Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Tiểu sử Ueshiba Morihei, người sáng lập Aikido


Tổ sư Ueshiba Morihei sinh ngày 14/12/1883 tại một thành phố nhỏ tên Tanabe (1) gần Osaka. Tổ sư đại hoàn nguyên vào ngày 26/04/1969. Khi đó Hombu dojo là một toà nhà ba tầng lớn và môn Aikido được hàng trăm ngàn người theo học ở khắp năm châu.
 
 
Từ một cậu bé gầy còm bệnh hoạn
 
Tổ sư Ueshiba Morihei sinh ngày 14/12/1883 tại một thành phố nhỏ tên Tanabe (1) gần Osaka. Ông là con trai thứ tư của một tiểu điền chủ tên Ueshiba Yoroku, với một sản nghiệp gần 20 sào đất. Cụ Ueshiba Yoroku có chân trong hội đồng thị chính, đồng thời cũng là một nhân vật có tên tuổi trong thành phố Tanabe.
 
Thuở thiếu thời, Tổ sư Ueshiba Morihei là một cậu bé thể chất yếu đuối, hay bệnh hoạn và dễ xúc cảm. Năm 7 tuổi, cậu học chữ với một vị sư Phật giáo tên Fujumoto Mitsujo. Vào giai đoạn này thường có những chuyện hoang đường được lưu hành trong vùng Kumano. Những câu chuyện này do Kobodaishi từ Trung Quốc về thuật lại và chúng gây ấn tượng sâu sắc vào tâm trí của cậu Morihei khiến cậu miên man trong những mộng tưởng vô tận. Cha cậu rất lo lắng vì khuynh hướng mơ mộng của cậu bé, và cũng để tăng cường thể lực cho cậu nên bắt Ueshiba Morihei tập sumo (2) và bơi lội. Trong những năm đầu tiên học tiểu học, cậu Morihei còn nhận được ảnh hưởng đào tạo của thầy giáo mình là Nasu Tasaburo, trên cả hai phương diện thể xác và tinh thần. Vị này về sau trở thành một nhân vật quan trọng trong lĩnh vực tôn giáo.
 
Năm lên 13 tuổi cậu vào trường trung học Tanabe nhưng chỉ lưu lại ở đó một năm vì sở thích của cậu là học soroban (3). Ueshiba Morihei có năng khiếu đặc biệt trong môn này và chỉ không đầy một năm sau, cậu tiến bộ đến mức trở thành phụ tá giảng viên. Sau đó cậu vào làm cho nhân viên sở thuế Tanabe. Tại đó, cậu phụ trách về thuế điền thổ. Trong lúc làm công việc thu thuế cậu cũng lưu tâm đến các vấn đề của nông dân và ngư dân và cảm thấy bất bình vì những điều kiện làm việc của họ. Cậu tham gia vào những cuộc biểu tình đòi cải tổ, thay đổi một sắc luật mới về ngư nghiệp. Sau những đàn áp gắt gao, cậu xin từ nhiệm và lên thủ đô Tokyo. Thoạt tiên, cậu làm một chân chạy việc trong một cửa hiệu bán sỉ. Vào mùa xuân 1902, Ueshiba thuê một gian hàng tại Asakusa dưới bảng hiệu Ueshiba Shokai (4) để bán văn phòng phẩm cho các học sinh, sinh viên, trong khu vực.
 
Vào thời điểm này, sự lưu tâm của Ueshiba đối với võ đạo ngày càng tăng. Sau giờ đóng cửa tiệm, chàng chú tâm nghiên cứu các kỹ thuật xưa của Jujutsu, đặc biệt là kỹ thuật môn phái Kyto với võ sư Tozawa; đồng thời chàng cũng tập Kenjutsu (5) tại một đạo đường của phái Shinkage (6). Sau ít tháng, Ueshiba Morihei bị bệnh phù thủng và phải trở lại Tanabe, nơi làng quê của chàng. Tại đó, Ueshiba Morihei kết duyên với một cô bạn thời niên thiếu là Itokawa Hatsu.
 
Từ lúc trở về quê, Ueshiba Morihei thề quyết tạo cho mình một thân hình cường tráng, lực lưỡng. Chàng khổ công theo đuổi một chương trình huấn luyện khắc nghiệt và tiệm tiến, dựa trên điều kiện sức khoẻ và lực cơ bắp. Lúc hai mươi tuổi, dù có một chiều cao nhỏ bé (1m54), Morihei có một sức mạnh trên người bình thường rất nhiều. Nhưng sức mạnh thể xác thuần tuý vẫn không làm chàng thoả mãn, do đó chàng đến Sakai (7) để học hỏi kiếm thuật của môn phái Yagyu (8) với thầy Nakai.
 
Năm 1903, tình hình giữa Nga và Nhật trở nên căng thẳng, Ueshiba đăng ký vào trung đoàn bộ binh 61 đồn trú tại Osaka. Chẳng bao lâu, chàng trở thành vô địch trong tất cả các môn luyện tập và đặc biệt là môn Ju ken jutsu (9).
 
Trung đoàn của Ueshiba Morihei được gởi đến mặt trận Mãn Châu. Tại đó, tác phong gương mẫu của chàng khiến cấp trên lưu ý và chàng được thăng cấp trung sĩ. Khả năng chiến đấu của chàng kỳ diệu đến nỗi các chiến hữu đặt cho chàng biệt danh là “Heitai no kami sama” (10). Lúc chàng được giải ngũ, vị chỉ huy của chàng khuyên chàng vào trường huấn luyện sĩ quan để theo nghiệp binh. Ueshiba Morihei từ chối đề nghị này và về quê nhà để lo việc đồng áng. Trong suốt bốn năm chiến tranh, chàng không ngừng tập luyện võ thuật và vẫn tiếp tục liên lạc với võ sư Nakai, thuộc môn phái Yagyu. Sau đó chàng nhận được bằng của môn phái vào năm 1908.
 
Trong thời gian này, Ueshiba Morihei tràn đầy sinh lực và chú tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội trong vùng. Chàng thiết lập một cơ sở tương tự như một câu lạc bộ sinh hoạt thanh niên. Tại đây chàng thiết lập một võ đường để tập luyện Judo với một võ sư tam đẳng vừa mới đến cư ngụ trong thành phố. Vị này, tên Kiyoichi Takagi, sau này trở thành cửu đẳng huyền đai nhu đạo.
 
Trở thành Vua “Shirataki”
 
Năm 1910, chính phủ Nhật muốn khai thác và di dân đến vùng Hokkaido nên kêu gọi những người tình nguyện đi di dân lập nghiệp, Tổ sư Ueshiba Morihei nhận thấy chương trình đó bổ ích nên tập họp một nhóm 80 người để lên đường như những kẻ tiên phong. Sau một cuộc hành trình dài hai tháng, họ đến Hokkaido và hạ trại tại một nơi mà sau này trở thành ngôi làng Shirataki. Sau hai năm khai hoang và lao động vất vả, và họ bắt đầu gặt hái thành quả và quyết định định cư tại đó. Tổ sư Ueshiba Morihei là một người rất dồi dào sáng kiến: ông nghĩ ra việc trồng cây bạc hà, thiết lập một cơ sở khai thác lâm nghiệp. Ông cũng đầu tư vào việc chăn nuôi bò, ngựa và dựng lên tổ hợp chế biến sữa. Với sự thúc đẩy của ông người ta đã dựng lên một trung tâm thương mại, một ngôi trường và một bệnh xá. Ông cũng đã đóng góp vào việc mở mang ngôi chùa Shirataki.
 
Tháng 2/1925, trong chuyến du hành đến Engaru, ông gặp vị đại sư của môn phái Daito tên Takeda Sokaku tại khách sạn Kubota. Đại sư Takeda nhận ra ngay ở chàng thanh niên này một nhân cách phi phàm và ông quyết định truyền thụ lại tất cả các bí quyết của môn phái Daito Ryu (11). Dù thoạt tiên chỉ ghé qua đây, Tổ sư Ueshiba Morihei quyết định kéo dài thời gian và lưu lại một tháng để luyện tập với vị thầy mới của mình.
 
Sau khi trở lại Shirataki, người mở một đạo đường và mời thầy Takeda đến dạy. Người xây cả một ngôi nhà cho thầy mình và chu cấp mọi nhu cầu cho ông ta. Khi nhận được văn bằng đặc biệt của trường phái Daito Ryu thì Tổ sư đã chỉ học với đại sư Takeda vỏn vẹn có một trăm ngày. Thời gian còn lại dành cho việc luyện tập cá nhân.
 
Tháng 6/1918, người ta đề nghị ngài ra ứng cử vào Hội đồng thành phố và ngài đắc cử chức uỷ viên. Cũng vào dạo đó, do sáng kiến của ngài, người ta bắt đầu xây dựng đường xe lửa Hokkaido.
 
Tháng 11/1919, ngài nhận được tin xấu về tình trạng sức khoẻ của thân phụ. Rất xúc động, ngài quyết định bỏ lại tất cả của cải và cùng với gia đình trở về Tanabe.
 
Trên đường về, ngài nghe đồn tại vùng Ayabe có một vị đại sư có nhiều quyền lực tinh thần tên là Deguchi Onisaburo, Tổ sư Ueshiba Morihei quyết định tạt lại thăm đại sư Deguchi để xin ông ta cầu an cho thân phụ mình. Người cảm thấy cần phải có cuộc gặp gỡ này trong lúc đang trải qua thử thách, vì nhận thức rằng dù mình võ nghệ và khí lực tuyệt luân nhưng sức mạnh tinh thần thì vẫn mơ hồ và yếu đuối và dễ bị chao đảo khi gặp một thử thách tâm lý.
 
Thân phụ của người mất ngày 2/1/1920 và người chỉ về đến nhà ở Tanabe hai ngày sau đó.
 
Cái chết của thân phụ làm Tổ sư Ueshiba Morihei rất phiền não, ngài trải qua nhiều tháng trầm tư và quyết định đến cư ngụ tại Ayabe trong ngôi đền của giáo phái Omotokyo để học hỏi với sự hướng dẫn của ngài Deguchi Onisaburo.
 
Omotokyo là một giáo phái thuộc Thần đạo được bà Deguchi Nao sáng lập. Sau khi tiếp nhận được những mặc khải thần linh, giáo phái đã phát triển mạnh khi người rể của bà là Ueda Kitasabuno (sau đổi tên thành Deguchi Onisaburo) trở thành vị thủ lĩnh. Đối với Omotokyo, theo như lời nhận định của giáo sư Jean Herbert thì “Thượng đế là tinh thần thấm nhuần toàn cõi vũ trụ và con người là người quản gia cai trị trời đất. Một khi con người đã hợp nhất được với Thượng đế  thì nó có được một quyền năng vô tận. Con người là đền thờ của Thượng đế và Thượng đế cũng là thành luỹ của con người. Con người và Thượng đế liên lập với nhau”.
 
Omotokyo truyền cho các tín đồ của mình tuân theo ba giới luật để có thể đến gần Thượng đế:
 
1. Hãy quan sát các hiện tượng thực của thiên nhiên và bạn sẽ suy nghiệm được bản thể của chân Thượng Đế.
 
2. Hãy quan sát sự tuần hoàn tuyệt hảo của vũ trụ và bạn sẽ suy nghiệm được năng lực của chân Thượng Đế.
 
3. Bạn hãy quan sát tâm trí của các sinh vật để nhận thức được linh hồn của chân Thượng Đế.
 
Phù Tang đệ nhất kiếm
 
Deguchi Onisaburo bị chính quyền nghi ngờ và đã nhiều lần bị tống ngục vì nhiều lý do, trong đó có lý do phạm thượng đối với Thiên Hoàng và vi phạm luật báo chí. Dù vậy, ông đã hoạt động một cách hăng say trong lĩnh vực xã hội cho những người già yếu, mồ côi, khốn cùng cũng như trong lĩnh vực chữ viết. Là một người chủ trương hoà bình, ông thành lập hiệp hội bảo vệ tình thương và tình huynh đệ thế giới vào năm 1925. Ông liên lạc với nhiều tôn giáo trên thế giới và góp phần sáng lập liên đoàn các tôn giáo thế giới.
 
Ngày 13/2/1924, mặc dù vẫn còn bị chỉ định cư trú do tội khi quân, ông đã lặng lẽ rời nước Nhật để qua Mông Cổ cùng với một số đệ tử, trong đó có Tổ sư Ueshiba Morihei. Họ nuôi mộng xây dựng một vương quốc của hoà bình tại Mông Cổ - nơi các đội quân của Trung Quốc và Nhật đang đánh nhau - bằng cách tạo ra một sự liên minh giữa hai phe đang xâm chiếm và dựa vào thế lực của các tôn giáo mới.
 
Họ thất bại trong sự cố gắng của mình và bị người Trung Quốc bắt giam. Sau nhiều tháng tù đày và hơn một lần thoát chết trong gang tấc, họ bị giải giao về cho chính quyền Nhật. Khi được đưa về Nhật Bản, một đám đông vĩ đại đã đến hoan nghênh khi họ đặt chân lên cảng Moji vào cuối tháng 6/1925.
 
Trở lại Ayabe, Tổ sư Ueshiba Morihei càng nỗ lực nhiều hơn trong việc nghiên cứu về võ đạo và sống một cuộc sống khắc khổ. Chính vào thời điểm này, người tiếp một sĩ quan hải quân vốn là một võ sư Kendo (kiếm đạo) đến thăm, vì được nghe danh của ngài. Trong câu chuyện trao đổi, do bất đồng ý kiến về một số điểm, vị khách đề nghị Tổ sư Ueshiba Morihei tỉ thí. Tổ sư trao cho viên sĩ quan một thanh kiếm gỗ và nói với ông ta là ngài không cần kiếm. Viên sĩ quan liên tiếp tấn công, nhưng vẫn không đụng được ngài. Thấm mệt, ông ta dừng tay và Tổ sư giải thích cho ông là ngài cảm nhận trước những đòn tấn công ngay trước khi ông động thủ. Ngài thấy một loé sáng thoáng chốc trước khi thanh kiếm chạm vào người, nhờ vậy ngài có thể tránh né một cách dễ dàng. Ngài đã có những kinh nghiệm tương tự tại Trung Hoa. Đặc biệt một hôm, một binh lính Trung Hoa bắn ngài và bỗng chốc bị ngạc nhiên không mấy thích thú thấy ngài đang đứng sau lưng mình, ngay sau khi anh ta vừa bóp cò súng.
 
Ít lâu sau cuộc tỉ thí với viên sĩ quan Hải quân, Tổ sư Ueshiba Morihei ra sau vườn đến bờ suối để rửa mặt. Chính vào lúc đó người đã được giác ngộ. Một cảm nhận đột ngột khiến ngài không thể chủ động được và nhận thấy thân mình bỗng trở nên thanh khiết. Đồng thời ngài cảm nhận trời đất bắt đầu rung chuyển. Từ dưới đất như có một nguồn ánh sáng óng ánh vàng toả ra, khi chạm vào thân thể ngài thì nó biến đổi và tự thân toát ra một hào quang uy nghi. Ngài nghe tiếng chim kêu và tự thấy mình linh cảm được những bí mật của đấng tạo hoá.
 
 
Chính vào lúc đó ngài hiểu được cội nguồn của võ đạo chân chính là tình yêu và tinh thần, chân võ đạo là không nhằm chiến thắng đối phương bằng sức mạnh mà giữ được bình an của thế giới, cảm nhận và giúp phát triển mọi loài, mọi vật. Ngài hiểu là việc luyện tập sẽ đưa con người đến chỗ sung mãn đó, đến tình trạng ân sủng, trong đó con ngưởi cảm nhận được sự hoà hợp của thế giới vật chất và thế giới tinh thần.
 
Nếu sự tham gia tinh thần hiện hữu trong tất cả các môn võ thuật Nhật Bản thì trong thực tế chưa hề có người nào đào sâu nó đến độ bao gồm các tình thương nhân loại như mục đích của chân võ đạo. Tình thương thì không đố kỵ, tình thương không có thù địch. Đó là lý do khiến Tổ sư Ueshiba Morihei quyết định gọi võ đạo của ngài là Aikido.
 
“Môn võ đạo lý tưởng”: Aikido (lời của Tổ sư Judo)
 
Từ năm 1926, tên tuổi của Tổ sư Ueshiba Morihei được nhiều người biết đến và nhiều võ đạo gia lừng danh cũng như những nhân vật chính trị, quân sự đều đến tham kiến ngài.
 
Năm 1927, theo lời mời của đô đốc Takeshita (12) Tổ sư Ueshiba Morihei lên Tokyo và bắt đầu dạy cho các sĩ quan cao cấp và các nhà quí tộc. Ngài cũng tổ chức các lớp huấn luyện đặc biệt 21 ngày cho các sĩ quan của đội cận vệ Hoàng gia mà phần lớn đều mang tối thiểu ngũ đẳng trong các môn Judo và Kendo.
 
Ngài còn dạy ở nhiều nơi khác tại Tokyo. Sau đó, ngài được Hoàng tử Shimazu dành một phòng lớn để làm đạo đường. Chẳng bao lâu, căn phòng trở nên quá chật hẹp và sau nhiều cố gắng, ngài thiết lập tại Wakamatsu một đạo đường hoàn toàn mới mang tên Kobokan.
 
Chính tại đây, một hôm vị sáng lập môn phái Judo - Tổ sư Kano Jigoro đến thăm ngài vì được nghe danh môn phái mới của ngài. Khi nhìn Tổ sư Ueshiba Morihei thi triển đòn thế Aikido ở trên sân, đại sư Kano Jigoro đã nói: “Đây chính là môn võ đạo lý tưởng”. Ngay ngày hôm sau, ngài phái các đại đệ tử đến Kobukan để học Aikido.
 
Vào dạo đó, việc thâu nhận đệ tử rất khắc khe, việc luyện tập rất kham khổ, đến độ người ta đã từng mệnh danh nơi đó là “địa ngục trần gian”.
 
 
Trong những năm chiến tranh, đạo đường chỉ hoạt động cầm chừng và phần lớn là do võ sư Ueshiba Kisshomaru (con trai Tổ sư) phụ trách huấn luyện. Về phần mình, Tổ sư Ueshiba Morihei lui về ở Iwama cách Tokyo 120 km, nơi hiện nay có ngôi đền Aikido.
 
Vào năm 1946, người Mỹ cấm mọi việc luyện tập võ thuật trên khắp nước Nhật và đạo đường tại Tokyo được dùng làm chỗ tạm trú cho những gia đình chiến nạn. Cho đến năm 1948, trụ sở đó được gọi là Hombu Dojo (Bản bộ đạo trường). Aikido là môn võ đầu tiên được phép hoạt động trên đất Phù Tang nhờ ở tinh thần hoà hiếu của nó.

 
 

Ngày 09/02/1948, tổ chức Kobukai trở thành Aikikai và được bộ giáo dục công nhận như là một hội công ích. Từ đó, số võ sinh không ngừng gia tăng và một số võ sư Aikido hiện nay từ bát đẳng trở lên đã bắt đầu công việc luyện tập của họ ở đây. Vào những năm 50, Tổ sư Ueshiba Morihei - sắp bước vào tuổi thất tuần - đã nhường công việc giảng dạy lại cho con và các cao đồ của mình phụ trách. Trong số họ, có nhiều người lên đường ra ngoại quốc và truyền bá Aikido trên toàn thế giới.
 
Khi Tổ sư đại hoàn nguyên vào ngày 26/04/1969 thì Hombu dojo là một toà nhà ba tầng lớn và môn Aikido được hàng trăm ngàn người theo học ở khắp năm châu.
 
Tổ sư có bốn người con, một gái và ba trai. Hai người con trai đầu mất lúc còn nhỏ và người con trai còn lại là vị đạo chủ kế tục Tổ sư. Hiện nay người lãnh đạo Trung tâm Aikido thế giới là võ sư Ueshiba Moriteru (cháu nội Tổ sư).
 
Từ dạo đó, ngôi nhà của Aikikai lại được nâng cao lên hai tầng và ngoài 5 lớp luyện tập thường xuyên mỗi ngày còn có những lớp dành cho các môn sinh hoặc các nhóm đặc biệt. Từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối, hàng trăm người đến tập tại Đạo đường Trung ương để đi theo con đường kỳ diệu mà Tổ sư Ueshiba Morihei đã vạch ra.
 
 
 Chú thích:
(1) Tanabe: một thành phố cảng ở quận Wakayama trước thuộc tỉnh Kii.
(2) Sumo: môn vật cổ truyền kỳ cựu của Nhật.
(3) Soroban: một loại bàn toán của Nhật, tương tự bàn toán Trung Hoa.
(4) Shokai: Thương hội, công ty thương mại.
(5) Ken jutsu: kiếm thuật.
(6) Shinkage: “tấm ảnh”, một môn phái võ thuật lâu đời của Nhật.
(7) Sakai: một thị trấn lớn gần thành phố Osaka.
(8) Yagyu: tên của một gia tộc Samourai lừng danh và là tên của một môn phái võ thuật Nhật.
(9) Ju ken jutsu: phương pháp đánh lưỡi lê.
(10) Heitai no kami sama: vua của các chiến binh.
(11) Daito ryu: Đại đông lưu, môn phái Ju jutsu cổ. Hiện do Takeda Tokimune làm  đạo chủ.
(12) Takeshita Isamu (1869-1949): Thuỷ sư đô đốc, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu võ học. Ông đã ghi lại hàng trăm trang các chi tiết những lời dạy của Tổ sư Ueshiba Morihei trong việc thành lập đạo đường đầu tiên tại Tokyo và dàn xếp cho cuộc biểu diễn rất đặc biệt của Tổ sư trong cấm thành trước mặt Hoàng gia Nhật.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét