠNG
Hải quân Nhật không thắng được trận Guadalcanal, nhuệ
khí quân Mỹ lên cao, Mỹ đặt kế hoạch đánh bạt Nhật ra khỏi căn cứ Rabaul ở phía
bờ biển đảo Tân Bretagne
để bảo vệ cho đường liên lạc Úc Mỹ. Binh bộ của Nhật đã vượt núi đến gần
Moresby, không có quân từ biển đổ bộ lên hô ứng với mình nên phải rút quân vào
rừng núi. Quân Nhật vẫn giữ được 3 cứ điểm ở bờ biển đông bắc đảo Tân Guinée, đảo
có diện tích rộng rãi bậc nhì thế giới sai Thanh Đảo.
Quân Úc phối hợp với quân Mỹ, dưới quyền tướng Mỹ,
trong các trận đánh ở Thái Bình Dương. Năm 1943, Úc huy động 11 sư đoàn. Chưa cần
nói đến quân số, chỉ một việc Úc châu để cho Mỹ dùng đất Úc làm căn cứ cũng đã
là một sự trợ lực qúi báu lắm rồi.
Rủi cho Nhật là cũng vì mật mã bại lộ mà tháng 4 năm
1943, thủy sư đô đốc Yamamoto bị phi cơ Mỹ triệt kích trên đường thị sát mặt trận.
Được Úc châu làm cơ sở hậu cấn, Mỹ đã có sẵn một yết tố
thắng lợi quyết định. Có nhiều nhà thao lược tỏ ý trách Nhật không khai thác mạnh
những chiến thắng đầu năm 1942 để chiếm phứt Úc châu cho rồi, để Úc châu an toàn
làm chi cho sinh thêm hậu hoạn. Lời trách này chỉ có lý khi Nhật thực tâm trao
trả lại quyền dân tộc tự quyết cho các dân tộc nhược tiểu ở Á châu. Có làm được
như vậy, Nhật mới tránh được cái lo hậu cố mà dồn hết tinh lực ra tiền tuyến.
Nhưng Nhật đã không làm được như vậy về chính trị thì về mặt quân sự, Nhật chỉ
có thể nghĩ đến việc nới rộng vòng đai phòng thủ mà thôi. Cho dẫu Nhật thắng
trong trận thủy chiến biển San Hô ở Đông Bắc Úc và đổ bộ lên đất liền, Nhật cũng
không chiếm lĩnh được Úc châu mà lại còn sợ bị sa lầy khốn đốn.
Cho dẫu Nhật có làm chủ được Úc châu thì Anh Mỹ vẫn có
đất gần để mưu việc phản công.
Tân Tây Lan ở phía đông nam Úc châu 1.200 hải lý. Dân
Tân Tây Lan đông khoảng 2 triệu rưởi người, đa số là gốc người Anh, còn dân
Maori sở hữu chủ quần đảo thì chỉ còn độ 185.000 người Tân Tây Lan đã làm một cố
gắng quân sự phi thường để giúp người Anh. Họ đã huy động đến 1/3 tráng đinh để
sung vào quân đội. Như vậy liên minh chặt chẽ với Úc châu và Tân Tây Lan, Mỹ đã
nắm quyền bá chủ ở Nam phần Thái Bình Dương, điều kiện cần thiết để chiến thắng
ở Hải Dương Châu. Ưu thế lừng lẫy, Nhật cũng không thể có được. Cái hình thế thắng
bại đã hiện rõ ở Úc châu Và Tân Tây Lan.
Sau thế chiến, đối với Nhật, cường quốc kinh tế, giá
trị của Úc châu càng thêm phần quan trọng. Nhật tuy là cường quốc kỹ nghệ thứ
hai trên thế giới nhưng tiềm năng và cơ sở kinh tế rất mỏng manh. Có đủ số thợ
chuyên môn, có những nhà phát minh, sáng chế tài giỏi, nhưng Nhật thiếu nguyên
liệu và phải trông chờ nơi sự cung cấp nguyên liệu ở các nước ngoài. Nếu nguồn
tiếp tế ấy vì một duyên cớ gì mà bị đình trệ (đình trệ thôi, chớ đừng nói là cạn
khô, đứt tuyệt) nhiều hậu qủa nghiêm trọng cũng tức khắc xảy ra. Mua nguyên liệu
ở Đông Nam Á và Úc châu là nơi gần, phí tổn chuyên chở nhẹ, hàng hóa, chế phẩm
Nhật mới có thể hy vọng cạnh tranh với các cường quốc kỹ nghệ khác. Sau thế chiến,
Úc châu lại khám phá thêm nhiều tài nguyên như:
-
Năm 1949, tình cờ khám
phá mỏ Uranium ở tiểu bang Bắc Địa.
-
Năm 1955, phát kiến mỏ
bauxite lọc ra nhôm ở vịnh Hải Âu, mỏ phong phú lắm, sức dự trữ về nhôm có đến
3 tỷ tấn. Úc nhảy lên bậc nhất thế giới về sản xuất nhôm. (Hoa Kỳ lật đật chem
vào, nắm 52% cổ phần khai thác, Gia Nã Đại 20%, Pháp 20% còn ConZinc Riotino của
Úc châu chỉ có 8%).
-
Ở miền sa mạc Tây Úc, mỏ
sắt lồi lên mặt đất. Sức sản xuất có thể đến 8 tỷ tấn, Úc đã sửa sang một hải cảng
trong Ấn Độ Dương để tiện việc xuất cảng sang Nhật.
Giao thương Nhật Úc càng ngày càng phát triển, quan trọng
cho cả hai bên. Úc cần bán nguyên liệu mà Nhật cần mua, Mỹ tuy là nước đồng
minh quân sự với Úc nhưng Mỹ đã đâu có cần mua nguyên liệu của Úc. Vì hiểu lẽ
sinh tồn tương quan nên Úc đãi Nhật bằng cảm tình thân hữu. Dẫu thân hữu nhưng
vẫn cấm tuyệt không dung nạp người Nhật di dân. Úc châu và Tân Tây Lan đương
thiếu nhân lực để phát triển kinh tế, Nhật có nhiều thợ giỏi, ngặt vì là giống
da vàng, Úc châu và Tân Tây Lan chỉ cho nhập cảnh kiều dân da trắng. Được biệt đãi
nhất là người di cư gốc Anh.
Tuy chưa bị đặt dưới quyền quân phiệt Nhật ngày nào nhưng
Úc và Tân Tây Lan cẩn thận đề phòng, sợ có ngày mang họa. Gác vấn đề di dân ra,
chúng ta có thể nói rằng những phát kiến tài nguyên mới ở Úc cũng góp một phần
quyết định hữu hiệu vào việc hưng khởi kỹ nghệ của Tam Đảo Phù Tang.
THẾ LỰC ÚC – TÂN
TÂY LAN Ở NAM
BÁN CẦU
Úc châu, đảo lục địa, diện tích 7.700.000 csv mà dân số
chỉ có 11 triệu người. tài nguyên lại phong phú. Thổ dân trước là người
Pitjanjara còn ở thời đại thạch khí dồn vào sa mạc, sống nhờ ốc đảo Aranda. Cùng
với Tân Tây Lan, Úc châu đặt vinh dự trong việc phát huy tính chất Anh Cát Lợi
của đất nước mình.
Từ Âu chiến đến Thế chiến, Úc châu đứng về phe thắng
trận. Sau mỗi lần chiến thắng lại phát triển quốc lực bằng cách chiếm thêm những
đảo căn cứ chiến lược trong Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Úc châu là đảo lục địa
giáp Thái Bình Dương về phía bắc và phía đông, giáp Ấn Độ Dương ở phía tây và
phía nam.
Những đất thuộc quyền quản trị Úc châu phần lớn đều
thuộc về Đức trước thời Âu chiến. Quan trọng nhất là Đông phần đảo Tân Guinée,
quần đảo Bismarck , quần đảo Nauru . Quần đảo Nauru ở phía nam xích
đạo 32 dặm, đông kinh tuyến 166°55 Anh, Úc, Tân Tây Lan cùng quản trị chung.
Anh cũng giao luôn quần đảo Coco-Keeling gồm 27 đảo nhỏ
ở đông bắc Úc châu 1.300 dặm (trước kia thuộc về Tân gia Ba) cho Úc châu trông
coi luôn. Như vậy, đảo vẫn cứ còn là của Anh để xử dụng khi hữu sự mà Anh nhẹ bớt
gánh chi phí quân sự. Đây là một căn cứ không quân quan trọng canh chừng biển
San Hô một cách hữu hiệu.
Cùng với Úc châu, Tân Tây Lan là nước quan trọng ỏ Nam bán
cầu. Néu chữ Hải Dương châu là danh tự riêng, dùng để chỉ các quần đảo từ Nhật
Bản Á Đông, đến Chí Lợi (Nam Mỹ), từ biển San Hô đến ngoài khơi Calfiornie thì
Tân Tây Lan là nước quan trọng nhất vì một mình Tân Tây Lan đã được diện tích bằng
¼ tổng số của diện tích tất cả các đảo cộng lại rồi. Truớc năm 1962 Tân Tây Lan
còn nắm quyền thống trị quần đảo Tây Samoa, một vị trí chiến lược mà Hoa Kỳ, Đức,
Anh chịu nhường cho Đức rồi Âu chiến xảy ra, Tân Tây Lan chiếm lĩnh đảo này. Ngày
1 tháng 1 năm 62, Tây Samoa đã được độc lập nhưng dân Mau thuộc chủng tộc
Polynésien như người Maori ở Tân Tây Lan vẫn đón nhận viện trợ của Tân Tây Lan
và vẫn ở trong khối Liên Hiệp Anh.
Hội đồng Thái Bình Dương gồm đại biểu 3 nước Mỹ, Úc, Tân
Tây Lan họp ở Đàn Hương Sơn (Honolulu), thủ phủ Hạ Uy Di vào tháng 8 và 9 năm
1951 đã thành lập khối ANZUS để lo việc phòng thủ chung. Khối được tăng cường bằng
2 hiệp ước song phương Mỹ-Phi, Mỹ-Nhật.
Anh Quốc ngoài sự việc có đàn em tham dự việc phòng thủ
Thái Bình Dương, còn lập ra một Ủy Hội Thái Bình Dương và thống trị chung với
Pháp quần đảo Hébrides, trọn quyền riêng về quần đảo Salomons (Quần đảo Tân
Hébrides sản xuất nhiều manganèse mà Nhật đặt mua trước hết tổng số).
Về phía Nam Cực Châu. Úc châu và Tân Tây Lan cũng có
nhiều lợi thế tranh đất hơn các quốc gia khác. Úc châu tranh phần đất Nam cực
châu giáp với Thái Bình Dương, phần đất từ 60 Nam vỹ giữa 45-160 đông kinh tuyến,
trừ một phần nhỏ dành cho Pháp. Hiện thời Nam cực châu chưa khai quật được than
đá và các loại kim khoáng vì băng tuyết chồng chất từ hàng triệu năm qua dày đến
2000-3000 thước, gió thổi mạnh thường đến 200 cây số một giờ và khí lạnh thường
là 70 độ dưới số không. Nhưng… biết đâu với kỹ thuật khai mỏ tiến bộ của thời đại
nguyên tử…! Úc châu là quốc gia nhiều tính chất Anh Cát Lợi, người Anh vốn có
viễn kiến chính trị và biết lo xa.
Dẫu chưa có tài nguyên Nam Cực châu nhưng không ai chối
cãi được sự trọng yếu của Úc châu và Tân Tây Lan ở Nam phần Thái Bình Dương và đó là một
lý do mà Mỹ đã quan tâm khi thành lập Khối ANZUS.
Có điều đáng nói là Trung Cộng ở Hoa lục cũng gây được
chút ảnh hưởng chính trị ở Nam Bán cầu trong đảng Cộng sản Tân Tây Lan. Đảng này
theo thầy Mao, Mỹ có thể phớt tỉnh nhưng Nga thì căm giận.
Nhìn chung Úc và Tân Tây Lan đều có những vị trí chiến
lược quan trọng trên các hải đảo, mạnh về thế phòng ngự, bảo tồn uy thế chính
trị của người Anh. Anh Quốc tuy không còn địa vị đại cường nhưng vẫn là một lực
lượng mạnh làm cho Mỹ phải kiêng nể.
Vai trò kín đáo của Anh vẫn còn gía trị quyết định
trong diễn tiến thời cuộc Thái Bình Dương.
Thường thường sóng gío Thái Bình Dương vẫn có ảnh hưởng
giao động Ấn Độ Dương vì đất Á châu tiếp giáp với hai đại dương ấy. Úc châu và
Tân Tây Lan quan trọng vì có vai trò pháo đài trấn thủ liên dương. Mỹ quốc tuy
là siêu cường mà quyết định nào quan trọng cũng thường yêu cầu được Anh tán trợ
và làm hậu thuẫn. Anh không ra mặt chỉ để cho hai hội viên trong khối Liên Hiệp
Anh lên vũ đài trình diện với dư luận quốc tế còn mình thì đứng ở phía trong giúp
đỡ ý kiến, phương lược hành động, và như thế đở phần hao tổn, đỡ mang tiếng thị
phi!
Không còn mạnh về oai võ thì phải khôn khéo làm nghề
quân sư giàu mạnh kinh nghiệm. Như thế cũng đủ bảo vệ lợi quyền.
(Hết
chương 8)