Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

Hoa và Hiệp sĩ


George Ohsawa.

 
Ngày xưa ở Nhật Bản, các hiệp sĩ (Samurai) trẻ tuổi đều biết nghệ thuật cắm hoa, vì đây là một môn học trong chương trình huấn luyện của họ. Cùng với tài cắm hoa, họ trồng cây thu nhỏ (Bonsai) nổi tiếng đáng giá cả gia tài.
 

 
Chuyện kể về hoa rất nhiều, chuyện nào cũng hấp dẫn người nghe, chẳng hạn như câu chuyện sau đây. Trong một đêm đông tuyết giá, một võ sĩ nghèo cứu một nhà sư gần chết cóng. Để có củi nhen sưởi ấm cho ông, chàng đã chặt các cây cảnh quý – gia tài và tình yêu duy nhất của mình. Đâu ngờ nhà sư chính là Đại hoàng thân Tokiyori tốt bụng, và thế là chàng võ sĩ giàu lòng nhân ái được tưởng thưởng xứng đáng. Đó là đề tài một vở kịch nổi tiếng có từ thời Tokugawa, đến nay vẫn được trình diễn, và mỗi lần trình diễn, sự hy sinh cao cả, sự hy sinh cao cả của người võ sĩ cùng số phận hẩm hiu của những cây cảnh đẹp vẫn còn làm khán giả mủi lòng rơi lệ.
 
Người Trung Quốc xưa dùng hai động từ diễn tả khả năng nhìn thấy: “thị” là thấy bằng mắt, và “ngộ” là thấy bằng tâm hồn. Vậy đôi khi cũng nên nhắm cặp mắt xác thịt và mở con mắt tinh thần để thưởng thức một cụm hoa Nhật Bản. Các đóa hoa tượng trưng một thời tươi đẹp, và với vẻ yên lặng dịu mềm, hoa đưa ta ra ngoài biên giới của thời gian. Những đường nét uyển chuyển của hoa không chỉ đẹp mắt, mà còn chứa đựng bí ẩn của tạo hóa, bí ẩn này chỉ phơi bày với những ai biết trân trọng ngắm nhìn.
 
Đám trẻ con Nhật bản lớn lên giữa những bông hoa. Chúng thấy mẹ cha kính cẩn mang hoa cắm vào lọ quý đặt trên bàn thờ. Dù trong những nhà nghèo nhất, chúng cũng thấy hoa trên bàn thờ tổ tiên ngày tết. Không buộc phải có hoa lạ, hoa quý, hồn thiêng tiên tổ mới hài lòng. Hoa đồng mộc mạc cũng đủ lắm rồi, và còn lý tưởng nữa là khác, vì hoa đồng gợi nhớ hương vị của thiên nhiên. Những bậc thầy của nghệ thuật hoa cảnh và những nghệ nhân chân chính không bao giờ khinh bỉ các loại hoa dại. Họ thường đưa học trò ra đồng, đến ven rừng hay bờ ao, và sau khi ra đề mục sáng tác, họ để từng đệ tử diễn tả cảm xúc của mình trước những bông hoa dại. Người ta xem tất cả các loài hoa đều thiêng liêng, tuy ở nhiều mức độ khác nhau, đầu đàn là hoa Cúc, loài hoa dành cho nhà vua, thường dân không được phép vẽ thêu trên y phục của mình. Phụ nữ Nhật Bản bắt đầu được dạy nghệ thuật cắm hoa từ năm 12 tuổi. Nếu người mẹ có thì giờ rảnh rỗi thì chính bà truyền dạy cho con, bằng không, cô gái được gởi đến học với một bậc thầy. Đức tính khiêm tốn, yên lặng, dịu dàng của hoa được nêu cao để các cô gái noi theo.
 
          
 
Thực ra, hoa có đủ tính nết như con người. Nghe thế, chắc hẳn những người có đầu óc thực dụng, quen nhìn những hình thể rắn chắc ở phương Tây sẽ phì cười, nhưng đừng quên rằng tuy đã phủ bên ngoài một lớp sơn hiện đại, người Nhật vẫn giữ được tâm trạng mộc mạc hồn nhiên không khác mấy với tổ tiên họ ngày trước. Cũng như người nguyên thủy, họ gán cho mỗi sự vật một linh hồn, linh hồn nghiêm khắc, tàn nhẫn cho một số sự vật, và linh hồn quảng đại, bao dung cho những sự vật khác nhau như hoa chẳng hạn.
 
Trong thiên nhiên, tất cả đều đẹp, đều tốt lành hoàn hảo. Chỉ tại những tật xấu đáng ghét, những dục vọng thấp hèn của con người làm tất cả hư hỏng, suy đồi, còn thiên nhiên vẫn là nguồn thanh khiết, mà hoa là những gì được thiên nhiên chắt chiu bảo dưỡng thì làm sao không thể yêu hoa?
 
Phải yêu hoa nếu muốn tỏ lòng biết ơn trời đất, và có yêu hoa, ta mới thấy mình hòa hợp với thế gian. Không nên dùng hoa với những chủ tâm phàm tục. Không nên trình bày những bó hoa, bình hoa và những chậu cây cảnh thu nhỏ như những mô hình thực vật mất tính hiện thực và quân bình, không còn là biểu tượng của nghệ thuật và chỉ phục vụ cho tính cách phù phiếm của con người. Hoa dùng để biểu dương vinh quang của tạo hóa, chứ không phải để phô trương thanh thế của phàm nhân. Chơi hoa không những là một nghệ thuật, mà còn là một triết lý đạo đức bày tỏ nhân sinh.
 
Những tài liệu cổ xưa về nghệ thuật hoa cảnh còn giữ đến ngày nay khá nhiều. Sách xưa nhất là quyển Tuyên Truyền Thư (Sendensho) viết cách đây hơn 6 thế kỷ, có nêu khoảng 50 quy tắc giúp hiểu sơ bộ ngôn ngữ tượng trưng của các loài hoa. Trong sách có chỉ rõ những loài hoa nào thích hợp với các chiến sĩ trước khi ra trận, không nên có cành lá nào rũ xuống vì gợi sự yếu đuối, mà phải mang dáng hình cứng cáp, mạnh mẽ, đầy nhựa sống như loài Tùng, lúc nào cũng xanh, chứ đừng dùng cây Phong lan hay hoa Trà ẻo lả hoặc các loài hoa chóng tàn.
 

 
Một trái táo rơi đã tạo cho Newton cơ hội tìm ra các nguyên lý về hấp dẫn lực. Nhưng đối với người Nhật, chỉ cần một chiếc lá rơi giữa những sắc màu diễm lệ của mùa thu cũng đủ cho họ thấy sự hư ảo của mọi vật, sự chóng qua của tất cả những gì mà một kẻ điên rồ mới muốn giữ mãi, cũng như sự chán chường do vật chất hữu hình gây ra. Dù trải qua bao thế kỷ, người không được thừa hưởng lòng quý chuộng những gì hư linh, vô hình vô thể, thì một sự kiện nhỏ nhoi đó cũng gợi sáng trong tâm. Chỉ có người điếc tâm hồn mới không nghe được tiếng nói của hoa lá cỏ cây. Hoa có tiếng nói của hoa, cũng như tất cả những cảnh vật thiên nhiên đều có tiếng nói. Người Nhật biết nghe lời nói của hoa lá, cỏ cây, côn trùng và chim chóc.

 
Lạc Sinh
(Trích dịch từ Le Livre dec Fleurs,
nhà xuất bản Plon, Paris 1974).

 

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

AiKido và Triệt Quyền Đạo

 
Trước đây nhiều người thắc mắc đặt câu hỏi  với tôi rằng : “Sao bạn đã nghiên cứu và tập Triệt Quyền Đạo mà lại còn tập và đi dạy được AiKiDo ?”. Nhiều bạn chưa hiểu được vấn đề này cũng là điều dễ hiểu. Vì nếu chỉ nhìn theo khía cạnh của triết lý môn võ, phương pháp luyện tập cũng như nguyên lý vận hành của hai môn võ này thì ta thấy sự khác biệt và hoàn toàn trái ngược nhau. Triệt Quyền Đạo lấy tấn công làm yếu lĩnh, trong Aikido thì hoàn toàn không bao giờ tấn công đối thủ trước mà chỉ phòng thủ và hóa giải đối thủ. Triệt Quyền đạo chủ trương di chuyển và tấn công đối thủ theo đường thẳng, còn Aikido chủ trương phòng thủ và hóa giải đối thủ theo nguyên tắc vòng tròn. Nhìn bề ngoài, thì các kỹ thuật Triệt Quyền Đạo được cho là lấy tốc độ làm chủ, trông có vẻ cương cứng, còn Aikido thì chậm rãi mềm mại và uyển chuyển.
 
Tất cả những điều trên đều đúng.

Khi mới tập môn võ Aikido thì tôi cũng có cảm giác về sự khác nhau này của hai môn võ, nhưng càng luyện tập thì tôi càng cảm nhận được rằng các kỹ thuật và nguyên lý trong Aikido cũng có trong Triệt Quyền Đạo và các nguyên lý của Triệt Quyền Đạo cũng có trong Aikido.
 
Chẳng hạn, trong Aikido để hóa giải đòn chém thẳng của đối thủ (Shomen Uchi)  có rất nhiều kỹ thuật. Trong đó có kỹ thuật IkkyO, khi luyện tập đòn này tôi nhận thấy rằng nguyên lý tiếp cận với đối thủ gần giống với nguyên lý của Triệt Quyền Đạo, cũng có sự ngăn chặn trực tiếp khi đối thủ tung đòn chém, ngoài ra còn rất nhiều các kỹ thuật khác mà tôi đều cảm nhận được sự giống nhau đó. Trong Triệt Quyền Đạo cũng có rất nhiều kỹ thuật chống đối thủ được áp dụng nguyên lý vòng cầu, làm mất trọng tâm đối thủ. Khi luyện tập quả thực tôi cũng đã áp dụng rất nhiều kỹ thuật trong Aikido qua tinh thần của Triệt Quyền Đạo.
 
Cứ luyện tập đến một lúc nào đó bạn sẽ nhận thấy hình như Aikido và Triệt Quyền Đạo chỉ là một. Có nghĩa là bạn sẽ  không còn cảm giác hay thắc mắc gì đó về sự cương hay nhu, cứng hay mềm, bạn sẽ không còn khái niệm thế nào là phòng thủ hay tấn công, lúc đó trong tấn công đã có phòng thủ và trong phòng thủ cũng tiềm ẩn sự tấn công. Có lẽ chính vì thế mà Triệt Quyền Đạo có thể tiếp cận được với tất cả các kỹ thuật khác nhau của các môn phái khác nhau, lúc đó trong bạn sẽ không còn phân biệt giữa Triệt Quyền Đạo và Aikido nữa.


Chính vì lẽ đó mà theo tôi ai cũng có thể tập được Triệt Quyền Đạo, nhất là các bạn đã luyện tập các môn võ khác càng tốt. Vì người sáng lập ra Triệt Quyền Đạo – Lý Tiểu Long đã chỉ ra cho bạn một con đường rất rộng mở và bạn sẽ khởi sự từ những gì mà bản thân bạn đã có.
 
@VS. Bùi Trọng Quốc Quân

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Tiểu sử Ueshiba Morihei, người sáng lập Aikido


Tổ sư Ueshiba Morihei sinh ngày 14/12/1883 tại một thành phố nhỏ tên Tanabe (1) gần Osaka. Tổ sư đại hoàn nguyên vào ngày 26/04/1969. Khi đó Hombu dojo là một toà nhà ba tầng lớn và môn Aikido được hàng trăm ngàn người theo học ở khắp năm châu.
 
 
Từ một cậu bé gầy còm bệnh hoạn
 
Tổ sư Ueshiba Morihei sinh ngày 14/12/1883 tại một thành phố nhỏ tên Tanabe (1) gần Osaka. Ông là con trai thứ tư của một tiểu điền chủ tên Ueshiba Yoroku, với một sản nghiệp gần 20 sào đất. Cụ Ueshiba Yoroku có chân trong hội đồng thị chính, đồng thời cũng là một nhân vật có tên tuổi trong thành phố Tanabe.
 
Thuở thiếu thời, Tổ sư Ueshiba Morihei là một cậu bé thể chất yếu đuối, hay bệnh hoạn và dễ xúc cảm. Năm 7 tuổi, cậu học chữ với một vị sư Phật giáo tên Fujumoto Mitsujo. Vào giai đoạn này thường có những chuyện hoang đường được lưu hành trong vùng Kumano. Những câu chuyện này do Kobodaishi từ Trung Quốc về thuật lại và chúng gây ấn tượng sâu sắc vào tâm trí của cậu Morihei khiến cậu miên man trong những mộng tưởng vô tận. Cha cậu rất lo lắng vì khuynh hướng mơ mộng của cậu bé, và cũng để tăng cường thể lực cho cậu nên bắt Ueshiba Morihei tập sumo (2) và bơi lội. Trong những năm đầu tiên học tiểu học, cậu Morihei còn nhận được ảnh hưởng đào tạo của thầy giáo mình là Nasu Tasaburo, trên cả hai phương diện thể xác và tinh thần. Vị này về sau trở thành một nhân vật quan trọng trong lĩnh vực tôn giáo.
 
Năm lên 13 tuổi cậu vào trường trung học Tanabe nhưng chỉ lưu lại ở đó một năm vì sở thích của cậu là học soroban (3). Ueshiba Morihei có năng khiếu đặc biệt trong môn này và chỉ không đầy một năm sau, cậu tiến bộ đến mức trở thành phụ tá giảng viên. Sau đó cậu vào làm cho nhân viên sở thuế Tanabe. Tại đó, cậu phụ trách về thuế điền thổ. Trong lúc làm công việc thu thuế cậu cũng lưu tâm đến các vấn đề của nông dân và ngư dân và cảm thấy bất bình vì những điều kiện làm việc của họ. Cậu tham gia vào những cuộc biểu tình đòi cải tổ, thay đổi một sắc luật mới về ngư nghiệp. Sau những đàn áp gắt gao, cậu xin từ nhiệm và lên thủ đô Tokyo. Thoạt tiên, cậu làm một chân chạy việc trong một cửa hiệu bán sỉ. Vào mùa xuân 1902, Ueshiba thuê một gian hàng tại Asakusa dưới bảng hiệu Ueshiba Shokai (4) để bán văn phòng phẩm cho các học sinh, sinh viên, trong khu vực.
 
Vào thời điểm này, sự lưu tâm của Ueshiba đối với võ đạo ngày càng tăng. Sau giờ đóng cửa tiệm, chàng chú tâm nghiên cứu các kỹ thuật xưa của Jujutsu, đặc biệt là kỹ thuật môn phái Kyto với võ sư Tozawa; đồng thời chàng cũng tập Kenjutsu (5) tại một đạo đường của phái Shinkage (6). Sau ít tháng, Ueshiba Morihei bị bệnh phù thủng và phải trở lại Tanabe, nơi làng quê của chàng. Tại đó, Ueshiba Morihei kết duyên với một cô bạn thời niên thiếu là Itokawa Hatsu.
 
Từ lúc trở về quê, Ueshiba Morihei thề quyết tạo cho mình một thân hình cường tráng, lực lưỡng. Chàng khổ công theo đuổi một chương trình huấn luyện khắc nghiệt và tiệm tiến, dựa trên điều kiện sức khoẻ và lực cơ bắp. Lúc hai mươi tuổi, dù có một chiều cao nhỏ bé (1m54), Morihei có một sức mạnh trên người bình thường rất nhiều. Nhưng sức mạnh thể xác thuần tuý vẫn không làm chàng thoả mãn, do đó chàng đến Sakai (7) để học hỏi kiếm thuật của môn phái Yagyu (8) với thầy Nakai.
 
Năm 1903, tình hình giữa Nga và Nhật trở nên căng thẳng, Ueshiba đăng ký vào trung đoàn bộ binh 61 đồn trú tại Osaka. Chẳng bao lâu, chàng trở thành vô địch trong tất cả các môn luyện tập và đặc biệt là môn Ju ken jutsu (9).
 
Trung đoàn của Ueshiba Morihei được gởi đến mặt trận Mãn Châu. Tại đó, tác phong gương mẫu của chàng khiến cấp trên lưu ý và chàng được thăng cấp trung sĩ. Khả năng chiến đấu của chàng kỳ diệu đến nỗi các chiến hữu đặt cho chàng biệt danh là “Heitai no kami sama” (10). Lúc chàng được giải ngũ, vị chỉ huy của chàng khuyên chàng vào trường huấn luyện sĩ quan để theo nghiệp binh. Ueshiba Morihei từ chối đề nghị này và về quê nhà để lo việc đồng áng. Trong suốt bốn năm chiến tranh, chàng không ngừng tập luyện võ thuật và vẫn tiếp tục liên lạc với võ sư Nakai, thuộc môn phái Yagyu. Sau đó chàng nhận được bằng của môn phái vào năm 1908.
 
Trong thời gian này, Ueshiba Morihei tràn đầy sinh lực và chú tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội trong vùng. Chàng thiết lập một cơ sở tương tự như một câu lạc bộ sinh hoạt thanh niên. Tại đây chàng thiết lập một võ đường để tập luyện Judo với một võ sư tam đẳng vừa mới đến cư ngụ trong thành phố. Vị này, tên Kiyoichi Takagi, sau này trở thành cửu đẳng huyền đai nhu đạo.
 
Trở thành Vua “Shirataki”
 
Năm 1910, chính phủ Nhật muốn khai thác và di dân đến vùng Hokkaido nên kêu gọi những người tình nguyện đi di dân lập nghiệp, Tổ sư Ueshiba Morihei nhận thấy chương trình đó bổ ích nên tập họp một nhóm 80 người để lên đường như những kẻ tiên phong. Sau một cuộc hành trình dài hai tháng, họ đến Hokkaido và hạ trại tại một nơi mà sau này trở thành ngôi làng Shirataki. Sau hai năm khai hoang và lao động vất vả, và họ bắt đầu gặt hái thành quả và quyết định định cư tại đó. Tổ sư Ueshiba Morihei là một người rất dồi dào sáng kiến: ông nghĩ ra việc trồng cây bạc hà, thiết lập một cơ sở khai thác lâm nghiệp. Ông cũng đầu tư vào việc chăn nuôi bò, ngựa và dựng lên tổ hợp chế biến sữa. Với sự thúc đẩy của ông người ta đã dựng lên một trung tâm thương mại, một ngôi trường và một bệnh xá. Ông cũng đã đóng góp vào việc mở mang ngôi chùa Shirataki.
 
Tháng 2/1925, trong chuyến du hành đến Engaru, ông gặp vị đại sư của môn phái Daito tên Takeda Sokaku tại khách sạn Kubota. Đại sư Takeda nhận ra ngay ở chàng thanh niên này một nhân cách phi phàm và ông quyết định truyền thụ lại tất cả các bí quyết của môn phái Daito Ryu (11). Dù thoạt tiên chỉ ghé qua đây, Tổ sư Ueshiba Morihei quyết định kéo dài thời gian và lưu lại một tháng để luyện tập với vị thầy mới của mình.
 
Sau khi trở lại Shirataki, người mở một đạo đường và mời thầy Takeda đến dạy. Người xây cả một ngôi nhà cho thầy mình và chu cấp mọi nhu cầu cho ông ta. Khi nhận được văn bằng đặc biệt của trường phái Daito Ryu thì Tổ sư đã chỉ học với đại sư Takeda vỏn vẹn có một trăm ngày. Thời gian còn lại dành cho việc luyện tập cá nhân.
 
Tháng 6/1918, người ta đề nghị ngài ra ứng cử vào Hội đồng thành phố và ngài đắc cử chức uỷ viên. Cũng vào dạo đó, do sáng kiến của ngài, người ta bắt đầu xây dựng đường xe lửa Hokkaido.
 
Tháng 11/1919, ngài nhận được tin xấu về tình trạng sức khoẻ của thân phụ. Rất xúc động, ngài quyết định bỏ lại tất cả của cải và cùng với gia đình trở về Tanabe.
 
Trên đường về, ngài nghe đồn tại vùng Ayabe có một vị đại sư có nhiều quyền lực tinh thần tên là Deguchi Onisaburo, Tổ sư Ueshiba Morihei quyết định tạt lại thăm đại sư Deguchi để xin ông ta cầu an cho thân phụ mình. Người cảm thấy cần phải có cuộc gặp gỡ này trong lúc đang trải qua thử thách, vì nhận thức rằng dù mình võ nghệ và khí lực tuyệt luân nhưng sức mạnh tinh thần thì vẫn mơ hồ và yếu đuối và dễ bị chao đảo khi gặp một thử thách tâm lý.
 
Thân phụ của người mất ngày 2/1/1920 và người chỉ về đến nhà ở Tanabe hai ngày sau đó.
 
Cái chết của thân phụ làm Tổ sư Ueshiba Morihei rất phiền não, ngài trải qua nhiều tháng trầm tư và quyết định đến cư ngụ tại Ayabe trong ngôi đền của giáo phái Omotokyo để học hỏi với sự hướng dẫn của ngài Deguchi Onisaburo.
 
Omotokyo là một giáo phái thuộc Thần đạo được bà Deguchi Nao sáng lập. Sau khi tiếp nhận được những mặc khải thần linh, giáo phái đã phát triển mạnh khi người rể của bà là Ueda Kitasabuno (sau đổi tên thành Deguchi Onisaburo) trở thành vị thủ lĩnh. Đối với Omotokyo, theo như lời nhận định của giáo sư Jean Herbert thì “Thượng đế là tinh thần thấm nhuần toàn cõi vũ trụ và con người là người quản gia cai trị trời đất. Một khi con người đã hợp nhất được với Thượng đế  thì nó có được một quyền năng vô tận. Con người là đền thờ của Thượng đế và Thượng đế cũng là thành luỹ của con người. Con người và Thượng đế liên lập với nhau”.
 
Omotokyo truyền cho các tín đồ của mình tuân theo ba giới luật để có thể đến gần Thượng đế:
 
1. Hãy quan sát các hiện tượng thực của thiên nhiên và bạn sẽ suy nghiệm được bản thể của chân Thượng Đế.
 
2. Hãy quan sát sự tuần hoàn tuyệt hảo của vũ trụ và bạn sẽ suy nghiệm được năng lực của chân Thượng Đế.
 
3. Bạn hãy quan sát tâm trí của các sinh vật để nhận thức được linh hồn của chân Thượng Đế.
 
Phù Tang đệ nhất kiếm
 
Deguchi Onisaburo bị chính quyền nghi ngờ và đã nhiều lần bị tống ngục vì nhiều lý do, trong đó có lý do phạm thượng đối với Thiên Hoàng và vi phạm luật báo chí. Dù vậy, ông đã hoạt động một cách hăng say trong lĩnh vực xã hội cho những người già yếu, mồ côi, khốn cùng cũng như trong lĩnh vực chữ viết. Là một người chủ trương hoà bình, ông thành lập hiệp hội bảo vệ tình thương và tình huynh đệ thế giới vào năm 1925. Ông liên lạc với nhiều tôn giáo trên thế giới và góp phần sáng lập liên đoàn các tôn giáo thế giới.
 
Ngày 13/2/1924, mặc dù vẫn còn bị chỉ định cư trú do tội khi quân, ông đã lặng lẽ rời nước Nhật để qua Mông Cổ cùng với một số đệ tử, trong đó có Tổ sư Ueshiba Morihei. Họ nuôi mộng xây dựng một vương quốc của hoà bình tại Mông Cổ - nơi các đội quân của Trung Quốc và Nhật đang đánh nhau - bằng cách tạo ra một sự liên minh giữa hai phe đang xâm chiếm và dựa vào thế lực của các tôn giáo mới.
 
Họ thất bại trong sự cố gắng của mình và bị người Trung Quốc bắt giam. Sau nhiều tháng tù đày và hơn một lần thoát chết trong gang tấc, họ bị giải giao về cho chính quyền Nhật. Khi được đưa về Nhật Bản, một đám đông vĩ đại đã đến hoan nghênh khi họ đặt chân lên cảng Moji vào cuối tháng 6/1925.
 
Trở lại Ayabe, Tổ sư Ueshiba Morihei càng nỗ lực nhiều hơn trong việc nghiên cứu về võ đạo và sống một cuộc sống khắc khổ. Chính vào thời điểm này, người tiếp một sĩ quan hải quân vốn là một võ sư Kendo (kiếm đạo) đến thăm, vì được nghe danh của ngài. Trong câu chuyện trao đổi, do bất đồng ý kiến về một số điểm, vị khách đề nghị Tổ sư Ueshiba Morihei tỉ thí. Tổ sư trao cho viên sĩ quan một thanh kiếm gỗ và nói với ông ta là ngài không cần kiếm. Viên sĩ quan liên tiếp tấn công, nhưng vẫn không đụng được ngài. Thấm mệt, ông ta dừng tay và Tổ sư giải thích cho ông là ngài cảm nhận trước những đòn tấn công ngay trước khi ông động thủ. Ngài thấy một loé sáng thoáng chốc trước khi thanh kiếm chạm vào người, nhờ vậy ngài có thể tránh né một cách dễ dàng. Ngài đã có những kinh nghiệm tương tự tại Trung Hoa. Đặc biệt một hôm, một binh lính Trung Hoa bắn ngài và bỗng chốc bị ngạc nhiên không mấy thích thú thấy ngài đang đứng sau lưng mình, ngay sau khi anh ta vừa bóp cò súng.
 
Ít lâu sau cuộc tỉ thí với viên sĩ quan Hải quân, Tổ sư Ueshiba Morihei ra sau vườn đến bờ suối để rửa mặt. Chính vào lúc đó người đã được giác ngộ. Một cảm nhận đột ngột khiến ngài không thể chủ động được và nhận thấy thân mình bỗng trở nên thanh khiết. Đồng thời ngài cảm nhận trời đất bắt đầu rung chuyển. Từ dưới đất như có một nguồn ánh sáng óng ánh vàng toả ra, khi chạm vào thân thể ngài thì nó biến đổi và tự thân toát ra một hào quang uy nghi. Ngài nghe tiếng chim kêu và tự thấy mình linh cảm được những bí mật của đấng tạo hoá.
 
 
Chính vào lúc đó ngài hiểu được cội nguồn của võ đạo chân chính là tình yêu và tinh thần, chân võ đạo là không nhằm chiến thắng đối phương bằng sức mạnh mà giữ được bình an của thế giới, cảm nhận và giúp phát triển mọi loài, mọi vật. Ngài hiểu là việc luyện tập sẽ đưa con người đến chỗ sung mãn đó, đến tình trạng ân sủng, trong đó con ngưởi cảm nhận được sự hoà hợp của thế giới vật chất và thế giới tinh thần.
 
Nếu sự tham gia tinh thần hiện hữu trong tất cả các môn võ thuật Nhật Bản thì trong thực tế chưa hề có người nào đào sâu nó đến độ bao gồm các tình thương nhân loại như mục đích của chân võ đạo. Tình thương thì không đố kỵ, tình thương không có thù địch. Đó là lý do khiến Tổ sư Ueshiba Morihei quyết định gọi võ đạo của ngài là Aikido.
 
“Môn võ đạo lý tưởng”: Aikido (lời của Tổ sư Judo)
 
Từ năm 1926, tên tuổi của Tổ sư Ueshiba Morihei được nhiều người biết đến và nhiều võ đạo gia lừng danh cũng như những nhân vật chính trị, quân sự đều đến tham kiến ngài.
 
Năm 1927, theo lời mời của đô đốc Takeshita (12) Tổ sư Ueshiba Morihei lên Tokyo và bắt đầu dạy cho các sĩ quan cao cấp và các nhà quí tộc. Ngài cũng tổ chức các lớp huấn luyện đặc biệt 21 ngày cho các sĩ quan của đội cận vệ Hoàng gia mà phần lớn đều mang tối thiểu ngũ đẳng trong các môn Judo và Kendo.
 
Ngài còn dạy ở nhiều nơi khác tại Tokyo. Sau đó, ngài được Hoàng tử Shimazu dành một phòng lớn để làm đạo đường. Chẳng bao lâu, căn phòng trở nên quá chật hẹp và sau nhiều cố gắng, ngài thiết lập tại Wakamatsu một đạo đường hoàn toàn mới mang tên Kobokan.
 
Chính tại đây, một hôm vị sáng lập môn phái Judo - Tổ sư Kano Jigoro đến thăm ngài vì được nghe danh môn phái mới của ngài. Khi nhìn Tổ sư Ueshiba Morihei thi triển đòn thế Aikido ở trên sân, đại sư Kano Jigoro đã nói: “Đây chính là môn võ đạo lý tưởng”. Ngay ngày hôm sau, ngài phái các đại đệ tử đến Kobukan để học Aikido.
 
Vào dạo đó, việc thâu nhận đệ tử rất khắc khe, việc luyện tập rất kham khổ, đến độ người ta đã từng mệnh danh nơi đó là “địa ngục trần gian”.
 
 
Trong những năm chiến tranh, đạo đường chỉ hoạt động cầm chừng và phần lớn là do võ sư Ueshiba Kisshomaru (con trai Tổ sư) phụ trách huấn luyện. Về phần mình, Tổ sư Ueshiba Morihei lui về ở Iwama cách Tokyo 120 km, nơi hiện nay có ngôi đền Aikido.
 
Vào năm 1946, người Mỹ cấm mọi việc luyện tập võ thuật trên khắp nước Nhật và đạo đường tại Tokyo được dùng làm chỗ tạm trú cho những gia đình chiến nạn. Cho đến năm 1948, trụ sở đó được gọi là Hombu Dojo (Bản bộ đạo trường). Aikido là môn võ đầu tiên được phép hoạt động trên đất Phù Tang nhờ ở tinh thần hoà hiếu của nó.

 
 

Ngày 09/02/1948, tổ chức Kobukai trở thành Aikikai và được bộ giáo dục công nhận như là một hội công ích. Từ đó, số võ sinh không ngừng gia tăng và một số võ sư Aikido hiện nay từ bát đẳng trở lên đã bắt đầu công việc luyện tập của họ ở đây. Vào những năm 50, Tổ sư Ueshiba Morihei - sắp bước vào tuổi thất tuần - đã nhường công việc giảng dạy lại cho con và các cao đồ của mình phụ trách. Trong số họ, có nhiều người lên đường ra ngoại quốc và truyền bá Aikido trên toàn thế giới.
 
Khi Tổ sư đại hoàn nguyên vào ngày 26/04/1969 thì Hombu dojo là một toà nhà ba tầng lớn và môn Aikido được hàng trăm ngàn người theo học ở khắp năm châu.
 
Tổ sư có bốn người con, một gái và ba trai. Hai người con trai đầu mất lúc còn nhỏ và người con trai còn lại là vị đạo chủ kế tục Tổ sư. Hiện nay người lãnh đạo Trung tâm Aikido thế giới là võ sư Ueshiba Moriteru (cháu nội Tổ sư).
 
Từ dạo đó, ngôi nhà của Aikikai lại được nâng cao lên hai tầng và ngoài 5 lớp luyện tập thường xuyên mỗi ngày còn có những lớp dành cho các môn sinh hoặc các nhóm đặc biệt. Từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối, hàng trăm người đến tập tại Đạo đường Trung ương để đi theo con đường kỳ diệu mà Tổ sư Ueshiba Morihei đã vạch ra.
 
 
 Chú thích:
(1) Tanabe: một thành phố cảng ở quận Wakayama trước thuộc tỉnh Kii.
(2) Sumo: môn vật cổ truyền kỳ cựu của Nhật.
(3) Soroban: một loại bàn toán của Nhật, tương tự bàn toán Trung Hoa.
(4) Shokai: Thương hội, công ty thương mại.
(5) Ken jutsu: kiếm thuật.
(6) Shinkage: “tấm ảnh”, một môn phái võ thuật lâu đời của Nhật.
(7) Sakai: một thị trấn lớn gần thành phố Osaka.
(8) Yagyu: tên của một gia tộc Samourai lừng danh và là tên của một môn phái võ thuật Nhật.
(9) Ju ken jutsu: phương pháp đánh lưỡi lê.
(10) Heitai no kami sama: vua của các chiến binh.
(11) Daito ryu: Đại đông lưu, môn phái Ju jutsu cổ. Hiện do Takeda Tokimune làm  đạo chủ.
(12) Takeshita Isamu (1869-1949): Thuỷ sư đô đốc, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu võ học. Ông đã ghi lại hàng trăm trang các chi tiết những lời dạy của Tổ sư Ueshiba Morihei trong việc thành lập đạo đường đầu tiên tại Tokyo và dàn xếp cho cuộc biểu diễn rất đặc biệt của Tổ sư trong cấm thành trước mặt Hoàng gia Nhật.
 

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Sự sống trái đất là một tương quan huyền nhiệm của vũ trụ

 
Nếu các bạn nào đã từng thao tác những công việc đồng áng hay trồng cây ăn trái, sẽ nhận ra tất cả đều lớn lên từ đất, hay nói cách khác: đất là mẹ sinh ra muôn loài, kể cả mọi thân xác động vật, loài người đều cùng nhờ đất nuôi dưỡng, cho ta những thức ăn mới tồn tại (đây là nói về thân xác). Riêng Thánh kinh Thiên Chúa giáo cũng nói: " Thượng Đế nắn chúng ta từ cát bụi theo hình ảnh của Ngài, rồi hà sinh khí vào tức thì chúng ta trở thành vật sống". 
 
Suy rộng ra, đất bao gồm cả hành tinh chúng ta đang sống, tức là trái đất. Theo cái nhìn khoa học thì sự sống của trái đất chúng ta trước tiên luôn bị mọi ảnh hưởng chi phối chung trong Thái Dương Hệ, vì thế nên mới có thời tiết bốn mùa nắng mưa và những hiện tượng thiên tai bất thường thay đổi! Theo triết lý nhân sinh quan của Ấn Độ giáo hay Phật giáo thì sự sống của trái đất kể cả mọi loài mọi vật, riêng nói về thân xác luôn được cấu tạo bởi các hợp thể: Nước, lửa, gío, đất hay cát bụi (Nhà Phật gọi đó là "Tứ đại giai không").

Đi từ suy luận trên, ta có thể đoán rằng trong vũ trụ còn có vô cùng tận những dải Ngân Hà với vô số những vì sao cũng có sức nóng thiêu đốt như Mặt trời trong Thái Dương hệ chúng ta đang sống, nên chắc chắn ta có thể tin rằng ngoài Thái Dương hệ chúng ta, còn có sự sống ở những Ngân hà khác trong vũ trụ; bởi hội đủ những cấu tạo hợp thể Tứ đại từ nước, lửa, gío, và xác thể đất hay cát bụi từ hành tinh để tạo nên sự sống; ví như cây cối đến thân xác muôn loài đều ảnh hưởng sinh tồn từ hợp thể Tứ đại gắn liền với hành tinh ta đang sống.


Vũ trụ này có sự tương quan huyền nhiệm giữa Tạo Hóa và muôn loài. Vũ trụ với thời gian và không gian là vô cùng vô tận, không có khởi đầu và cũng không có kết thúc. Kẻ đạt đạo thoát ly khỏi sinh tử bằng cái thấy thường hằng nơi vũ trụ vốn vô thủy, vô chung.
 
@Phạm Thiên Thơ

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Ukraina, trọng tâm của thượng đỉnh NATO

Thời sự: Thứ năm, 4/9/2014
   
Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen - Reuters
Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen - Reuters
Thanh Hà
        
28 nguyên thủ quốc gia và Thủ tướng chính phủ tham dự thượng đỉnh khối NATO, tổ chức tại Newport, Anh Quốc. Lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Ý tiếp riêng Tổng thống Ukraina trước khi khai mạc hội nghị. Ukraina và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Syria là hai hồ sơ lớn của thượng đỉnh này.
 
Sáng nay 04/09/2014, trước khi chính thức khai mạc thượng đỉnh NATO, Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, Anders Fog Rasmussen một lần nữa kêu gọi Nga ngưng can thiệp vào miền Đông Ukraina. Cùng lúc, Tổng thống Ukraina, Petro Porochenko, tiếp kiến lãnh đạo 4 nước châu Âu.
 
Tại Newport lần này, ông Porochenko một lần nữa yêu cầu phương Tây giúp đỡ Kiev hiện đại hóa quân đội. Cụ thể hơn, Ukraina chờ đợi gì ở NATO ? Thông tín viên Murielle Pomponne từ Kiev tìm cách trả lời : 
 
« Kể từ thất bại sau cuộc tiếp xúc giữa hai Tổng thống Putin với Porochenko hôm 26/08/2014 và các đợt tấn công của phe thân Nga ở miền đông Ukraina, chính quyền Kiev liên tục yêu cầu các nước phương Tây hỗ trợ về mặt kỹ thuật và quân sự.
 
Ukraina không cầu viện quốc tế gửi quân sang Ukraina nhưng muốn được viện trợ vũ khí và nhất là cung cấp trang thiết bị. Quân đội Ukraina hiện đang thiếu trang thiết bị phòng thủ. Tại thượng đỉnh Châu Âu gần đây nhất, Tổng thống Petro Porochenko đã không thuyết phục được Liên Hiệp Châu Âu giúp đỡ Kiev. 
 
Lần này, Ukraina đưa ra lời cầu viện tương tự tại thượng đỉnh khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên NATO không có lính và vũ khí trong tay. Chỉ có các nước thành viên trong khối mới có thể đáp ứng nhu cầu của Kiev.
 
Tuy nhiên, NATO có thể hỗ trợ Ukraina về phương diện tài chính. Cụ thể là huy động quỹ giúp Ukraina hiện đại hóa quân đội, hỗ trợ Ukraina về mặt hậu cần hay các công tác phòng thủ chống tin tặc … Nhưng đó là những chương trình mang tính dài hạn.
 
Trước mắt, Ukraina không phải là một thành viên của NATO cho nên tổ chức này không bắt buộc phải hỗ trợ Kiev. Chính vì vậy mà Ukraina lại nêu bật nhu cầu gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Mong muốn đó hiện vấp phải nhiều rào cản, đặc biệt là về mặt ngoại giao, cho dù chính tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố là cánh cửa của NATO vẫn để ngỏ ».
 
Về phần mình, Matxcơva sáng nay cảnh cáo Ukraina trước mọi ý đồ xin gia nhập khối NATO. Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh ý tưởng đó có nguy cơ phá hỏng mọi nỗ lực tìm kiếm hòa bình ở miền đông Ukraina. 
 
Cũng liên quan tới Ukraina, hôm qua (03/09/2014) bộ Quốc phòng Mỹ thông báo 200 lính nhảy dù sẽ tham gia một cuộc tập trận quốc tế trong tháng 9/2014 tại miền tây Ukraina. Đây là một cuộc thao diễn quân sự được tổ chức tại Yavoriv, từ ngày 13 đến 26/09/2014. Các thành phần tham gia gồm quân đội Ba Lan, Ukraina, Roumani, Moldavia, Bulgari, Tây Ban Nha, Estonia, Anh, Đức, Litva và Na Uy. 
 
Ngoài ra vào tuần tới, hải quân Hoa Kỳ chuẩn bị tham dự một cuộc thao diễn được dự trù ở ngoài khơi Hắc hải. Trong cuộc thao diễn này có sự tham gia của lính Ukraina. Đây là lần đầu tiên kể từ khi nổ ra khủng hoảng Ukraina, Hoa Kỳ đưa quân đến khu vực. Tuy nhiên bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Chuck Hagel đã trên đài truyền hình CNN, đã loại trừ mọi khả năng tiến tới một sự đối đầu quân sự với Nga.
 
Nguồn: http://www.viet.rfi

NATO - Nga : Bế tắc đối thoại về Ukraina

  Thời sự: Thứ năm, 4/9/2014
  
Tổng thống Porochenko tại Thượng đỉnh Newport - Reuters
Tổng thống Porochenko tại Thượng đỉnh Newport - Reuters
Thanh Hà
 
Ukraina là trọng tâm của thượng đỉnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Newport. Tổng thống Porochenko vào trưa nay tiếp kiến tổng thống Hoa Kỳ, Obama, tổng thống Pháp, Hollande và thủ tướng các nước Anh, Đức và Ý bên lề hội nghị. Quốc tế gia tăng áp lực đòi Matxcơva chấm dứt can thiệp vào miền Đông Ukraina.
 
Tại hiện trường, phe thân Nga ở miền Đông Ukraina đang giành lại thế mạnh. RFI đặt câu hỏi với giám đốc Viện Quan hệ Chiến lược Quốc tế IRIS của Pháp, ông Philippe Migault về bế tắc trong đối thoại giữa phương Tây và Nga trên hồ sơ Ukraina. 
 
Trước hết phải chăng việc phe thân Nga ở Đông Ukraina đang lấy lại ưu thế là một sự bất ngờ ?  
 
Điều đó vừa đúng mà vừa không đúng. Mới chỉ cách nay hai tuần, Kiev khẳng định là sắp dẹp được quân nổi dậy ở miền Đông Ukraina. Thế nhưng trên hiện trường, xung đột giữa quân đội Ukraina với phe nổi dậy thân Nga rất khốc liệt, nhất là ở vùng sát biên giới giữa Nga với Ukraina. Quân đội Ukraina cho tới nay chưa từng thành công trong việc tách rời quân nổi dậy khỏi vùng biên giới với Nga.
 
Trợ giúp từ phía Nga vẫn tiếp tục đổ về khu vực này, nuôi sống, trang bị cho phe nổi dậy thân Nga. Đương nhiên là ngày nào mà liên hệ đó còn được duy trì, thì quân đội Ukraina sẽ bị xói mòn, hao tốn sức lực. Quân đội Ukraina tuy có nhiều phương tiện nhưng lại bị chia rẽ và thiếu nhân sự. Hơn nữa, trong thế tấn công, Ukraina cần huy động nhiều binh sĩ và các phương tiện quân sự. Chốt lại, tình hình hiện nay tương đối không phải là một điều gây ngạc nhiên.
 
Quốc tế phải nghĩ gì khi Nga tuyên bố « xét lại chiến lược quân sự » ở phía tây trước khả năng NATO thu nhận thêm thành viên mới ?
 
Tôi nghĩ là chúng ta không nên nao núng vì tuyên bố đó của chính quyền Matxcơva. Nga không đưa ra điều gì mới mẻ cả. Ngay từ những năm 2010, Matxcơva đã coi khả năng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương mở rộng biên giới là một mối đe dọa đối với an ninh của nước Nga. Trong mắt các nhà cầm quyền Nga, NATO luôn là một hiểm họa. Có điều là với khủng hoảng Ukraina, sau việc Crimée bị thôn tính và sáp nhập vào nước Nga, NATO đề nghị thành lập căn cứ quân sự thường trực tại đông Âu, tức là sát cạnh biên giới của Nga. Đương nhiên là Matxcơva phải có phản ứng. Có nhiều khả năng Nga tăng cường sự hiện diện quân sự ở vùng phía tây. 
 
Thưa ông Philippe Migault, thực ra Nga muốn gì trên hồ sơ Ukraina ?
  
Tôi nghĩ từ đầu cuộc khủng hoảng tới nay, mục tiêu của Matxcơva đối với Ukraina không hề thay đổi. Liên bang Nga luôn coi Ukraina là một quốc gia có lợi ích sống còn và có tầm mức chiến lược đối với bản thân nước Nga. Vì vậy Matxcơva làm tất cả để Kiev không ngả về phía Liên Hiệp Châu Âu và nhất là không đi theo NATO. Nga không muốn trông thấy một nước Ukraina thân Mỹ. Đương nhiên là Matxcơva không muốn quyền lực Ukraina nằm trong tay các nhà lãnh đạo bài Nga. Đơn giản chỉ vậy thôi.
 
Liệu rằng Nga có tiếp tục muốn thành lập một liên minh với Ukraina để buộc Kiev chịu ảnh hưởng của Matxcơva như dưới thời Liên Xô cũ hay không ?
 
Đương nhiên với khủng hoảng không hồi kết như hiện nay, mọi kịch bản đều có thể xảy ra. Chúng ta có thể liên tưởng tới một « liên bang Ukraina » hay một nước Ukraina bị chia đôi mà ở đó vùng Donbass tách rời hẳn khỏi Ukraina để thuần phục Matxcơva như ở vùng Nam Áp Kha Si. Nhiều người cũng không loại trừ khả năng miền Đông Ukraina xin được sáp nhập hẳn vào nước Nga. Ngày nào mà các bên liên quan không chịu ngồi vào bàn đàm phán, thì không thể nói tới hồi kết của khủng hoảng Ukraina. 
 
Vào lúc NATO họp thượng đỉnh ở Newport, Anh Quốc, ông có nghĩ là phương Tây và Nga có thể dễ dàng nối lại đối thoại để giải quyết hồ sơ Ukraina hay không ?
 
Tôi có cảm tưởng là liên quan tới đối thoại với Nga, cộng đồng quốc tế đang trong một tình huống tương tự như đối với vấn đề khủng hoảng kinh tế của nước Pháp. Có nghĩa là tất cả mọi người cùng nhận thức được vấn đề nhưng không ai sẵn sàng làm bất cứ một việc gì để giải quyết vấn đề đó. Vấn đề rất đơn giản. Nga muốn có một cuộc đối thoại về Ukraina. Nhưng đó phải là một cuộc đối thoại tương tương xứng, bình đẳng giữa các bên. Nga không muốn bị cộng đồng quốc tế áp đặt. Phương Tây thì coi đó là một thái độ ngạo mạn của các nhà cầm quyền Matxcơva. 
 
Khác biệt đó cho thấy khó có thể tiến tới đối thoại thực sự. Vấn đề đặt ra là quốc tế vẫn nghĩ nước Nga ngày này của ông Putin như liên bang Nga ở những thập niên 1990 dưới thời đạo của cố tổng thống Boris Eltsin. Đó là một sai lầm. Ngày nào mà chúng ta không hiểu được rằng nước Nga ngày nay của Putin không khoan nhượng như thời trước, thì không thể có một sự thương lượng thực sự để đem lại hòa bình cho Ukraina. 
 
Xin cảm ơn ông Philippe Migault, giám đốc viện IRIS.
 
Nguồn: http://www.viet.rfi.