Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2009

THỰC TẠI VĂN HÓA VỚI TÔN GIÁO





THỰC TẠI VĂN HÓA VỚI TÔN GIÁO

PHẠM THIÊN THƠ




LÝ DO RA ĐỜI CÁC TÔN GIÁO CỔ SƠ 
 
Tôn giáo là hiện tượng phải có trong đời sống, tùy môi trường phát triển của xã hội mà tôn giáo mỗi ngày một thay đổi khế hợp để thích ứng với hoàn cảnh của xã hội. Tôn giáo chỉ có ý nghĩa khi gây được niềm tin tưởng trong quần chúng, khi loài người biết hướng theo con đường dẫn đạo của tôn giáo ngõ hầu tiến dần đến chân thiện mỹ và rốt ráo sự cứu cánh của nó.
 
Đi gần lại với tôn giáo chúng ta sẽ làm hiển lộ những ưu điểm chân thiện mỹ. Chúng ta thấy tôn giáo xuất hiện từ khi loài người biết hợp quần sống trên trái đất, từ đạo thờ thần của các bộ lạc đến sự thánh thiện hóa các vị thần linh. Chúng ta thấy tôn giáo lúc đó còn đang trong thời kỳ cổ sơ đi lang thang qua những làng mạc, thị tộc, trãi qua nhiều tiến trình lịch sử để dần hình thành nên những tôn giáo có tính cách quốc gia hóa. Những đạo thờ thần của La Mã, Hy Lạp, Ấn Đô, Ai Cập, Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản… như thế nào đi chăng nữa những vị thần của mỗi quốc gia chỉ có tính cách cao đẹp đối với quốc gia đó. Tuy nhiên cũng có những vị thần tỏa rộng được ảnh hưởng đến những quốc gia khác là vì người dân ở những quốc gia đó nhắm thấy không phương  hại gì đối với quốc gia mình mà còn có thể làm thăng hoa thêm cuộc sống ở vào các thời đó như thần Venus, Promethee của Hy lạp, thần Isis của Ai Cập còn để lại ảnh hưởng sâu rộng đối với các quốc gia Tây Âu nhất là các nước nằm dọc bờ Địa Trung Hải (Mediterranean Sea), thần Quan Công, Tề Thiên Đại Thánh từ Trung Hoa du nhập vào Việt Nam mà hiện nay còn nhiều gia đình lấy làm tín ngưỡng. Những vị thần đa số thuộc về huyền thoại hay có trong lịch sử khắp các quốc gia từ thời cổ sơ nêu trên không để lại một lý thuyết hay một đường lối hành đạo nào cho cuộc sống ngoài nhân cách xử thế một vài vị thần có ghi trong lịch sử như Quan Công của Trung Hoa. Lý thuyết hay đường lối hành đạo là do con người tự đặt thêm ra để lý tưởng hóa các vị thần cho phù hợp với tín ngưỡng. 
 
QÚA TRÌNH SINH TRƯỞNG VÀ SUY THOÁI TÔN GIÁO LỚN TẠI PHƯƠNG ĐÔNG
 
Lịch sử loài người xét cho cùng người ta vẫn luôn ngưỡng mộ những gương tranh đấu. Mọi cuộc tranh đấu đều có những định hướng cơ bản giống nhau là đi từ cá nhân gia đình đến xã hội nhân quần, đó là những giai đoạn mà đời người phải bước qua trên tiến trình đi từ nhận thức về những cứu cánh lý tưởng đến kết qủa thể hiện được qua hành động trên hai phương diện vật chất và tinh thần. Xã hội loài người tiến hóa phải có sự thống hợp hài hoà giữa cá nhân gia đình đến xã hội nhân quần, do đó mà con người luôn nổ lực tranh đấu để tạo dựng sự đồng thuận cho một thế giới hòa bình, hạnh phúc và không giai cấp như thế thật sự mới mang đến sự thăng hoa cho cuộc sống chân thiện mỹ. Loài người không thể để đổ vỡ những gía trị chân thiện mỹ chung trong qúa khứ cũng như hiện tại đang gầy dựng, phát huy bằng những hành động vô tâm quên lãng, chạy trốn trước những gía trị cao đẹp đã đồng thuận khuôn ước sẵn, mà phải luôn đối diện để vun bồi cho sự sống chân thiện mỹ luôn hiển sinh.
 
Từ chân trời Đông Phương hé rọi ba nền tôn giáo lớn của thế giới đó là Khổng, Lão và Phật giáo. Trong qúa trình dung hòa giữa ba tôn giáo vẫn thường xãy ra xung đột ở những thời kỳ phôi thai để dần dung hợp, xây dựng được những bước tiến hòa bình trong nhiều ngàn năm về sau. Qúa trình lịch sử của Khổng, Lão và Phật giáo đã đóng góp rất nhiều cho những quốc gia nằm về cận đông Thái Bình Dương, những trào lưu tư tưởng, những dòng lịch sử văn hóa đã gặp nhau ở những giao điểm và xây dựng nên nhiều thế kỷ hòa bình. Một nước Việt Nam có những thời kỳ thịnh trị ở những triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần xét thấy những nhà làm chính trị, văn hóa thời đó đều lấy tiêu chuẩn Khổng, Lão và Phật giáo làm nền tảng xây dựng và hướng dẫn quần chúng. Khổng giáo lôi kéo mẫu người có khuynh hướng xây dựng nên những kẻ sĩ tham gia vào đường chính trị qua con đường quan trường. Còn Phật và Lão giáo có nét tương đồng với sự chú trọng về mặt tâm linh, xây dựng nên những mẫu người có ý thức tự do về thân phận mình mà mỗi cá nhân phải biết tự giác, thực hiện lấy sự siêu thoát tâm linh, giải phóng bản thân ra khỏi những xích xiềng tham dục trói buộc để không bị đánh mất bản ngã tư do siêu thoát trong đời sống. Tự do là gì mà tự ngàn xưa cho đến nay trãi qua nhiều thời đại loài người nói chung vẫn luôn đeo đuổi thực hiện để phát huy xây dựng nhân cách và đạt đến sự sống thật lành mạnh, và riêng ngưòi Phật tử thì xem đó như con đường giác ngộ hay đạt đạo? Chúng ta hãy thử cảm nhận sự tự do đó bằng cách riêng nơi mỗi người để thấy sư dạt dào mênh mông vô tận không thể tả được hết khi ta tự cắt xén chân lý ra từng mảnh, tự cô lập sự tân trang và sáng tạo mà như Lão tử đã nói “đạo mà nói ra thì không còn là đạo“ hay Phật Thích Ca đã đưa ra ý chỉ vô ngôn bằng nụ cười trước khi rời xa trần thế. 
 
Một hình ảnh sau đây sẽ cho ta cái nhìn về tự do trong ý nghĩa vô tận.
 
Có một buổi chiều nào đó bạn đi trên con đường dẫn về thôn quê, nhưng bạn đi lạc vào một khư vườn đầy muôn sắc hoa rực rỡ, bạn đang ngỡ ngàng trước muôn vẻ đẹp của thiên nhiên hòa lẫn trong ánh nắng vàng êm dịu đang trải dài trên những lối đi, trên khu vườn xa lạ và gío đang rung rinh đùa giỡn trong nắng, trong hoa bao phủ những tàn cây ẩn hiện đầy màu trời xanh biếc; sự ngỡ ngàng bất chợt của bạn chưa hết thì bổng nhiên bạn lại thêm một sự bất chợt nữa đó là người thôn nữ không biết từ đâu bổng xuất hiện, đang tha thước gặt từng những bông hoa kết thành bó và chăm bón khu vườn cho hoa thêm lộng lẫy đua sắc thắm. Người thôn nữ dịu dàng đẹp tỏa ngát hương thơm bên những bông hoa đầy hương sắc, lúc đó thái độ của bạn như thế nào? Bạn sẽ dừng lại hỏi thăm đường, hay bạn ngoảnh mặt bỏ đi, hay bạn có thái độ muốn chinh phục người đẹp? Ý nghĩa của tự do đang chờ bạn ứng xử… 
 
Tự do trong nhà Phật không có tính cách đơn thuần mà là toàn diện, bạn không những yêu  hoa yêu lá mà bạn cần phải tôn trọng sự sống con người và muôn loài , tôn trọng tình yêu và ý nghĩa sâu thằm nhất những gì đang hiện diện chung quanh bạn. 
 
Trong lịch sử dân tộc mạch sống văn hóa Phật giáo đã thấm nhuần ảnh hưởng sâu rộng nơi mọi tầng lớp quần chúng , qua nhiều triều đại các bậc vua chúa, quan lại thường mời những vị thiền sư làm cố vấn cho triều đình trong việc phát huy nền văn học và chính sách văn hóa gíao dục; việc này nói lên ý nghĩa quan trọng của vai trò tôn giáo, nhất là Phật giáo đối với dân tộc, mạch sống văn hóa chung của dân tộc đã chịu ảnh hưởng rất nhiều nơi đạo Phật bởi khởi đầu thời đại tự chủ, thoát ly ra khỏi sự cai trị của Trung Hoa là các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần. Văn hóa là xương sống sách lược hiện hữu trường kỳ của một quốc gia; so với các yếu tố khác như chính trị, kinh tế đều phải dựa trên nền tảng cơ sở văn hóa, khi đó văn hóa có sức sống trội vượt, khai phóng, xiển dương chủ đạo được những gía trị tinh thần cao đẹp của nhân loại. Ngược lại nếu một quốc gia ở trong thời kỳ mà nền văn hóa phải đứng sau, bị phụ thuộc vào chính trị hay kinh tế thì đó là lúc nền văn hóa đã mất đi sức sống, lúc đó đời sống con người phải chịu sự suy thoái về mặt tinh thần và hẳn nhiên như thế không thể bảo đảm được đời sống con người sẽ tồn tại trong chân lý văn minh nhân bản. Tôn giáo giữ vai trò tiền phong trong việc khai sáng nền văn minh nhân loại, điều này đối với các nhà chân tu mang lý tưởng cứu đời, ai cũng đều nghĩ như vậy; nhưng việc khai sáng đó có đúng với khả năng và tầm vóc hiện có của tôn giáo hay không đó chính là những khó khăn mà tôn giáo cần phải vượt lên, khai triển giáo lý thật sâu rộng, thích ứng phù hợp được với toàn diện đời sống, nơi gặp nhau của mọi nền tôn giáo, mọi trào lưu tư tưởng tinh hoa của nền văn minh nhân loại còn đang tồn tại trong dung hợp khai phóng. Văn hóa có ý nghĩa là văn minh và giáo hóa, phản ảnh những lề lối, tổ chức sinh hoạt của một quốc gia dân tộc trong sự phát triển tinh thần, đạo đức, nghệ thuật sống trong những hài hòa chung giữa con người và xã hội, những điều này hoàn toàn phù hợp với chức năng của tôn giáo, vì thế văn hóa chính là nền tảng thực thi của tôn giáo hướng đến chân trời văn minh nhân bản.
 
 
 
TỰ DO VÀ CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN
 
Tự do là mức độ, nhịp thở di dưỡng sáng tạo nên văn hóa. Mất tự do, nhịp thở sẽ gián đoạn, sửc sáng tạo sẽ đi đến kiệt quệ, ngưng đọng. Người làm văn hóa đúng nghĩa là biểu tuợng của sự thể hiện tự do. Dòng sinh mệnh của một dân tộc hay xa hơn là nhân loại sẽ bị đổ vỡ khi nhịp thở di dưỡng bị khô kiệt, bị ngăn đoạn vì bất cứ lý do gì. Văn hóa trước sau vẫn là cuộc tranh đấu cho thân phận con người, mà thân phận đó được xây dựng từ nền tảng ý thức tự do về sự hiện hữu, đồng thời phải biết kiến tạo và làm chủ lấy nếp sống chân thiện mỹ của mình.
 
Trên bước đường đi tìm chân lý, xã hội loài người trong qúa khứ đã xãy ra nhiều cuộc đổ vở như những cuộc thánh chiến ở bờ Địa Trung Hải, nối dài qua Hồng Hải tiếp cận nhau giữa ba đại lục Á, Phi, Âu. Hành trình chinh phục của đế quốc La Mã, đế quốc Mông Cổ v.v… và gần với lịch sử cận đại là đế quốc Tư bản Thực dân khởi dậy mạnh mẽ ở thế kỷ 18, kế đến là Quốc tế Cộng sản qua cao trào giải phóng các quốc gia thuộc địa ở thế kỳ 20. Trong tương lai chắc chắn sẽ còn tiếp diễn xảy ra những cuộc đổ vỡ khác khi chủng loại con người còn hiện diện nơi trái đất này. Để đối phó với tình trạng đổ vỡ, người làm văn hóa phải luôn tranh đấu cho thân phận con người trên tiến trình giải phóng khỏi những tù hảm tội lỗi. Con người bất cứ thời đại nào cũng luôn cần đến trí tuệ và lòng can đảm để  có thể sống một cách tràn đầy tin yêu với những lý tuởng cao đẹp, và có thể dám  dấn thân đến cả hy sinh mọi thứ để bảo vệ những giá trị cao đẹp cho cuộc đời đó mới chính là hoa trái gặt được về mặt tinh thần. Khổ đau và hạnh phúc luôn là bản chất gắn liền của cuộc đời nên ta phải luôn tìm cách hóa giải những khổ đau, bởi vì mầm hạnh phúc được nở hoa là do những khổ đau được hóa giải và nhờ thế hạnh phúc sẽ lớn hơn. Nếu chỉ biết chọn hạnh phúc mà quay lưng lại với những khổ đau của đồng loại thì hạnh phúc đó cũng chỉ là sự què quặt, vì hạnh phúc đó chỉ là sự ích kỷ, nghèo nàn về nội tâm, không thăng hoa được đời sống tinh thần. 
 
Như đã nói hạnh phúc và khổ đau là bản chất của đời sống, nên người làm văn hóa phải luôn trực diện với những gì hiện hữu của đời sống, bởi đó là sự chân thành cần thiết trên bước đường tìm ra giải pháp chung nhằm vãn hồi những khủng hoảng có thể dẫn tới đổ vỡ toàn diện. Trực diện với đời sống có nghĩa là tìm con đường khai phóng mọi nền văn hóa, mọi trào lưu tư tưởng ngõ hầu không phải sống trong đình trệ, đổ vỡ mà ngược lại biết nương theo dòng tiến hóa chung của nhân loại cùng tiến về chân trời văn minh, nhân bản. 
 
Ở thế kỷ 18 cao trào tìm thuộc địa trổi dậy mạnh mẽ, cùng với những mâu thuẩn quyền lợi kinh tế, chính trị, đã dẫn đến cuộc thế chiến thứ 2 kết thúc vào giữa thế kỷ 20, thế giới nhân loại đã phân chia thành 2 chân vạc, một bên đứng về phía Tư bản và một bên đứng về phía Cộng sản chống đối nhau qua cuộc chiến tranh lạnh. Không thời nào mà thế giới loài người lại hiện nguyên hình rõ rệt nhất bằng những thế kỷ cận đại vừa qua cũng như hiện tại chúng ta đang sống, nếu không xãy ra chiến tranh nóng thì cũng tranh chấp ý thức hệ, tranh chấp giữa giàu nghèo, văn minh và lạc hậu. Trong tương lai nếu nhân loại có xãy ra thêm một cuộc thế chiến khác thì đó chính là những tội lỗi, hung ác còn luôn tìm ẩn chất chứa trong lòng con người nên  đến một lúc nào đó nó sẽ bộc phát ra ngoài gây nên tai họa chung cho cả nhân loại. Đó là bi kịch giữa Cain và Ebel giết hại nhau trong câu chuyện Thánh kinh, hay như Sơn tinh và Thủy tinh mù quáng trước tình yêu nên đã xô đẩy nhau đến thù hận, tranh chấp điêu linh. 
 
Từ khi bản Tuyên ngôn Quốc tế Cộng sản ra đời 1848 đã kính động hân thù, đấu tranh giai cấp nơi một số đông người vô sản nghèo khó, các tổ chức Cộng sản luôn tuyên truyền, lên án tầng lớp tư sản và các chế độ Tư bản là tội ác, sa đọa và tha hóa con người. Thật ra các chế độ tư bản, thực dân đã có những thay đổi liên tục để tự tồn, nhất là sau thế chiến thứ 2, các xã hội dân sự được tự do phát triển mạnh. Các công đoàn khắp nơi đã lớn dậy, bảo vệ được quyền lợi cho giới công nhân một cách chính đáng và các chính phủ luôh có đối lập, đa đảng dể thực thi đầy đủ quyền tự do dân chủ, tạo cho xã hội có được sự tự do công bằng, quân bình phát triển về mọi mặt. 
 
Các nước cộng sản thường coi những quốc gia nào không khép mình vào khuôn khổ đấu tranh theo đường lối Mác-Lênin đều là những quốc gia mang bộ mặt văn hóa của những xã hội phong kiến xưa cũ, mà 2 thế lực bảo vệ chặt chẻ nhất chính là chính quyền nhà nước tư bản và các giáo hội. Vì thế CS chủ trương phải đấu tranh cướp chính quyền bằng mọi gía để thiết lập chế độ độc tài toàn trị và xiết chặt gông kềm để lọi bỏ hẳn tôn giáo ra khỏi vai trò lãnh đạo tinh thần xã hội.
 
Trong một tương lai xa không biết rồi đây các tôn giáo lớn như Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Phật giáo hoặc các ý thức hệ tư tưởng như chủ nghĩa Cộng sản, các trào lưu tư tưởng hiện sinh ở thế giới Tự do, đến nổi bật nhất là Bản tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ra đời năm 1948. Tất cả các giáo lý đến những tư tưởng kể trên, nhân loại sẽ biết dung hòa, tổng hợp ra sao để có được những tinh hoa, cùng tin tưởng nhau mà ta có thể tạm gọi đó là tư tưởng “đồng qui“(nơi gặp gỡ nhau trong dung hòa như thời đại Lý, Trần) dùng làm chủ đạo cho đời sống chân thiện mỹ? Nhân sinh quan này sẽ mở ra một kỷ nguyên ý thức tự do, hòa bình và công lý.
 
VŨ TRỤ QUAN CHÂN LÝ 
 
Những gì loài người xây dựng tự ngàn xưa cho đến nay đều là những công trình quí báu, chứng tỏ loài người vẫn luôn nổ lực thực hiện những gía trị cao đẹp, nhưng những công trình hiện có nhắm thấy cũng chỉ có tính cách hạn hữu so với sức sống vô biên, không cùng tận trong vũ trụ quan chân lý. Lịch sử loài người chứng minh cho thấy những gì không hợp với đà tiến hóa chung của nhận loại thì rồi cũng dần bị đào thải, nào những thần thánh trong các tôn giáo cổ sơ, nào những kỹ thuật xây cất đền đài giáo mác, đến cách tổ chức binh bị, xã hội kinh tế… tất cả đều thay đổi không ngừng qua mỗi thế hệ, mỗi thời đại. Những chế độ hung ác bạo hành như cộng sản đã từng nhân danh và hứa hẹn mang đến cho nhân loại đủ thứ tốt đẹp nhưng cuối cùng cũng đều bị đào thải vì bản chất dối trá, hoang tưởng không phù hợp trên đà tiến hóa về sự thật chân lý.
 
Sự thật chân lý ở đâu? Ai đã từng sống, từng trực nghiệm chân lý chưa hay chỉ đóng khung những phạm trù hiểu biết của mình về chân lý qua những giải thích kinh điển, còn duy vật sử quan như Cộng sản thì diễn giải theo lối duy vật cũng cho mình nắm được chân lý, như Tố Hữu không từng có câu thơ đầy hách dịch đây sao?: “Thửa ấy trong tôi bừng nắng hạ, mặt trời chân lý chiếu qua tim“. Tố Hữu mà nói đến chân lý Marx-Lénine thì thứ chân lý đó đã đi đến cáo chung, đã giết chết hàng triệu trái tim, mặt trời mất hút “trong đêm tối nặng trĩu trái đắng mật đen“. 
 
Chân lý đã bị loài người nhốt tù, giam hảm khắp nơi kể cả hữu thần hay vô thần. Đến lúc nào đó khi con người cảm thấy mình đã mê lầm cố bám vào những gía trị lỗi thời, cổ hủ, tạo nên những rào cảng bao vây bốp nghẹt tư tưởng, tâm thức cho đến lúc tận cùng tán loạn, bí lối trong chết đi sống lại rồi thì mới cố vẫy vùng thoát ra, mới biết thức tỉnh chịu cởi mở những xích xiềng để tự giải phóng bản thân mình. Nói như Phạm Công Thiện là “đã trải qua mọi đau đớn không cùng, đã sống một triệu mùa ở hỏa ngục, đã tự giải thoát và nhìn thấy được Thực Tại toàn diện của đời sống, ca ngợi dòng đời vô tận, ngây ngất với tiếng cười lặng lẽ của mười triệu năm hư vô trong đêm tối nặng trĩu trái đắng mật đen“. Lời này Phạm Công Thiện nói riêng với nhà đạo học Krishnamurti trong quyển “The First and Last Freedom“, nhưng dường như nhắn nhủ cho tất cả loài người rằng hãy bước ra khỏi địa ngục… hãy làm cuộc cách mạng tôn giáo, cách mạng xã hội, chính trị, kinh tế bằng cách khai triển lại mọi gía trị nền tảng cơ bản để làm mới lại cuộc đời này, làm mới lại sự sống cho thế giới bấy lâu đã qúa nhiều đau thương thống khổ. 
 
Khai triển lại nguyên lý hành động là bước khởi đầu nhận thấy được lẽ vô thuờng của con người đứng trước vũ trụ. 
 
Nhìn về qúa khứ để thấy rõ sự thay đổi không ngừng dòng tiến hóa của nhân loại nhưng khi nhìn mọi diễn biến đổi thay trong hiện tại loài người sẽ thấy được phần nào những kết qủa trong tương lai; đó chính là sự vô thường mà Phật giáo đã nhắc đến nhiều. Nếu chân lý theo con người hiểu là những gì tuyệt đối màu nhiệm và là hạnh phúc cho những ai đến gần được thì vô thường chỉ sự tương đối, nói đến sự đổi thay thực trạng đời sống ở mọi thời đại. Nhưng những điều bất biến và thuờng biến vẫn ở trong một nhân duyên tương tác như thiện và ác, như ánh sáng và bóng tối; ác với bóng tối có xuất hiện thì ta mới so sánh thấy được thiện và ánh sáng. Còn như người mù bẩm sinh thì ánh sáng có khác gì  bóng tối, màu trắng cũng như màu đen không phải ấn tượng suy tư gì cả. 
 
Vô thường trước sự nhận thức của con người ở mỗi thời đại chính là sự tương đối, và con người luôn thao thức ước ao muốn tìm kiếm tuyệt đối, vì đó có thể là thiên đường lý tưởng, là hạnh phúc chân thực, là chân lý.
 
 
Nhưng dù có tìm kiếm thế nào thì lịch sử luôn là sự tranh đấu không ngừng mà trong đó mỗi dân tộc, mỗi quốc gia luôn phải tìm cách phát huy nền văn minh, văn hóa riêng biệt sao cho phù hợp, dung hòa được nền văn minh văn hóa chung của nhân loại, và giai đoạn “toàn cầu hóa“ hiện nay là dấu mốc lịch sử nhiều bất đồng đau thương nhất. 
 
Từ những quằn quại trong tận cùng đau khổ nhất, con người qua tôn giáo vẫn hiên ngang khơi nối một bình minh mới, sống tràn đầy hạnh phúc bằng cả ý thức Tự do siêu việt.
 
@Phạm Thiên Thơ
 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét