Vì sao Hoa Kỳ nên cho xuất cảng dầu thô?
* Thả dầu may ra thì đỡ thả bom!... * |
Tuần qua, khi Iraq có loạn với lực lượng xưng danh Quốc gia Iraq và Đông phương (ISIL) từ Syria tràn qua đã chiếm các thành phố Mosul và Tikrit rồi uy hiếp thủ đô Baghdad, giá dầu thô đã tăng vọt. Hôm Thứ Năm 19, dầu thô trên thị trường Brent vượt mức 115 đồng một thùng, còn trên thị trường NYMEX của Mỹ vẫn cứ chờn vờn ở giá 107 đồng,
Do tình trạng cung cầu khá căng thẳng hiện nay, nếu xứ Iraq mới trở lại bán dầu ở giữa khu vực chiến lược về năng lượng là Trung Đông mà lại bị khủng hoảng và các giếng dầu bị tấn công thì kinh tế thế giới có thể lại bị tổng suy trầm nữa. Đó là kịch bản đáng ngại nếu giá dầu tăng thêm 20 đô la, trong khi Ngân hàng Thế giới vừa hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,4% xuống 2,8% cho năm nay. Nhiều chuyên gia về thương phẩm và năng lượng còn nói đến giả thuyết kinh hoàng mà họ cho là khả thể, là dầu thô sẽ lên tới 200 đô la một thùng!
Khi ấy, kinh tế toàn cầu không chỉ suy trầm mà suy thoái, và trôi vào khủng hoảng.
***
Bốn tháng trước, khi vụ khủng hoảng Ukraine bùng nổ, người ta đã nói đến thế mạnh của Tổng thống Vladimir Putin nhờ Liên bang Nga là một nước xuất cảng dầu thô và khí đốt cho nên có thể dùng năng lượng làm võ khí hóa giải áp lực của các nước Âu Châu.
Năng lượng đem lại phân nửa thu nhập của Nga và ngân sách của Putin được trù tính với giá dầu ở mức 117 đồng một thùng. Nếu giá dầu mà sụt đến mức 90 đồng thì nền kinh tế đang suy trầm của Nga sẽ gặp khủng hoảng, như đã từng bị vào năm 2009. Vì vậy, một trong các giải pháp ứng phó của Tây phương, Âu Châu và Hoa Kỳ, là làm giảm giá dầu thô và khí đốt.
Để giải toả sức ép của Nga, và yểm trợ Ukraine cùng các đồng minh Âu Châu, Hoa Kỳ có thể áp dụng giải pháp đó như nhiều nhân vật trong Quốc hội đã đề nghị từ Tháng Ba. Người ta lý luận rằng việc Mỹ cho phép xuất cảng dầu thô và khí đốt của mình có thể là đòn phản công.
Nhưng bây giờ với vụ Iraq, vấn đề hết là phản công để đối phó với Liên bang Nga, mà là ngừa rủi ro khủng hoảng vì năng lượng lên giá. Một trong các giải pháp lại được nhắc nhở là Chính quyền nên cho phép bán dầu. Ngẫu nhiên sao, cuối Tháng Năm vừa qua, công ty tư vấn đa năng IHS vừa công bố một phúc trình nghiên cứu theo chiều hướng này.
Vài hàng về IHS này đã.
Xuất phát từ một nhà xuất bản sách báo kỹ thuật vào năm 1959, IHS Inc. (Information Handling Service, Vận trù Thông tin) là doanh nghiệp về thông tin của Hoa Kỳ có hội sở tại tiểu bang Colorado và có nhiều phân bộ như Jane's Information ở bên Anh, nổi tiếng về nghiên cứu quốc phòng, hay Global Insight ở bên Mỹ, chuyên về tư vấn kinh tế.... Doanh nghiệp này chú trọng đến các vấn đề kỹ thuật không gian, khai thác nhu liệu thông tin, năng lượng hay kinh tế toàn cầu và nhận nghiên cứu từng hồ sơ chuyên biệt cho các khách hàng.
***
Về bối cảnh, Hoa Kỳ vừa lặng lẽ tiến hành một cuộc cách mạng về thuật lý năng lượng ("energy technology") với những kỹ thuật khai thác rất mới để (xin tạm gọi là) "gạn cát lấy dầu và khí đốt". Bài này xin nói riêng về dầu thô, theo bản phúc trình 144 trang của IHS.
Nhờ cuộc cách mạng về kỹ thuật "fracking", từ năm 2008 đến Tháng Ba năm nay, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng đến 64%, thêm được ba triệu 200 ngàn thùng một ngày, viết tắt là 3,2 mbd. Cũng nhờ tăng sản lượng nội địa, Hoa Kỳ lệ thuộc ít hơn vào dầu nhập cảng, từ 60%, lượng dầu ngoại nay chỉ chiếm có 30% số tiêu thụ. Tức là Mỹ vẫn nhập dầu, nhưng ít hơn, và sản lượng Mỹ có nâng số cung trên toàn cầu trong khi nhiều nước sản xuất khác lại bị trở ngại nên Hoa Kỳ đã tránh cho thế giới một vụ tăng giá dầu. Tăng suất của Mỹ - hơn ba triệu thùng một ngày như vừa nói – là một kỷ lục lịch sử và cao hơn tổng số gia tăng vừa qua của tất cả các nước khác.
Theo một công trình nghiên cứu năm ngoái của cơ quan International Energy Agency (World Energy Outlook 2013), thì nhờ đặc tính địa chất và thuật lý mới, nội trong thập niên này Mỹ có triển vọng là nước sản xuất dầu thô số một thế giới, tức là vượt Nga và các nước Trung Đông. Khi ấy, bài toán năng lượng của Hoa Kỳ và hậu quả chiến lược cho thế giới, sẽ có thay đổi.
Nhưng câu hỏi đặt ra là ngày nay Hoa Kỳ vẫn còn phải mua của thiên hạ đến 30% lượng dầu tiêu thụ, tại sao lại muốn cho bán dầu ra ngoài? Ai cấm mà phải xin?
Người ta có ba câu trả lời; trước hết là trở ngại pháp lý về quyền xuất cảng.
Từ những năm 1972, khi thế giới bị khủng hoảng năng lượng vì đòn phong toả dầu thô của các nước bán dầu tại Trung Đông, Hoa Kỳ áp dụng chánh sách kiểm soát giá dầu và cấm xuất cảng dầu để bảo đảm an toàn cho thị trường nội địa. Mươi năm sau, từ năm 1981, việc kiểm soát giá dầu theo chế độ bao cấp khá phổ biến trước đó đã chấm dứt để giá dầu lên xuống theo quy luật cung cầu. Nhưng lệnh cấm xuất cảng vẫn được duy trì cho tới ngày nay.
Vấn đề thứ hai thuộc về kỹ thuật, là khả năng chế biến, tức là lọc dầu thô ra xăng, nhớt, dầu cặn, v.v.....
Hệ thống chế biến của Mỹ đã đầu tư cả trăm tỷ để lọc dầu ra xăng và dầu ở đây là loại "nặng", chủ yếu nhập từ Canada, Mexico hay Venezuela. Trong khi đó, kỹ thuật hay công nghệ "fracking" – bơm nước và dung dịch hóa học vào các tầng đá phiến để giải phóng dầu thô và khí đốt – lại bơm lên loại "dầu chặt" hay "dầu nhẹ", tight oil hay light oil.
Tức là hạ tầng chế biến không phù hợp với loại nguyên nhiên liệu mới, cho nên Mỹ thiếu dầu nặng mà thừa dầu nhẹ nhưng lại chưa được phép xuất cảng vì những ràng buộc được đưa ra từ hơn 30 năm trước.
Vấn đề thứ ba là chính trị.
Nhiều doanh nghiệp chế biến là các hãng lọc dầu thì vẫn muốn duy trì lệnh cấm bán để mua nguyên liệu với giá rẻ. Họ vận động hành lang chính trị và yêu cầu Quốc hội không đổi luật. Kế đó, các trung tâm bảo vệ môi sinh rất có ảnh hưởng trong đảng Dân Chủ và Chính quyền Barack Obama thì e là kỹ thuật mới sẽ gây ô nhiễm. Họ đã muốn hạn chế giấy phép lập hãng lọc dầu, và nay vẫn chặn đường xuất cảng nên cản trở cuộc cách mạng về thuật lý năng lượng.
Hậu quả là Hoa Kỳ tiếp tục mua năng lượng do nơi khác khai thác, với kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm thua xa kỹ thuật Hoa Kỳ. Nói theo kinh tế là khi nhập cảng dầu, Hoa Kỳ gây thêm ô nhiễm cho địa cầu nhiều hơn là nếu sản xuất lấy. Việc Tổng thống Obama đã lần lữa nhiều năm rồi vẫn trì hoạn dự án lập ồng dẫn dầu Keystone XL để nhập dầu Canada cho các doanh nghiệp Mỹ chế biến tại nhiều tiểu bang cũng phản ảnh áp lực đó của giới bảo vệ môi sinh.
Bây giờ, ta bước qua bài toán then chốt là chuyện lời lỗ trên tổng thể...
***
Trước hết là mối lợi kinh tế.
Theo phúc trình của IHS, nếu Hoa Kỳ giải toả lệnh cấm bán dầu và cho phép mua bán tự do, thì nhật lượng dầu thô của Mỹ hiện nay là 8,2 triệu thùng (một ngày) có thể tăng thêm ba triệu, lên tới 11 triệu 200 ngàn thùng. Nhờ vậy, từ năm 2016 đến 2030, kinh tế Hoa Kỳ có thêm một lượng đầu tư trị giá 746 tỷ đô la và tạo thêm việc làm cho công nhân Mỹ. IHS ước tính là sản lượng kinh tế Hoa Kỳ đã tăng được 1% trong hai năm qua chính là nhờ khu vực năng lượng và thống kê Bộ Lao Động cũng cho biết là khu vực dầu khí đã tạo ra nhiều việc làm nhất trong giai đoạn khó khăn vừa qua.
Thứ nhì, thế giới ngày nay vẫn yết giá dầu bằng đô la và giá xăng dầu tiêu thụ trên thị trường Mỹ được tính giá từ giá dầu quốc tế, chứ không theo giá dầu thô nội địa. Khi Hoa Kỳ nâng sản lượng dầu thì giá dầu trên thế giới sẽ giảm, nhờ vậy mà xăng dầu cho nhà tiêu thụ tại Mỹ cũng giảm. IHS dự toán là giảm được tám xu cho một ga lông. Nhờ đó, giới tiêu thụ đỡ tốn – hay tiết kiệm được – 265 tỷ đô la trong khoảng thời gian từ 2016 đến 2030.
Lập luận này quan trọng vì phản bác lối suy tính của các hãng lọc dầu. Họ muốn chặn đà xuất cảng để giá dầu nội địa sẽ giảm vì cung nhiều hơn cầu. Thật ra, khi Mỹ xuất cảng dầu thì hậu quả dội ngược vào trong sẽ khiến giá dầu thô và xăng nhớt nội địa sẽ giảm.
Thứ ba, khi được phép xuất cảng dầu, sản lượng kinh tế Mỹ có thể tăng được 135 tỷ, số việc làm thêm được gần một triệu và cụ thể thì lợi tức của mỗi hộ gia đình có thêm 391 đồng. Ngoài ra, hóa đơn mua dầu của Hoa Kỳ có giảm được 67 tỷ một năm; so với tình trạng nhập cảng vào năm 2013 thì giảm 30%.
Tổng kết lại thì số thu nhập của nhà nước Hoa Kỳ trong khoảng thời gian 15 năm tới, từ 2016 đến 2030, sẽ tăng thêm được 1.311 tỷ....
Quan trọng hơn cả, Hoa Kỳ sẽ thành một đại gia về năng lượng, ít lệ thuộc hơn vào dầu thô của nước ngoài mà còn có ảnh hưởng mạnh hơn đến giá dầu trên thế giới, kể cả ngân sách của Liên bang Nga hay khả năng chống đỡ của Ukraine và các nước Âu Châu.
Xưa nay, người ta cứ lầm tưởng rằng Hoa Kỳ gây chiến khắp nơi là để mua dầu. Nhiều người còn cho là nước Mỹ nham hiểm cứ mua dầu của thiên hạ trong khi ngồi lên các giếng dầu của mình. Sự thật lại không đơn giản như vậy. Và từ ba chục năm nay, luật chơi về năng lượng đã có thay đổi nhưng giới chánh trị thì chậm lụt và cục bộ nên chưa nhìn ra.
Dù sao, khuyến cáo của IHS rất nên được các chính khách Mỹ chú ý.
Còn hơn là nghe lời một Nghị sĩ Dân chủ tại New York là Chuck Schumer, rằng nên phản đòn Putin bằng cách bán dầu từ kho Dự trữ Chiến lược để làm giảm giá dầu trên thế giới!
Kho dự trữ được lập ra từ năm 1975 để đối phó với sự gián đoạn bất thường của nguồn cung cấp, và tổng cộng chỉ có gần 700 triệu thùng, đủ cho hơn một tháng tiêu thụ. Xả kho chiến lược này không thể làm giảm giá dầu quốc tế mà chỉ phản ảnh tầm nhìn ngắn ngủi của các chính khách!
Chúng ta sẽ theo dõi viễn kiến của họ, và nên bỏ phiếu căn cứ trên tiêu chuẩn đó.
_______________
ISIL hay ISIS?
Bài này xin có một bonus làm mưỡu hậu về cách gọi tên lực lượng vừa gây chấn động tại Iraq.
Thành lập từ năm 2004 như một phân cục của tổ chức khủng bố Al-Qaeda tại Iraq, lực lượng này đã xưng danh là "Islamic State in Iraq and Syria", nên được nhiều cơ quan truyền thông Mỹ, kể cả tờ New York Times viết tắt là ISIS. Trên đài truyền hình hay phát thanh, nhiều nơi đọc tên tắt ISIS thành "eye-sis", tương tự như nữ thần Isis của Ai Cập. Nhưng cũng có nơi đọc thành "ee-sis"
Rắc rối là Chính quyền Hoa Kỳ và nhiều hãng thông tấn như AP thì gọi là "Islamic State in Iraq and the Levant" và viết tắt là ISIL. Tên tắt này được đọc thành "eye-ess-eye-ell". Cũng tên tắt ISIL ấy phù hợp với một cách xưng danh khác của lực lượng phiến quân vừa từ Syria tràn qua Iraq "Islamic State in Iraq and ash-Sham" hay "al-Sham."
Vấn đề ngôn từ ở đây là tên của lực lượng xuất phát từ tiếng Ả Rập: "al-Dawla al-Islamiya fil-Iraq wa al-Sham". Al-Sham là tiếng Ả Rập chỉ vùng đất chung quanh Dasmascus của Syria, sau này mở rộng thành cả khu vực từ Địa Trung Hải vào tới đất Lưỡng Hà của Iraq. Khi theo đúng tên gọi al-Sham ấy thì lực lượng ISIL muốn lập ra một đế chế Hồi giáo bao trùm lên đất Syria, Israel, Jordan, Lebanon, Iraq và cả vùng Đông Nam của Turkey.
Vì mấy rắc rối về lịch sử như vậy, người ta mới dịch tên thành "Islamic State in Iraq and the Levant", "Islamic State in Iraq and Syria", hay "and Greater Syria", v.v....
Nhưng chưa đủ nhức đầu, kẻ trong cuộc là đám phiến quân ấy không chấp nhận chữ Syria - là do Hy Lạp đặt ra thời xưa - hay tên Syria là quốc gia hiện đại mà chính họ muốn xoá bỏ để trở về một khái niệm cổ xưa hơn, cách mạng hơn!
Người viết này thiên về cách gọi tắt là ISIL, nó vừa thể hiện chữ Levant vừa phản ảnh chữ al-Sham hay ash-Sham, và cho còn thấy tham vọng rộng lớn của lực lượng cuồng tín này vì muốn xây dựng một Đế chế Hồi giáo bao trùm lên Syria, Lebanon, Israel, Jordan và Iraq.
Chuyện còn dài, nhưng vài dòng trình bày cũng để cho thấy sự đắn đo cân nhắc của người làm tin hay viết bình luận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét