Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

Hoa và Hiệp sĩ


George Ohsawa.

 
Ngày xưa ở Nhật Bản, các hiệp sĩ (Samurai) trẻ tuổi đều biết nghệ thuật cắm hoa, vì đây là một môn học trong chương trình huấn luyện của họ. Cùng với tài cắm hoa, họ trồng cây thu nhỏ (Bonsai) nổi tiếng đáng giá cả gia tài.
 

 
Chuyện kể về hoa rất nhiều, chuyện nào cũng hấp dẫn người nghe, chẳng hạn như câu chuyện sau đây. Trong một đêm đông tuyết giá, một võ sĩ nghèo cứu một nhà sư gần chết cóng. Để có củi nhen sưởi ấm cho ông, chàng đã chặt các cây cảnh quý – gia tài và tình yêu duy nhất của mình. Đâu ngờ nhà sư chính là Đại hoàng thân Tokiyori tốt bụng, và thế là chàng võ sĩ giàu lòng nhân ái được tưởng thưởng xứng đáng. Đó là đề tài một vở kịch nổi tiếng có từ thời Tokugawa, đến nay vẫn được trình diễn, và mỗi lần trình diễn, sự hy sinh cao cả, sự hy sinh cao cả của người võ sĩ cùng số phận hẩm hiu của những cây cảnh đẹp vẫn còn làm khán giả mủi lòng rơi lệ.
 
Người Trung Quốc xưa dùng hai động từ diễn tả khả năng nhìn thấy: “thị” là thấy bằng mắt, và “ngộ” là thấy bằng tâm hồn. Vậy đôi khi cũng nên nhắm cặp mắt xác thịt và mở con mắt tinh thần để thưởng thức một cụm hoa Nhật Bản. Các đóa hoa tượng trưng một thời tươi đẹp, và với vẻ yên lặng dịu mềm, hoa đưa ta ra ngoài biên giới của thời gian. Những đường nét uyển chuyển của hoa không chỉ đẹp mắt, mà còn chứa đựng bí ẩn của tạo hóa, bí ẩn này chỉ phơi bày với những ai biết trân trọng ngắm nhìn.
 
Đám trẻ con Nhật bản lớn lên giữa những bông hoa. Chúng thấy mẹ cha kính cẩn mang hoa cắm vào lọ quý đặt trên bàn thờ. Dù trong những nhà nghèo nhất, chúng cũng thấy hoa trên bàn thờ tổ tiên ngày tết. Không buộc phải có hoa lạ, hoa quý, hồn thiêng tiên tổ mới hài lòng. Hoa đồng mộc mạc cũng đủ lắm rồi, và còn lý tưởng nữa là khác, vì hoa đồng gợi nhớ hương vị của thiên nhiên. Những bậc thầy của nghệ thuật hoa cảnh và những nghệ nhân chân chính không bao giờ khinh bỉ các loại hoa dại. Họ thường đưa học trò ra đồng, đến ven rừng hay bờ ao, và sau khi ra đề mục sáng tác, họ để từng đệ tử diễn tả cảm xúc của mình trước những bông hoa dại. Người ta xem tất cả các loài hoa đều thiêng liêng, tuy ở nhiều mức độ khác nhau, đầu đàn là hoa Cúc, loài hoa dành cho nhà vua, thường dân không được phép vẽ thêu trên y phục của mình. Phụ nữ Nhật Bản bắt đầu được dạy nghệ thuật cắm hoa từ năm 12 tuổi. Nếu người mẹ có thì giờ rảnh rỗi thì chính bà truyền dạy cho con, bằng không, cô gái được gởi đến học với một bậc thầy. Đức tính khiêm tốn, yên lặng, dịu dàng của hoa được nêu cao để các cô gái noi theo.
 
          
 
Thực ra, hoa có đủ tính nết như con người. Nghe thế, chắc hẳn những người có đầu óc thực dụng, quen nhìn những hình thể rắn chắc ở phương Tây sẽ phì cười, nhưng đừng quên rằng tuy đã phủ bên ngoài một lớp sơn hiện đại, người Nhật vẫn giữ được tâm trạng mộc mạc hồn nhiên không khác mấy với tổ tiên họ ngày trước. Cũng như người nguyên thủy, họ gán cho mỗi sự vật một linh hồn, linh hồn nghiêm khắc, tàn nhẫn cho một số sự vật, và linh hồn quảng đại, bao dung cho những sự vật khác nhau như hoa chẳng hạn.
 
Trong thiên nhiên, tất cả đều đẹp, đều tốt lành hoàn hảo. Chỉ tại những tật xấu đáng ghét, những dục vọng thấp hèn của con người làm tất cả hư hỏng, suy đồi, còn thiên nhiên vẫn là nguồn thanh khiết, mà hoa là những gì được thiên nhiên chắt chiu bảo dưỡng thì làm sao không thể yêu hoa?
 
Phải yêu hoa nếu muốn tỏ lòng biết ơn trời đất, và có yêu hoa, ta mới thấy mình hòa hợp với thế gian. Không nên dùng hoa với những chủ tâm phàm tục. Không nên trình bày những bó hoa, bình hoa và những chậu cây cảnh thu nhỏ như những mô hình thực vật mất tính hiện thực và quân bình, không còn là biểu tượng của nghệ thuật và chỉ phục vụ cho tính cách phù phiếm của con người. Hoa dùng để biểu dương vinh quang của tạo hóa, chứ không phải để phô trương thanh thế của phàm nhân. Chơi hoa không những là một nghệ thuật, mà còn là một triết lý đạo đức bày tỏ nhân sinh.
 
Những tài liệu cổ xưa về nghệ thuật hoa cảnh còn giữ đến ngày nay khá nhiều. Sách xưa nhất là quyển Tuyên Truyền Thư (Sendensho) viết cách đây hơn 6 thế kỷ, có nêu khoảng 50 quy tắc giúp hiểu sơ bộ ngôn ngữ tượng trưng của các loài hoa. Trong sách có chỉ rõ những loài hoa nào thích hợp với các chiến sĩ trước khi ra trận, không nên có cành lá nào rũ xuống vì gợi sự yếu đuối, mà phải mang dáng hình cứng cáp, mạnh mẽ, đầy nhựa sống như loài Tùng, lúc nào cũng xanh, chứ đừng dùng cây Phong lan hay hoa Trà ẻo lả hoặc các loài hoa chóng tàn.
 

 
Một trái táo rơi đã tạo cho Newton cơ hội tìm ra các nguyên lý về hấp dẫn lực. Nhưng đối với người Nhật, chỉ cần một chiếc lá rơi giữa những sắc màu diễm lệ của mùa thu cũng đủ cho họ thấy sự hư ảo của mọi vật, sự chóng qua của tất cả những gì mà một kẻ điên rồ mới muốn giữ mãi, cũng như sự chán chường do vật chất hữu hình gây ra. Dù trải qua bao thế kỷ, người không được thừa hưởng lòng quý chuộng những gì hư linh, vô hình vô thể, thì một sự kiện nhỏ nhoi đó cũng gợi sáng trong tâm. Chỉ có người điếc tâm hồn mới không nghe được tiếng nói của hoa lá cỏ cây. Hoa có tiếng nói của hoa, cũng như tất cả những cảnh vật thiên nhiên đều có tiếng nói. Người Nhật biết nghe lời nói của hoa lá, cỏ cây, côn trùng và chim chóc.

 
Lạc Sinh
(Trích dịch từ Le Livre dec Fleurs,
nhà xuất bản Plon, Paris 1974).

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét