Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn Học Nghệ Thuật. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn Học Nghệ Thuật. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Nhà văn Colombia Gabriel Garcia Marquez qua đời

Thời sự: Thứ sáu 18/04/ 2014
    
Nhà văn Gabriel Garcia Marquez: Ảnh chụp ngày 07/01/1999, tại San Vicente del Caguan, Colombia
Nhà văn Gabriel Garcia Marquez: Ảnh chụp ngày 07/01/1999, tại San Vicente del Caguan, Colombia
REUTERS
Thanh Hà
        
Giải Nobel Văn học đầu tiên của châu Mỹ La Tinh Gabriel Garcia Marquez qua đời chiều ngày 17/04/2014, thọ 87 tuổi. Là một nhà báo nổi tiếng, trước khi trở thành nhà văn, trong hơn 70 năm sự nghiệp cầm bút, Marquez được coi là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của thế kỷ XX, là người có công nhiều nhất trong việc đưa những tác phẩm bằng tiếng Tây Ban Nha ra thế giới.
 
« Trăm Năm Cô Đơn », « Tình Yêu Thời Thổ Tả », « Tướng Quân Trong Mê Hồn Trận », « Ký Sự Về Một Cái Chết Được Báo Trước » hay « Hồi Ức Về Những Cô Gái Điếm Buồn Của Tôi » là những tác phẩm để đời của Gabriel Garcia Marquez. Chỉ riêng « Trăm Năm Cô Đơn » sáng tác năm 1967, đã được dịch ra hơn 35 thứ tiếng và đã bán ra gần 50 triệu ấn bản. 
 
Hay tin giải thưởng Nobel Văn học 1982, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos tuyên bố ba ngày quốc tang. Qua mạng Twitter ông viết : « Sự ra đi của tác giả Trăm Năm Cô Đơn, người con vĩ đại nhất mọi thời đại của Colombia để lại Một ngàn năm cô đơn và đau buồn cho đất nước ». Marquez được mệnh danh là « cha đẻ của trường phái hiện thực huyền ảo ».
 
Không chỉ là một người có tài kể chuyện xuất chúng, Marquez chinh phục độc giả nhờ lối viết hiện thực, lồng trong bối cảnh lịch sử, chính trị, của đất nước, của châu Mỹ La Tinh, của thời cuộc. Đồng thời những tác phẩm của ông có thể đọc như một bài ngụ ngôn, trong đó cái « thực » luôn kèm cả với những truyền thuyết dân gian, những mê tín dị đoạn, với những lời nguyền, cộng thêm với một chút gì huyền bí. Marquez được tôn vinh và làm mê hoặc cả thế giới do ông là một trong những nhà cầm bút hiếm hoi thành công trong việc đưa lịch sử, văn hóa, đời sống không chỉ của một dân tộc mà là của cả châu Mỹ La Tinh đến với độc giả.
 
Sinh năm 1927 tại Aracataca, một ngôi làng hẻo lánh ở miền bắc Colombia, Marquez là con cả trong một gia đình có tới 11 anh em. Cha mẹ ông sớm đi nơi khác kiếm sống, Marquez chủ yếu được ông bà nuôi dưỡng. Làng Aracatata cũng như bà ngoại ông, với cá tính mạnh và một chút gì huyền bí, với hình dáng hơi giống một bà phù thủy, chính là nguồn cảm hứng để Marquez sau này tạo ra bối cảnh cho tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông : « Trăm Năm Cô Đơn », cho nhân vật nữ chính trong gia đình Buendia. 
 
Nhưng bên cạnh sự nghiệp văn chương đồ sộ, Marquez còn là một nhà báo. Chính tác giả của « Ký Sự Về Một Cái Chết Được Báo Trước » từng nói : « Làm báo là cái nghề đẹp nhất trần gian ». Từ giữa thập niên 1940 Marquez đã bước vào nghề, cộng tác tờ El Espectador, rồi điều hành tạp chí Venezuela Grafica tại Caracas. Sau cuộc cách mạng Cuba, Gabriel Garcia Marquez là một người rất hâm mộ nhà lãnh đạo Fidel Castro, ông đã hợp tác với hãng thông tấn Prensa Latina tại La Habana. Một thời gian sau, Marquez rời khỏi Cuba về định cư hẳn tại Mêhicô và cũng tại đây, ông đã đóng cửa với thế giới bên ngoài trong 18 tháng liền, để hoàn tất tác phẩm để đời « Trăm Năm Cô Đơn ».
 
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Phạm Công Thiện – Một Buổi Sáng Đọc Thơ Tuệ Sỹ

Một Buổi Sáng Đọc Thơ Tuệ Sỹ
 
nguồn:
Văn Học (California) số đặc biệt Tuệ Sỹ Lê Mạnh Thát
Số 35, tháng 12 năm 1988 
 
 
Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn
Treo gót hài trên mái tóc vào thu
Ngồi đếm mộng đi qua từng đọt lá
Tuệ Sỹ
 
Hình như Tuệ Sỹ làm thơ rất nhiều; nghe nói lúc băng rừng vượt núi trong thời gian đấu tranh bí mật để liên lạc giao kết với mặt trận rừng núi cao nguyên, trên những ngọn đèo trùng điệp của quê hương, Tuệ Sỹ đã làm rất nhiều thơ; hình như có người đã giữ lại nhiều tập thơ chưa xuất bản và không chịu phổ biến. Tôi chỉ được đọc đi đọc lại hai bài thơ của Tuệ Sỹ. Hình như hai bài thơ này đã được làm trước khi cộng sản vào chiếm miền Nam (và đã được phổ biến nhiều lần trên các báo chí hải ngoại hiện nay). Thơ của Tuệ Sỹ không phải chỉ có thế, hiển nhiên. Tuy nhiên, chỉ nội hai bài thơ cũng đủ nói lên thế giới thơ mộng lặng lẽ của Tuệ Sỹ. 
 
Thế giới thơ mộng lặng lẽ của Tuệ Sỹ không có nhan đề; hai bài thơ đều không có tựa. Một người đã từng quen biết Tuệ Sỹ nhiều chắc chắn phải ngạc nhiên: Tuệ Sỹ không để lộ ra bất cứ hình ảnh hay chi tiết gì có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với đời sống cá nhân thường nhật của mình. Có lẽ đặc tính thứ nhất của thơ Tuệ Sỹ là không có “cá tính”. Đi ngược lại với thói quen phê bình thơ văn của phần đông (ai cũng muốn đi tìm “cá tính” của mỗi thi sĩ), tôi nghĩ rằng cái việc thể hiện cái “không có cá tính” trong thơ là điều khó khăn nhất cho một người làm thơ. Cá tính được cụ thể hóa qua những hình ảnh chi tiết của đời sống cá nhân thường nhật; ngay đến những bài thơ khách quan lạnh lùng của thi hào Hy Lạp hiện đại Cavafy cũng mở rộng rõ ràng tiểu sử đời sống cá nhân thường trực hàng ngày của chính đương sự; ngay cả những bài thơ tuyệt tác của thi hào thế kỷ XVI-XVII của Anh John Donne, gọi là nhà thơ “siêu hình” nhưng cũng để lộ những nét sâu đậm của đời sống cá nhân thường nhật. Trái lại với Tuệ Sỹ, đời sống cá nhân thường nhật đã vắng mặt; còn cá tính đã được bôi sạch hay đã được ẩn giấu nhẹ nhàng đâu đó. Về hai bài thơ không nhan đề, tôi xin gọi bài A và bài B để tiện điểm danh; hai bài thì đều không có chấm phết; trong bài A chỉ có dấu chấm hỏi bất ngờ duy nhất:
 
Chẳng một lần lầm lỡ không ư?
 
Câu hỏi mà cũng chẳng phải câu hỏi: câu hỏi trên chỉ để nhấn mạnh một cách tương phản một cái gì dứt khoát nhất nằm ở câu thơ thứ năm:
 
Một lần định như sao ngàn đã định
 
Chúng ta hãy để ý hai chữ “một lần” trong câu trên và trong câu hỏi: mấy chữ “một lần” mang tất cả sức nặng gợi nghĩa của chữ Đức “Einmal” (một lần) trong thơ của Rainer Maria Rilke. Tuệ Sỹ đã sử dụng bốn lần mấy chữ “một lần” trong bài thơ A (trong câu 5, câu 6, câu 11 và câu 12) và mỗi lần dùng “một lần” trong câu đầu thì câu kế tiếp cũng vang lên “một lần”nữa. Xin đọc một lần nữa:
 
Một lần định như sao ngàn đã định
Lại một lần nông nổi vết sa cơ
 
(câu 5 và câu 6)
 
Một lần ngại trước thông già cung kỉnh
Chẳng một lần lầm lỡ không ư?
 
(câu 11 và câu 12)
 
Chúng ta cũng cần để ý những chữ “định”, “nông nổi” “ngại”, “lầm lỡ” đi theo sau mấy chữ “một lần”. Một lần định, một lần nông nổi, một lần ngại, một lần lầm lỡ. Như thế có nghĩa là gì? Không có gì than tiếc cả, ngược lại. “Định” chỉ có ý nghĩa là “định” mỗi khi “định” được thực hiện bi tráng giữa những  nông nổi, những ngại ngùng, những lầm lở vô định. Đây chẳng phải là cái ngờ vực bất hủ của Descartes (đã được an nhiên xác định trước từ dự tưởng về nền tảng bất di dịch tuyệt đối của chân lý như là “xác thực tính”, tức là “Certitudo” trong ý nghĩa siêu hình của tuyệt điểm triết lý triết lý Descartes, nghĩa là “Fundamentum Absolutum Inconcussum Veritatis” (theo nghĩa vừa dịch trước khi dẫn). Cũng chẳng lưỡng lự theo điệu đã được nuôi dưỡng trong tư tưởng Long Thọ thì không thể rơi vào Chủ quan tính hay Khách quan tính như thế (mà Cá tính chỉ là hậu quả tất yếu của Siêu Hình Học Tây Phương cận đại và hiện đại về Chủ Thể Tính; và Khách quan tính cũng chỉ là hậu quả đương nhiên của Chủ Thể Tính tương đối và tuyệt đối của Kant và Descartes và tuyệt đối nhất là của Hegel). Xin trở lại bài thơ A, và xin đọc lại hai câu mở đầu:
 
Này đêm rộng như khe rừng cửa biển 
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa
 
Và xin đọc lại hai câu cuối của bài thơ:
 
Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa
 
Tất nhiên tôi phải ngạc nhiên và ngừng lại suy nghĩ: tôi không bao giờ thấy Tuế Sỹ có tóc (chỉ sau ngày cộng sản nhốt tù thì tóc mới mọc lên). Thầy tu không có tóc lại làm thơ với hình ảnh trữ tình lặp đi lặp lại hai lần trong bài A (“vén lại tóc xa xưa”) và một lần trong bài B (“Treo gót hài trên mái tóc vào thu”). Tóc ở đây là tóc của ai? Của một thiếu nữ? Tầm thường quá và không hẳn là thế. Dù là thầy tu đi nữa thì đôi lúc cũng mơ mộng như mọi người cho vui nhẹ trong không khí khổ hạnh? Tóc của đàn ông? Cũng không hẳn thế? Thôi thì cứ gọi tóc của thơ, đủ rồi. Có thể tạm chẻ sợi tóc ra làm tư và gọi là “tóc của tục đế, thế đế” theo tinh thần của Long Thọ ” (Chân đế hay đệ nhất nghĩa đế thì phải cần đến Tục đế hay Thế đế, vì “Niết Bàn không khác mảy may nào cả với Luân Hồi”: tuyệt đỉnh cao siêu nhất của Phật Giáo). Bỏ triết lý và tôn giáo qua một bên, và xin trở lại thế giới của Tuệ Sỹ và xin đọc lại từ đầu với 6 câu mở đầu bài:
 
Này đêm rộng như khe rừng cửa biển
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa
Miền đất đỏ trăng đã gầy vĩnh viễn
Từ vu vơ trong giấc ngủ mơ hồ 
Một lần định như sao ngàn đã định 
Lại một lần nông nổi vết sa cơ
 
Cách hạ vần cuối rất rộng rãi (…ưa,…ồ,…ơ, …iễn, …inh) chữ “Này” bắt đầu câu thơ để gọi. Thơ là gọi: gọi tên, hay đúng hơn: gọi sự có mặt, gọi sự hiện diện. Thơ thường khi cũng gọi sự vắng mặt, làm cho sự vắng mặt được có mặt. Đêm là sự vắng mặt của ban ngày. 
 
Này đêm rộng như khe rừng cửa biển
 
“Đêm rộng” ở đây không có nghĩa là đêm lớn rộng, mà có nghĩa là mở rộng ra như khe mở rộng ra rừng và cửa mở rộng ra biển; đêm rộng là đêm mở rộng ra ngày mai như câu thơ 13 trước câu thơ  cuối:
 
Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến 
 
Và câu cuối: 
 
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa
 
Câu cuối 14 lặp lại câu thứ hai như điệp khúc quyết định: “Hai bàn tay” chớ không phải một bàn tay. Thiếu nữ vén tóc thường khi chỉ vén có một tay chỉ có tráng sĩ tóc dài theo điệu “thử địa biệt Yên Đan”mới vén tóc bằng cả hai tay nhất quyết: “nhất khứ bất phục hoàn”. Mấy chữ “xa xưa” cũng có thể hiểu ngược lại thời gian thông thường là “xa xưa của tương lai”, vì chính mấy chữ “ngày mai nhé” đã được mấy chữ “xa xưa” mở rộng chân trời như “cửa biển”, hay ẩn giấu chân trời và mở rộng thời gian như “khe rừng” hay “sao ngàn”: mỗi “một lần”, mỗi một bước chân của Thời gian là cô đọng lại Thời gian tinh túy “vĩnh viễn” (không phải “vĩnh viễn” theo điệu “cái hiện tại đứng ở lại” của thần học thánh Augustin “Nunc Stans”mà theo nghĩa “hiện tại thu phối vĩnh cửu” của thuật ngữ Heidegger: Augenblick-Augenblitz”: tia chớp xé rách thời gian của Héraclite và khi mở Vĩnh cửu, cái Một mở rộng và thu phối cái Tất cả (Hen Panta) theo nhịp Hoa Nghiêm Kinh (một lần bao dung tất cả lần). Quan niệm “Nunc Stans” xuất phát từ tư tưởng Hữu Thể, còn “Vĩnh Viễn” của Tuệ Sỹ nằm gọn trong sự vắng mặt của Không Tính. Tuy vậy, Tuệ Sỹ không bao giờ sử dụng danh từ Phật học trong thơ (khác hẳn với những thi sĩ thích làm thơ “thiền”, dù Tuệ Sỹ đã từng làm việc chơi “tay trái” là dịch giỡn bộ Zen của Suzuki. Thực ra ít có người tu chứng cùng hiểu Thiền như Tuệ Sỹ.) Mấy chữ “không như” và “không hư” trong câu thơ 8 và 10 chẳng có liên hệ mảy may gì với chữ “không” trong “Không tính” của Bát Nhã và Thiền. Sự vắng mặt nói lên sự có mặt nào đó.
 
Bây giờ đọc lại trọn bài thơ A (gồm 14 câu, mỗi câu 8 chữ), chúng ta tự hỏi nhà thơ muốn nói gì? Đọc thơ mà thấy rằng tác giả muốn nói rõ cái gì thì chẳng còn là thơ nữa. Nhưng có lẽ câu thứ 5 (“một lần định như sao ngàn đã định”) và hai câu cuối (“…ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến/ hai bàn tay vén lại tóc xa xưa”) cũng gợi chủ ý cho ta rất nhiều? Như trong bài B (“…Một buổi sáng nghe chim trời đổi giọng/ người thấy ta xô dạt bóng thiên thần”) đã gợi chủ ý cho tất cả bài B. Có lẽ đặc tính thứ hai trong thơ của Tuệ Sỹ là trừu tượng hóa bản thân cụ thể, trừu tượng hóa cá tính. Tôi dùng mấy chữ trừu tượng ở đây trong ý nghĩa đẹp nhất và thơ mộng nhất, như nhà thơ vĩ đại Paul Valéry đã “trừu tượng hóa” nhân vật tản văn thường mang tên là “Monsieur Teste”. Tuệ Sỹ không hề đọc Valéry mà thường đọc đi đọc lại một nhà thơ trái ngược hẳn với Valéry là Heine. Điệu thơ Đường Tống cũng đã được dấu kín lặng lẽ trong thơ Tuệ Sỹ, mặc dù Tuệ Sỹ đã từng thuộc nằm lòng cả thế giới Tống Đường. Nói rằng thơ của Tuệ Sỹ hay hoặc không hay thì lố bịch. Chỉ có thể nói rằng thơ của Tuệ Sỹ đáng được chúng ta đọc đi đọc lại nhiều lần và suy nghĩ lan man hoặc cảm nhận tùy hứng. Ít nhất có một người làm thơ đáng cho ta đọc giữa “sống chết với điêu tàn vờ vĩnh” để cho chúng ta còn có được “một buổi sáng nghe chim trời đổi giọng.” Đặc tính thứ ba và cuối cùng của thơ Tuệ Sỹ chính là tiếng thơ đổi giọng của một loài chim đi từ cõi xa xưa của vô biên tế kiếp trong lòng sâu thẳm của Tính Mệnh Quê Hương.
 
@Phạm Công Thiện
California, ngày 18 tháng 11, 1988
 

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

SÀIGÒN CÒN MÃI DUYÊN ANH

 
 
Sài gòn còn mãi Duyên Anh… hay Duyên Anh còn mãi Sàigòn, như những quấn quyện tình yêu với thành phố một thời đã thênh thang trải rộng con đường sự nghiệp hoa niên Duyên Anh. 
 
Anh mới hiểu
Sài gòn trái tim anh, tim đất nước
Anh mới hiểu
Tại sao mình yêu tổ quốc
Và tại sao mình yêu dấu Sài gòn
Em cho anh nhiều, em nhớ nổi không
Tiếng hát thê lương, điệu ru kỷ niệm
Em cho anh no tròn sự nghiệp
Để anh đi làm đẹp cuộc đời
 
Sự nghiệp văn chương Duyên Anh đi từ những tác phẩm tuổi thơ đến hoa niên, từ đời sống học đường hoa mộng đến hè phố bụi đời cơ nhỡ! Sài gòn cũng như tất cả mọi thành phố lớn khác khắp thế giới từ Paris, Luân Đôn, Amsterdam, New York… đến  Hồng Kông hay Thượng Hải đều mang sức sống xô bồ của tuổi trẻ, từ học sinh, sinh viên đầy ắp những trăn trở mộng ước tương lai, đến giới bụi đời cơ nhỡ, giới giang hồ tứ chiến không hề muốn bị câu thúc trong vòng pháp luật, thế giới du đảng yêu cuồng sống vội, chỉ thích giải quyết với nhau bằng luật chơi giang hồ. Tay anh chị nào có máu mặt nhất, chi tiền hào phóng nhất, lăn xả trước mọi hiểm nguy dao búa nhất để bảo vệ cho băng đảng và đàn em có đất sống, nghiễm nhiên sẽ được giới giang hồ tâng lên làm đàn anh, ít ra cũng có nghĩa khí xử sự đẹp theo luật giang hồ.  
 
Trước Duyên Anh chưa có ai đặt bút khai thác mảnh đất tuổi trẻ đầy màu mở nhưng còn bỏ hoang này, nên ngòi bút Duyên Anh hẳn nhiên chiếm trọn cả một giang sơn không đối thủ… sự nghiệp lên cao, lẫy lừng theo mảnh đất Sàigòn hoa lệ!
 
Em cho anh cả đất lẫn trời
Cả nắng thi ca, cả mưa tiểu thuyết
Em cho anh đếm làm sao hết
Đời yên vui nhờ liếp ấm em che
Đời yên vui nhờ một chốn lui về
Anh thấy rõ ngọn đèn soi cuộc sống
Phóng tầm mắt anh nhìn xa trông rộng
Thế giới ơi, tôi kiêu hãnh có Sài gòn.
 
 
Ân tình đồng vọng với Sàigòn là thế! Yêu lắm Sàigòn là thế! Duyên Anh đã tận hưởng trọn vẹn mọi hào hoa của Sàigòn hơn tất cả mọi người nên khi xa Sàigòn vẫn thấy như gần, tình yêu hạnh phúc ngày nào vẫn tinh khôi trước bao tang thương kể từ tháng tư đen phủ xuống phận người.
 
Sài gòn khăn sô
Mùa xuân tím tái 
 
 
Để Duyên Anh tự dặn lòng mang thập tự trên vai như mang hồn nước, chờ phục sinh để thấy lại Sàigòn! 
 
Sài gòn
Em đã cho anh hai mươi năm sung sướng
Anh phải van lơn để hứng chịu cơ cầu
Ngày mai, trong ngục tù hay phát vãng rừng sâu
Anh không thẹn khi nói: Anh yêu em tha thiết
Hãy mơn nhẹ nỗi đau, đừng rên xiết
Hãy thinh không niềm bí ẩn trùng khơi
Sài gòn ơi
mãi là em nhé,
Sài gòn ơi 
 
 
Gần lại với thiên đuờng trong cuộc thế là Tình yêu và Hạnh phúc, Duyên Anh đã tự hỏi đất trời, với cả tình yêu hạnh phúc gắn chặt với Sàigòn bằng cả sự nghiệp văn chương một đời ghi dấu nơi “Sàigòn trái tim anh, tim đất nước”. Còn khơi sáng lên cho nhân sinh một triết lý đồng vọng suốt mai sau về Tình yêu và Hạnh phúc như niềm tân trang sáng tạo luôn son trẻ Sàigòn, thành phố lớn như mọi thành phố khác trên thế giới sẽ luôn mang sức sống tràn trề mảnh liệt “Sài gòn ơi, em trẻ mãi chẳng già”.
 
Sàigòn ơi, còn mãi Duyên Anh.
 
28 April 2013
@phamthientho
 
Chú thích: Những dòng thơ in nghiêng đều trích từ ”Sàigòn Trường Ca” của Duyên Anh.

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Không có gì là rác

Written by Nguyễn Tâm 

 
“Không có gì là rác cả!” là một tuệ giác lớn. Hãy nhìn thật kỹ, thật sâu sắc vào những bất đồng, những việc không như ý và tất cả những gì được gọi là xấu xa, đáng để loại trừ, vứt bỏ… cho đến khi nào nhận ra “Không có gì là rác cả!” để ôm ấp, bao dung và tận dụng hết thảy thì cuộc sống này đẹp biết dường nào!Không có gì là rác cả” là bài học đầu tiên đại sư Zuigan Goto dạy cho người đệ tử vừa thâu nhận, sau này chính là Thiền sư Soko Morinaga nổi tiếng của xứ Phù Tang.
 
Sống sót trở về sau chiến tranh tàn khốc giữa thập niên bốn mươi, Soko Morinaga tìm về căn nhà cũ, trực diện với những khó khăn và mất mát tận cùng của đời người. Cha mẹ không còn, anh chị em phân tán, nhà cửa, tiền bạc bị tịch thu. Ông cố ngoi lên bằng ý chí trở lại học đường nhưng đành chào thua cuộc vật lộn cam go đó khi bao tử thường xuyên lên tiếng kêu khóc.
 
Giữa quạnh hiu đổ nát cả thân và tâm, một sự mầu nhiệm kỳ diệu nào đã dẫn bước chân vô định của Soko tới trước cửa chùa Daishuin ở Tokyo. Ngước nhìn mái chùa rêu phong, lưỡng lự đôi ba phút rồi Soko mạnh dạn bấm chuông. Người mở cửa chính là Đại sư Zuigan Goto. Soko ngỏ lời xin được đại sư thâu nhận làm đệ tử. Đại sư chỉ hỏi một câu duy nhất:
 
- Ngươi tin ta chứ? Nếu không tin ta thì có ở đây bao lâu cũng chẳng học được gì, phí công ta thôi.
 
Soko trả lời:
 
- Con xin hết lòng tin tưởng sư phụ.
 
Đại sư mở rộng cửa, lạnh lùng truyền:
 
- Theo ta.
 
Soko líu ríu theo vào. Tới góc sân, đại sư chỉ cây chổi tre, ra lệnh:
 
- Quét dọn vườn.
 
Trước khi cầm chổi, Soko quỳ xuống bái tạ đại sư đã thâu nhận mình
 
Công việc quét vườn thì có chi là khó. Soko hăng hái quét, quét, và quét. Không bao lâu đã gom được đống rác cao nghệu đầy đất, sỏi, đá vụn và lá khô. Dừng chổi, Soko lễ phép hỏi:
 
- Bạch thầy, con phải bỏ đống rác này đi đâu ạ?
 
Bất ngờ, đại sư quát lên:
 
- Rác? Ngươi nói gì? Không có gì là rác cả!
 
Soko ngẩn ngơ nhìn đống chiến lợi phẩm, không hiểu đây không là rác thì là gì? Còn đang lúng túng thì đại sư lại bảo:
 
- Vào nhà kho kia lấy cái bao nhựa lớn ra đây.
 
Khi Soko tìm được bao nhựa mang ra thì thấy đại sư đang dùng hai tay, gạt đám lá khô sang một bên. Ông lại bảo:
 
- Mở rộng miệng bao ra.
 
Soko tuân lời, lẳng lặng theo dõi thầy mình quơ từng ôm lá, bỏ vào bao, thỉnh thoảng lại giậm giậm cho lá xẹp xuống.
 
Cuối cùng, những lá khô trong đống rác đã được nhồi vào bao, cột lại. Soko lại nghe lệnh truyền:
 
- Đem bao lá này vào nhà kho, để dành đun nước tắm.
 
Vừa vác bao lá trên vai, Soko vừa nghĩ:
 
- Còn đống đất đá, không phải rác thì dọn đi đâu?
 
Ấy thế mà khi ở nhà kho ra, Soko thấy đại sư đang lượm những viên sỏi, đá vụn ra. Trước vẻ ngẩn ngơ của Soko, ông vừa hỏi, vừa sai:
 
- Có thấy hàng hiên ngay dưới ống máng xối kia không? Có thấy những chỗ bị nước mưa xoáy lồi lõm không? Đem những sỏi, đá vụn này ra, trám vào những chỗ đó.
 
Soko vừa làm, vừa thán phục thầy mình, vì quả thật, sau khi trám, không những chỗ lồi lõm bằng phẳng mà còn đẹp hẳn lên nữa.
 
Bây giờ, đống rác (theo Soko) chỉ còn lại đất và rêu. Lần này thì chắc chắn phải hốt, đổ đi rồi. Nhưng kinh ngạc biết bao khi Soko quay lại sân, thấy thầy mình thong thả nhặt từng miếng đất, từng tảng rêu lên tay, rồi chậm rãi nhìn quanh, tìm những khe tường nứt, những chỗ lõm nhỏ trên mặt đất, từ tốn trám vào.
 
Bây giờ thì đống rác không còn đó. Nhưng cũng không phải là vật phế thải vô dụng gom quẳng đi đâu. Mỗi loại rác, nếu biết tận dụng, sẽ lại trở thành hữu ích.(Theo Novice to Master (There is no trash), nguyên tác Soko Morinaga, Diệu Trân dịch)
 
 
 
BÀI HỌC ĐẠO LÝ:
 
Thiền sư Soko Morinaga đã bắt đầu bài học nhập môn chỉ bằng niềm tin và lời dạy thật đơn giản rằng “Không có gì là rác cả!”. Vậy mà về sau ngài trở thành thiền sư danh tiếng, Viện trưởng Đại học Hanazono, thuộc tông Lâm Tế Nhật Bản. Phải chăng, niềm tin tuyệt đối vào tương lai tươi sáng và sự tiết kiệm, chắt chiu đã vực dậy một đất nước đổ nát bởi chiến tranh nhanh chóng trở thành siêu cường, và ở một phương diện khác, những đức tính ấy đã un đúc, tạo nên một nhân cách lớn.
 
“Không có gì là rác cả!” tuy đơn giản mà bao hàm một thông điệp về triết lý duyên khởi, trong rác có hoa và trong hoa có rác, rác chính là hoa và hoa chính là rác. Nhờ thấy được sự thật này nên không hề có sự loại bỏ, đối kháng và mâu thuẫn mà hoàn toàn nhuần nhuyễn, tùy thuận, các pháp cùng nương vào nhau để tồn tại và phát triển.
 
“Không có gì là rác cả!” là một tuệ giác lớn. Hãy nhìn thật kỹ, thật sâu sắc vào những bất đồng, những việc không như ý và tất cả những gì được gọi là xấu xa, đáng để loại trừ, vứt bỏ… cho đến khi nào nhận ra “Không có gì là rác cả!” để ôm ấp, bao dung và tận dụng hết thảy thì cuộc sống này đẹp biết dường nào!
 
 
@Nguyễn Tâm (Theo Giác Ngộ Online)

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Câu Chuyện Người Đi


Con phố vắng sau cơn mưa chiều dẫn vào khu xóm nhỏ đầy lầy lội, ba người khách khẻ lước nhìn bầu trời với một vài đám mây ăn nhẹ trong cái nắng vàng vọt, họ cố rẻ bước tìm lối trên những mặt nước lầy lội khắp mặt hẻm đang ruồng rả rút xuống đất, trôi về những đường mương, cống rảnh theo… con nước đỗ ra sông. Không biết đã qua bao nhiêu con hẻm, ba người khách bổng dừng lại nơi một căn nhà khá xinh xắn có lan-can ăn sát theo một dãy nhà trệt khoảng bốn năm căn cũng có lối kiến trúc tương tự. Căn nhà nổi bậc lên với cửa ra vào và những cửa sổ thoáng nhẹ lớp sơn da trời cùng làn vôi tường trắng mịn bao quanh mặt nhà.
 
Trong khoảng mười giây đồng hồ đứng trước cửa nhà, một trong ba người khách đẩy nhẹ cánh cửa ngoài bao lơn, đồng lúc dõng dạc lên tiếng.
 
- Có ai ở nhà không, có khách đến thăm!?
 
Một thằng bé từ bên trong chạy ra la lớn.

- Ba ơi! có khách.

- Ừ! để ba ra. Con coi chơi với mấy em tránh ồn áo để ba tiếp khách.

Bên trong nhà một người đàn ông có tầm vóc của kẻ phong trần với mái tóc hoa râm vén bức mi-đô đi ra gian nhà khách; Đó là ba của thằng Quang. từ ngày “giải phóng” vô ba nó thất nghiệp ở nhà chăm sóc, dạy học cho mấy anh chị em của Quang ở những lúc mẹ Quang phải quảy gánh đi bán hàng ở chợ.

Quang rón rén đi vào nhà sau kêu giật thằng em của nó.

- Huy ơi! Đi chơi với anh.

Thằng em nó đáp lễ:

- Ừ! Anh đợi em chút xíu đi!

Huy chạy xuề xòa lại đống đồ chơi chụp vội cây gươm bằng gỗ mà nó tự chế bằng cây thước kẻ đi học, cột vội miếng củi nhỏ với những cọng thun để làm cái phần cán đeo lủng lẳng ngang hông như mấy anh hùng đấu gươm mà nó có lần đã thấy nơi màng ảnh truyền hình nhiều người cởi ngựa reo hò.

Thằng Quang dõng dạc nói.

- Mày bỏ kiếm đi, nếu không tao không cho đi chơi. Anh hai đã có nhiều lần nói với mày cái đó lỡ đánh trúng mấy đứa bạn thế nào về nhà cũng bị mẹ đánh đòn.

Huy là một thằng em hay nghịch phá với chúng bạn, nhưng nó lại biết nghe lời anh chị nó và nhất là với ba mẹ nó. Nó biết mẹ nó không bao giờ đánh nó, chỉ có ba nó thôi! Nhưng mà nó thương cha mẹ nó nhiều, nhất là mẹ nó, không khi nào nó muốn làm cho mẹ nó buồn. Nó biết chiều nay khi tan chợ về, mẹ nó sẽ gánh về nhiều loại bánh trái thơm ngọt như những món qùa thương yêu triều mến luôn dành cho các anh chị em nó.

Huy quăng vội thanh gươm xuống đất rồi chạy lại nắm tay Quang, hai đứa đi dần khuất xa bên nhau ra con phố.

 
*
*   *   *
 
 
Buổi chiều về mẹ của Quang với đôi gánh trĩu nặng trên vai, bà khấp khểnh đẩy nhẹ cánh cửa bao lơn. Hôm nay hình như có gì thay đổi trên khuôn mặt hiền hậu của bà. Bà cố vói tay đẩy then cài cửa ngõ như mọi lần và buông tiếng.
 
- Mấy con của mẹ đâu rồi.
 
Nhà vẫn không có ai trả lời, bà lần lủi quảy gánh đồ đi vào nhà sau. Bỗng chốc bà đặt gánh xuống và bâng quơ rảo mắt như tìm kiếm một cái gì thân quen. Bà soạn từng đống đồ ra đủ loại bánh trái và những vật liệu như cá, thịt, hành, tỏi… chuẩn bị cho buổi cơm chiều hôm nay. Bà trân trọng đặt các đồ nấu nướng qua một bên. Đặt biệt có một túi bánh ngọt mà từ lúc ra chợ mua được cho đến lúc về bà vẫn không bao giờ quên nó; đó là phần qùa cho các con nhỏ của bà, nhưng giờ này vẫn chưa thấy chúng ở đâu, sao bà bỗng lo qúa! Không như mọi ngày vừa về tới cửa là đã nghe chúng reo hò vang dậy.
 
Bà lụi khụi ra phía sau nhà bếp mang ra những bó củi, những đống than để nhốm cái lò gạch cho cháy lửa. Từ ngày “giải phóng” vô bà không còn dùng dầu hôi để đốt lò-so nữa vì xăng dầu lên gía qúa khủng khiếp, so với số tiền bà kiếm được hàng ngày chỉ đủ đổi lấy một nữa lít dầu hôi nên phải chuyển sang đốt củi để có tiền lo cho gia đình có các bửa ăn hàng ngày. Nguồn tài chánh gia đình bị phá sản qua những kỳ đổi tiền, phải thắt lưng buộc bụng, phải tính toán theo thu nhập có được để nuôi sống cả nhà…

Được một khoảng lâu thời gian, tiếng củi trong lò đã có vài cây nổ “lóc bóc”, bà đưa tay vói lấy đôi đủa sắt khêu nhẹ lớp củi cho ánh lửa hừng lên rồi trút vội vỉ than vào, đồng lúc bà tìm nồi nấu cơm trong thời gian để bếp lửa hồng tự tỏa ngọn. Từ ngoài cửa  có tiếng ba thằng Quang vọng vào.

- Mẹ sắp nhỏ về rồi đấy à! Tôi không biết giờ này mà tụi nó còn đi đâu chơi, tìm hoài mà vẫn không thấy. Lúc nãy còn ngồi nói chuyện với ba người khách đây, quay qua quay lại đến lúc tiễn khách về thì tụi nó đã mất dạng.

Tiếng mẹ đáp.

- Thôi ông coi nồi cơm, để tôi đi kiếm, tụi nó chơi đâu đó với bạn chúng chán rồi thì về chứ có gì.

Ba buồn bực la lớn.

- Bà coi đó, bình thường tôi có nói gì đâu; đàng này trời mưa đường xá lầy lội. Tôi lo là lo cho chúng bị cảm lạnh, lỡ có gì thì tôi với bà tính sao đây?

Tiếng mẹ dịu dàng hơn như cố ngăn đi những gì buồn bực nơi ba Quang.

- Thôi mình, đừng lo nghĩ nữa để đó cho tôi.

Bỗng chốc ngoài cửa ngõ, có tiếng hai thằng la xôn xao…

- Chạy lối này nè Huy, nhanh lên!

- Ờ, anh coi chừng thằng Ninh kia, nó chạy gần đến rồi đó.

Ba vụt chạy ra khỏi cửa, tóm gọn hai thằng đang la lối với mình mẩy đầy bùn nhơ, tóc tai bù xù thấm đầy nước trên khắp cả người.

- A!… thì ra tụi mày đang chơi rượt bắt. Con cái riết rồi hư hết. Tụi mày phải cho một trận đòn mới được!

Sau câu nói của ba, hai thằng khúm núm, mặt mày tái mét, thều thào đến gần bên mẹ nói không ra tiếng.

- Mẹ ơi! Huy nó không nghe lời con nên đến nỗi này đó mẹ.

Dáng thằng Huy buồn rười rượi, nó cúi đầu xuôi hai tay như không muốn cải lỗi anh nó dù đúng hay sai. Gía ở mọi khi khác không có ba đứng kế bên thì nó đã lao vào lòng mẹ, vừa khóc vừa mếu máo đính chính những gì anh nó nói. Nhưng lúc này nó biết thân phận nó, chỉ một phản kháng thôi, dù là tiếng khóc nhỏ cũng đủ làm cho ba nó nổi giận. Huy cuối đầu để lộ đôi vần trán thon nhỏ như chứa chất suy tư cùng đôi tay buông thỏng xuống theo dáng dấp, khuôn mặt hiền từ, thoảng chốc len lén ngước nhìn ba nó như cố lắng nghe những gì ba nó dạy bảo… Nhưng không, việc này ra ngoài ý muốn nó. Ba không la hay đòi đánh đòn nó nữa mà giọng ba hiền từ đến bên xoa đầu nó, ôm nhẹ nó vào lòng để cố che giấu đi tiếng “thút thít” của Huy vì nó đã muốn lao vào lòng mẹ nó từ lâu, nó muốn khóc lên thật to nhưng vì sợ uy ba nó mà phải cố nín để tỏ khí phách “có chơi có chịu”, câu nói ba nó vẫn thường nói với tụi nó như thế!

Buổi chiều mâm cơm bốc khói, tỏa mùi thơm ngào ngạt cùng mấy tô canh chua và nồi cá đang còn rêu lửa thấm dần trên lò. Anh hai từ ngoài cửa khệ nệ với bao gạo trên vai đi vào, đồng lúc có tiếng Quang la lớn

- Anh hai mua được gạo rồi mẹ ơi!

Từ từ đặt bao gạo xuống đất, tiếng anh hai trầm thắm.

- Con phải xếp hàng từ sáng tới chiều, phải đợi xe “quân quản” của thành phố chở lại. Mẹ thấy đó, mười ký gạo cho cả nhà, vậy mà có nhiều người nhà hết gạo, xếp hàng gần tới thì lại hết, phải đợi tới hôm sau xếp hàng trở lại.

Mẹ dịu giọng.

- Thôi con rửa tay rồi đi ăn cơm.

Cả nhà quay quần bên mâm cơm, buổi chiều hôm nay anh hai được ba cho biết một tin quan trọng, đó là việc chuẩn bị gói ghém hành trang hôm nay để sáng mai theo ba tìm đường xuống thuyền vượt biên. Ngoại trừ mẹ, ba, anh hai, anh ba và chị tư tất cả năm người được biết tin này, riêng Quang, Huy với bé Út còn nằm nôi thì không cho biết được vì sợ chúng còn nhỏ ra đường nói bậy, hàng xóm hay công an biết được thì bể chuyện ra đi của ba với anh hai.

Anh hai chiều nay có một nét mặt trầm lặng đáng sợ kinh khủng hơn mọi ngày. Hai đứa Quang với Huy không hiểu sao anh hai lại bắt tụi nó đi ngủ sớm, nằm trên giường hai đứa nó cứ chập chờn thả hồn vào những ước mơ viễn du khắp phương trời thật đẹp của tuổi thơ! Mới đây hai đứa còn kể lể hỏi han nhau về chuyện cổ tích, chuyện đánh đu, chọi đáo… giờ đã thiếp mình vào giấc ngũ lúc nào không hay.

Sáng hôm sau khi chợp mình tỉnh giấc, Quang tung mền khều nhẹ chân vào thằng Huy. Hai đứa từ nào đến giờ vẫn cứ khắn khít bên nhau với tuổi hồn nhiên, nào biết ưu tư là gí. Thằng Huy cựa mình la bai bái.

- Sao anh dậy sớm vậy.

Rồi nó cũng chẳng buồn để ý đến mấy cái khèo chân của thằng Quang, nghiêng mình qua bên khác, nhắm mắt đánh giấc tiếp nữa. Quang có vẻ thỏa thích với mấy cú giỡn vừa rồi, rón rén chui ra khỏi mùng. Theo thường lệ, nó chờ tiếng hỏi thăm của mẹ nó; Nhưng không… hôm nay tại sao nó thấy mẹ nó đang ngồi ủ rũ ở một góc nhà, hình như bà khóc thì phải? Nó không hiểu lý do ra sao cả; bổng nhiên nó cảm thấy thương mẹ qúa! Quang đi thật nhẹ lại gần bên và lên tiếng.

- Mẹ khóc phải không, tại sao mẹ khóc?

Vẫn không có tiếng trả lời của mẹ, nó chợt nhìn đôi gánh đang nằm ở góc nhà như mọi ngày, nhưng có một cái gì tự nhiên nó biết hôm nay mẹ không đi bán. Còn nơi phòng khách kế bên, anh ba nó đã thức dậy từ lúc nào, đang ngồi chểnh chệ trên ghế sa-long; nhưng trông anh có vẻ gì buồn rười rượi, hình như anh cũng khóc như mẹ? Cả chị tư nó nữa, tất cả đều khóc!. Quang không còn biết gì nữa, nó chỉ muốn lôi thằng Huy thức dậy. Nhưng mà thôi!… Tự nhiên trong giờ phút này nó biết tốt hơn nên yên lặng. Yên lặng càng nhiều càng tốt như cuộc đời tuổi thơ của nó chưa biết khóc cho những nỗi buồn mất mát chia xa là gì! Bỗng chốc tiếng anh ba nó thều thào.

- Anh hai với ba đi rồi quang ạ!

“Đi”, đi đâu, đi để làm gì, và đi có sao không mà phải khóc?… Trong ý nghĩ của thằng Quang chỉ có thế! Nó ước mơ một ngày qùa cáp thật nhiều như trái cây, bánh kẹo mẹ nó thường đi chợ mang về để hồng lên cuộc đời thơ vui của nó.

 
*
*   *   *


Thời gian qua đi một năm, hai năm, rồi ba năm kéo dài mãi Quang cũng chẳng thấy ba với anh hai về. bổng nhiên nó cảm thấy nhớ qúa vòng tay ôm của ba nó với chuỗi thời gian mỗi ngày một xa dần thơ ấu.

Hôm nay một buổi chiều về muộn, lại một người khách bỗng nhiên xuất hiện trước cửa thềm. Nhìn người khách, nó liên tưởng đến ba người khách năm nào trước đây đã có lần đến nhà và rồi ba và anh nó ra đi để nó chẳng bao giờ còn gặp lại nữa. Tự nhiên Quang cảm thấy ghét mẹ cùng anh chị ghê vì đã nói gạt Quang! Mọi người thường bảo “ba và anh đi rồi sẽ về”, nhưng cho đến hôm nay Quang có thấy gì đâu? Quang thương ba và anh rất nhiều, thương âm thầm theo thời gian mỗi ngày một khôn lớn, cho đến giờ phút này Quang không muốn thấy mặt bất cứ người khách lạ nào xuất hiện trước cửa thềm nhà Quang nữa. Quang muốn thế, Quang không muốn chia xa.

Tình thương đã nuôi Quang lớn dậy và cũng chính tình thương đã ôm Quang trọn cuộc đời. Quang biết rồi đây Quang và các em kế tiếp nó cũng sẽ tiếp nhận những lời nhắn nhủ của người ra đi để lại, gần kề hơn cả bên nó là thằng Huy, hai đứa đã từng vui chơi bên nhau suốt quãng trời thơ ấu, đã từng có những kỷ niệm lớn khôn nhưng trên một dòng đời Quang và Huy không cùng đi bên nhau mãi mãi, cũng như hôm nay trong giờ phút này Quang đã biết thế nào là sự chia xa, thế nào là tình thương xa cách mà ba và anh nó đã nhắn nhủ lại để ra đi. Ôi! cả một quãng đời thương yêu. Nó hy vọng người khách kia sẽ là sứ gỉa mang nguồn vui cho gia đình nó chứ đừng bao giờ mang đến sự chia xa ở những nơi chốn mịt mù mà trong ký ức nó vẫn còn ghi đậm những hình ảnh của người thương quen thuộc.

Sáng hôm sau với túi đồ trên vai, anh ba nó khẻ lay nó dậy, đặt nhẹ trong bàn tay nó tất cả những số tiền mà anh nó đã dành dụm được ở những ngày chạy đôn chạy đáo buôn bán “chợ đen” nơi những khu phố sầm uất người qua lại, bằng cách mua đi bán lại những món hàng như đồng hồ, radio, viết máy, xe đạp… những món đồ tư bản thời thượng luôn làm cho các anh cán bộ mê tít đến híp mắt. Anh nó trầm giọng buông tiếng.

- Quang em, anh rất đau lòng khi phải ra đi, em đừng buồn, chính ngày xưa anh cũng như em vậy. Ba ra đi, anh hai ra đi vì tụi công an nó truy lùng tìm bắt ba, giờ tới phiên anh lớn lên trong xã hội chủ nghĩa mịt mờ không tương lai, phải lên đường làm “thanh niên xung phong”, sống chết vật vờ, trước sau những thanh niên như anh đều bị đẩy vào các cuộc chiến tranh bên Miên, Lào hay Hoa Việt, anh không muốn đi tìm cái chết phi lý trong thế giới cộng sản luôn đầy dẫy những kích động chiến tranh và hận thù, nhưng lúc nào cũng sáo ngữ, điêu ngoa tuyên tuyền là xây dựng thiên đường cộng sản tốt đẹp cho mọi người! Anh buộc lòng phải xa mẹ, xa các em để ra đi tìm tự do. Em chắc hiểu anh hả Quang! Khi nào gặp lại ba và anh hai, anh sẽ viết thư về cho mẹ và em được rõ. Nhớ nhé! Thôi em cầm lấy số tiền anh để dành từ bao lâu để chi xài những việc lặt vặt theo ý em. Tiền này nước ngoài không xài được, vậy anh gởi lại hết cho em.

- Trời! anh đi thật sao?

Quang chỉ nói được có bấy nhiêu và rồi nó cứ nhìn chăm chăm vào mặt anh nó. Bất kể anh nó nói gì thêm cũng mặc, nó chỉ cần hiểu bấy nhiêu thôi đã đủ cảm nhận hết những đau xót chia xa. Trời tháng tư buổi sáng mà sao nó thấy như mặt trời nổ tung từng mảnh vỡ. Sự thật nghiệt ngã đến thế sao, nó che đi dòng nước mắt như khô kiệt rồi một tình thương đang mất hút… Anh nó hôn nó, hôn Huy, hôn bé Út lần cuối còn trong giấc ngủ nồng.

Sao bỗng trong giờ phút này Quang cảm thấy thương gia đình nó qúa. Nó muốn lay thằng Huy thức dậy. Nhưng thôi, tỉnh để làm gì?! Nó chỉ còn biết đứng chết nơi đầu ngõ,  ngó trân anh nó đang dần khuất xa với túi đồ trên vai trĩu nặng.

Cầm số tiền trên tay đã bao lần Quang như lặng chết, nó muốn kéo thời gian ngừng lại, nó không muốn để tình thương vuột khỏi tầm tay. Sao mà nó thương ba và các anh nó qúa! Thương nhất cũng là mẹ, một đời bà luôn chấp nhận hy sinh cho con cái, cả những phần thân xác còm cỏi nhưng đôi gánh không xa lìa trên vai mẹ ở mỗi sáng tinh sương mẹ luôn phải lủi thủi gánh hàng ra chợ. Quang tự nhắn lòng, rồi đây với số tiền anh nó cho, Quang sẽ đưa hết cho mẹ. Với cảnh mẹ cút con côi, nó biết những tháng ngày sắp tới mẹ nó sẽ gánh lấy trăm bề cực nhọc chuyện bán bưng, còn phải dìu dắt, nuôi sống, gánh lấy anh chị em nó đi sao cho không vấp ngã qua cuộc đời nhiều đau thương bất hạnh.
 
 



@Phạm Thiên Thơ
(Truyện ngắn đầu tay và cuối cùng
ghi dấu lại những tháng ngày bỏ nước ra đi)
 
 
 

Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Có một loài cây chỉ nở hoa lúc cuối đời

 
Trong cõi trần, có những loài cây nở hoa đẹp và buồn như những huyền thọai, như những triết nhân. Người ta khó vui được khi nhìn thấy một giàn hoa ty-gôn đỏ như màu máu vẳng về những câu thơ của TTKH. Nhìn hoa sen, lòng người chợt nhận ra lẽ vô thường thanh sạch của kiếp người. Ai đã từng có một đêm thức với hoa quỳnh, hẳn khó cầm được tấc lòng trước hình ảnh cái đẹp quá đỗi mong manh, mau chóng tàn phai. Người xưa một lần qua núi, thấy hoa lau nở trắng bạt ngàn, đã thảng thốt buông một câu hỏi buồn trong gió: Sao vừa nở ra đã vội bạc đầu thế hở lau ơi?...

Và có một lòai cây chỉ nở hoa lúc cuối đời, nở xong là chết; nở như biết mình đã đến và sẽ ra đi trong cuộc đời; nở như những giây phút dọn mình để giã từ thế giới; nở tưng bừng như điệp khúc một giai điệu tráng ca. Loài đó là TRE.

Tôi nghĩ đã là người Việt Nam, dù ở đâu và làm gì, ai cũng mang trong mình một bóng tre của quê hương, xứ sở. Sau lũy tre làng, đó là nơi hội ngộ buồn vui của cả một cộng đồng người, của hàng bao thế hệ. Không biết tự bao giờ, tre đã tham dự vào cuộc sống con người như một thành tố không thể thiếu được. Chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa đã có cây tre trăm đốt. Và dẫu bây giờ nông thôn đã công nghiệp hóa, tre vẫn không thể thiếu được đối với người. Đó là cái đòn gánh có thể đàn hồi làm nhẹ vai cô thôn nữ gánh nước từ bến sông, gánh hàng ra chợ. Đó là mười sáu vành nón lá của mẹ tảo tần qua nắng qua mưa nuôi ta khôn lớn, của em dấu nụ cười e ấp mối tình đầu. Đó là giàn bí, giàn bầu nặng lòng câu ca ”bầu ơi thương lấy bí cùng” mà cha ngồi hóng mát mỗi chiều. Đó là sợi lạc buộc chiếc bánh chưng xanh luôn gợi nhắc truyền thuyết Lang Liêu...Tre thủy chung một mối tình vĩnh cửu với người dân Việt.

 

Tre lặng lẽ hiến dâng cho đời và hy sinh tất cả. Trong hành trình dâng hiến của mình, tre dâng tặng con người âm thanh từ máu thịt của nó. Tre tạo nên tiếng sáo Trương Chi làm điêu đứng người con gái cành vàng lá ngọc. Tre tạo nên cây đàn bầu khiến cả thế giới phải nghiêng mình trước ngón độc huyền của một dân tộc, mà dân tộc ấy lại đa tình làm sao: Đàn bầu ai gảy nấy nghe, làm thân con gái chớ nghe đàn bầu! Trên non ngàn Tây Nguyên, hồn tre nứa nhập vào đàn t’rưng, nhập vào đàn klông put, đàn chim đing, đàn đinh pah, và cả ching kram (chiêng tre) nữa...tạo nên âm sắc núi rừng Việt Nam độc đáo, không nơi nào có được. Và trong những ngày hội tưng bừng trên đỉnh non ngàn này, không thể thiếu những ché rượu cần mà những chiếc cần như những chiếc cầu của tình bạn, tình yêu, của men nồng cuộc sống...

Từ măng non, tre vươn thẳng làm bạn với người, làm ngọn roi dạy dỗ con người, giúp con người bao điều trong cuộc sống, để rồi một buổi sáng kia, tre nở một chùm hoa và chết. Rất hiếm khi được nhìn thấy hoa tre nở. Cho đến nay, tôi cũng chỉ thấy hoa tre nở hai lần. Lần thứ nhất vào năm tám mươi lăm thế kỷ hai mươi. Năm đó, vào một buổi sáng mùa hè, rặng tre la ngà dọc bờ sông Bồ trước làng tôi đột nhiên bừng nở. Cả một rặng tre bung nở từng chùm hoa vàng xuộm màu thổ hoàng. Cái màu đất bình dị nổi lên nhờ màu xanh của lá, bình dị đến nao lòng. Cả lũ học trò chúng tôi hồi đó chiều nào cũng rủ nhau nhìn ra sông vì nghe nói tre nở hoa xong là chết. Nhiều đứa, trong đó có tôi, cố cãi lại lời tiên tri ấy, đến mức phải chia phe thách nhau. Nhưng ngày qua ngày, cả rặng tre từ màu xanh dần chuyển sang ngà. Cho đến một chiều nọ, không tin nổi vào mắt mình khi rặng tre cứ nhạt thếch hẳn đi, chúng tôi chạy ra xem thì thân tre đã khô lại. Trên cao kia, những chùm hoa tre khô cong rủ xuống như một bàn tay tiễn biệt. Bất giác cả bọn cứng lưỡi không nói nên được câu nào, cũng không thấy mấy đứa thắng cuộc yêu sách một điều gì. Trong làng có chú Tin đã ngoài bốn mươi vẫn còn độc thân chưa vợ. Chú xin làng chặt một cây tre về làm đàn bầu. Đêm đêm, tiếng đàn của chú nỉ non vang vọng khắp làng. Chẳng bao lâu sau thì có người chịu cùng chú kết tóc se tơ. Người già nói, tre nở hoa cả rặng như vậy là có điềm lành. Quả nhiên sau đó ít lâu thì không khí công cuộc đổi mới cũng tràn về nông thôn, đời sống của người nông dân có đỡ cực nhọc hơn. Nhưng cũng sau khi rặng tre la ngà ấy chết, làng không còn một cây tre la ngà nào nữa. Bấy giờ cả làng mới thấy do tre la ngà nhiều gai nên ít người trồng. Sau này tôi lang thang khá nhiều nơi, chú tâm tìm gặp một bóng dáng tre la ngà, ấy vậy đến giờ vẫn chưa một lần thấy lại.
 

Lần thứ hai tôi nhìn thấy hoa tre nở chỉ mới cách đây vài năm, vài tháng sau cơn đại hồng thủy tháng 11 năm 1999. Ấy là một hôm giá rét đầu năm 2000, qua khỏi cầu TâyThành bỗng thấy một bụi tre nhỏ bên sông nở hoa trong mưa. Cũng những chùm hoa tre vàng nhạt như màu đất, vươn giữa trời xanh bất chấp mưa gió phủ phàng, rét buốt, bản lĩnh vô cùng. Bây giờ nghiệm lại, thấy loài tùng bách như người quân tử ẩn dật, tre lại như người quân tử dấn thân. Từ khi sinh ra, tre đã sống và trả nghĩa cho đất cho người, đến khi hoa tre nở lần đầu tiên, cũng là lúc tre từ giã sự góp mặt của mình trên trái đất. Đó là một cách đi vào cõi chết rất đẹp: cả tre và hoa đều chết đứng như phơi gan ruột cùng trời đất chứ không chịu rủ xuống, lụi tàn như bao loài hoa khác. Cái chết ấy không hề làm cho người ta thấy một chút bi ai nào, ngược lại, nó tạc dáng hình giữa trời đất mênh mông, giữa muôn vàn hoa lá như một triết nhân đã ngộ ra chân lý về lẽ sống chết của con người.

@Hồ Đăng Thanh Ngọc



Thứ Tư, 30 tháng 9, 2009

Một chút tản mạn về thi ca


Ngày xưa trên giậu vàng hoa
chiều chiều kê chõng nằm ra ngó trời
năm sau em bỏ đi rồi
ta về ngồi lắng mưa rơi giậu buồn
(Phạm thiên Thư)

Câu thơ lục bác trên nằm trong thi tập Động Hoa Vàng hay còn được tác gỉa gọi là Đoạn Trường Vô Thanh. Khi viết thi tập này, Phạm thiên Thư ít nhiều đã chịu ảnh hưởng những thi pháp tuyệt vời trong truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du. Triết lý nhân sinh Phật giáo giữa hai tác gỉa đã giao lưu nhau trong nguồn thi hứng vô tận để sáng tạo nên những vần thơ tuyệt tác đó, nhưng chắc hẵn Phạm thiên Thư không vượt qua được hào quang lớn rộng của Nguyễn Du đã đi vào lòng văn học sử thi ca suốt trên hai thế kỹ dài. Ngoài Nguyễn Du, đến thời chúng ta mới thấy nổi bậc một ít tác gỉa sáng tác thơ lục bác mà có thể hay tuyệt vời, lay động được vào cõi lòng người sau thẳm như Phạm thiên Thư, ở một đọan khác tác gỉa viết tiếp.

đưa nhau đỏ chén rượu hồng
mai sau em có theo chồng đất xa
qua đò gõ nhịp chèo ca
nước xuôi làm rưọu quan hà chuốc say

Chúng ta thấy cái “say“ của Phạm thiên Thư đầy tính chất lãng mạng của một thiền sư đa tình, chỉ nhìn nước sông trôi cũng đủ thấy lai láng nguồn rượu dâng tràn, thấy mình như say, chuốc chén tiễn người thương theo chồng đi xây hạnh phúc.

Tất cả những gì viết nên những thể thơ ca dao đều như phản phất tinh thần bình dị, phá chấp của Phật giáo đã ăn sâu vào con người VN, dù có mất mát chia xa cho đến tan nát cả cõi lòng nhưng người trong cuộc đó vẫn cầu mong người mình thuơng luôn thật sự được hạnh phúc trong cõi đời này, đó là tất cả nghĩa đạo, tất cả những gì Phạm thiên Thư ấp ủ.

Nhưng than ơi! đời có phải mãi êm đẹp theo theo cuộc tình như những vần thơ quấn quyện cùng với năm tháng mãi đâu? Nhất là trong giai đoạn lịch sử đau thương của dân tộc, người thi sĩ có lúc cũng phải giật mình tỉnh giấc thấy mình rơi vào hoàn cảnh đau thương chung của dân tộc. Những từ ngữ thi ca đầy bao dung mơ mộng như bụi hồng, đỏ chén, rượu hồng và cả trăm thứ hồng khác làm nhiều người hôm nay phải liên tưởng nghĩ tới hình ảnh Tàu cộng đang khai thác quặng mỏ bauxite tại Cao nguyên Trung phần. Tại sao các hình ảnh những bùn đỏ đang len lỏi, tác động đến văn thơ, ngôn ngữ thi ca! phải chăng vì vấn nạn lớn đang đè nặng lên hệ mệnh sống còn của dân tộc tại Cao nguyên Trung phần; Nếu có sự hiện diện tất cả các thi hào từ xưa đến nay chắc đa phần cũng phải giậc mình tỉnh giấc mơ say bởi vì sông nước đã tanh mùi độc hại, người thương không còn đứng bên bờ hạnh phúc nữa mà đã tan tác như chim muông vỡ tổ.

Nước mất thì nhà tan, người thi sĩ sẽ phản ứng ra sao trong những giờ phút đất nước lâm nguy vì sự u tối và hèn kém nơi những kẻ cầm quyền trên quê hương đất nước VN hiên tại? Có thể người thi sĩ sẽ không cần đến vũ khí súng đạn nhưng chắc chắn tinh thần ngọn bút sẽ không bao giờ bẻ cong để phục dịch cho cường quyền. Thi sĩ Cung Trầm Tưởng, người hiểu biết sâu rộng nền văn hóa Pháp và Tây Âu với những tư tưởng hiện sinh đã có những năm tháng chấp nhận tù đày dưới chế độ CS, mặc dầu có điều kiện để ra đi nước ngoài nhưng thi sĩ chịu chấp nhận ở lại trong nước sau năm 75 để đem tiếng nói thi ca thử lửa với mọi tàn ác bách hại đưa đến từ chế độ, trong buổi đàm đạo trên đài RFI với nhà phê bình văn học Thụy Khuê mùa xuân năm 2009, Cung Trầm Tưởng thổ lộ rằng:

“Nhưng ô hởi!.. thi ca còn mắc nợ với lịch sử, tôi có bổn phận phải trả món nợ lịch sử đó, vì thế năm 75 tôi quyết định ở lại, tôi muốn ở lại! đó là một quyết định với tất cả những cái hệ lụy của nó và tôi nghĩ rằng nếu mà không có những năm người ta gọi là gian truân, hay là thống khổ thì ngôn ngữ Cung Trầm Tưởng nó chưa tới cái độ hôm nay tương đối tôi đã thấy có thể mình tự thỏa hiệp với mình rằng mình đã đạt được đến cái mốc điểm nào đó mà tôi sợ rằng sau này nếu không có sự gọi là hội nhập dấn thân nhầy nhụa vào lịch sử để rồi thăng hoa nó lên thì tôi nghĩ là có thể nói rằng không biết là tôi đã đi đến tới cái ngõ cụt của ngôn ngữ thi ca!….Đối với tôi thi ca đầu tiên là một ngữ sự, không giải quyết được cái đó thì xé tất cà bài thơ mình không làm được!“

Nghe lời nói Cung Trầm Tưởng kể trên, chúng ta không khỏi thửng thốt giậc mình…Ô hay!...tại sao phải “dấn thân nhầy nhụa vào lịch sử“? Nhầy nhụa đây chắc hẳn là những năm tháng sống vất vưởng, tù đày trong xã hội chủ nghĩa, nhân phẩm và đạo đức con người đã bị nhận chìm xuống tận cùng địa ngục! khắp mọi nơi đều than oán tủi hờn, chỉ có cái loa của đảng và nhà nước CS là luôn được ra rã hàng ngày huênh hoang mọi thành tích thắng lợi! trong khi đó người dân thì đói mèm, củ khoai củ sắn cũng không có ăn, đời sống tinh thần đạo đức thì rách nát tơi tả, bị buộc phải đánh mất thân phận mình để lót đường hy sinh cho chủ nghĩa CS không tưởng. Sống trong cảnh đời mà mọi người không những đều bất lực thờ ơ trước cảnh khổ của đồng loại mà lại còn trở nên nghi kỵ chia rẽ nhau đủ điều, lương tri và đạo đức dần đi đến thui chột vì chính sách công an trị luôn kềm kẹp, soi xỉa dồm ngó đời sống người dân, đã tạo nên cái không khí miễm cưởng phục tùng trong sự ngột ngạc và sợ hải; Xã hội CS đã dẫn con người đến mức tha hóa, hèn kém. Thế thì lịch sử trong giai đoạn chế độ CS cầm quyên đã trở nên tha hóa nhầy nhụa là đúng. Biết nói sao hơn, tưởng rằng dưới thời Minh thuộc, lời văng vẳng trong Bình Ngô đại cáo mới đúng, không ngờ dưới chế độ CS lại càng thê thảm hơn.

Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi !

Đất nước ngày hôm nay nghèo hèn tuột hậu về mọi mặt đã đủ minh chứng cho sự tối tăm sai lầm của đảng CS hết ngã vào Nga nay qụy vào Tàu. Chiến tranh thù hận giai cấp không bao giờ tạo nên chân nghĩa hạnh phúc con người, ngược lại chỉ đẩy con người vào hố sâu nghèo hèn tội lỗi.

Phục lại sử hồn dân tộc từ cảnh lầm than ở những buổi đầu dựng nước có câu ca dao truyền tụng như lời hiệu triệu thửa hai Bà Trưng khởi nghĩa, nhẹ nhàng như lời ru của mẹ và lai láng hơn cả nước Bể Đông đã thắm sâu vào lòng tất cả những người dân Bách Việt điêu linh thửa đó.

bầu ơi thương lấy bí cùng,
tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Sử hồn của dân tộc sẻ thăng hoa lên từ mọi nhầy nhụa đau thương của lịch sử, phải chăng thi sĩ Cung Trầm Tưởng rất có lý khi chọn cho mình con đường khổ sai tù đày sau năm 75 mà thi sĩ gọi là “trả món nợ lịch sử “. “Nợ“ là câu nói có trong văn hóa, nếp sống, ngữ sự văn học VN, có thể nó phát xuất từ thời xa xưa lắm, từ khi dân tộc VN lập quốc qua triều đại các vua Hùng dựng nước Văn Lang trãi dài về sau đã thấm sâu vào ngôn ngữ văn hóa dân tộc tựa như câu nói “ơn vua, nợ nước“ là để tự thể hiện lòng biết ơn sâu xa những gì người dân trong một nước biết thương vua, yêu dân và cõi bờ tổ quốc đã tạo dựng cho người dân có được no cơm ấm áo với mọi nguồn sống hạnh phúc. Như thế mỗi con người chúng ta ra đời đều đã mang nợ, trước nhất là với cha mẹ họ hàng, kế đến là quê hương đất nước và dân tộc hun đúc ta nên người. “Nợ“ phản ảnh được ý nghĩa đẹp là lòng biết ơn và phải tìm cách đáp đền, đó là tiếng gọi nhân bản thể hiện tấm lòng nhân ái và chân chính nơi con người. Nếu như có nợ mà quịt nợ là người không tốt rồi!

Sự trưởng thành của con người không thể nuôi dưỡng bằng thù hận và chiến tranh giai cấp như người CS đã làm, mà ngược lại nó chỉ đưa con người đến hố sâu hủy diệt. Chỉ có tình thương yêu mà chúng ta vẫn thường hiểu là lòng từ bi bác ái mới chính là tuệ gíác cao cả tạo nên sử hồn dân tộc và giúp loài người cảm thông, liên đới chia sẽ được mọi vấn đề lớn nhỏ chung của nhau trong tinh thần thương yêu, tự do và bình đẳng. Câu ca dao vừa nêu trên như truyền khẩu từ thửa hai Bà Trưng khởi nghĩa, như tiếng gọi đầu đời vọng về lịch sử hôm nay, chúng ta hãy suy tôn hai bà là Vương mẫu, là mẹ hiền VN. Có những áng thơ nào suy tôn tình yêu chân chính dù nhỏ như chuyện lứa đôi, hay lớn như tình yêu đồng bào, nhân loại đến cỏ cây muôn thú, giang sơn đất nước thì đó là những ngữ sự mang nhiều cung bực phát huy sử hồn dân tộc. Cung Trầm Tưởng chịu tù đày để trả món nợ lịch sử, nhưng mỗi người trong chúng ta dựa theo khả năng của mình cũng có thể trả món nợ lịch sử bằng những cách khác mà không nhất thiết phải giống nhau.

Và tiếng nói thi ca tự nó là tiếng nói tình yêu muôn mặt, góp phần tạo dựng cho cuộc đời và nền văn học thêm phong phú. Thi ca chân chính không nuôi dưỡng lòng thù hận, chiến tranh và giai cấp. Thi ca là tiếng nói từ tâm, nhân bản, xuôi cuộc hành trình ở mọi nơi chốn và thời gian bằng tinh thần tự do khai phóng.





Ngày hè 2009Phạm Hồng Tân


*****
Tài liệu tham khảo:
- Động Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư
- Kiều của Nguyễn Du
- Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi
- Audio đối thoại giữa Thụy Khuê và Cung Trầm Tưởng:

http://thuykhue.free.fr/rfi/index.html