Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Nga tìm mọi cách thúc ép thành lập liên bang Ukraina

Bản đồ Ukraina : Thành lập một liên bang để làm suy yếu chính quyền trung ương Kiev - DR
Bản đồ Ukraina : Thành lập một liên bang để làm suy yếu chính quyền trung ương Kiev - DR

Thời sự: Thứ tư, 16/04/2014
 
Đức Tâm
 
Sau khi sáp nhập Crimée, mục tiêu tiếp theo của Nga là thúc ép Ukraina trở thành một liên bang, qua đó, làm suy yếu chính quyền trung ương ở Kiev.
 
Để tạo sức ép cho cuộc họp bốn bên Nga, Hoa Kỳ, Châu Âu và Ukraina, dự kiến được tổ chức vào ngày mai, 17/04/2014, ở Geneve, hôm nay, lại một lần nữa, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tuyên bố rằng mô hình tập trung quyền lực ở trung ương của Ukraina đã ngừng hoạt động, « các nền tảng của mô hình này đã bị phá hủy do một loạt các thay đổi chính trị ».

Do vậy, theo ông Lavrov, việc thành lập liên bang « sẽ là cách để bảo đảm cho mỗi vùng của đất nước này cảm thấy thoải mái, các quyền của các vùng được bảo đảm, các truyền thống và lối sống của họ được bảo vệ ».

Ngày 17/03, Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra những điều kiện để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Ukraina. Một trong những điểm chính trong danh mục các đòi hỏi của Nga là Ukraina phải xây dựng một « Hiến pháp liên bang », rồi đem ra trưng cầu dân ý.

Matxcơva không ngần ngại đi xa hơn, tự cho mình có quyền như một kiến trúc sư, phác họa các cải cách mà chính quyền Kiev phải tiến hành, như bầu cử các dân biểu địa phương và Thống đốc các vùng, các vùng có thêm nhiều quyền « phản ánh bản sắc văn hóa và lịch sử của họ, cũng như trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, các vấn đề xã hội, ngôn ngữ, giáo dục, quan hệ liên vùng, đồng thời bảo vệ các quyền của các cộng đồng thiểu số ».

Đối với Ukraina, mô hình liên bang là một quả bom nổ chậm. Ý đồ của Nga là ngăn cản mọi khả năng lãnh đạo chính trị của Kiev đối với đất nước Ukraina một khi thấy không phù hợp với các lợi ích của Matxcơva.

Theo ông Olexandre Souchko, giám đốc nghiên cứu viện hợp tác Châu Âu- Đại Tây Dương, ở Kiev, được báo Le Monde trích dẫn, Nga « muốn thay thế chính quyền trung ương bằng các lãnh chúa vùng miền. Dự án của Nga có mục đích làm cho bộ máy Nhà nước không hoạt động được, trao cho các vùng quyền phủ quyết những vấn đề to lớn trong chính sách đối nội và thậm chỉ cả đối ngoại ».

Chuyên gia Volodymyr Fessenko, thuộc trung tâm nghiên cứu chính trị ứng dụng Penta nhận định rằng dự án của Nga muốn hướng tới một dạng liên hiệp các vùng miền, chứ không phải là liên bang thực sự và mô hình này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng chính quyền ở Kiev.

Đối phó với âm mưu của Nga, chính quyền Ukraina, với sự ủng hộ của phương Tây, chủ trương phát triển mô hình tản quyền : Đó là ủy quyền cho các địa phương một số nhiệm vụ, đi kèm với việc cung cấp các phương tiện để thực hiện các trách nhiệm này. Theo Thủ tướng Ukraina Arseni Iatseniouk, kế hoạch cải cách là nhằm chuyển giao cho « các cấp hành chính phía dưới nhiều đặc quyền rộng lớn và các nguồn phương tiện cần thiết để phát triển », trong các lĩnh vực y tế, dịch vụ công cộng ở địa phương ; các đặc thù địa phương trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, lịch sử sẽ được tôn trọng.

Giới phân tích cảnh báo, nếu không thực hiện tản quyền đi kèm với việc cung cấp các nguồn tài chính, thì Ukraina sẽ lại rơi vào tình trạng như dưới thời cựu Tổng thống Viktor Ianoukovitch : Toàn bộ mọi quyền lực và phương tiện tập trung trong tay một nhóm lợi ích. Nhìn lại quá khứ, tất cả giới lãnh đạo chính trị tại Ukraina đều phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này. Từ năm 1991 đến nay, các chính quyền trung ương ở Kiev đều tìm cách thâu tóm quyền lực và nguồn tài chính.

Trong bối cảnh hiện nay, Ukraina không thể lùi bước được nữa. Nhưng, để thực hiện được mô hình tản quyền, công việc đầu tiên mà Kiev phải làm là kiểm soát và làm chủ được tình hình đất nước.

Chính vì thế, theo một số chuyên gia, Nga đứng đằng sau các vụ nổi dậy, đòi ly khai, gây mất ổn định ở miền đông Ukraina, không phải để tái diễn kịch bản sáp nhập Crimée, mà là để áp đặt quan điểm của Matxcơva : Biến Ukraina thành một liên bang.

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr

Nữ thợ săn 13 tuổi và đại bàng

Cuộc sống đó đây:
Thứ ba, 15/4/2014
 
Một nhiếp ảnh gia đã chụp được những hình ảnh về cô gái có lẽ là duy nhất trên thế giới đi săn với chú đại bàng vàng. Ông nói theo dõi việc cô gái săn mồi thật thú vị.
 

William Kremer
BBC World Service
 
Asher Svidensky nói rằng hầu hết những đứa trẻ đều ít nhiều sợ hãi những chú đại bàng vàng. Những đứa bé trai người Kazakh ở miền tây Mông Cổ 13 tuổi thì bắt đầu học cách điều khiển loài ưng điểu này cho việc săn cáo, thỏ, và khi đó những chú chim lớn đậu trĩu nặng những cánh tay còn yếu ớt của các em. Svidensky, một nhiếp ảnh gia và là một cây viết chuyên về du lịch, đã chụp hình năm thiếu niên đang học cách săn mồi với đại bàng, và ông cũng chụp hình Ashol-Pan.
 
“Theo dõi cô bé cùng đại bàng thật là tuyệt diệu,” ông nhớ lại. “Cô bé tỏ ra thoải mái hơn nhiều, khỏe hơn nhiều và điều khiển dễ dàng hơn nhiều.”
 
 
Người Kazakhs sống ở dãy núi Altai, miền tây Mông Cổ là những người duy nhất dùng đại bàng vàng để săn mồi, và ngày nay có chừng 400 chú chim làm việc này. Ashol-Pan, con gái của một thợ săn lừng danh có lẽ là nữ thợ săn duy nhất ở nước này.
 
Họ đi săn vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống -4 độ C. Việc đi săn bắt đầu với những ngày rong ruổi trên lưng ngựa qua lớp tuyết trên núi, hoặc triền đá để chú chim có thể quan sát được xa hàng km. Các thợ săn thường đi theo nhóm. Khi phát hiện được con cáo, họ sẽ đuổi cho nó chạy ra chỗ trống, rồi chú đại bàng được thả ra. Nếu chú chim không hạ được con mồi thì một chú chim khác sẽ được tung ra.
 

Svidensky nói kỹ năng săn mồi cùng đại bàng nằm ở sự khắc nghiệt, khó đoán của tự nhiên. “Bạn không thực sự kiểm soát chú đại bàng. Bạn chỉ khuyến khích nó săn một con thú khác, và đó là vấn đề bản năng. Chú đại bàng sẽ làm gì? Làm thế nào để nó lại quay về với bạn sau khi bắt được mồi?”
 
Các chú đại bàng không được nuôi trong điều kiện cầm giữ, mà được bắt từ tổ về khi còn rất non. Người ta chọn các chú đại bàng cái non, bởi chúng về sau sẽ lớn hơn các con đực. Một chú chim trưởng thành có thể nặng tới 7kg, với sải cánh trên 230cm. Sau nhiều năm phục vụ, vào một buổi sáng mùa xuân, thợ săn sẽ thả chú đại bàng đi lần chót, và để một chú cừu đã giết chết trên núi như món quà chia tay. “Đó là cách mà các thợ săn Kazakh làm, để đại bàng trở về với tự nhiên và đẻ trứng, có con, tiếp nối những thế hệ tương lai,” Svidensky nói.
 

Ông mô tả Ashol-Pan là một cô bé luôn tươi cười, dễ thương và rụt rè. Các tấm hình của ông chụp cô đang làm công việc mà những người đàn ông nơi này từng làm suốt 2000 năm qua kể về một câu chuyện Mông Cổ trong thế kỷ 21.
 
“Thế hệ sẽ quyết định xem điều gì sẽ xảy ra với những gì cổ truyền của Mông Cổ chính là thế hệ này,” Svidensky nói. “Mọi thứ sẽ thay đổi và sẽ được định nghĩa lại, có lẽ là theo cách rất thú vị.”
 



Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Lửa trong Vùng đất của Tuyết: Các vụ tự thiêu ở Tây Tạng


Căng thẳng Mỹ Nga leo thang : Phi cơ Nga khiêu khích tàu Mỹ

USS Donald Cook. Nguồn Wikimedia.org

USS Donald Cook. Nguồn Wikimedia.org
 
Thời sự: Thứ ba, 15/04/2014
        
 
Tình hình Ukraina càng lúc càng gây thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Washington và Matxcơva. Ngày 14/04/2014, Lầu Năm Góc tố cáo việc Không quân Nga cho chiến đấu cơ đến « khiêu khích » một khu trục hạm Mỹ đang hoạt động tại vùng Biển Đen. Cùng lúc, Tổng thống Barack Obama cũng đã có một cuộc điện đàm gay gắt với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin về diễn biến tình hình ở miền Đông Ukraina. 
 
Sự cố trên Biển Đen đã được chính một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ loan báo. Theo Đại tá Steven Warren, vào ngày 12/04/2014, một chiến đấu cơ Su-24 của Nga đã rất nhiều lần bay theo khu trục hạm USS Donald Cook của Mỹ đang di chuyển trong vùng biển quốc tế ở phía tây Biển Đen, ở một độ cao rất thấp, gần sát chíếc tàu.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc còn cho biết chiếc Su-24 mà khối NATO gọi là Fencer đã bay qua tàu Mỹ tổng cộng là 12 lần, với một số lần sát mặt nước, trong khoảng 90 phút đồng hồ, « có vẻ như không mang theo vũ khí » vì không thấy tên lửa gắn dưới cánh.

Theo Đại tá Warren, chiếc phi cơ Nga đã không phản ứng trước các câu hỏi và lời cảnh báo của Khu trục hạm Donald Cook được trực tiếp gởi đến viên phi công truyền thông qua các kênh liên lạc khẩn cấp quốc tế. Ông tố cáo : « Đây là một hành động khiêu khích và không chuyên nghiệp, đi ngược lại với các quy trình quốc tế và các thỏa thuận đã ký kết ».

USS Donald Cook là khu trục hạm được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, được Mỹ điều động từ căn cứ hải quân Rota ở Tây Ban Nha đến vùng Biển Đen từ hôm 10/04/2014 với nhiệm vụ chính thức là tham gia tập trận cùng với các đồng minh khu vực và ghé cảng hữu nghi.

Căng thẳng Mỹ-Nga không chỉ leo thang trên Biển Đen, mà còn diễn ra trên thượng tầng nhà nước. Tổng thống Mỹ Barack Obama và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, cũng vào hôm qua, đã tranh cãi gay gắt với nhau trên hồ sơ Ukraina trong một cuộc nói chuyện qua điện thoại mà Washington xác định là được thực hiện theo yêu cầu của Matxcơva.

Theo Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm, ông Obama tố cáo Nga là đã hậu thuẫn cho « các thành phần ly khai vũ trang thân Nga đang đe dọa làm suy yếu và gây bất ổn cho chính phủ của Ukraina ». Đối với Tổng thống Mỹ, « tất cả các lực lượng không chính quy tại Ukaraina đều phải buông súng ». Ông Obama còn thúc giục đồng nhiệm Putin « dùng ảnh hưởng của mình trên các nhóm võ trang thân Nga tại Ukraina để họ rời khỏi các cơ sỏ chính quyền mà họ đang chiếm giữ ».

Đề nghị của Tổng thống Mỹ dĩ nhiên đã bị đồng nhiệm Nga bác bỏ. Theo điện Kremli, ông Putin đã phản bác các cáo buộc từ phía Mỹ. Đối với Matxcơva, những lời tố cáo Nga can thiệp vào miền Đông Ukaraina đều « không có cơ sở ».

Diễn tiến tình hình hiện nay tại miền Đông Ukraina đang gợi lại kịch bản mà Matxcơva vừa mới sử dụng hồi tháng 3/2014 để sáp nhập vùng lãnh thổ Crimée của Ukariana vào Nga.

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Mỹ có thể trợ giúp khí đốt cho Châu Âu

 
Ukraina và 6 nước châu Âu khác đều phải mua khí đốt của Nga.
Ukraina và 6 nước châu Âu khác đều phải mua khí đốt của Nga
 
 
Thời sự: Chủ nhật, 13.04.2014                
 
Vào lúc Nga tiếp tục tăng giá khí đốt bán cho Ukraina, một số người nhìn vào khí đốt của Hoa Kỳ như là một cách giảm bớt sự lệ thuộc về năng lượng của châu Âu vào Nga. Tuy nhiên theo như tường trình của Thông tín viên đài VOA Kent Klein, đây là một giải pháp còn phải chờ vài năm nữa mới thực hiện được.

Cư dân Kyiv Svetlana Kuleshova và Yuri Kuleshov đang phải trả giá cho khí đốt đắt tiền hơn của Nga.

Ôngg Yuri Kuleshov nói: “Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách của chúng tôi. Chúng tôi đơn giản sẽ phải ngưng mua tất cả mọi thứ chúng tôi đang mua hiện nay, vì trong bất cứ mọi trường hợp, chúng tôi buộc phải trả tiền mua khí đốt để ít nhất là sưởi ấm nhà tránh khỏi bị lạnh giá. Chúng tôi dĩ nhiên sẽ bắt đầu tìm cách thay thế.”

Việc lo lắng của họ cũng tương tự như nhiều người châu Âu. Ukraina và 6 nước châu Âu khác đều mua khí đốt của Nga.

Trong khi đó những đe dọa trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga bị coi thường. Phó Thủ tướng thứ Nhất Nga Igor Shuvalov nói Nga có thể tìm nơi khác để bán khí đốt và việc này sẽ làm châu Âu tổn hại thêm.

Ông Igor Shuvalov nói: “Việc này sẽ buộc các nước châu Âu đầu tư thêm vào hạ tầng cơ sở mới để mua khí đốt của Mỹ và những nơi khác trên thế giới. Châu Âu sẽ phải trả thêm. Điều này có nghĩa là các người tiêu dùng sẽ phải trả thêm tiền, nhưng khí đốt của Nga sẽ được các vùng khác trên thế giới tiêu thụ.”

Khí đốt của Mỹ được dẫn qua một nhà máy tại tiểu bang Maryland, miền đông Hoa Kỳ, có thể giúp giải quyết vấn đề…nhưng còn phải chờ.

Một khu vực mới của nhà máy giúp cơ sở này hóa lỏng khí đốt và chở ra nước ngoài chưa sẵn sàng cho đến cuối năm 2017. Những nhà máy khác được xây dựng cũng mất thời gian tương tự.

Và khi nhà máy mới hoạt động, nơi này sẽ xuất khẩu tất cả khí đốt sang Ấn Độ và Nhật Bản.

Chuyên gia về năng lượng Paul Bledsoe thuộc Quỹ Marshall Đức của Mỹ cho biết Hoa Kỳ sẽ không phải là nguồn khí đốt mới đầu tiên của châu Âu.

“Nơi đầu tiên là những ống dẫn ở phía nam từ Trung Á, từ Bắc Phi và từ chính những nguồn của các nước châu Âu. Điều chúng tôi muốn nói ở đây là mở rộng các nguồn khí đốt sẵn có trên toàn cầu, chính yếu là toàn cầu hóa thị trường khí đốt.”

Ông Bledsoe nói Washington nên nhanh chóng chấp nhận đơn đặt hàng của các nước châu Âu nhập khẩu khí đốt và giúp châu Âu khai thác khí đốt từ đá phiến sét.

“Điều chúng tôi thực sự kêu gọi là kế hoạch chung Hoa Kỳ-Liên hiệp châu Âu về khí đốt, đa dạng hóa nguồn khí đốt cho châu Âu, giảm giá trong dài hạn, cắt giảm khí thải và giảm lệ thuộc vào Nga. Có cơ hội rất to lớn trong chuyện này.”

Theo nhà văn và giáo sư về năng lượng Steve LeVine, khi việc này xảy ra, châu Âu và Hoa Kỳ đều được lợi.

“Ảnh hưởng của việc xuất khẩu tất cả khí đốt này, và tín hiệu được gởi đi là sẽ gia tăng ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên thế giới, ảnh hưởng về địa lý chính trị từ khí đốt này.”

Theo ông LeVine, Tổng thống Nga Vladimir Putin lúc đó sẽ phải bán khí đốt cho Trung Quốc với giá rẻ hơn.
 

Dầu Khí Âu-Mỹ và Ống Dẫn Khí Nối Ruột Nga-Hoa


Nguyễn-Xuân Nghĩa 
Thứ bảy, 05/04/2014
 
Chuyện Dầu Khí - Thổi Từ Ukraine Qua Đông Hải
 
 * Ống dẫn Nga Hoa, dự án trên mạn Bắc * 
 


Việc Vladimir Putin thôn tính bán đảo Crimea của Ukraine xảy ra khi kinh tế Liên bang Nga tăng trưởng chậm hơn – bị suy trầm – và có thễ dẫn tới suy thoái, là không tăng trưởng dù chậm mà còn tụt xuống số âm. Nhìn trong một viễn cảnh dài, vụ khủng hoảng Ukraine còn đánh dấu một chuyện động lớn lao hơn vậy, đó là vai trò mới của năng lượng, khi cuộc cách mạng về dầu thô và khí đốt tại Hoa Kỳ sẽ làm thay đổi tương quan kinh tế giữc các khu vực của toàn cầu.

Chúng ta hãy cùng nhìn lại....

Bài học thường thức về địa dư chính trị và an ninh kinh tế cứ hay được tóm lược như sau, đôi khi để giải thích sự tranh chấp hay chinh chiến từ hơn nửa thế kỷ vừa qua:

Thế giới có hai nhu vực sản xuất nhiều năng lượng dầu khí nhất, đó là Trung Đông và nước Nga. Và có hai khu vực tiêu thụ mạnh nhất, ở quanh Ấn Độ dương và Đông Á. Nơi tiêu thụ bao trùm lên một xứ đông dân và mới ni63i là Ấn Độ, trải qua các nước đang phát triển tại Đông Nam Á, tới Trung Quốc vừa cải cách và lên vùng Đông Bắc Á của các nước đã công nghiệp hoá mà không có dầu khí: Nhật Bản, Nam Hàn và cũng nên kể thêm Đài Loan.

Vì dầu khí, xin gọi chung là năng lượng không tái tạo, là nhiên liệu cần thiết cho công nghiệp cho nên chuyện cung cầu đã trở thành định luật chi phối quan hệ giữa các khu vực và các nước, giữa nguồn sản xuất và nơi tiêu thụ. Các nước liên kết hoặc cạnh tranh với nhau không chỉ vì y thức hệ hay tư tưởng mà còn vì nguyên liệu tối cần thiết cho kinh tế.

Trong khung ảnh đó, thế giới có "Lục địa già" là Âu Châu và siêu cường mới nổi từ trăm năm thì nghe nói là đã bắt đầu lụn bại, là Hoa Kỳ. Cả Âu Châu lẫn Hoa Kỳ đều cần năng lượng và từ bốn chục năm trước, người ta đã báo động cái ngày cạn dầu khí, peak oil khiến các nước bán dầu có thể chi phối được thế giới.

Nói về "Thế giới già", the Old World, sau nhiều thế kỷ tung hoành tứ phương để tìm nguyên nhiên vật liệu rồi giết nhau bao lần, ngày nay Âu Châu đã an phận thủ thường. Các nước trong khu vực tìm cách dung hòa với Trung Đông cùng nước Nga, để có nhiên liệu sưởi ấm tuổi già.

Còn Hoa Kỳ thì vì sợ cạn dầu và mất an toàn về năng lượng nên đòi gây chiến khắp nơi để xài dầu của xứ khác. Gần đây nhất là vụ tấn công Iraq năm 2003 "chỉ để tìm dầu", như nhiều nơi kết án! Vì đi trước, Hoa Kỳ còn sợ ô nhiễm môi sinh nên muốn làm cuộc cách mạng năng lượng xanh. Hạn chế khí thải rồi bắt gió hay nhốt ánh sáng mặt trời để có năng lượng sạch và tái tạo là chủ trương của Chính quyền Barack Obama với sự cổ võ của đảng Dân Chủ và các nhóm áp lực.

Thế rồi giữa cơn nguy nàn ấy, một cuộc cách mạng năng lượng khác đã bất ngờ xảy ra!

Chuyện quang phong năng vẫn còn hão huyền. Vụ công ty Solyndra phá sản sau khi lãnh trợ cấp của Chính quyền Obama là cái ngoặc đơn được báo chí thiên tả khép lại cho kín. Cách mạng bất ngờ là người ta tìm ra kỹ thuật giải phóng dầu thô và khí đốt bị nhốt trong các phiến đá trầm tích. Đó là kỹ thuật fracking.

Khởi đi từ năm 2006 tại Hoa Kỳ, kỹ thuật gạn cát ra dầu khí, hoặc đánh bung những túi dầu bị nhốt - dầu chặt hay tight oil - đem lại triển vọng mới cho các nước có loại trầm tích này.

Trước tiên là triển vọng cho nước Mỹ, với nhiều "túi đá" rộng lớn tại các tiểu bang Texas, Louisiana, North Dakota, Pennsylvania, Ohio, New York và nơi khác. Trong vòng mươi năm tới, Hoa Kỳ có tiềm năng vượt qua Liên bang Nga và Saudi Arabia thành quốc gia có sản lượng dẫn đầu thế giới, lại còn dư để xuất cảng qua xứ khác. Tiềm năng đó sẽ làm thay đổi vị trí địa dư kinh tế của vùng Vịnh Mễ Tây Cơ qua tới khu vực Trung Mỹ, bao trùm lên vùng biển Caribbean và có thể xuống tới xứ Brazil.

Nhưng không chỉ có Hoa Kỳ. Canada và Mexico cũng tìm ra nhiều khu vực có thể khai thác và đưa cả lục địa Bắc Mỹ thành một trung tâm năng lượng của thế giới. Chúng ta sẽ chứng kiến việc thay bậc đổi ngôi, với Trung Đông và nước Nga mất dần vị trí trọng yếu. Sự chuyển dịch trọng tâm năng lượng còn bao gồm nhiều quốc gia Âu Châu, nay cũng đã tìm ra những khối trầm tích có khí đốt. Lục địa già có thể trỗi dậy và nhìn năng lượng Nga hay Trung Đông theo cách khác....

Khi vụ khủng hoảng Ukraine bùng nổ, cả thế giới nói đến cái thế rất mạnh của Putin nhờ năng lượng của Nga đang bắt bí các nước Âu Châu. Sự quờ quạng bất nhất của Chính quyền Obama có thể kéo dài cái thế của Putin được vài năm, nhưng Hoa Kỳ cũng sẽ chuyển hướng theo thực tế mới của năng lượng và địa dư kinh tế. Các nước Âu Châu cũng vậy, sẽ phải thay đổi để thoát vòng kiềm tỏa năng lượng của Liên bang Nga.

Manh nha từ vài năm nay, chiều hướng đa diện hóa nguồn cung cấp dầu khí cho Âu Châu đã là bài toán sinh tử cho Putin. Nhìn về dài thì vụ Ukraine là đỉnh cao, hay điểm lật, của ông ta.

Từ nhiều năm nay, Nga đã thấy ra hai chuyển động nặng, hai xu hướng khó cưỡng.

Trước hết, Âu Châu sẽ ít lệ thuộc hơn vào năng lượng của Nga và tìm nguồn cung cấp điền thế. Và càng sớm đạt kết quả đó nhờ sức đẩy của Mỹ qua xuất cảng dầu khí và nhờ đầu tư vào hệ thống tái chế khí lỏng thành khí đốt để phân phối cho các nước. Hoa Kỳ cũng sẽ phổ biến kỹ thuật khai thác khí đốt cho các nước có đá trầm tích nếu được đầu tư dễ dàng để cùng chia mối lợi về năng lượng.

Chuyển động thứ hai và ngược lại, Á Châu vẫn là nơi cần năng lượng hơn cả.

Trong vòng 20 năm tới, khu vực kéo dài từ Ấn Độ dương qua Thái Bình dương sẽ tiêu thụ đến 85% số năng lượng toàn cầu. Đứng đầu là Trung Quốc, sau đó tới Ấn Độ, và thường xuyên là Nhật Bản và Nam Hàn, ở mức độ thấp hơn hai xứ đông dân kể trên. Cho nên, trong khi Hoa Kỳ có thể nhìn vào Trung Đông với con mắt khác, Á Châu vẫn cần tới dầu khí Hồi giáo tại Trung Đông.

Nhìn từ nước Nga, với khu vực dầu khí xa xôi mãi ở Tây Bá Lợi Á Siberia, thì sức hút về khí đốt của Châu Á mới có triển vọng. Liên bang Nga của Putin thấy gần gũi hơn với Trung Quốc của Tập Cận Bình và đôi bên đang nối kết sự hợp tác qua mạng lưới các ống dẫn khí xuyên lục địa.

Xuyên lục địa cũng có nghĩa là qua nhiều nước Hồi giáo Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkemenistan và Uzbekistan...

Ở bên này, xuyên qua Đại Tây dương, là hệ thống hàng hải có thể đưa khí lỏng từ Bắc Mỹ qua Tây Âu, dưới sự hộ tống và bảo vệ của các hạm đội Tây phương. Và vì trái đất hình tròn, dầu khí từ Bắc Mỹ cũng có thể vượt Thái Bình dương để tiếp vận cho Nhật Bản, Nam Hàn.

Cho nên, âm thầm mà mãnh liệt, cuộc cách mạng năng lượng đang dẫn tới những xoay chuyển có ảnh hưởng lâu dài.

Kết luận tạm ở đây là hai nước đồng chí, rồi cừu thù, rồi lại đồng minh, là Trung Quốc và Liên bang Nga, thấy gắn bó với nhau nhờ sợi dây nối ruột là khí đốt. Nhưng cả hai đều chỉ là cường quốc đại lục và có cảm giác như bị bao vây phong tỏa bởi các nước Tây phương, từ Bắc Mỹ qua Âu Châu tới Nhật Bản. Chưa nói gì đến Ấn Độ ở bên kia Hy Mã Lạp Sơn, bên cạnh Ấn Độ dương. Ngoài khía cạnh hợp tác và cạnh tranh Nga-Hoa, việc Trung Quốc quậy sóng Đông hải và khống chế vùng biển Đông Nam Á dĩ nhiên là có lý do an ninh và kinh tế.

Nhưng đã gây phản ứng ngược, chạy dài từ Nhật Bản qua Ấn Độ.

Nhiều người trong chúng ta đã thấy sự tương đồng giữa những gì xảy ra tại Ukraine dưới sức ép của Putin, và những gì xảy ra tại Việt Nam, dưới áp lực của Bắc Kinh. Ngoài sự phấn đấu đầy gian nan của lãnh đạo Ukraine tại Kyiv, chúng ta cũng nên để ý tới vai trò của năng lượng và những chuyển động lớn trong thập niên trước mặt....

Ngẫm lại thì 40 năm về trước, trong cơn hấp hối của Việt Nam Cộng Hoà, lãnh đạo Hà Nội chưa biết sợ khi quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng đoạt. Ngày nay, quần đảo Trường Sa và cả khu vực Đông Nam Á còn bị hải quân Trung Quốc uy hiếp. Một trong nhiều động lực của sự bành trướng cũng là dầu khí, hay an ninh về năng lượng cho một xứ đói ăn khát dầu.

Chuyện ý thức hệ - xã hội chủ nghĩa với màu sắc linh linh hay kinh tế thị trường theo định hướng lăng nhăng - nằm ở đâu trong bài toán chiến lược đó? Rõ là vớ vẩn!
 

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ-Trung thách thức nhau về chính sách khu vực



 
 
— Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel và người tương cấp phía Trung Quốc đã dùng những lời lẽ cứng rắn để nói chuyện với nhau về những mục tiêu chính sách của Trung Quốc trong khu vực. Cuộc họp hôm nay ở Bắc Kinh diễn ra trong lúc ông Hagel thực hiện chuyến viếng thăm Trung Quốc trong 3 ngày để cải thiện quan hệ quân sự giữa hai nước. Mời quí vị theo dõi thêm các chi tiết qua bài tường thuật do thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA gởi về từ Bắc Kinh.

Chuyến viếng thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Hagel diễn ra vào một thời điểm mà các mối căng thẳng giữa hai nước đang gia tăng. Ông và Tướng Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, đã dùng những lời lẽ cứng rắn khi mô tả những mục tiêu chính sách trái ngược nhau của hai nước trong khu vực. Ông Hagel đả kích việc Trung Quốc tháng 11 năm ngoái đã thiết lập một khu vực nhận dạng phòng không bao trùm lãnh thổ có tranh chấp với Nhật Bản ở Biển Đông Trung Hoa.

"Hoa Kỳ đã nói rất rõ về vấn đề này. Và điều đó là, thứ nhất, các nước có quyền thiết lập vùng phòng không, nhưng không có quyền thiết lập một cách đơn phương, không có sự hợp tác, không có sự tham khảo ý kiến. Điều đó là gia tăng những mối căng thẳng, những sự ngộ nhận, và rốt cuộc có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột và thậm chí có thể đưa tới những vụ xung đột nguy hiểm."

Ông Hagel đến Bắc Kinh sau khi ghé thăm Nhật Bản. Tại đây, ông nói với các nhà báo rằng Trung Quốc phải minh bạch hơn về việc tăng cường sức mạnh quân sự và cần phải có sự tôn trọng nhiều hơn đối với các nước láng giềng.

Đáp lại những lời chỉ trích của ông Hagel, người đứng đầu bộ quốc phòng Trung Quốc nói rằng nước ông không bao giờ gây hấn với Nhật Bản một cách không cần thiết nhưng luôn luôn sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ của mình.
 
Ông Hagel đến Bắc Kinh sau khi ghé thăm Nhật Bản.
Ông Hagel đến Bắc Kinh sau khi ghé thăm Nhật Bản.
 
"Đối với những vụ tranh chấp chủ quyền các hòn đảo nhỏ và ranh giới trên biển, Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các vấn đề này thông qua các cuộc đàm phán với các nước có liên hệ trực tiếp."

Trung Quốc và Nhật Bản đang vướng vào một vụ tranh chấp gay gắt liên quan tới chủ quyền của quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku ở Biển Đông Trung Hoa.

Năm ngoái, Trung Quốc đã thiết lập một vùng nhận dạng phòng không bao trùm các hòn đảo đó và tự ý tuyên bố có quyền thực hiện hành động trả đũa đối với những phi cơ nào bay qua vùng này mà không có sự chấp thuận trước của Trung Quốc.

Washington và Bắc Kinh cũng tranh cãi với nhau về những vụ tấn công mạng. Hoa Kỳ tố cáo Trung Quốc liên tục thực hiện những vụ tấn công nhắm vào các cơ quan chính phủ Mỹ và các công ty tư nhân của Mỹ. Theo dự liệu, ông Hagel sẽ thúc giục Trung Quốc gia tăng sự minh bạch của chính sách về vấn đề tin tặc, với cam kết là Hoa Kỳ sẽ có hành động để bù đáp một cách thích đáng.
 
Ông Hagel trở thành giới chức nước ngoài đầu tiên lên thăm hàng không mẫu hạm duy nhất của Trung Quốc Liêu Ninh.
Ông Hagel trở thành giới chức nước ngoài đầu tiên lên thăm
hàng không mẫu hạm duy nhất của Trung Quốc Liêu Ninh.
 
Ông Thành Hiểu Hà là giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh. Ông nói rằng cả ông Hagel và ông Thường Vạn Toàn đều là người xuất thân từ quân đội nên đôi bên có thể trao đổi với nhau tốt hơn về những vấn đề nhạy cảm.

"Ông Hagel không phải là một nhà ngoại giao. Ông ấy là một người của quân đội. Do đó ông ấy chắc là sẽ nói chuyện với người tương nhiệm của mình một cách thẳng thắn và tôi tin rằng nhân vật tương nhiệm của ông phía Trung Quốc cũng sẽ hành xử với một cung cách tương tự như vậy."

Hôm qua, ông Hagel trở thành giới chức nước ngoài đầu tiên lên thăm chiếc Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm duy nhất của Trung Quốc.

Chiếc tàu sân bay này chưa vận hành một cách đầy đủ nhưng có khả năng làm nơi cất cánh của các chiếc chiến đấu cơ phản lực. Tàu này là một biểu tượng của sự phát triển nhanh chóng của sức mạnh quân sự của Trung Quốc.