NGUYỄN XUÂN PHƯỚC
Để tưởng nhớ Phạm Việt Châu, tác giả “Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh”
Để tưởng nhớ Phạm Việt Châu, tác giả “Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh”
Lời nói đầu: Lịch sử Đại Việt thời kỳ hậu Hán thuộc ghi dấu sự xuất hiện của một số dòng họ ở Trung Hoa xuống phương nam lập nghiệp và làm thành đế nghiệp như nhà Tiền Lý, nhà Trần, nhà Hồ và nhà Tây Sơn. Bài viết nầy nhằm giải thích hiện tượng nầy và xét lại quan điểm lịch sử của các sử gia trưóc đây.
***
Người Việt chúng ta thường cho rằng mọi hình thức văn hoá và con người phát xuất từ phương bắc của Việt Nam, đặc biệt là từ vùng Hoa Nam của Trung quốc, đều thuộc về Trung Hoa. Chúng ta vẩn gọi chung người Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Hẹ (Hakka) là người Tàu hay người Hoa, kể cả toàn bộ người dân sống ở những vùng này cách đây hàng mấy ngàn năm cũng là người Tàu. Chữ “Tàu” hay “Hoa” hàm ý nghĩa họ là những người khác chủng với dân tộc Việt. Họ là người Trung Hoa, hay ngườì Hán.
Quan điểm nầy trước hết sai lầm về mặt lịch sử và phát triển địa lý của dân tộc và đất nước Việt và Trung Hoa. Lịch sử hình thành của Trung Hoa hiện đại gắn liền với lịch sử xâm lăng lãnh thổ và đồng hoá dân tộc Việt ở phưong nam. Mặc dù trong 60 năm qua, một số nhà nghiên cứu đã nỗ lực đặt lại vấn đề văn hoá cũng như lịch sử cổ đại của Việt Nam, sự thiếu nhận thức về lịch sử ở tầng lãnh đạo đất nước làm cho chúng ta có nhận định sai về nguồn gốc chủng tộc của người Trung Hoa. Sự thể nầy tạo cho Hoa Kiều sống tại Việt Nam một mặc cảm tâm lý chủng tộc khó hội nhập vào cộng đồng dân tộc. Sự nhầm lẩn nầy tạo nhiều bất lợi cho nền kinh tế và văn hoá nước nhà. Bên cạnh đó nước Trung Hoa to lớn về dân số lẫn đất đai không thể nào bỏ qua việc vận dụng thành phần người Hoa sinh sống ở nước ngoài để biến họ thành “khúc ruột ngàn dặm” làm công cụ phục vụ cho chính quyền Hoa Lục.
Quan điểm sai lầm nầy của người Việt đối với người Hoa phát xuất từ quá trình đồng hoá quá lâu của người Hán đối với các dân tộc Bách Việt tại vùng Hoa Nam. Đồng thời nó phát xuất từ những nhận định sai lầm về lịch sử của các triều đại trước đây.
Ngày nay những nổ lực khám phá về lịch sử và địa lý miền Hoa Nam cổ đại, cũng như những nghiên cứu về chủng tộc dựa trên DNA đã chiếu những ánh sáng mới giúp chúng ta đặt lại một số vấn đề cơ bản về chủng tộc và lịch sử. Những nhận định cơ bản nầy sẽ là nền tảng lý luận giúp chúng ta có một cái nhìn hợp lý hơn về sử học nước nhà, một chính sách ngoại giao dựa vào văn hoá đồng chủng với các nước Đông Nam Á và các đảo quốc ở Thái Bình Dương, và một sách lược văn hoá đối với người Hoa đang sinh sống tại Việt Nam.
Địa Lý Bách Việt miền Hoa Nam thời cổ đại
Sự hiện diện của văn minh Bách Việt thời Thương Chu trong lịch sử Trung Hoa được đánh dấu bằng câu chuyện sứ giả Việt Thường ở phương nam đem Bạch Trĩ và Rùa sống ngàn năm để cống dâng cho vua nhà Chu là Chu Thành Vương. Đó là lần đầu tiên sử Trung Hoa ghi nhận dân tộc Việt ở phưong nam.
Địa lý nhà Chu bấy giờ chỉ kéo dài tới sông Hoàng Hà. Đến thời Chiến Quốc, khoảng 500 trước công nguyên, một số dân tộc ở Nam Trung Hoa mới xuất hiện trong sử Trung Quốc. Nổi bật nhất là các nước Sở, nước Ngô và nước Việt.
Đến đời Tần Hán (256-195 TCN), khi các nước Sở, Ngô, Việt bị Tần Thủy Hoàng sát nhập vào Trung Hoa, phía nam nước Sở vẫn còn là chủ quyền của các dân tộc Bách Việt hoàn toàn độc lập và tự chủ. (Xem bản đồ Trung Hoa thời Tần Thủy Hoàng. Như thế cho đến khoảng 195 năm TCN, một vùng địa lý to lớn miền Hoa Nam ngày nay là lãnh thổ của các giống dân Việt.
Truyền thuyết cho rằng rằng dân tộc Việt phát xuất từ Động Đình Hồ miền Lĩnh Nam. Sách Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp ở thế kỷ 15 kể Truyện họ Hồng Bàng như sau:
“Đế Minh cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, sau nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về, sinh ra Lộc Tục. Tục dung mạo đoan chính, thông minh phúc hậu, Đế Minh rất lấy làm lạ, muốn cho nối ngôi mình.
Ngũ Lĩnh là năm rặng núi lớn ở Nam Trung Hoa thuộc miền Lĩnh Nam. Miền Lĩnh Nam được sử tây phương viết như sau “Lĩnh Nam là vùng đất phiá nam của rặng Ngũ Lĩnh gồm các rặng Đại Dũ /Dữu Lĩnh, Kỵ Điền Lĩnh, Đô Bàng Lĩnh, Manh Chử Lĩnh và Việt Thành Lĩnh. Vùng nầy gồm các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam và Giang Tây của Trung Hoa hiện đại. Vùng nầy do dân Bách Việt sinh sống và là tổ quốc của dân Nam Việt cổ đại
”Tác giả Việt Sử Thông Luận cho rằng, sau khi mất bản địa Thái Sơn (tỉnh Sơn Đông, bắc Trung Hoa), Con cháu Thần Nông đã rút quân về Động Đình Hồ để xây dựng căn cứ địa văn hoá mới cho dân Việt. Tướng của Đế Minh là Xi Vưu ở lại giữ Thái Sơn và sau ba năm chiến đấu chống tù trưởng của nòi Hán là Hiên Viên, quân của Xi Vưu tan rã và từ đó, dân Việt mất căn cứ địa văn hoá Thái Sơn. Hiên Viên chiếm đưọc thái Sơn lên ngôi là Hoàng Đế. Ngày nay, dân tộc Việt chỉ còn câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” để ghi dấu cái nôi văn hoá đầu tiên của dân Việt.
Khi Lưu Bang cướp ngôi nhà Tần ở phưong bắc, thì ở phương nam, Triệu Đà đã thống nhất được các nước Bách Việt trong đó có cả nước Âu Lạc của tổ tiên chúng ta để lập ra nưóc Nam Việt. Đó là cuộc thống nhất Bách Việt lần thứ nhất. Nhà Triệu truyền ngôi được 4 đời thì bị nhà Hán xâm chiếm và miền Lĩnh Nam bị bắc thuộc từ đó.
Đến thời kỳ Hai Bà Trưng, 40 năm sau công nguyên, Hai Bà đã chiếm lại toàn vùng Hoa Nam. Sử viết: “Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Hai bà lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam. Trưng Trắc tự lập làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương.” Đây là cuộc thống nhất Bách Việt lần thứ hai.
Bản Đồ Trung Hoa Thời Kỳ Tần Thủy Hoàng (xem phần đầu bài viết)
Do đó, khi truy tầm nguồn gốc Bách Việt của dân tộc Việt cần để ý các vần đề sau đây:
- Từ thời cổ đại cho đến khi nhà Triệu mất ngôi (111 TCN), dân tộc Việt đã chiếm lĩnh miền Hoa Nam. Một số nước Việt giáp biên giới với nhà Chu thường được đề cập đến trong sử sách Trung Hoa, đó là Sở (Kinh Việt), nước Việt (với Viêt Vương Câu Tiển), Ngô Việt (với Ngô Phù Sai). Khi nhà Tần thống nhất thiên hạ, các nước Việt trên bị sáp nhập vào nhà Tần. Còn các nước Việt khác như Âu Việt, Mân Việt, Thái Việt, Điền Việt, Lạc Việt, Việt Thường và một số nước Việt khác phiá nam vẫn còn giữ được nền độc lập.
- Cần nghiên cứu thêm nguồn gốc của chữ người Kinh. Cổ sử Trung Hoa dùng chữ “người Kinh” để nói đến dân tộc Sở và một số dân tộc phía nam sông Hoàng Hà. Tại sao ngày nay ngưòi Việt tự gọi là ngưòi Kinh để phân biệt người Việt với người thuộc chủng tộc khác.
- Cần xem khám phá của Stephen Oppenheimer tác giả Eden in the East: The Drowned Continent of Southeast Asia (Địa Đàng ở Phương Đông: Lục Địa Chìm của Đông Nam Á) để thấy nền văn minh Hoa Nam trãi dài xuống Đông Nam Á và các hải đảo ở Thái Bình Dương. Các dân tộc như Mân Việt, Ngô Việt, Âu Việt gồm các bộ tộc, Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Quảng Tây, Hẹ, Hải Nam, Đài Loan, Thái, Nam Dương và các thổ dân ở vủng đảo Thái Bình Dương đều có nguồn gốc Bách Việt.
- Do các dân tộc Bách Việt đã sinh sống ở miền Hoa Nam trưóc khi vùng nầy bị Tần Hán xâm lược, dân Việt phải là chủ nhân ông nền văn hoá thời bấy giờ. Các khám phá khảo cổ về văn minh Hoa Nam trước thời Tần và Hán thuộc phải được coi là chỉ dấu của văn minh Việt, chứ không thể là của Hán tộc. Người Việt cần phải coi đó là di sản của Việt tộc và phải mạnh dạn giành lại chủ quyền văn hoá của mình.
- Các nhà nhân chủng học Đài Loan gần đây đã tìm cách phục hồi lại nguồn gốc Bách Việt của người Đài Loan như Phúc Kiến (Minnan, có lẽ là Mân Việt) và Hẹ (Hakka) là hai giống dân đông nhất trên đảo. Hiện nay có nhiều nghiên cứu về DNA đã xác định quan hệ chủng tộc của các dân tộc Bách Việt. Công trình nghiên cứu nguồn gốc chủng tộc dựa vào gen di truyền (DNA) của M. Liu thuộc Mackay Memorial hospital và được Viện Nghiên Cứu Sức Khoẻ quốc gia của Đài Loan tài trợ chứng minh là các giống dân miền Hoa Nam, Việt Nam, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương có liên hệ gen di truyền khác biệt với
chủng tộc Hán ở miền bắc.Những nổ lực của các nhà văn hoá Việt nam hiện đại cùng với những khám mới về nhân chủng học dự vào di truyền học đã chiếu ánh sáng vào lịch sử nòi giống Bách Việt. Ánh sáng lịch sử nầy giúp chúng ta có nhận định sử trung thực hơn. Thông hiểu được lịch sử và văn hoá dân tộc, chúng ta mới có được nội lực làm hành trang cho hành trình dân tộc vào thế kỷ 21.
Vấn đề người Tàu lập đế nghiệp ở Đại Việt
Sau khi đã xác định được địa lý văn hoá vùng Bách Việt chúng ta hãy trở về với một bí ẩn lịch sử của dân tộc ta. Đó là từ nhà tiền Lý (Lý Nam Đế) đến nhà Tây Sơn, một số các các triều vua lớn được sử sách của ta cho là có gốc từ Tàu.
Về Lý Nam Đế, sử gia Trần Trọng Kim viết: “Lý Bôn, có người gọi là Lý Bí, vốn dòng dõi người Tàu. Tổ tiên ở đời Tây Hán phải tránh loạn chạy sang Giao Châu, đến lúc bấy giờ là bảy đời, thành ra người bản xứ.
”Về dòng dõi nhà Trần, Đại Việt Sử Toàn Thư viết về gia phả của vua Trần Thái Tông như sau: “trước kia tổ tiên vua là người đất Mân, (có người nói là Quế Lâm), có người tên là Kinh, đến ở hương Tức Mặc phủ Thiên Tường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề đánh cá. Vua con của Thừa, mẹ họ Lê … (ĐVSKTT tr. 159)
Về Hồ Quí Ly, Đại Việt Sử Ký toàn Thư viết: “Quý Ly, tự là Lý Nguyên, tự suy tổ tiên là Hồ Hưng Dật vốn ở Chiết Giang, đời Hậu Hán, thời Ngũ Quí sang làm thái thú Diễn Châu.” (ĐVSKTT tr 293).
Về nhà Tây Sơn, Việt nam Sử Lược của Trần Trọng Kim viết: “Nguyên tổ bốn đời của Nguyễn Nhạc là họ Hồ, cùng một tổ với Hồ Quí Ly ngày trước…” (VNSL Trần trọng Kim tr. 144).
Như thế thì có ít nhất là bốn triều đại như Tiền Lý, Trần, Hồ, Tây Sơn đều là người gốc ở phương bắc và xuống phương nam lập nên đế nghiệp.
Phải chăng những vị lập nên các triều đại nầy là người Hán?
Để giải đáp bài toán lịch sử nầy chúng ta phải xét lại hiện tượng phục hoạt của Việt tính hay ý thức Việt hay căn cước Việt tộc ở các triều đại nói trên.
Sự phục hoạt của Việt tính trong thời kỳ Bắc thuộc
Từ khi cuộc kháng chiến chống quân Hán xâm lược của Lữ Gia và Triệu Dương Vưong thất bại (111 TCN) đất Nam Việt bị nhà Hán chiếm đóng và danh xưng Việt đã bị linh lạc bởi quá trình đô hộ và đồng hoá. Từ thời kỳ Hán thuộc trở đi, danh xưng Việt đã biến mất trong các sách sử của Trung Quốc, và được thay thế bằng hai chữ An Nam và Giao Chỉ.
Khoảng cách thời gian giữa Lữ Gia và Lý Bôn là hơn 650 năm. Tại sao khi Lý Bôn (544) lên ngôi ông lấy đế hiệu là Nam Việt Đế? Ý thức Việt trong đế hiệu đó ở đâu ra?
Lịch sử chiếm đóng miền miền Lĩnh Nam của nhà Hán đi liền với những nổi dậy của dân tộc Việt và những cuộc đàn áp khốc liệt. Suốt hai ngàn năm, địa danh Lĩnh Nam biểu tượng cho tinh thần chống lại Hán hoá. Ngưòi dân miền nầy được gọi là “Lục Lương” hay “Cường Lương” nghĩa là dân cứng cổ. (theo Lê Văn Siêu và Lý Đông A).
Khi sử gia Trần Trọng Kim viết: “Tổ tiên (Lý Bôn) ở đời Tây Hán phải tránh loạn chạy sang Giao Châu.” người đọc sử phải hiểu rằng “Loạn” là những cuộc nổi dậy của dân bản địa nổi lên đánh đuổi chính quyền đô hộ phương bắc. Những người dân thường chạy loạn thì trở về quê cũ khi hoà bình đưọc tái lập. Ở đây tổ tiên Lý Bôn chạy loạn mà phải bỏ xứ đi luôn, đi tận đến đất Giao Chỉ cách đó cả ngàn dặm đề lập nghiệp. Như thế thì tổ tiên không phải là hạng dân thưòng. Chúng ta có thể suy diễn rằng, tổ tiên Lý Bôn là những ngưòi lãnh đạo phong trào kháng chiến và họ đã phải bỏ xứ chạy trốn để tránh sự trừng phạt của triều đình sau khi cuộc kháng chiến thất bại.
Đây là lý do hợp lý nhất để giải thích sự kiện dòng họ Lý Bôn đã đi về phương Nam. Khi đã định cư ở Âu Lạc, dòng họ nầy vẫn ấp ủ tinh thần Phục Việt từ thế hệ nầy qua thế hệ khác. Chỉ bằng sự xác định được quan hệ giữa Bách Việt và Lý Bôn chúng ta mới hiểu được tại sao ý thức Việt đã được phục hoạt trong phong trào độc lập của nhà Tiền Lý. Nếu nói “Lý Bôn là dòng dõi người Tàu” như sử gia Trần Trọng Kim viết, thì e rằng chúng ta không giải thích được hiện tượng phục hoạt danh xưng Việt ở thời kỳ đó.
Đặc biệt là thời kỳ Lý Trần là thời kỳ cực thịnh của văn hoá Việt. Câu hỏi có thể đặt ra là nếu họ Trần có gốc Tàu thì tại sao họ Trần phải phục hưng văn hoá Việt?
Hay như trong hịch Tây Sơn của đức Quang Trung Hoàng đế kêu gọi: “đánh cho được để tóc dài, đánh cho được nhuộm răng đen, đánh cho nó chính luận bất phản, đánh cho nó phiến giáp bất hoàn, đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ”. Nếu cho rằng Quang Trung mang dòng máu Tàu thì tại sao ông đòi đánh Tàu để dân tộc Việt được giữ gìn tục để tóc dài, ăn trầu, nhuộm răng đen, để cho bọn Tàu biết là nước Nam nầy là có chủ. Và khi đã diệt được quân xâm lược ngài đã yêu sách đòi nhà Thanh phải trả lại miền Lưỡng Quảng, tức là vùng Lĩnh Nam thời cổ đại, là đất cũ Nam Việt của Triệu Đà, và lãnh thổ nước ta thời hai Bà Trưng?
Chỉ có một câu trả lời hữu lý duy nhất là ông tổ của các dòng họ như Lý Bôn, Trần Thừa, Hồ Quí Ly và nhà Tây Sơn là những người thuộc giòng giống Bách Việt. Những gia đình nầy là dòng dõi nòi giống “cường lương” ở miền Lĩnh Nam. Họ đã thất bại trong những lần nổi dậy chống quân xâm lược phương bắc và đã lui về phương nam tìm đất sống. Họ đã hoà nhập vào văn hoá Âu Lạc, Lạc Việt và Việt Thường để trở thành người dân địa phương. Họ đã cùng với các dòng tộc Việt địa phương nuôi duỡng ý chí Phục Việt âm thầm dưới đáy tầng quốc dân từ đời nầy qua đời khác để lấy ý thức dân tộc làm sức mạnh kháng cự tham vọng của Hán tộc để bảo tồn văn hoá và giành lại độc lập cho dân tộc Việt.
Bách Việt trong Lòng Đại Việt
Nói tóm lại, lịch sử tồn tục và tiến hoá của dân tộc Việt là hành trình lui dần về phương nam trước sự lớn mạnh của Hán tộc để bảo tồn nòi giống.
Từ thời cổ đại, dân tộc Việt đã mất Thái Sơn là cái nôi văn hoá đầu tiên. Sau khi Thái Sơn bị Hoàng Đế xâm chiếm, con cháu Thần Nông đã rút về Đông Đình Hồ vùng Lĩnh Nam để xây dựng lại căn cứ địa văn hoá lần thứ hai. Khi Lữ Gia thất trận, các dân tộc Bách Việt thuộc nước Nam Việt đã chạy về Phong Châu ở phương nam hội nhập vào Âu Lạc để xây dựng lại căn cứ địa văn hoá thứ ba. (Xem Việt Sử thông Luật của LĐA, và Dịch Kinh Linh Thể của Kim Định)
Đây là lý do khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa các dân tộc Bách Việt thuộc 65 thành ở Lĩnh Nam đã hưởng ứng. Địa lý chính trị thời kỳ Hai Bà chính là vùng Lĩnh Nam và nước Nam Việt cũ. Mặc dầu cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại, công cuộc thống nhất Bách Việt của Hai Bà đã tái hợp Bách Việt. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà đã cho các dân tộc Bách Việt và các gia đình vọng tộc ở miền Hoa Nam niềm hy vọng phục hoạt nòi giống. Vùng đất Âu Lạc với những địa linh như Phong Châu, Mê Linh và những nhân kiệt như Hai Bà Trưng và Bà Triệu, và những danh tướng trong đoàn quân kháng chiến, đã nêu tấm gương yêu nước và là niềm hy vọng cho nòi giống Bách Việt.
Bên cạnh đó sự xuất hiện của Phật Giáo như là một hệ thống triết học và văn hoá trong thời kỳ nầy đã tạo nên một sức mạnh văn hoá mới được dân Việt nhanh chóng tiếp thu, và đã giúp cho dân Việt có chổ dựa tinh thần và vật chất. Về tinh thần, Phật Giáo hoà nhập vào văn hoá dân tộc để chống lại quá trình Hán hoá. Về vật chất, chùa chiền trở thành những trung tâm nối kết và vận động lịch sử từ miền Ngũ Lĩnh xuống đến tận Việt Thường. Luy Lâu (Bắc Ninh) trở thành trung tâm Phật Giáo miền Hoa Nam. Các tổ sư Mâu Bác, Huệ Năng đưa Phật giáo tới đỉnh cao của thiền học. Võ thuật cũng được phát triển mạnh mẽ vùng Lĩnh Nam trong thời kỳ nầy. Do đó, chúng ta thấy bên cạnh những phong trào kháng chiến thời Hán thuộc đều có bóng dáng của những cao tăng. Và trong thời kỳ độc lập, các thiền sư như Ngô Chân Lưu, Khuông Việt và Vạn Hạnh đã đóng một vai trò tích cực trong việc phục hồi văn hoá dân tộc và xây dựng đất nước. Nhờ những định chế văn hoá mới dưới hình thức tôn giáo nầy các dân tộc Bách Việt ở Âu Lạc đã tụ họp với nhau, bảo lưu được văn hoá và lịch sử dân tộc, và nuôi dưỡng được ý chí phục Việt.
Chiến Lược Phục Hoạt Văn Hoá Bách Việt
Sau gần một nghìn năm bị nòi Hán đô hộ, hai triều đại Lý-Trần, khởi đi từ Lý Nam Đế, đã phục hưng và phục hoạt lại nền độc lập và văn hóa Việt, xây dựng một nước Đại Việt hùng mạnh suốt gần 500 năm.
Ngày nay đất nước ta đang bước vào thế kỷ thứ 21. Sự lớn mạnh của Trung Hoa ngày nay hiện đang là mối đe doạ cho sự tồn vong của dân tộc. Vấn đề biên giới, lãnh hải, lãnh thổ giữa hai nước vẩn chưa ổn định và sẽ là mầm mống mâu thuẫn trong tương lai và cho thế hệ mai sau. Vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa vẫn là mối ưu tư hàng đầu của mọi người Việt còn thao thức với đất nước.
Trong bối cảnh đó, xác định được tiến trình lịch sử và văn hoá Bách Việt và quan hệ chủng tộc giữa người Việt và các dân tộc miền Hoa Nam là tiền đề cho một sức mạnh tinh thần để đối phó với nước láng giềng phương bắc. Để khai quật được sức mạnh tinh thần nầy, Người Việt cần có một suy nghĩ mới và một chính sách văn hoá mới đối với các nước đồng chủng trong vùng và đối với Hoa Kiều đang định cư tại Việt Nam.
Cái cơ sở nền tảng để khai quật được sức mạnh tinh thần Bách Việt hiện đại là ý thức rằng dân tộc Việt ngày nay là dân tộc thừa kế chân truyền di sản văn hoá Bách Việt ngày xưa. Và di sản văn hoá và văn minh Bách Việt cổ xưa đã được lưu giữ và bảo tồn trong trong quá trình hình thành nước Đại Việt và Việt Nam hiện đại. Với ý thức đó, người Việt hiện đại phải có cái nhìn mới về lịch sử nước nhà, phải mạnh dạn xác định sự đóng góp của các dòng họ Bách Việt trong quá trình hình thành lịch sử và văn hoá nước nhà. Đồng thời chúng ta phải hãnh diện xác nhận rằng: dân tộc Việt hiện đại là dân tộc kế thừa và là chủ nhân ông di sản văn hoá Đại Bách Việt.
Từ cơ sở đó, người viết đề nghị ba sứ mạng văn hoá như sau:
- Thứ nhất, cần phải nhanh chóng có một nghiên cứu sử chính thức và học trình sử để chính thống hoá giá trị văn hoá Bách Việt trong sự hình thành văn hoá Việt Nam ngày nay.
- Thứ hai, phái có một chính sách hợp tác văn hoá đối với các nước đồng chủng ở Á Châu, đặc biệt là vùng Đông Nam Á.
- Thứ ba, phải có một quan niệm mới đối với người Hoa hiện đang ở Việt Nam.
Sự xác định tính đồng chủng của các dân tộc Hoa Nam và Đông Nam Á có chung huyết thống Bách Việt như các nước Đông Nam Á, các dân tộc miền Hoa Nam và Đài Loan và sự tái kiến thiết văn minh Bách Việt, sẽ là đối lực thích hợp đối với tham vọng về lãnh thổ, lãnh địa và văn hoá của Trung Hoa. Từ nhận định đó, chúng ta phải có một chính sách ngoại giao mới đối với các nước Đông Nam Á. Ngoài vai trò kinh tế, chính trị và quân sự, ASEAN sẽ có một vai trò văn hoá mới. Ý thức đồng chủng sẽ giúp cho ASEAN mở rộng vòng tay để đón Đài loan và các đảo quốc ở Thái Bình Dương nhằm mở rộng không gian Bách Việt mới và để gây sức mạnh tinh thần trong liên minh các nước ở vùng Biển Đông.
Vấn đề quan trọng hơn là khi đã nhận diện được tính đồng chủng Bách Việt, người Việt trong nước và hải ngoại phải có một quan niệm mới và sách lược mới về Hoa Kiều ở Việt Nam.
Đối với thành phần Hoa Kiều xuất xứ từ Hoa Nam hay Lĩnh Nam như người Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Đài Loan, Hải Nam, v.v. trước hết người Việt chúng ta cần phải chấm dứt não trạng xem họ là những người Tầu, người Trung Hoa hay người Hán. Chúng ta phải coi họ là người Bách Việt, người Lĩnh Nam. Họ là nạn nhân lâu đời của quá trình Hán hoá. Nhiệm vụ của đất nưóc và dân tộc Việt ngày nay là phải tái đồng hoá và tái hội nhập họ vào cộng đồng văn hoá Bách Việt hiện đại.
Công tác văn hoá chủ yếu đối với thành phần Hoa Kiều nầy là giúp họ ý thức được họ là dòng dõi Bách Việt. Chúng ta phải giúp cho các dân tộc miền Lĩnh Nam phục hồi được lịch sử Việt để cho dòng máu Việt bắt đầu chảy lại. Chúng ta phải giúp họ ý thức rằng mọi dân tộc xuất phát từ miền Bách Việt-Lĩnh Nam đều là người gốc Việt như chúng ta. Những người Hoa vùng Hoa Nam trước đây sẽ trở lại với nguồn gốc chân chính của họ là người Bách Việt.
Công tác văn hoá chủ yếu đối với thành phần Hoa Kiều nầy là giúp họ ý thức được họ là dòng dõi Bách Việt. Chúng ta phải giúp cho các dân tộc miền Lĩnh Nam phục hồi được lịch sử Việt để cho dòng máu Việt bắt đầu chảy lại. Chúng ta phải giúp họ ý thức rằng mọi dân tộc xuất phát từ miền Bách Việt-Lĩnh Nam đều là người gốc Việt như chúng ta. Những người Hoa vùng Hoa Nam trước đây sẽ trở lại với nguồn gốc chân chính của họ là người Bách Việt.
Từ đó, một cộng đồng dân tộc dân tộc Việt mới sẽ được hình thành. Và cộng đồng dân tộc mới này sẽ có sức mạnh văn hoá chất chứa 5,000 năm của Đại Bách Việt và một vùng địa lý văn hoá trải rộng từ Hoa Nam xuống tận Đông Nam Á. Sức mạnh văn hoá mới đó có khả năng hoá giải tham vọng lãnh thổ lãnh hải và văn hoá của Trung Quốc hiện nay trên đất nước ta và các nước trong vùng Biển Đông.
Kết luận
Hồn sử là sự tồn tục và tiến hoá của dân tộc trên sự thành lập của nòi giống. Cái ý thức của tổ tiên khai sinh ra nòi giống tạo thành cái quốc túy dân tộc. Do đó, quốc hồn và quốc túy của một dân tộc là thành tố gốc của lịch sử. Một dân tộc mất quốc hồn và quốc túy là một dân tộc sẽ bị lịch sử đào thãi. Mọi con người, mọi triều đại khi cầm nắm vận mệnh đất nước nếu không nắm giữ được quốc hồn và quốc túy sẽ bị lạc đường lịch sử và đưa đất nước vào tình trạng vong thân. Vì thế, những phong trào chống xâm lăng đều lấy ý thức dân tộc làm động lực lịch sử và lấy văn hoá thủy chuẩn dân tộc làm nền tảng nội dung cho sứ mệnh cứu nước. Ý thức lịch sử nầy đã thúc đẩy Lý Thường Kiệt viết tuyên ngôn “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư” thời kỳ Phá Tống Bình Chiêm; Trần Hưng Đạo viết Hịch Tướng Sĩ thời kỳ Kháng Nguyên; Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo và bộ Địa Dư Chí, Quang Trung viết hịch tướng sĩ với những dòng chữ “Đánh cho đưọc để tóc dài”; giúp cho Phan Bội Châu viết Việt Nam Quốc Sử Khảo; và Lý Đông A viết bộ Việt Sử Thông Luận trong thời kỳ chống Pháp.
Ý thức dân tộc vượt lên mọi định kiến về văn hoá kinh tế và chính trị. Ý thức dân tộc tồn tại qua mọi không gian, thời đại và triều đại. Nó nằm trong lòng mỗi một người dân. Nó phủ định mọi tư duy phủ nhận văn hoá dân tộc. Nó phủ định mọi nỗ lực xử dụng văn hoá dân tộc ở mức độ hình thức để phục vụ cho nền văn hoá ngoại bang ở nội dung. Tìm về cội nguồn chính là quá trình tìm lại hồn sử.
Suốt một ngàn năm bị bắc phương đô hộ và đồng hoá, ý thức dân tộc vẫn nằm ẩn tàng trong đáy tầng của quốc dân. Nó được bảo quản và lưu truyền từ đời nầy qua đời khác. Nó là cái gen di truyền lịch sử làm cho giòng máu Lạc Hồng tiếp tục chảy, và chảy mãi xuyên suốt thời đại.
Khi nền cai trị của ngoại bang suy yếu, khi tâm thức nô lệ ngoại bang ở mặt tầng suy sụp, ý thức dân tộc từ đáy tầng sẽ bùng dậy như những đợt sóng đáy, thúc đẩy những người yêu nước đứng lên giành lấy quyền làm chủ đất nước, làm chủ vận mạng của mình để phục hồi văn hoá thủy chuẩn dân tộc, để bảo tồn và phát huy ý thức dân tộc, và để khơi dậy nguồn sống cho dân tộc.
Với tâm thức đó, lịch sử có được một Lý Bôn với một dòng họ bôn ba từ miền Lĩnh Nam nổi trôi về miền Âu Lạc, và ông đã đứng lên giành độc lập cho dân tộc, lấy đế hiệu là Nam Việt Đế, đặt tên nước là Vạn xuân.
Sự việc Lý Bôn làm tái sinh danh xưng Việt với đế hiệu là Nam Việt Đế là một hành động lịch sử khởi động cho nền văn hoá Bách Việt được hồi sinh để nền văn hoá Bách Việt còn lưu truyền mãi trong lòng dân tộc Đại Việt; và từ đó Đại Việt đã trở thành căn cứ địa phục hoạt và phục hưng nền văn minh Bách Việt.
* * * * * * * * * *
Tham khảo:
- Các tác giả: Lý Đông A, Trần Ngọc Thêm, Cung Đình Thanh, Phạm Việt Châu, Lê Văn Siêu, Đào Duy Anh, Stephen Oppenheimer, Keith Weller Taylor, National Geographics, Trần Thế Pháp, Kim Định, Trần Trọng Kim, Đại Việt Sử Ký
- Google search: “Bách Việt, Lĩnh Nam, Linnan, Yueh, bǎi yuè, Lý Nam Đế, Lý Bôn, Quang Trung, Việt Sử, Taiwanese DNA, betel taiwan, Hoàng Đế, Suy Vưu, miêu, miao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét