Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Kênh đào Panama, cuộc cách mạng giao thông hàng hải

   
Công trình mở rộng kênh đào Panama
Công trình mở rộng kênh đào Panama
(©Reuters)
Thanh Hà
      
Kênh đào Panama là con gà đẻ trứng vàng đem về hàng năm 1 tỷ đô la thu nhập cho nhà nước. 100 năm sau khi đi vào hoạt động, đây là nơi 5 % các dịch vụ giao thương bằng đường biển của toàn cầu phải đi qua. 144 tuyến đường hàng hải nối liền Panama với 1.700 hải cảng của 160 quốc gia trên thế giới.Công trình mở rộng kênh đào để thích nghi với đói hỏi của ngành vận tải đường biển là sự sống còn đối với Panama.
 
Vắt ngàng eo đất Panama, có chiều dài 77 km, con kênh nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Công trình xây dựng vĩ đại này đã làm thay đổi cục diện của ngành vận tải đường biển, rút ngắn lộ trình của các chuyến tàu chở hàng, qua đó giảm bớt tốn kém không biết bao nhiêu mà nói cho các thương gia. Khi con kênh chưa được hình thành, tàu chở hàng từ New York miền đông nước Mỹ sang một thành phố ở miền tây như là San Francisco phải vượt 22.500 cây số, đánh vòng mãi xuống tận Mũi Sừng ở cực nam Chilê. Với kênh đào Panama, khoảng cách bằng đường biển giữa New York và San Francisco chỉ còn là 9.500 cây số, tức chỉ bằng chưa đầy phân nửa so với trước.

Những ý tưởng về một tuyến đường biển nối liền hai đại dương đã nảy sinh từ đầu thế kỷ thứ XVI. Nhưng mãi đến năm 1880, nhà ngoại giao Pháp Ferdinand de Lesseps sau khi đã thành công với kênh đào Suez ở Ai Cập đã dễ dàng huy động vốn cho kênh đào Panama. Công trình được chính thức khởi công ngày 01/01/1882. Tiếc là Lesseps đã không gặp may : tháng 9 năm đó, một trận động đất lớn ngay trên eo đất Panama đã chôn vùi luôn cả tập đoàn do Lesseps làm chủ. Trị giá cổ phiếu của dự án « thế kỷ » tan thành mây khói.

Tiếp theo đó là là dịch bệnh, là những khó khăn về kỹ thuật chồng chất trong việc xây dựng kênh đào ngàn mực nước biển, khí hậu khắc nghiệt của vùng Trung Mỹ gây thêm khó khăn.

Ngay cả sau khi kỹ sư Gustave Eiffel khắc phục được khó khăn kỹ thuật với giải pháp xây 10 âu thuyền để điều chỉnh mực nước, công trình vẫn bị chậm trễ. Cái giá phải trả cả về vật chất lẫn nhân lực ngày càng tăng cao. Do bệnh tật - chủ yếu là bệnh sốt huyết vàng - đã có ít nhất 22.000 công nhân thiệt mạng vì kênh đào Panama trong thời gian từ năm 1881 đến 1889. Tập đoàn quản lý công trình xây dựng kênh đào tuyên bố phá sản năm 1889.

Đến năm 1903 Pháp chuyển nhượng lại quyền khai thác cho Hoa Kỳ. Bản thân Panama cũng hoan nghênh việc Mỹ tham gia, một phần là để cảm ơn nước Mỹ đã giúp cho quốc gia này giành độc lập, tách rời khỏi Colombia.

Dưới sự điều hành của kỹ sư quân đội Mỹ George Washington Goethals, dự án kênh đào dựa vào ba hệ thống âu tàu và các hồ nước nhân tạo. Phải mất thêm 10 năm nữa, kênh đào Panama mới hoàn thành. Ngày 15/08/1914 tàu chở hàng Ancon khai trương con kênh. Kể từ khi đi vào hoạt động, kênh đào Panama được đặt dưới sự quản lý của chính phủ Mỹ cho tới năm 1999 trước khi Washington trao trả lại cho Panama.



Cuộc cách mạng trong ngành vận tải đường biển

Trong một trăm năm hoạt động vừa qua, kênh đào Panama đã liên tục được chiếu cố và trở thành cửa ngõ chiến lược của ngành vận tải đường biển. Hàng năm có tới 14.000 tàu thuyền, gần 300 triệu tấn hàng đi qua đây. Tất cả các cỡ tàu, thuyền đều có thể đi ngang qua kênh đào, từ du thuyền đến những chiếc tàu chở hàng cồng kềnh có kích thước tối đa theo chuẩn mực gọi là Panamax. Trung bình mỗi ngày có tới 40 tàu thuyền sử dụng con kênh này.

5 % giao thương đường biển của thế giới, và nếu không kể tàu chở dầu thì có tới 20 % hàng hóa của toàn cầu phải đi qua con kênh này. Công trình xây dựng nói trên bảo đảm đến gần 10 % thu nhập của nhà nước Panama.

Ngoài tầm mức quan trọng của kênh đào Panama đối với các hoạt động thương mại bằng đường biển, công trình này còn là một địa điểm du lịch có tiềm năng. Đây là nơi rất nhiều du thuyền tham quan vùng Alaska với vùng biển Caribê phải đi qua và tàu thường dừng lại ở cảng Panama.

Nhờ kênh đào, Panama đang từ một quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của Hoa Kỳ trở thành hải cảng quốc tế. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp qua vốn đầu tư của Mỹ, Trung Quốc Đài Loan, Mêhicô và của châu Âu. Đặc biệt là kể từ khi giành lại được quyền khai thác con kênh, Panama đã trở thành một địa điểm phân phối hàng hóa quan trọng của thế giới, một chặng then chốt và chiến lược của ngành vận tải đường biển.

Bước đột phá của kênh đào Panama trước hết là về mặt kỹ thuật : các kỹ sư Pháp rồi Mỹ ở vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã sử dụng hệ thống khóa nước cho phép điều chỉnh mực nước giúp cho tàu thuyền có thể dễ dàng di chuyển tại những vùng có chênh lệch về mực nước.

Với kênh đào Panama các âu tàu được thiết kế đã cho phép nâng mực nước Biển Caribe lên gang với mực nước của hồ Gatun, khắc phục được cách biệt có thể lên tới đến 26 mét. Thế rồi khi tàu hướng về Thái Bình Dương thì lại phải hạ mực nước xuống để ngang tầm với mực nước biển ở Thái Bình Dương.

Thành công càng lớn, thách thức lại càng nhiều

Vào năm 1934 tức ba thập niên sau khi bắt đầu phục vụ cho ngành chuyên chở hàng hải, khả năng tối đa đón tiếp các tàu chở hàng của con kênh là 80 triệu tấn hàng một năm.

Đến năm 2005 khả năng đó đã được nhân lên hơn gấp 3 lần, để đạt khoảng 280 triệu tấn/năm. Thế nhưng kênh đào đã đụng phải giới hạn tối đa của mình và con kênh Panama đang đứng trước nhiều thử thách. 

 Thứ nhất là sự cạnh tranh của nhiều dự án đào kênh khác trong vùng. Mêhicô hay Colombia đã có kế hoạch đào mọt con kênh lớn hơn, rộng hơn kênh Panama để đón các loại tàu có kích cỡ lớn. Thế rồi bên cạnh đó là đe dọa Nicargua muốn « nhập cuộc » với chẳng những một dự án đào kênh mà còn có thêm hai kế hoạch xây dựng đường sắt nối liền hai bờ đông - tây. Xa hơn một chút là đe dọa của nhiều chủ tàu dọa tảy chay con kênh vì lệ phí quá đắt.


Thách thức thứ nhì đặt ra cho cơ quan quản lý và khai thác kênh đào là biến đổi khí hậu : nếu như trong tương lai, nhiệt độ của trái đất bị hâm nóng làm tan băng, nước biển từ Bắc Băng Dương dâng lên, mở ra những tuyến đường hàng hải mới. Khi đó khoảng cách giữa châu Au và châu Á bằng đường biển sẽ lại càng được thu hẹp lại.

Thứ thách thứ ba đối với Panama là do công trình này liên tục được chiếu cố trong 100 năm qua, sự hiện diện của tàu thuyền, cũng như các hoạt động ngày càng nhiều trong khu vực gây ô nhiễm cho môi trường, cho các loài động thực vật biển, đe dọa đến sự đa dạng sinh thái của cả một vùng Trung Mỹ.

Sau cùng đe dọa trực tiếp lớn nhất đối với kênh đào Panama là hồ Gatun cạn nước và sự tàn phá tự nhiên của các khu rừng nhiệt đới.


Mở rộng kênh đào

Ý thức được tất cả những thách thức nói trên chính quyền Panama từ năm 2007 đã tiến hành dự án mở rộng và nâng cấp kênh đào. Như đã biết trong những năm gần đây, tàu chở hàng của thế giới ngày càng lớn, càng có trọng lượng cao. Quốc tế ngày càng sử dụng tàu với kích thước cỡ hậu Panamax có khả năng chở đến 12.000 contener thay vì 4.400 như hiện tại.

Để đạt được mục tiêu này, Panama phải mở thêm một lối dẫn nước, đào một đoạn kênh mới, xây dựng thêm âu tàu, nạo vét các lối vào kênh, thay đổi hệ thống dây kéo, đường ray, thiết bị kiểm soát âu tàu mới ….

Mục tiêu của kế hoạch trung tu và mở rộng kênh đào để đón các hạng tàu lớn hơn, nâng khả năng chuyên chở lên thêm ít nhất là 20 %. Kênh đào Panama mở rộng trong hai thập niên nữa sẽ đem về hàng năm 3 tỷ đô la cho chính quyền của Panama City, một khoản thu vào cao gập ba lần so với hiện tại.

Kể từ năm 2017 mỗi năm nhà nước sẽ thu về thêm 300 triệu đô là để từng bước đạt được mức thu nhập 3 tỷ đô la vào năm 2025. Lãnh đạo cơ quan quản lý công trình xây dựng nổi tiếng nhất của Panama đã tuyên bố như trên với báo chí cho dù trước mắt công trình nâng cấp con kênh đã gặp nhiều trở ngại.

Thứ nhất là cơ quan quản lý đã chi ra 5 tỷ đô la mà dự án vẫn chưa hoàn tất. Chính quyền dự trù làm lễ khánh thành con kênh được trùng tu đúng vào ngày 15/08/2014 nhân lễ kỷ niệm Kênh đào Panama tròn trăm tuổi. Thế nhưng sau 7 năm kể từ khi kế hoạch nâng cấp kênh đào được thông qua, sớm nhất công trình xây dựng này sẽ chỉ hoàn tất vào đầu năm 2016.

Thách thức thứ hai đang đặt ra là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn các hoạt động cảu kênh đào Panama tùy thuộc vào trao đổi mậu dịch cảu châu Á, châu Âu và Hòa Kỳ. Một trong nhữ yếu tố ngoài dự tính của ban quản lý là kể từ năm 2008 nhiều tập đoàn sản xuất xe hơi, xe vận tải của hq và Nhật Bản đã di dời cơ sở sản xuất từ châu Á sang Mêhicô để « xích lại gần hơn với thị trường Mỹ Đây là một nguồn thât thu quan trọng đối với Panama.

Dù vậy trước những hứa hẹn của châu Mỹ La Tinh, các luồng vận tải hàng hải có thể sẽ “chảy ngược” để chuyển hàng từ các nước Nam và Trung Mỹ sang châu Âu và Hoa Kỳ.

Khó khăn thứ ba là công trình bị chậm trễ vì nhiều cuộc đình công : từ đầu năm tới nay công nhân tại công trường đã hai lần đinh công đòi tăng lương. Gần đây nhất là vào tháng 4/2014 công nhân đòi tăng lương 20 % một năm thay vì tăng koảng 10 % so với thỏa thuận giao kèo.

Sau hai tuần lễ bãi công, công nhân đã làm việc trở lại nhưng công trình xây dựng đã gặp thêm chậm trễ Sự chậm trễ đó là một nguồn thất thu lớn đối với cả ACP, cơ quan quản lý và khai thác kênh đào cũng như đối với chính phủ.

Nguồn: http://www.viet.rfi

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

QUÁ TRÌNH DU NHẬP CÁC MÔN VÕ VÀO VIỆT NAM

Quá trình du nhập các môn võ vào Việt Nam như thế nào, đối với nhiều người vẫn còn là một thắc mắc…
 
Sau đây chúng ta cùng nhau tìm hiểu quá trình du nhập các môn võ vào Việt Nam nhé!
 
Boxing (Quyền Anh): Có cội nguồn từ La Mã như một trò chơi của những giới quý tộc và sau này được hoàn thiện tại nước Anh. Thông qua người Pháp, Quyền Anh đã du nhập vào nước ta và toàn cõi Đông Dương khoảng năm 1925 với tên võ Hồng Mao (hay boxe Anglais). Ngay từ buổi ban đầu đưa Quyền anh sang, Việt Nam đã có nhiều tay đấm tạo được sự phấn khích cho khán giả và giới mộ điệu trong nước, các nước Đông Dương cũng như gây bất ngờ cho chính người Pháp. Một số võ sĩ tên tuổi từng dành nhiều thắng lợi cũng như đoạt chức vô địch toàn Đông Dương như: Môn, Kid Dempsey (Văn Phát), Đông Phương Sóc, Minh Cảnh… 

Quá trình du nhập các môn võ vào Việt Nam

Boxing

Judo (Nhu Đạo): Có nguồn gốc từ Nhật Bản, nhưng lại đến Việt Nam từ Thái Lan và từ Pháp. Năm 1937 một sĩ quan trong quân đội Hoàng Gia Thái Lan lưu vong sang Việt Nam được Chánh Mật thám Đông Dương thời bấy giờ mời dạy môn Judo cho nhân viên Cảnh sát và Công an và một ít Pháp kiều tập luyện. Đến năm 1946, một Võ sư Judo người Việt Nam mang huyền đai I đẳng là Pham Đăng Cao từ Pháp về Sài Gòn, mở lớp tập tại sân Hào Thành với 2 người Pháp phụ tá là Reiner và Zonca, lúc đầu cũng chỉ có người Pháp theo tập. Một thời gian sau ông Phạm Đăng Cao sang Pháp dự thi huyền đai II đẳng và trở về Việt Nam mở lớp Judo đầu tiên tại Cần Thơ một cách đại chúng khi ông được bổ nhiệm chức vụ Tỉnh trưởng tại đây.

Quá trình du nhập các môn võ vào Việt Nam

Judo

Tiếp nối công cuộc giới thiệu Judo tại tại Sài gòn của Võ sư Phạm Đăng Cao chính là Võ sư Hồ Cẩm Ngạc từ Nhật về với sự thông thạo của nhiều môn võ thuật khác nhau tại Nhật Bản. Nhưng môn Judo được người Việt Nam chú ý và yêu thích từ năm 1955 khi có sự xuất hiện của Võ sư Phạm Lợi, Võ Sư kiêm Đại Đức Thích Tâm Giác tổ chức các lớp tập phổ biến rộng rải đến nhiều tầng lớp dân chúng tại Sài gòn.
 
Taekwondo (Thái Cực Đạo/Túc Quyền Đạo): Có nguồn gốc từ Nam Triều Tiên, tức là Hàn Quốc ngày nay. Lớp dạy Taekwondo đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức tại Trung Tâm võ thuật của Trường Võ Bị Quốc Gia Thủ Đức vào ngày 01/02/1963 do các Huấn luyện viên và Võ sư người Nam Triều Tiên như Nam Tae Hi (7 đẳng), Kim Sung Kyu (5 đẳng), Jion Young Hui (5 đẳng) trưự thuộc Liên đoàn Thái Cực Đạo quốc tế (ITF – International Taekwondo Federation) phụ trách huấn luyện. Trong 63 môn sinh theo tập, lúc mãn khóa vào ngày 30/11/1963chỉ còn 57 người đạt đủ tiêu chuẩn và trong đó chỉ có 6 người đạt trình độ đai đen là: Khúc Văn Bón (thủ khoa), Nguyễn Mười Nho, Nguyễn Văn Cầm, Nguyễn Văn Hợi, Nguyễn Phước Vĩnh và Trang Đức.

Quá trình du nhập các môn võ vào Việt Nam

Taekwondo

Riêng “Liên đoàn Taekwondo Thế Giới” (WTF – World Taekwondo Federation), chính thức mời Việt Nam tham gia với tính cách thành viên vào ngày 16/06/1989 qua cuộc viếng thăm của 2 Võ sư Sok Pong Kim (Phụ trách Liên Đoàn Taekwondo Australia) và Võ sư Ki Yong Song (Liên Đoàn Taekwondo Đông Nam Á). Chuyến đi được uỷ nhiệm bởi WTF của 2 Võ sư trên đã mở một bước ngoặc vô cùng quan trọng trong việc đưa Taekwondo Việt Nam vào một bước ngoặc mới để có thể sánh ngang tầm với nền phát triển của Taekwondo thế giới.
 
Taekwondo và Judo từng được xem là một môn võ thuật có sức thu hút số lượng người tập cao nhất tại Việt Nam từ khi được du nhập vào Việt Nam cho đến ngày hôm nay.
 
Karatedo (Không Thủ Đạo): Gốc từ Okinawa đã đến Huế vào năm 1940 do một người Nhật tên là Choji Suzuki, trước vốn là một binh sĩ thuộc quân đội Thiên Hoàng Nhật Bản và sau này đã tình nguyện ở lại Việt Nam vào năm 1945. Hiện nay, môn Karatedo do ông Choji Suzuki đã hình thành hai hệ phái Karatedo mới là: Suzucho phát triển mạnh tại Việt Nam, Cương-nhu (Goju) do một học trò của ông đang phát triển mạnh tại Hoa Kỳ.
 
Quá trình du nhập các môn võ vào Việt Nam

Karatedo

Tại Sài Gòn môn Karatedo do Võ sư Hồ Cẩm Ngạc mở lớp huấn luyện đầu tiên từ năm 1951 qua hệ phái Shotokan. Riêng tại Miền Bắc Việt Nam, môn Karatedo du được nhập vào Hà Nội từ Liên Xô do công sức của 2 ông Phạm Quốc Trọng và Hoàng Vĩnh Giang mang về truyền bá, song song với Karatedo do ông Đoàn Đình Long đưa từ xứ Huế ra.
 
Hiệp Khí Đạo (Aikido): Môn võ xuất xứ từ Nhật, nhiều tài liệu lịch sử cho thấy môn Hiệp Khí Đạo lần đầu tiên được truyền dạy tại Sài gòn do Võ sư Hồ Cẩm Ngạc từ Nhật về, tuy nhiên Aikido chính thức được ra mắt và phát triển mạnh tại Sài gòn từ năm 1958 khi Võ sư Đặng Thông Trị, một người Việt từ Pháp về với đẳng cấp huyền đai II đẳng lập nên đạo đường Tenshinkai – Tức là Thiên Tâm (nay là CLB Aikido Đa Kao, số 94 đường Điện Biên Phủ, Q1). Aikido được xem là môn võ thầm lặng nhất dù môn này được từng bước phát triển đi nhiều tỉnh, thành phố lớn tại Việt Nam nhưng do tính đặc thù không thi đấu đối kháng nên Aikido chưa thể hoàn toàn phá triển mạnh mà chỉ thu hút những người thật sự yêu thích.
 
Quá trình du nhập các môn võ vào Việt Nam

Aikido

Võ Thuật (Wushu): Môn Wushu xuất xứ từ Trung Hoa, mặc dù sinh sau đẻ muộn nhưng hiện nay môn võ này có sức hút vô cùng mạnh mẻ tại nhiều tỉnh thành tại Việt Nam. Môn Wushu nối tiếng của Trung Quốc này đã đến Việt Nam từ Liên Xô vào năm 1990. Ông Hoàng Vĩnh Giang nhận được tài liệu giới thiệu và 7 bài giáo khoa môn Wushu từ những người bạn Nga, ông đã đưa về phổ biến đầu tiên tại Hà Nội. Đến tháng 6/1992 sở TDTT Hà Nội mới bắt đầu mời chuyên gia Wushu từ Trung Quốc sang tập huấn cho các VĐV Việt Nam.Ngay từ giửa thập niên 90 với sự giúp sức của chuyên gia Trần Húc Hồng (Trung Quốc) môn Wushu Việt Nam từng bước khẳng định và hội nhập mau chóng vào đấu trường quốc nội, giải Trẻ Châu Á, Giải Wushu thế giới với nhiều huy chương cao quý.
 
Quá trình du nhập các môn võ vào Việt Nam

Wushu

Pencak Silat: Có cội nguồn từ Nam Dương và Mã Lai Á, đã đến Việt Nam vào năm 1989 thông qua SEA Games 15 tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia). Phó đoàn thể thao của Việt Nam là Hoàng Vĩnh Giang đã sử dụng máy quay phim cầm tay quay lại các trận đấu của môn Silat mang về Việt Nam cùng một quyển sách luật thi đấu bằng Anh Ngữ,
 
Quá trình du nhập các môn võ vào Việt Nam

Pencak silat

Và từ đó hình thành môn Silat ở Việt Nam. Hiện nay môn Silat rất được yêu thích tại Việt Nam vì tạo nhiều cơ hội thi đấu, cọ xát cho các võ sĩ, môn sinh các môn võ cổ truyền Việt Nam vươn lên với tầm vóc quốc tế.
 
Kendo (Kiếm Đạo): Xuất xứ từ Nhật, có mặt tại Việt Nam tại đất Sài Gòn từ năm 1951 do Võ sư Hồ Cẩm Ngạc đem từ Nhật về. Tuy nhiên lớp tập luyện chính thức được mở tại Sài Gòn từ năm 1973 với sự đóng góp và xây dựng tích cực của Hiệp Hội Ái Hữu Việt-Nhật và giới hâm mộ bộ môn Hiệp Khí Đạo tại Việt Nam. Trong nhiều năm qua giới yêu thích môn Kendo tại Việt Nam được sự ủng hộ và giúp đở rất nhiều từ Liên đoàn Kiếm Đạo Nhật Bản như đào tạo Huấn luyện viên, thiết bị tập luyện, học bổng.v.v.. Sự khó khăn trong việc phát triển môn Kendo chính là trang bị tập luyện khá đắt và phải du nhập hầu hết từ nước ngoài.

Quá trình du nhập các môn võ vào Việt Nam

Kendo

Hapkido (Hiệp Khí Đạo Hàn Quốc): Môn Hapkido nghe có vẽ xa lạ với phần đông giới hâm mộ võ thuật tại Việt Nam, nhưng được biết đến tại Miền Nam nhất là tại Thành phố Sài Gòn ngay từ năm 1965, do Tài từ điện ảnh kiêm Võ sư Kim Jin Pal (Kim Chấn Bát) với phòng tập tại đường Nguyễn Huỳnh Đức. Năm 1970 Võ sư Kim Chấn Bát rời Việt Nam dời sang Hồng Kông đóng phim và làm cố vấn cho điện ảnh, ông giao lại võ đường và tổng hội Hapkido cho đồ đệ của mình là Bác sĩ Phạm Gia Cổn. Hiện nay một Bác sĩ Phạm Gia Cổn sinh sống tại Hoa Kỳ được biết đến như là một trong số những người Việt Nam có đẳng cấp Hapkido cao nhất thế giới với Huyền đai 9 đẳng, thuộc thế hệ lớp đầu tiên của Võ sư Kim Chấn Bát. Giới yêu võ thuật được biết nhiều về môn Hapkido sau năm 1975 với cuộc biểu diễn rất ấm tượng của phái đoàn Hapkido Thế Giới tại sân đấu Phan Đình Phùng vào năm 1991.
Quá trình du nhập các môn võ vào Việt Nam

Hapkido

Môn Đấu Kiếm Tây Phương (Fencing): Môn kiếm được đưa vào Việt Nam ngay những năm đầu của Thế Kỷ 20, một trong những người tiên phong trong việc đem môn này vào là Kỹ Sư Bredul Francosis trong khi làm việc tại thương cảng Sài gòn. Ngay từ năm 1950 Việt Nam đã có 2 hiệp hội kiếm thuật hoạt động. Việt Nam từng gởi kiếm sĩ tham dự Thế Vận Hội Helsinki (1952), Melbourne (1956), Roma (1960), Tokyo (1960) v.v.. Nhưng chỉ được tái lập hoạt động vào giữa thập niên 1980 song song với môn bắn cung của Tây Phương.

Quá trình du nhập các môn võ vào Việt Nam

Fencing

Trên đây là sơ lược quá trình du nhập các môn võ vào Việt Nam để các bạn có thêm một số kiến thức tổng hợp về võ thuật.
 
Trí Khải
(sưu tầm)
 
Nguồn: http://thegioivothuat.net

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Bán Dầu Chống Giặc... Và Kiếm Lời

Nguyễn-Xuân Nghĩa

Vì sao Hoa Kỳ nên cho xuất cảng dầu thô?



* Thả dầu may ra thì đỡ thả bom!... *
 
Tuần qua, khi Iraq có loạn với lực lượng xưng danh Quốc gia Iraq và Đông phương (ISIL) từ Syria tràn qua đã chiếm các thành phố Mosul và Tikrit rồi uy hiếp thủ đô Baghdad, giá dầu thô đã tăng vọt. Hôm Thứ Năm 19, dầu thô trên thị trường Brent vượt mức 115 đồng một thùng, còn trên thị trường NYMEX của Mỹ vẫn cứ chờn vờn ở giá 107 đồng,

Do tình trạng cung cầu khá căng thẳng hiện nay, nếu xứ Iraq mới trở lại bán dầu ở giữa khu vực chiến lược về năng lượng là Trung Đông mà lại bị khủng hoảng và các giếng dầu bị tấn công thì kinh tế thế giới có thể lại bị tổng suy trầm nữa. Đó là kịch bản đáng ngại nếu giá dầu tăng thêm 20 đô la, trong khi Ngân hàng Thế giới vừa hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,4% xuống 2,8% cho năm nay. Nhiều chuyên gia về thương phẩm và năng lượng còn nói đến giả thuyết kinh hoàng mà họ cho là khả thể, là dầu thô sẽ lên tới 200 đô la một thùng!

Khi ấy, kinh tế toàn cầu không chỉ suy trầm mà suy thoái, và trôi vào khủng hoảng.


***

Bốn tháng trước, khi vụ khủng hoảng Ukraine bùng nổ, người ta đã nói đến thế mạnh của Tổng thống Vladimir Putin nhờ Liên bang Nga là một nước xuất cảng dầu thô và khí đốt cho nên có thể dùng năng lượng làm võ khí hóa giải áp lực của các nước Âu Châu.

Năng lượng đem lại phân nửa thu nhập của Nga và ngân sách của Putin được trù tính với giá dầu ở mức 117 đồng một thùng. Nếu giá dầu mà sụt đến mức 90 đồng thì nền kinh tế đang suy trầm của Nga sẽ gặp khủng hoảng, như đã từng bị vào năm 2009. Vì vậy, một trong các giải pháp ứng phó của Tây phương, Âu Châu và Hoa Kỳ, là làm giảm giá dầu thô và khí đốt.

Để giải toả sức ép của Nga, và yểm trợ Ukraine cùng các đồng minh Âu Châu, Hoa Kỳ có thể áp dụng giải pháp đó như nhiều nhân vật trong Quốc hội đã đề nghị từ Tháng Ba. Người ta lý luận rằng việc Mỹ cho phép xuất cảng dầu thô và khí đốt của mình có thể là đòn phản công.

Nhưng bây giờ với vụ Iraq, vấn đề hết là phản công để đối phó với Liên bang Nga, mà là ngừa rủi ro khủng hoảng vì năng lượng lên giá. Một trong các giải pháp lại được nhắc nhở là Chính quyền nên cho phép bán dầu. Ngẫu nhiên sao, cuối Tháng Năm vừa qua, công ty tư vấn đa năng IHS vừa công bố một phúc trình nghiên cứu theo chiều hướng này.

Vài hàng về IHS này đã.

Xuất phát từ một nhà xuất bản sách báo kỹ thuật vào năm 1959, IHS Inc. (Information Handling Service, Vận trù Thông tin) là doanh nghiệp về thông tin của Hoa Kỳ có hội sở tại tiểu bang Colorado và có nhiều phân bộ như Jane's Information ở bên Anh, nổi tiếng về nghiên cứu quốc phòng, hay Global Insight ở bên Mỹ, chuyên về tư vấn kinh tế.... Doanh nghiệp này chú trọng đến các vấn đề kỹ thuật không gian, khai thác nhu liệu thông tin, năng lượng hay kinh tế toàn cầu và nhận nghiên cứu từng hồ sơ chuyên biệt cho các khách hàng.


***

Về bối cảnh, Hoa Kỳ vừa lặng lẽ tiến hành một cuộc cách mạng về thuật lý năng lượng ("energy technology") với những kỹ thuật khai thác rất mới để (xin tạm gọi là) "gạn cát lấy dầu và khí đốt". Bài này xin nói riêng về dầu thô, theo bản phúc trình 144 trang của IHS.

Nhờ cuộc cách mạng về kỹ thuật "fracking", từ năm 2008 đến Tháng Ba năm nay, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng đến 64%, thêm được ba triệu 200 ngàn thùng một ngày, viết tắt là 3,2 mbd. Cũng nhờ tăng sản lượng nội địa, Hoa Kỳ lệ thuộc ít hơn vào dầu nhập cảng, từ 60%, lượng dầu ngoại nay chỉ chiếm có 30% số tiêu thụ. Tức là Mỹ vẫn nhập dầu, nhưng ít hơn, và sản lượng Mỹ có nâng số cung trên toàn cầu trong khi nhiều nước sản xuất khác lại bị trở ngại nên Hoa Kỳ đã tránh cho thế giới một vụ tăng giá dầu. Tăng suất của Mỹ - hơn ba triệu thùng một ngày như vừa nói – là một kỷ lục lịch sử và cao hơn tổng số gia tăng vừa qua của tất cả các nước khác.

Theo một công trình nghiên cứu năm ngoái của cơ quan International Energy Agency (World Energy Outlook 2013), thì nhờ đặc tính địa chất và thuật lý mới, nội trong thập niên này Mỹ có triển vọng là nước sản xuất dầu thô số một thế giới, tức là vượt Nga và các nước Trung Đông. Khi ấy, bài toán năng lượng của Hoa Kỳ và hậu quả chiến lược cho thế giới, sẽ có thay đổi.

Nhưng câu hỏi đặt ra là ngày nay Hoa Kỳ vẫn còn phải mua của thiên hạ đến 30% lượng dầu tiêu thụ, tại sao lại muốn cho bán dầu ra ngoài? Ai cấm mà phải xin?

Người ta có ba câu trả lời; trước hết là trở ngại pháp lý về quyền xuất cảng.

Từ những năm 1972, khi thế giới bị khủng hoảng năng lượng vì đòn phong toả dầu thô của các nước bán dầu tại Trung Đông, Hoa Kỳ áp dụng chánh sách kiểm soát giá dầu và cấm xuất cảng dầu để bảo đảm an toàn cho thị trường nội địa. Mươi năm sau, từ năm 1981, việc kiểm soát giá dầu theo chế độ bao cấp khá phổ biến trước đó đã chấm dứt để giá dầu lên xuống theo quy luật cung cầu. Nhưng lệnh cấm xuất cảng vẫn được duy trì cho tới ngày nay.

Vấn đề thứ hai thuộc về kỹ thuật, là khả năng chế biến, tức là lọc dầu thô ra xăng, nhớt, dầu cặn, v.v.....

Hệ thống chế biến của Mỹ đã đầu tư cả trăm tỷ để lọc dầu ra xăng và dầu ở đây là loại "nặng", chủ yếu nhập từ Canada, Mexico hay Venezuela. Trong khi đó, kỹ thuật hay công nghệ "fracking" – bơm nước và dung dịch hóa học vào các tầng đá phiến để giải phóng dầu thô và khí đốt – lại bơm lên loại "dầu chặt" hay "dầu nhẹ", tight oil hay light oil.

Tức là hạ tầng chế biến không phù hợp với loại nguyên nhiên liệu mới, cho nên Mỹ thiếu dầu nặng mà thừa dầu nhẹ nhưng lại chưa được phép xuất cảng vì những ràng buộc được đưa ra từ hơn 30 năm trước.

Vấn đề thứ ba là chính trị.

Nhiều doanh nghiệp chế biến là các hãng lọc dầu thì vẫn muốn duy trì lệnh cấm bán để mua nguyên liệu với giá rẻ. Họ vận động hành lang chính trị và yêu cầu Quốc hội không đổi luật. Kế đó, các trung tâm bảo vệ môi sinh rất có ảnh hưởng trong đảng Dân Chủ và Chính quyền Barack Obama thì e là kỹ thuật mới sẽ gây ô nhiễm. Họ đã muốn hạn chế giấy phép lập hãng lọc dầu, và nay vẫn chặn đường xuất cảng nên cản trở cuộc cách mạng về thuật lý năng lượng.

Hậu quả là Hoa Kỳ tiếp tục mua năng lượng do nơi khác khai thác, với kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm thua xa kỹ thuật Hoa Kỳ. Nói theo kinh tế là khi nhập cảng dầu, Hoa Kỳ gây thêm ô nhiễm cho địa cầu nhiều hơn là nếu sản xuất lấy. Việc Tổng thống Obama đã lần lữa nhiều năm rồi vẫn trì hoạn dự án lập ồng dẫn dầu Keystone XL để nhập dầu Canada cho các doanh nghiệp Mỹ chế biến tại nhiều tiểu bang cũng phản ảnh áp lực đó của giới bảo vệ môi sinh.

Bây giờ, ta bước qua bài toán then chốt là chuyện lời lỗ trên tổng thể...


***


Trước hết là mối lợi kinh tế.

Theo phúc trình của IHS, nếu Hoa Kỳ giải toả lệnh cấm bán dầu và cho phép mua bán tự do, thì nhật lượng dầu thô của Mỹ hiện nay là 8,2 triệu thùng (một ngày) có thể tăng thêm ba triệu, lên tới 11 triệu 200 ngàn thùng. Nhờ vậy, từ năm 2016 đến 2030, kinh tế Hoa Kỳ có thêm một lượng đầu tư trị giá 746 tỷ đô la và tạo thêm việc làm cho công nhân Mỹ. IHS ước tính là sản lượng kinh tế Hoa Kỳ đã tăng được 1% trong hai năm qua chính là nhờ khu vực năng lượng và thống kê Bộ Lao Động cũng cho biết là khu vực dầu khí đã tạo ra nhiều việc làm nhất trong giai đoạn khó khăn vừa qua.

Thứ nhì, thế giới ngày nay vẫn yết giá dầu bằng đô la và giá xăng dầu tiêu thụ trên thị trường Mỹ được tính giá từ giá dầu quốc tế, chứ không theo giá dầu thô nội địa. Khi Hoa Kỳ nâng sản lượng dầu thì giá dầu trên thế giới sẽ giảm, nhờ vậy mà xăng dầu cho nhà tiêu thụ tại Mỹ cũng giảm. IHS dự toán là giảm được tám xu cho một ga lông. Nhờ đó, giới tiêu thụ đỡ tốn – hay tiết kiệm được – 265 tỷ đô la trong khoảng thời gian từ 2016 đến 2030.

Lập luận này quan trọng vì phản bác lối suy tính của các hãng lọc dầu. Họ muốn chặn đà xuất cảng để giá dầu nội địa sẽ giảm vì cung nhiều hơn cầu. Thật ra, khi Mỹ xuất cảng dầu thì hậu quả dội ngược vào trong sẽ khiến giá dầu thô và xăng nhớt nội địa sẽ giảm.

Thứ ba, khi được phép xuất cảng dầu, sản lượng kinh tế Mỹ có thể tăng được 135 tỷ, số việc làm thêm được gần một triệu và cụ thể thì lợi tức của mỗi hộ gia đình có thêm 391 đồng. Ngoài ra, hóa đơn mua dầu của Hoa Kỳ có giảm được 67 tỷ một năm; so với tình trạng nhập cảng vào năm 2013 thì giảm 30%.

Tổng kết lại thì số thu nhập của nhà nước Hoa Kỳ trong khoảng thời gian 15 năm tới, từ 2016 đến 2030, sẽ tăng thêm được 1.311 tỷ....

Quan trọng hơn cả, Hoa Kỳ sẽ thành một đại gia về năng lượng, ít lệ thuộc hơn vào dầu thô của nước ngoài mà còn có ảnh hưởng mạnh hơn đến giá dầu trên thế giới, kể cả ngân sách của Liên bang Nga hay khả năng chống đỡ của Ukraine và các nước Âu Châu.

Xưa nay, người ta cứ lầm tưởng rằng Hoa Kỳ gây chiến khắp nơi là để mua dầu. Nhiều người còn cho là nước Mỹ nham hiểm cứ mua dầu của thiên hạ trong khi ngồi lên các giếng dầu của mình. Sự thật lại không đơn giản như vậy. Và từ ba chục năm nay, luật chơi về năng lượng đã có thay đổi nhưng giới chánh trị thì chậm lụt và cục bộ nên chưa nhìn ra.

Dù sao, khuyến cáo của IHS rất nên được các chính khách Mỹ chú ý.

Còn hơn là nghe lời một Nghị sĩ Dân chủ tại New York là Chuck Schumer, rằng nên phản đòn Putin bằng cách bán dầu từ kho Dự trữ Chiến lược để làm giảm giá dầu trên thế giới!

Kho dự trữ được lập ra từ năm 1975 để đối phó với sự gián đoạn bất thường của nguồn cung cấp, và tổng cộng chỉ có gần 700 triệu thùng, đủ cho hơn một tháng tiêu thụ. Xả kho chiến lược này không thể làm giảm giá dầu quốc tế mà chỉ phản ảnh tầm nhìn ngắn ngủi của các chính khách!

Chúng ta sẽ theo dõi viễn kiến của họ, và nên bỏ phiếu căn cứ trên tiêu chuẩn đó.


_______________


ISIL hay ISIS?

Bài này xin có một bonus làm mưỡu hậu về cách gọi tên lực lượng vừa gây chấn động tại Iraq.

Thành lập từ năm 2004 như một phân cục của tổ chức khủng bố Al-Qaeda tại Iraq, lực lượng này đã xưng danh là "Islamic State in Iraq and Syria", nên được nhiều cơ quan truyền thông Mỹ, kể cả tờ New York Times viết tắt là ISIS. Trên đài truyền hình hay phát thanh, nhiều nơi đọc tên tắt ISIS thành "eye-sis", tương tự như nữ thần Isis của Ai Cập. Nhưng cũng có nơi đọc thành "ee-sis"

Rắc rối là Chính quyền Hoa Kỳ và nhiều hãng thông tấn như AP thì gọi là "Islamic State in Iraq and the Levant" và viết tắt là ISIL. Tên tắt này được đọc thành "eye-ess-eye-ell". Cũng tên tắt ISIL ấy phù hợp với một cách xưng danh khác của lực lượng phiến quân vừa từ Syria tràn qua Iraq "Islamic State in Iraq and ash-Sham" hay "al-Sham."

Vấn đề ngôn từ ở đây là tên của lực lượng xuất phát từ tiếng Ả Rập: "al-Dawla al-Islamiya fil-Iraq wa al-Sham". Al-Sham là tiếng Ả Rập chỉ vùng đất chung quanh Dasmascus của Syria, sau này mở rộng thành cả khu vực từ Địa Trung Hải vào tới đất Lưỡng Hà của Iraq. Khi theo đúng tên gọi al-Sham ấy thì lực lượng ISIL muốn lập ra một đế chế Hồi giáo bao trùm lên đất Syria, Israel, Jordan, Lebanon, Iraq và cả vùng Đông Nam của Turkey.

Vì mấy rắc rối về lịch sử như vậy, người ta mới dịch tên thành "Islamic State in Iraq and the Levant", "Islamic State in Iraq and Syria", hay "and Greater Syria", v.v.... 

Nhưng chưa đủ nhức đầu, kẻ trong cuộc là đám phiến quân ấy không chấp nhận chữ Syria - là do Hy Lạp đặt ra thời xưa - hay tên Syria là quốc gia hiện đại mà chính họ muốn xoá bỏ để trở về một khái niệm cổ xưa hơn, cách mạng hơn!

Người viết này thiên về cách gọi tắt là ISIL, nó vừa thể hiện chữ Levant vừa phản ảnh chữ al-Sham hay ash-Sham, và cho còn thấy tham vọng rộng lớn của lực lượng cuồng tín này vì muốn xây dựng một Đế chế Hồi giáo bao trùm lên Syria, Lebanon, Israel, Jordan và Iraq.

Chuyện còn dài, nhưng vài dòng trình bày cũng để cho thấy sự đắn đo cân nhắc của người làm tin hay viết bình luận.
 

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Đổ Bộ 1944 và Đổ Bể 2014

Nguyễn-Xuân Nghĩa

Mỗi lễ tưởng niệm quá khứ lại là một vở kịch chính trị cho hiện tại....

* Nhửng hài kịch trong một bi kịch lớn của nhân loại *

 
Ngày Thứ Sáu, mùng sáu Tháng Sáu, lãnh đạo các nước "đồng minh", trong ngoặc kép, tới Pháp dự lễ kỷ niệm cuộc đổ bộ tại Normandie cùng ngày hôm đó vào năm 1944 để mở đầu cho việc giải phóng Âu Châu đúng 70 năm về trước. Năm nay, ngần ấy vị nguyên thủ đều "có những niềm riêng"....

Cho nên chúng ta chứng kiến một hài kịch nhiều cảnh.

Normandie là lãnh thổ của Pháp, khi đó nằm dưới gót giày Đức quốc xã. Lãnh đạo Lực lượng Pháp Tự do (France Libre) khét nổi tiếng với lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến" phát thanh từ thủ đô Luân Đôn của Anh vào ngày 18 Tháng Sáu năm 1940 là Tướng Charles de Gaulle. Ông bị gạt ra ngoài quyết định đổ bộ để tổng phản công của Anh và Mỹ, chỉ được Winston Churchill ái ngại cho biết có hai ngày trước!


***

Một chút bối cảnh gần xa:

Khi Thế chiến II bùng nổ vào đầu Tháng Chín 1939, de Gaulle mới là Đại tá. Ông tham gia kháng chiến chống Đức rất sớm và tới Tháng Năm 1940 được gắn một sao của Thiếu tướng, Trừ bị thôi, sau này miền Nam chúng ta gọi là Chuẩn tướng. Dù lon lá rất thấp so với nhiều thượng cấp lẫy lừng hơn trong quân đội Pháp, de Gaulle vẫn tự trao phó trách nhiệm lãnh đạo kháng chiến, tự cho mình là đại diện chân chính của nước Pháp, là nước Pháp, nên gặp khá nhiều trở ngại.

Một trong những trở ngại lớn nhất là Tổng thống Franklin D. Roosevelt của Hoa Kỳ.

Ông Roosevelt hâm mộ văn hoá Pháp nhưng dị ứng với chế độ thực dân và coi thường de Gaulle. Về sau còn chê nhân vật này là lãnh tụ độc tài con con. Trong hàng ngũ kháng chiến Pháp, Roosevelt tin vào loại người dễ nói chuyện hơn, như Đại tướng Henri Giraud hay Đô đốc François Darlan. Trong nội bộ công cuộc kháng chiến của Pháp, nhiều tướng lãnh khác đã từng muốn lật de Gaulle mà không thành, kể cả Giraud và Darlan với thế lực Mỹ ở đằng sau. Đấy là chuyện quá xa cho chúng ta ngày nay?

Qua năm sau, khi nước Pháp được giải phóng, cũng de Gaulle đã đòi là quân đội Pháp dẫn đầu đoàn binh tiến vào thủ đô Paris và quyết liệt từ chối việc Hoa Kỳ phát hành MPC (đô la đỏ) cho lính Mỹ tạm sử dụng trên thị trường Pháp. Phải chi miền Nam chúng ta nhớ được và làm được chuyện đó sau khi Thủy quân Lục chiến Mỹ bất ngờ đổ bộ vào Đà Nẵng, Tháng Ba 1965!

Tinh thần quốc gia của de Gaulle và thái độ trịch thượng của Roosevelt khiến quan hệ Pháp-Mỹ có mâu thuẫn nặng. Cho nên về sau cũng ảnh hưởng đến phản ứng của de Gaulle với cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam! Vậy mà Lyndon B. Johnson chọn thủ đô Paris đế tiến hành "hòa đàm" với Hà Nội năm 1968. Nhưng đấy là những chuyện về sau của một hài kịch khác.

Vì những lý do sâu xa nói trên, khi lên làm Thủ tướng (1944-1946) rồi Tổng thống Pháp (1959-1969) de Gaulle không hề dự lễ kỷ niệm ngày đổ bộ, ngày D-Day như Mỹ và Anh vẫn gọi.


***


Cuộc đổ bộ ấy cũng không có sự tham gia của quân đội Liên bang Xô viết.

Đây là một kế hoạch Anh-Mỹ.

Trong Thế chiến II, trên địa bàn Âu Châu, ba nước thực tế lãnh đạo phe "đồng minh" là Hoa Kỳ, Anh và Liên Xô. Biệt tài của lãnh đạo Liên Xô thời ấy là Stalin là... sát quân và giết dân. Việc đo đếm tổn thất là điều khó và khó chính xác, nhưng số tử thương của Liên Xô lên tới ít nhất là 22 triệu người (khoảng 14% dân số thời ấy), so với Hoa Kỳ (cỡ 420 ngàn, 0,4% dân số) và Anh (450 ngàn, gần 1% dân số) và Đức (gần sáu triệu, quãng 10% dân số) thì nặng gấp bội. Vì vậy, Stalin rất mừng khi Anh-Mỹ mở cuộc tổng phản công ở hướng Tây, để giảm áp lực cho Hồng quân Xô viết tại hướng Đông.

Nghĩa là Liên Xô không có tí lon nào trong vụ Normandie 1944. Mãi tới năm 2004, 15 năm sau khi Liên Xô bắt đầu tan rã và 13 năm sau khi Liên bang Nga ra đời, lãnh đạo nước Nga mới được mời dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày đổ bộ.

Năm đó, Tổng thống Vladimir Putin mới chỉ là thợ vịn đóng vai phụ diễn trong vở Normandie. Khi ấy, Tổng thống George W. Bush mới gây chấn động sau chiến dịch Iraq năm trước. Lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ công khai phê phán sự sai lầm - và bày tỏ nỗi ân hận - của Hoa Kỳ là hy sinh tự do của phân nửa Âu Châu, để Đông Âu rơi vào quỹ đạo Xô viết.

Bài diễn văn đó khiến ta nhớ lại lễ kỷ niệm 40 năm ngày đổ bộ Normandie.

Năm 1984, Tổng thống Ronald Reagan tới Normandie đọc diễn văn, hào hiệp tỏ lòng thương tiếc cái giá rất đắt mà thường dân Nga đã phải hứng chịu trong Thế chiến II, rồi hào hùng đả kích việc Hồng quân Liên Xô chiếm đóng các nước Đông Âu. Lễ kỷ niệm ngày đổ bộ là một dịp phê phán về đạo lý, hoàn toàn phù hợp với lý luận Reagan, rằng Liên Xô là "Đế quốc độc ác".

Chúng ta nhảy tới năm nay, lễ kỷ niệm thứ 70.


***

Vladimir Putin vẫn được Tổng thống François Hollande của Pháp mời qua để hiên ngang có mặt và phóng hình tuyên truyền về nhà, dù đã có vụ thôn tính Crimea và uy hiếp Ukraine. Vì vậy, vở kịch "Normandie 70" trở thành hài kịch.

Hãy nhắc tới bi kịch đã: 20 năm trước, vào năm 1994, ba nước "đồng minh năm xưa" thời Thế chiến II là Anh, Mỹ, Nga có một thỏa thuận tại Budapest về cách xử lý kho võ khí hạch tâm của Ukraine. Nước Ukraine độc lập từ 1991 sẽ trao lại toàn bộ số võ khí tàn sát này cho Liên bang Nga.

Dưới thời Liên Xô, một phần ba võ khí hạch tâm Xô viết nằm tại Cộng hoà Liên bang Ukraine trong Liên bang Xô viết. Khi Liên Xô tan rã, kho võ khí ấy đứng hàng thứ ba thế giới về số lượng. Ukraine xin trả lại cho Liên bang Nga với lời cam kết là được giữ nền độc lập. Sự cam kết đó của Nga có Anh và Mỹ bảo trợ. Pháp và Trung Quốc có được mời vào nhưng lảng xa để khỏi bị trách nhiệm gì trong trò bảo lãnh đó.

Bây giờ, nền độc lập của Ukraine bị uy hiếp! Các nước bảo trợ nghĩ sao?

Lãnh đạo Anh, Pháp, Mỹ đều vui lòng trao giải an ủi cho Ukraine khi gặp Tổng thống tân cử của xứ này là Petro poroshenko. Nhưng chuyện chính thì chưa ai dám nhắc. Nhiều người nhẹ dạ còn mong là qua lễ kỷ niệm buổi sáng và dạ tiệc khoản đãi buổi tối, các lãnh tụ Anh, Đức, Mỹ, Pháp sẽ có dịp nói chuyện phải quấy với Putin về Đông Âu.

Trong một bi kịch lớn của nhân loại thường có nhiều hài kịch chính trị.

Cho dù Liên Âu dõng dạc phản đối Putin về chuyện Ukraine thì Pháp vẫn bán chiến hạm Mistral cho Nga và tháng này sẽ huấn luyện Hải quân Nga sử dụng món hàng của mình. Nước Đức thì tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế với Nga. Hoa Kỳ thì lâm nạn với vụ trao đổi đặc công khủng bố của Taliban lấy một tù binh đào ngũ về để rồi chẳng biết giấu đi đâu!

Công trình sư của trò hề này là Barack Obama thì cố trấn an Liên Âu với một tỷ đô la quân viện. Một tỷ Mỹ kim là lớn lắm, bằng tổng số chi phí của nước Mỹ trong một năm tranh cử như 2014 chứ không ít. Nhìn từ cách khác, đấy là tiền dân Mỹ bỏ ra trong một năm để... nhai kẹo cao su, chewing gum.

Trong bi kịch Thế chiến, người ta cũng thường quên nhiều thảm kịch quốc gia.

Liên Xô hy sinh nhiều nhất trong cuộc chiến này, với số tử vong và thương vong khổng lồ, cả quân và dân. Nhưng Liên bang Xô viết khi đó bao gồm nhiều nước Cộng hoà về sau đã giành lại độc lập. Các quốc gia này có lúc nằm trong hệ thống Liên Xô và phải góp phần xương máu, như Ukraine, Armenia, Georgia, Belarus, Uzbekistan, hay Kazakhstan, v.v... Tự nguyện hay không là tùy hoàn cảnh, nhưng hy sinh thì có.

Nước Pháp tràn đầy văn hóa nhân bản đã quên chuyện đó. Lãnh đạo của nhiều nước độc lập trong Liên bang đã tan hoang của Nga lại không được mời tham dự lễ kỷ niệm Normandie!

Một kỳ thủ xuất sắc của Nga và trở thành nhân vật đấu tranh dân chủ nổi tiếng là Garry Kasparov có một nhận xét đầy mỉa mai: khi mời Putin qua Pháp dự lễ kỷ niệm, có lẽ người ta muốn có một chuyên gia về nghệ thuật xâm lược!

Chuyện đổ bộ mới đổ đốn ra đổ bể!
 

Từ cuộc đổ bộ Normandie đến hiệp ước tự do thương mại xuyên Đại Tây dương

Tổng thống Hoa Kỳ Obama và đồng nhiệm Pháp Hollande tại nghĩa trang Mỹ Colleville-Sur-Mer - AFP / DAMIEN MEYER
Tổng thống Hoa Kỳ Obama và đồng nhiệm Pháp Hollande tại nghĩa trang Mỹ Colleville-Sur-Mer - AFP / DAMIEN MEYER

Tú Anh

Hoa Kỳ và Châu Âu cần phải đoàn kết trong một liên minh thương mại để tìm lại mức độ tăng trưởng cao và duy trì thế lực đối đầu với những nước đang lên. Trong bối cảnh đại lễ kỷ niệm chiến dịch đổ bộ Normandie giải phóng nước Pháp và châu Âu khỏi chế độ Đức Quốc xã, giới chính trị và doanh nghiệp hai bờ Đại Tây dương xem Trung Quốc, chứ không phải Nga, là thách thức tương lai.
 
Ý tưởng « đồng minh xuyên Đại Tây dương » đã được khơi dậy qua chiến dịch « Hải Vương Tinh » đổ bộ lên bờ biển Normandie phía Tây Bắc nước Pháp, ngày 06/06/1944, và được cụ thể hóa với chương trình viện trợ ồ ạt tái thiết châu Âu được đặt tên là kế hoạch Marshall ba năm sau đó.

Với nhận định này, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Pháp và Hiệp Hội Ký ức thành phố Caen, nơi mà hàng chục ngàn dân bị thiệt mạng dưới hàng ngàn tấn bom của đồng minh, trong ba tuần xung đột giữa Mỹ và Đức, tổ chức một ngày hội thảo quy tụ sinh viên,chính trị gia, giáo sư đại học và doanh nhân chủ nhân xí nghiệp.

Ưu tư của doanh nhân và chuyên gia kinh tế hai bờ Đại Tây dương là phải nhanh chóng thông qua Hiệp định Thương mại Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương gọi tắt là TTIP (Transatlantic Trade and Investment Partnership) thiết lập vùng mậu dịch tự do rộng nhất thế giới.

Tiến trình đàm phán TTIP, gay go không kém dự án Hiệp ước Thương mại Tự do Xuyên Thái Bình dương TPP, nhưng mới ở giai đoạn đầu mà vòng thứ năm diễn ra từ ngày 19 đến 23 tháng 5 vừa qua.
Xã hội dân sự và nhiều chính khách Châu Âu than phiền không được thông tin minh bạch về nội dung đàm phán và do vậy họ lo ngại các chuẩn mực về an toàn thực phẩm trong Liên Hiệp Châu Âu sẽ không được tôn trọng một khi mở rộng thị trường nhập khẩu hàng hóa Mỹ theo những chuẩn mực khác về chất bảo quản hay chăn nuôi.

Do bận tiếp đón các phái đoàn nguyên thủ và ngoại giao quốc tế đến Pháp dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày đồng minh đổ bộ lên Normandie, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius không đến dự hội thảo nhưng qua thông điệp truyền hình, ông nhấn mạnh đến nhu cầu hai bờ Đại Tây dương, dù quyền lợi có dị biệt đến đâu, cũng cần phải có nhau để đối phó với những cuộc khủng hoảng hiện tại. Ngoại trưởng Pháp không quên nhắc lại là chỉ một mình Hoa Kỳ và và Liên Hiệp Châu Âu không thôi đã đại diện cho gần 50% tổng sản xuất thế giới và một phần ba trao đổi quốc tế.

Cũng như trong tiến trình đàm phán hiệp định TPP xuyên Thái Bình dương với châu Á , Hoa Kỳ muốn nhanh chóng ký kết với Tây Âu hiệp định TTIP. Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ Thomas Donahue, nhân vật có thế lực vừa kêu gọi chính quyền Mỹ bỏ cấm vận Cuba, tuyên bố tại Caen : Chúng ta cần một liên minh Đại Tây dương hùng mạnh vì không thế phát triển với tỷ lệ tăng trưởng là con số không hay với 1% hay 2%.

Theo chủ tịch Phòng Thương Mại Hoa Kỳ, giải pháp hiệu quả nhất để phương Tây hùng mạnh là đạt đến thỏa thuận trao đổi thương mại tự do. Vấn đề là ở châu Âu nhất là các tổ chức bảo vệ môi trường, sức khỏe, an toàn thực phẩm không muốn hàng hóa Mỹ không theo chuẩn mực của Bruxelles tràn ngập tủ lạnh, nhà bếp, quán ăn ở châu Âu.

Nhưng tại sao phải cần một « liên minh xuyên Đại Tây dương mới » nếu chỉ để nâng tỷ lệ tăng trưởng ? Theo lập luận của cựu Thủ tướng vùng Québec tự trị ở Canada, ông Jean Charest, một người có kinh nghiệm đàm phán quốc tế thì cuộc cờ TTIP có tầm chiến lược sinh tử vượt lên trên dị biệt quyền lợi thương mại của Đại Tây dương.

Trong chủ đề thảo luận làm cách nào đem lại sức bật mới cho liên minh Đại Tây dương 70 năm sau trận Normandie và kế hoạch tái thiết hậu chiến Marshal, nhà chính trị Canada phân tích tình hình tương lai : Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đang vùng lên trong thế giới chúng ta đang sống thì thế được thua tùy thuộc vào kẻ nào định đoạt luật chơi thương mại quốc tế.

Jean Charest nói tiếp và nói thẳng : chính vì Trung Quốc mà chúng ta phải đạt được thỏa thuận mậu dịch tự do Xuyên Đại Tây dương. Không kể tự do trao đổi hàng hóa và dịch vụ, còn có khả năng tự do đi lại cho phép các nước thành viên thu hút nhân tài, tạo hoàn cảnh đất lành chim đậu.

Không riêng Bắc Mỹ, ủy viên châu Âu đặc trách thị trường nội địa và dịch vụ Michel Barnier cùng xác quyết « cần hiệp ước TTIP » nhưng với điều kiện đối tác bên kia bờ Đại Tây Dương phải tuân thủ một số chuẩn mực về an toàn thực phẩm của Châu Âu chẳng hạn.

Alexis Jamet, chủ nhân công ty điện toán Bunkr, một doanh nhiệp trẻ nhưng đã có cơ sở tại 160 quốc gia, mong đợi cơ hội mà ông gọi là « kế hoạch Marshall thứ hai » cho phép doanh nghiệp hợp tác hoặc cạnh tranh tự do để nâng cao khả năng canh tân.

Theo AFP, các doanh nhân trẻ và sinh viên tham gia hội thảo rất hoan nghênh và mong chờ viễn ảnh trao đổi tự do này giữa hai bờ Đại tây dương.

70 năm sau khi nửa triệu quân đồng minh đổ bộ giúp châu Âu diệt Đức Quốc Xã, vì sự sống còn của các nước Tây phương, một liên minh mới đang hình thành nhưng lần này để đối phó với mối đe dọa tương lai được chỉ đích danh là Trung Quốc.

Nguồn: http://www.viet.rfi

Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

G7 quan ngại sâu sắc về tranh chấp chủ quyền ở Châu Á

Thời sự: Thứ năm, 5/6/2014
                                          
Các nhà lãnh đạo nhóm G7 thảo luận tại Brussels, ngày 4/6/2014.
Các nhà lãnh đạo nhóm G7 thảo luận tại Brussels, ngày 4/6/2014
            
Nhóm 7 nước công nghiệp (G7) bày tỏ quan ngại sâu sắc trước căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

Trong thông cáo sau cuộc họp hôm qua ở Brussels (Bỉ), các lãnh đạo trong nhóm G7 tuyên bố phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm khẳng định các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ hay biển đảo bằng cách đe dọa, chèn ép, hay dùng võ lực.

Dù không đề cấp đến quốc gia nào nhưng người ta xem thông cáo này là một sự chỉ trích nhắm vào Trung Quốc, quốc gia đang bị các nước láng giềng tố cáo dùng chiến thuật hiếp đáp để thăng tiến các tuyên bố chủ quyền hàng hải trên quy mô lớn.

Cả Trung Quốc và Nhật đều nhận chủ quyền ở Biển Hoa Đông. Tranh chấp leo thang trong năm 2012 sau khi Nhật quốc hữu hóa một nhóm đảo tại đây. Sau đó, Bắc Kinh đã tuyên bố một Vùng Nhận Dạng Phòng Không trong khu vực.

Tại Biển Đông, Trung Quốc và Việt Nam đang tranh cãi căng thẳng liên quan đến vụ một giàn khoan của nhà nước Trung Quốc đặt tại vùng biển có tranh chấp ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Tàu hai nước đã xịt vòi rồng qua lại và đâm va vào nhau.

Các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc cũng chồng chéo với Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan.

Hoa Kỳ tuyên bố không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp nhưng mạnh mẽ chỉ trích các hành động của Trung Quốc. Mới đây, Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ, Chuck Hagel, gọi các động thái của Bắc Kinh là ‘gây bất ổn.’

Bắc Kinh bác bỏ các tuyên bố này và xem đó là sự can thiệp bên ngoài vào chuyện nội bộ của Trung Quốc. Chưa thấy Bắc Kinh lên tiếng bình luận về thông cáo mới đây của nhóm G7.