Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Câu Chuyện Người Đi


Con phố vắng sau cơn mưa chiều dẫn vào khu xóm nhỏ đầy lầy lội, ba người khách khẻ lước nhìn bầu trời với một vài đám mây ăn nhẹ trong cái nắng vàng vọt, họ cố rẻ bước tìm lối trên những mặt nước lầy lội khắp mặt hẻm đang ruồng rả rút xuống đất, trôi về những đường mương, cống rảnh theo… con nước đỗ ra sông. Không biết đã qua bao nhiêu con hẻm, ba người khách bổng dừng lại nơi một căn nhà khá xinh xắn có lan-can ăn sát theo một dãy nhà trệt khoảng bốn năm căn cũng có lối kiến trúc tương tự. Căn nhà nổi bậc lên với cửa ra vào và những cửa sổ thoáng nhẹ lớp sơn da trời cùng làn vôi tường trắng mịn bao quanh mặt nhà.
 
Trong khoảng mười giây đồng hồ đứng trước cửa nhà, một trong ba người khách đẩy nhẹ cánh cửa ngoài bao lơn, đồng lúc dõng dạc lên tiếng.
 
- Có ai ở nhà không, có khách đến thăm!?
 
Một thằng bé từ bên trong chạy ra la lớn.

- Ba ơi! có khách.

- Ừ! để ba ra. Con coi chơi với mấy em tránh ồn áo để ba tiếp khách.

Bên trong nhà một người đàn ông có tầm vóc của kẻ phong trần với mái tóc hoa râm vén bức mi-đô đi ra gian nhà khách; Đó là ba của thằng Quang. từ ngày “giải phóng” vô ba nó thất nghiệp ở nhà chăm sóc, dạy học cho mấy anh chị em của Quang ở những lúc mẹ Quang phải quảy gánh đi bán hàng ở chợ.

Quang rón rén đi vào nhà sau kêu giật thằng em của nó.

- Huy ơi! Đi chơi với anh.

Thằng em nó đáp lễ:

- Ừ! Anh đợi em chút xíu đi!

Huy chạy xuề xòa lại đống đồ chơi chụp vội cây gươm bằng gỗ mà nó tự chế bằng cây thước kẻ đi học, cột vội miếng củi nhỏ với những cọng thun để làm cái phần cán đeo lủng lẳng ngang hông như mấy anh hùng đấu gươm mà nó có lần đã thấy nơi màng ảnh truyền hình nhiều người cởi ngựa reo hò.

Thằng Quang dõng dạc nói.

- Mày bỏ kiếm đi, nếu không tao không cho đi chơi. Anh hai đã có nhiều lần nói với mày cái đó lỡ đánh trúng mấy đứa bạn thế nào về nhà cũng bị mẹ đánh đòn.

Huy là một thằng em hay nghịch phá với chúng bạn, nhưng nó lại biết nghe lời anh chị nó và nhất là với ba mẹ nó. Nó biết mẹ nó không bao giờ đánh nó, chỉ có ba nó thôi! Nhưng mà nó thương cha mẹ nó nhiều, nhất là mẹ nó, không khi nào nó muốn làm cho mẹ nó buồn. Nó biết chiều nay khi tan chợ về, mẹ nó sẽ gánh về nhiều loại bánh trái thơm ngọt như những món qùa thương yêu triều mến luôn dành cho các anh chị em nó.

Huy quăng vội thanh gươm xuống đất rồi chạy lại nắm tay Quang, hai đứa đi dần khuất xa bên nhau ra con phố.

 
*
*   *   *
 
 
Buổi chiều về mẹ của Quang với đôi gánh trĩu nặng trên vai, bà khấp khểnh đẩy nhẹ cánh cửa bao lơn. Hôm nay hình như có gì thay đổi trên khuôn mặt hiền hậu của bà. Bà cố vói tay đẩy then cài cửa ngõ như mọi lần và buông tiếng.
 
- Mấy con của mẹ đâu rồi.
 
Nhà vẫn không có ai trả lời, bà lần lủi quảy gánh đồ đi vào nhà sau. Bỗng chốc bà đặt gánh xuống và bâng quơ rảo mắt như tìm kiếm một cái gì thân quen. Bà soạn từng đống đồ ra đủ loại bánh trái và những vật liệu như cá, thịt, hành, tỏi… chuẩn bị cho buổi cơm chiều hôm nay. Bà trân trọng đặt các đồ nấu nướng qua một bên. Đặt biệt có một túi bánh ngọt mà từ lúc ra chợ mua được cho đến lúc về bà vẫn không bao giờ quên nó; đó là phần qùa cho các con nhỏ của bà, nhưng giờ này vẫn chưa thấy chúng ở đâu, sao bà bỗng lo qúa! Không như mọi ngày vừa về tới cửa là đã nghe chúng reo hò vang dậy.
 
Bà lụi khụi ra phía sau nhà bếp mang ra những bó củi, những đống than để nhốm cái lò gạch cho cháy lửa. Từ ngày “giải phóng” vô bà không còn dùng dầu hôi để đốt lò-so nữa vì xăng dầu lên gía qúa khủng khiếp, so với số tiền bà kiếm được hàng ngày chỉ đủ đổi lấy một nữa lít dầu hôi nên phải chuyển sang đốt củi để có tiền lo cho gia đình có các bửa ăn hàng ngày. Nguồn tài chánh gia đình bị phá sản qua những kỳ đổi tiền, phải thắt lưng buộc bụng, phải tính toán theo thu nhập có được để nuôi sống cả nhà…

Được một khoảng lâu thời gian, tiếng củi trong lò đã có vài cây nổ “lóc bóc”, bà đưa tay vói lấy đôi đủa sắt khêu nhẹ lớp củi cho ánh lửa hừng lên rồi trút vội vỉ than vào, đồng lúc bà tìm nồi nấu cơm trong thời gian để bếp lửa hồng tự tỏa ngọn. Từ ngoài cửa  có tiếng ba thằng Quang vọng vào.

- Mẹ sắp nhỏ về rồi đấy à! Tôi không biết giờ này mà tụi nó còn đi đâu chơi, tìm hoài mà vẫn không thấy. Lúc nãy còn ngồi nói chuyện với ba người khách đây, quay qua quay lại đến lúc tiễn khách về thì tụi nó đã mất dạng.

Tiếng mẹ đáp.

- Thôi ông coi nồi cơm, để tôi đi kiếm, tụi nó chơi đâu đó với bạn chúng chán rồi thì về chứ có gì.

Ba buồn bực la lớn.

- Bà coi đó, bình thường tôi có nói gì đâu; đàng này trời mưa đường xá lầy lội. Tôi lo là lo cho chúng bị cảm lạnh, lỡ có gì thì tôi với bà tính sao đây?

Tiếng mẹ dịu dàng hơn như cố ngăn đi những gì buồn bực nơi ba Quang.

- Thôi mình, đừng lo nghĩ nữa để đó cho tôi.

Bỗng chốc ngoài cửa ngõ, có tiếng hai thằng la xôn xao…

- Chạy lối này nè Huy, nhanh lên!

- Ờ, anh coi chừng thằng Ninh kia, nó chạy gần đến rồi đó.

Ba vụt chạy ra khỏi cửa, tóm gọn hai thằng đang la lối với mình mẩy đầy bùn nhơ, tóc tai bù xù thấm đầy nước trên khắp cả người.

- A!… thì ra tụi mày đang chơi rượt bắt. Con cái riết rồi hư hết. Tụi mày phải cho một trận đòn mới được!

Sau câu nói của ba, hai thằng khúm núm, mặt mày tái mét, thều thào đến gần bên mẹ nói không ra tiếng.

- Mẹ ơi! Huy nó không nghe lời con nên đến nỗi này đó mẹ.

Dáng thằng Huy buồn rười rượi, nó cúi đầu xuôi hai tay như không muốn cải lỗi anh nó dù đúng hay sai. Gía ở mọi khi khác không có ba đứng kế bên thì nó đã lao vào lòng mẹ, vừa khóc vừa mếu máo đính chính những gì anh nó nói. Nhưng lúc này nó biết thân phận nó, chỉ một phản kháng thôi, dù là tiếng khóc nhỏ cũng đủ làm cho ba nó nổi giận. Huy cuối đầu để lộ đôi vần trán thon nhỏ như chứa chất suy tư cùng đôi tay buông thỏng xuống theo dáng dấp, khuôn mặt hiền từ, thoảng chốc len lén ngước nhìn ba nó như cố lắng nghe những gì ba nó dạy bảo… Nhưng không, việc này ra ngoài ý muốn nó. Ba không la hay đòi đánh đòn nó nữa mà giọng ba hiền từ đến bên xoa đầu nó, ôm nhẹ nó vào lòng để cố che giấu đi tiếng “thút thít” của Huy vì nó đã muốn lao vào lòng mẹ nó từ lâu, nó muốn khóc lên thật to nhưng vì sợ uy ba nó mà phải cố nín để tỏ khí phách “có chơi có chịu”, câu nói ba nó vẫn thường nói với tụi nó như thế!

Buổi chiều mâm cơm bốc khói, tỏa mùi thơm ngào ngạt cùng mấy tô canh chua và nồi cá đang còn rêu lửa thấm dần trên lò. Anh hai từ ngoài cửa khệ nệ với bao gạo trên vai đi vào, đồng lúc có tiếng Quang la lớn

- Anh hai mua được gạo rồi mẹ ơi!

Từ từ đặt bao gạo xuống đất, tiếng anh hai trầm thắm.

- Con phải xếp hàng từ sáng tới chiều, phải đợi xe “quân quản” của thành phố chở lại. Mẹ thấy đó, mười ký gạo cho cả nhà, vậy mà có nhiều người nhà hết gạo, xếp hàng gần tới thì lại hết, phải đợi tới hôm sau xếp hàng trở lại.

Mẹ dịu giọng.

- Thôi con rửa tay rồi đi ăn cơm.

Cả nhà quay quần bên mâm cơm, buổi chiều hôm nay anh hai được ba cho biết một tin quan trọng, đó là việc chuẩn bị gói ghém hành trang hôm nay để sáng mai theo ba tìm đường xuống thuyền vượt biên. Ngoại trừ mẹ, ba, anh hai, anh ba và chị tư tất cả năm người được biết tin này, riêng Quang, Huy với bé Út còn nằm nôi thì không cho biết được vì sợ chúng còn nhỏ ra đường nói bậy, hàng xóm hay công an biết được thì bể chuyện ra đi của ba với anh hai.

Anh hai chiều nay có một nét mặt trầm lặng đáng sợ kinh khủng hơn mọi ngày. Hai đứa Quang với Huy không hiểu sao anh hai lại bắt tụi nó đi ngủ sớm, nằm trên giường hai đứa nó cứ chập chờn thả hồn vào những ước mơ viễn du khắp phương trời thật đẹp của tuổi thơ! Mới đây hai đứa còn kể lể hỏi han nhau về chuyện cổ tích, chuyện đánh đu, chọi đáo… giờ đã thiếp mình vào giấc ngũ lúc nào không hay.

Sáng hôm sau khi chợp mình tỉnh giấc, Quang tung mền khều nhẹ chân vào thằng Huy. Hai đứa từ nào đến giờ vẫn cứ khắn khít bên nhau với tuổi hồn nhiên, nào biết ưu tư là gí. Thằng Huy cựa mình la bai bái.

- Sao anh dậy sớm vậy.

Rồi nó cũng chẳng buồn để ý đến mấy cái khèo chân của thằng Quang, nghiêng mình qua bên khác, nhắm mắt đánh giấc tiếp nữa. Quang có vẻ thỏa thích với mấy cú giỡn vừa rồi, rón rén chui ra khỏi mùng. Theo thường lệ, nó chờ tiếng hỏi thăm của mẹ nó; Nhưng không… hôm nay tại sao nó thấy mẹ nó đang ngồi ủ rũ ở một góc nhà, hình như bà khóc thì phải? Nó không hiểu lý do ra sao cả; bổng nhiên nó cảm thấy thương mẹ qúa! Quang đi thật nhẹ lại gần bên và lên tiếng.

- Mẹ khóc phải không, tại sao mẹ khóc?

Vẫn không có tiếng trả lời của mẹ, nó chợt nhìn đôi gánh đang nằm ở góc nhà như mọi ngày, nhưng có một cái gì tự nhiên nó biết hôm nay mẹ không đi bán. Còn nơi phòng khách kế bên, anh ba nó đã thức dậy từ lúc nào, đang ngồi chểnh chệ trên ghế sa-long; nhưng trông anh có vẻ gì buồn rười rượi, hình như anh cũng khóc như mẹ? Cả chị tư nó nữa, tất cả đều khóc!. Quang không còn biết gì nữa, nó chỉ muốn lôi thằng Huy thức dậy. Nhưng mà thôi!… Tự nhiên trong giờ phút này nó biết tốt hơn nên yên lặng. Yên lặng càng nhiều càng tốt như cuộc đời tuổi thơ của nó chưa biết khóc cho những nỗi buồn mất mát chia xa là gì! Bỗng chốc tiếng anh ba nó thều thào.

- Anh hai với ba đi rồi quang ạ!

“Đi”, đi đâu, đi để làm gì, và đi có sao không mà phải khóc?… Trong ý nghĩ của thằng Quang chỉ có thế! Nó ước mơ một ngày qùa cáp thật nhiều như trái cây, bánh kẹo mẹ nó thường đi chợ mang về để hồng lên cuộc đời thơ vui của nó.

 
*
*   *   *


Thời gian qua đi một năm, hai năm, rồi ba năm kéo dài mãi Quang cũng chẳng thấy ba với anh hai về. bổng nhiên nó cảm thấy nhớ qúa vòng tay ôm của ba nó với chuỗi thời gian mỗi ngày một xa dần thơ ấu.

Hôm nay một buổi chiều về muộn, lại một người khách bỗng nhiên xuất hiện trước cửa thềm. Nhìn người khách, nó liên tưởng đến ba người khách năm nào trước đây đã có lần đến nhà và rồi ba và anh nó ra đi để nó chẳng bao giờ còn gặp lại nữa. Tự nhiên Quang cảm thấy ghét mẹ cùng anh chị ghê vì đã nói gạt Quang! Mọi người thường bảo “ba và anh đi rồi sẽ về”, nhưng cho đến hôm nay Quang có thấy gì đâu? Quang thương ba và anh rất nhiều, thương âm thầm theo thời gian mỗi ngày một khôn lớn, cho đến giờ phút này Quang không muốn thấy mặt bất cứ người khách lạ nào xuất hiện trước cửa thềm nhà Quang nữa. Quang muốn thế, Quang không muốn chia xa.

Tình thương đã nuôi Quang lớn dậy và cũng chính tình thương đã ôm Quang trọn cuộc đời. Quang biết rồi đây Quang và các em kế tiếp nó cũng sẽ tiếp nhận những lời nhắn nhủ của người ra đi để lại, gần kề hơn cả bên nó là thằng Huy, hai đứa đã từng vui chơi bên nhau suốt quãng trời thơ ấu, đã từng có những kỷ niệm lớn khôn nhưng trên một dòng đời Quang và Huy không cùng đi bên nhau mãi mãi, cũng như hôm nay trong giờ phút này Quang đã biết thế nào là sự chia xa, thế nào là tình thương xa cách mà ba và anh nó đã nhắn nhủ lại để ra đi. Ôi! cả một quãng đời thương yêu. Nó hy vọng người khách kia sẽ là sứ gỉa mang nguồn vui cho gia đình nó chứ đừng bao giờ mang đến sự chia xa ở những nơi chốn mịt mù mà trong ký ức nó vẫn còn ghi đậm những hình ảnh của người thương quen thuộc.

Sáng hôm sau với túi đồ trên vai, anh ba nó khẻ lay nó dậy, đặt nhẹ trong bàn tay nó tất cả những số tiền mà anh nó đã dành dụm được ở những ngày chạy đôn chạy đáo buôn bán “chợ đen” nơi những khu phố sầm uất người qua lại, bằng cách mua đi bán lại những món hàng như đồng hồ, radio, viết máy, xe đạp… những món đồ tư bản thời thượng luôn làm cho các anh cán bộ mê tít đến híp mắt. Anh nó trầm giọng buông tiếng.

- Quang em, anh rất đau lòng khi phải ra đi, em đừng buồn, chính ngày xưa anh cũng như em vậy. Ba ra đi, anh hai ra đi vì tụi công an nó truy lùng tìm bắt ba, giờ tới phiên anh lớn lên trong xã hội chủ nghĩa mịt mờ không tương lai, phải lên đường làm “thanh niên xung phong”, sống chết vật vờ, trước sau những thanh niên như anh đều bị đẩy vào các cuộc chiến tranh bên Miên, Lào hay Hoa Việt, anh không muốn đi tìm cái chết phi lý trong thế giới cộng sản luôn đầy dẫy những kích động chiến tranh và hận thù, nhưng lúc nào cũng sáo ngữ, điêu ngoa tuyên tuyền là xây dựng thiên đường cộng sản tốt đẹp cho mọi người! Anh buộc lòng phải xa mẹ, xa các em để ra đi tìm tự do. Em chắc hiểu anh hả Quang! Khi nào gặp lại ba và anh hai, anh sẽ viết thư về cho mẹ và em được rõ. Nhớ nhé! Thôi em cầm lấy số tiền anh để dành từ bao lâu để chi xài những việc lặt vặt theo ý em. Tiền này nước ngoài không xài được, vậy anh gởi lại hết cho em.

- Trời! anh đi thật sao?

Quang chỉ nói được có bấy nhiêu và rồi nó cứ nhìn chăm chăm vào mặt anh nó. Bất kể anh nó nói gì thêm cũng mặc, nó chỉ cần hiểu bấy nhiêu thôi đã đủ cảm nhận hết những đau xót chia xa. Trời tháng tư buổi sáng mà sao nó thấy như mặt trời nổ tung từng mảnh vỡ. Sự thật nghiệt ngã đến thế sao, nó che đi dòng nước mắt như khô kiệt rồi một tình thương đang mất hút… Anh nó hôn nó, hôn Huy, hôn bé Út lần cuối còn trong giấc ngủ nồng.

Sao bỗng trong giờ phút này Quang cảm thấy thương gia đình nó qúa. Nó muốn lay thằng Huy thức dậy. Nhưng thôi, tỉnh để làm gì?! Nó chỉ còn biết đứng chết nơi đầu ngõ,  ngó trân anh nó đang dần khuất xa với túi đồ trên vai trĩu nặng.

Cầm số tiền trên tay đã bao lần Quang như lặng chết, nó muốn kéo thời gian ngừng lại, nó không muốn để tình thương vuột khỏi tầm tay. Sao mà nó thương ba và các anh nó qúa! Thương nhất cũng là mẹ, một đời bà luôn chấp nhận hy sinh cho con cái, cả những phần thân xác còm cỏi nhưng đôi gánh không xa lìa trên vai mẹ ở mỗi sáng tinh sương mẹ luôn phải lủi thủi gánh hàng ra chợ. Quang tự nhắn lòng, rồi đây với số tiền anh nó cho, Quang sẽ đưa hết cho mẹ. Với cảnh mẹ cút con côi, nó biết những tháng ngày sắp tới mẹ nó sẽ gánh lấy trăm bề cực nhọc chuyện bán bưng, còn phải dìu dắt, nuôi sống, gánh lấy anh chị em nó đi sao cho không vấp ngã qua cuộc đời nhiều đau thương bất hạnh.
 
 



@Phạm Thiên Thơ
(Truyện ngắn đầu tay và cuối cùng
ghi dấu lại những tháng ngày bỏ nước ra đi)
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét