Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2009


VỀ TÌNH YÊU
* J. KRISHNAMURTI



HỎI: Đối với ngài, tình yêu có nghĩa là gì?

KRISHNAMURTI: Chúng ta hãy khám phá bằng cách những gì không phải tình yêu, vì khi tình yêu là sự thể xa lạ thì chúng ta phải đến tình yêu bằng cách tiêu trừ điều quen biết. Điều xa lạ không thể nào được khám phá bằng một tâm trí nhét đầy sự quen biết. Điều chúng ta sắp làm là tìm cho ra những gía trị của điều quen biết, nhìn vào điều quen biết, và khi điều quen biết ấy được nhìn một cách thuần khiết trong sạch, không có sự kết án, thì tâm trí trở nên tự do, giải phóng khỏi thế giới quen biết; lúc ấy chúng ta sẽ biết được tình yêu là gì. Vì thế chúng ta phải đi đến tình yêu bằng đường lối tiêu cực phủ nhận, chứ không phải bằng đường lối tích cực khẳng định.

Đối với phần đông chúng ta, tình yêu là gì? Khi chúng ta nói rằng chúng ta yêu một người nào đó, chúng ta muốn nói gì? Chúng ta muốn nói rằng chúng ta chiếm hữu người ấy. Từ sự chiếm hữu mới khởi phát lòng ghen tuông, bởi vì nếu tôi mất chàng ấy hay nàng ấy thì điều gì xảy ra? Tôi cảm thấy trống rỗng, mất mát; vì thế tôi hợp lệ hóa sự chiếm hữu bằng luật pháp; tôi ghì giữ chàng hoặc nàng. Vì sự ghì giữ, sự chiếm hữu ấy mới xuất hiện lòng ghen tuông, xuất hiện sự sợ hãi và vô số xung đột khởi phát từ sự chiếm hữu. Chắc chắn sự chiếm hữu ấy không phải là tình yêu, phải thế?

Dĩ nhiên tình yêu không phải là tình cảm. Giàu tình cảm, giàu cảm xúc không có nghĩa là có tình yêu đâu, vì tình cảm sướt mươt cảm xúc kia chỉ là những cảm giác thôi. Một tu sĩ khóc thương Jesus hay Krishna, khóc thương thầy mình hoặc một người nào khác thì chỉ là một kẻ sưót mướt. Hắn thích thú đắm chìm trong cảm giác, tức là một tiến trình tư tưởng, và tư tưởng không phải là tình yêu. Tư tưởng là kết qủa của cảm giác, vì thế kẻ nào sướt mướt, dễ xúc động lải nhải thì không thể nào biết được tình yêu. Vậy phải chăng chúng ta đều dễ sướt mướt, dễ xúc động lải nhải? Tình cảm sướt mướt, sự xúc động lải nhải chỉ là một hình thức bành trướng bản ngã. Giàu xúc động cảm kích cố nhiên không phải là tình yêu, vì một người giàu tình cảm có thể rất tàn nhẫn hung dữ khi những tình cảm của hắn không được đáp ứng, khi những cảm xúc của hắn không có ngõ thoát. Một kẻ giàu xúc động cảm kích có thể bị sôi động đến việc thù hận, chiến tranh, tàn sát đẫm máu. Một kẻ giàu tình cảm, đầy lệ chảy chứa chan về tôn giáo của hắn nhất định không có tình yêu gì cả.

Có phải sự tha thứ là tình yêu? Cái gì nằm ẩn ý trong sự tha lỗi? Ngài sĩ nhục tôi và tôi phẫn hận việc ấy, ghi nhớ việc ấy; rồi hoặc vì sự trấn áp hoặc vì ăn năn hối hận, tôi nói, “tôi thứ lỗi ngài“. Thoạt đầu tôi ghi giữ lại, rồi tôi xua bỏ. Làm như vậy nghĩa là gì? Tôi vẫn là nhân vật quan trọng, chính tôi đang dung tha một ngươi nào đó. Khi mà còn thái độ tha thứ, tha lỗi thì chính tôi vẫn là kẻ quan trọng, chứ không phải người đã sĩ nhục tôi. Vì thế khi tôi chồng chất tích trữ sự phẫn hận, rồi xua bỏ sự phẫn hận kia, mà tôi gọi là sự tha lỗi, đó vẫn không phải là tình yêu, tình thương. Một người thương yêu cố nhiên không có lòng căm hờn và hắn lãnh đạm với tất cả mọi sự như vậy. Tương cảm, tha thứ, tương quan của lòng chiếm hữu, ghen tuông và sợ hãi - tất cả những thứ này không phải là tình thương. Tất cả những thứ này đều thuộc về tâm trí phải thế không? Khi mà tâm trí vẫn còn làm trọng tài thì không có tình yêu, tình thương, bởi vì tâm trí chỉ phân xử, làm trọng tài qua tinh thần chiếm hữu và sự trọng tài kia chỉ là sự chiếm hữu qua những hình thức khác nhau. Tâm trí chỉ có thể làm hư đốn bại hoại tình yêu, tâm trí không thể khai sinh ra tình yêu, tâm trí không thể đem đến sự đẹp tuyệt vời trên đời. Ngài có thể viết một bài thơ về tình yêu, nhưng đó vẫn không phải là tình yêu.

Dĩ nhiên không có tình yêu khi chẳng có sự kính trọng thực thụ, khi ngài không kính trọng kẻ khác, dù kẻ khác là đầy tớ của ngài hoặc là bạn ngài. Ngài có để ý rằng ngài không kính trọng, không tử tế, không rộng lượng đối với những người đầy tớ của ngài, đối với những người gọi “thấp hèn“ hơn ngài? Ngài chỉ kính trọng những người ở địa vị trên, ngài kính trọng ông chủ của ngài, kính trọng người triệu phú, kẻ có ngôi nhà đồ sộ và chức tước cao, ngài kính trọng kẻ nào có thể cho ngài một địa vị tốt hơn, một việc làm khá hơn, kẻ nào ngài có thể trục lợi được. Nhưng ngài trở mặt với hạng người có địa vị thấp hơn ngài, ngài dùng ngôn ngữ riêng biệt đối với họ. Vì thế nơi nào không có sự kính cẩn, nơi đó không thể nào có tình thương. Và vì hầu hết chúng ta đều sống trong cảm thức này, cho nên chúng ta sống không tình thương. Chúng ta không kính cẩn, cũng không nhân từ, nhân ái, cũng không rộng lượng khoan dung. Chung ta đều có tinh thần chiếm hữu, giàu tình cảm xúc động sướt mướt mà tình cảm xúc động sướt mướt này có thể xoay hướng về việc: hoặc chém giết, tàn sát, hoặc đoàn kết nhau về một chủ định âm mưu ngu si khờ dại. Vì thế làm thế nào có thể có tình yêu?

Ngài chỉ có thể biết tình yêu, tình thương, khi tất cả mọi sự vừa kể đã ngừng hết, chấm dứt hẳn chỉ khi nào ngài không chiếm hữu khi ngài không chỉ xúc động sùng bái phụng thờ một đối tượng nào đó. Sự sùng bái phụng thờ ấy chỉ là môt sự thỉnh cầu van xin, tìm kiếm một cái gì đó trong môt hình thức khác. Kẻ nào van xin, nguyện cầu thì kẻ ấy không biết tình thương, Vì ngài có tinh thần chiếm hữu, vì ngài tìm kiếm một cứu cánh, một kết qủa bằng hình thức sùng bái, đọc kinh, những điều này làm ngài tràn đầy tình cảm xúc động, cho nên dĩ nhiên là không có tình thương; cố nhiên là không có tình thương khi không có sự kính cần. Ngài có thể nói rằng ngài có lòng kính cẩn, nhưng sự kính cẩn của ngài là kính cẩn đối với người trên, đó chỉ là sự kính cẩn xuất phát từ việc muốn được cái gì đó, tức là sự kính cẩn của lòng sợ hãi. Nếu ngài thực sự cảm thấy kính cẩn, ngài sẽ kính cẩn đối với những gì thấp nhất cũng như đối với những gì gọi là “cao nhất“; vì ngài không làm được như vậy, cho nên không có tình yêu, tình thương. Ít người trong chúng ta có lòng rộng lượng, khoan dung, nhân ái! Ngài chỉ rộng lượng khi điều ấy đem lợi đến cho ngài, ngài nhân ái khi ngài có thể thấy mình được đáp trả lại. Khi những thứ này tiêu ma đi, khi những sự việc này không làm bận tâm trí ngài và khi những sự việc của tâm trí không lấp đầy tâm tư ngài, lúc ấy mới có tình thương; và chỉ có tình thương mới có thể biến chuyển cơn điên loạn, cuồng dại hiện nay của thế giới - chứ không phải những hệ thống tư tưởng, chứ không phải những lý thuyết, dù lý thuyết của bên tả hoặc của bên hữu. Ngài chỉ thật sự thực yêu thương khi ngài không chiếm hữu, khi ngài không đố kỵ, không gian tham, khi ngài kính cẩn, khi ngài có lòng nhân từ và từ bi, khi ngài kính trọng người vợ của ngài, con ngài, người láng diềng của ngài, những người đầy tớ bất hạnh của ngài.

Không thể nghĩ về tình yêu, không thể đào luyện tình yêu, không thể thực hành tình yêu. Sự thực hành tập luyện về tình yêu, về tình huynh đệ là vẫn còn nằm trong lãnh vực của tâm trí, vì thế đó không phải là tình thương, tình yêu. Khi tất cả mọi sự đào luyện thực hành đều chấm dứt, lúc ấy tình thương, tình yêu mới xuất hiện, lúc ấy các ngài sẽ biết được yêu thương là gì. Lúc ấy tình yêu thương không có tính cách số lượng mà chỉ có tính cách phẩm. Các ngài không nói, “tôi yêu thương cả thế giới, cả nhân loại“ nhưng khi ngài biết yêu thương một thôi thì ngài biết yêu thương tất cả. Bởi vì chúng ta không biết yêu thương một thì tình yêu thương của chúng ta đối với nhân loại chỉ là ảo tưởng. Khi các ngài yêu thương thì không có một cũng không có nhiều: chỉ có tình yêu thương thôi. Chỉ khi nào có tình yêu thương thì tất cả vấn đề của chúng ta mới có thể được giải quyết và lúc ấy chúng ta sẽ hưởng được sự diễm phúc tuyệt vời miên man.



Bản dịch của Phạm Công Thiện
trong quyển “Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng“
Nguyên tác: The First and Last Freedom
Tham khảo thêm> http://www.kfa.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét