Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

CÁC CƯỜNG-QUỐC VÀ SÁCH-LƯỢC THÁI-BÌNH-DƯƠNG

CÁC CƯỜNG-QUỐC
VÀ SÁCH-LƯỢC
THÁI-BÌNH-DƯƠNG




VŨ-TIẾN-PHÚC


* * *




TỦ SÁCH QUÂN CHÍNH
SÀIGÒN 1972





MỤC LỤC
* * * * * * *


Tựa

I- Những hành trình di dân ở Thái-Bình-Dương

II- Trung Hoa: Đông-Nam Chí-Mỹ

III- Hoa Kỳ: Định hướng Thái Bình Dương

IV- Đại Nga và đường ra biển tự do

V- Âm mưu gây sóng gío Mỹ-Nhật

VI- Nhật Bản: mơ vào đại lục, nhớ về Hạ-Uy-Di

VII- Chiến sự Thái-Bình-Dương

VIII- Úc-Châu và Tân-Tây-Lan

IX- Thái Lan, Miến Điện trong hải vực Đông-Ấn

X- Đế-quốc thương mại Hải-dương

XI- Từ một cuộc qua phân…đến một tuyên ngôn trung-lập…hóa

    · Lược kê sách tham khảo

    · PHỤ BẢN: Bản đồ Đông-Nam-Á Chánh trị

                       Bản đồ Thái-Bình-Dương







TỰA


Làm dân nước Nhược tiểu khó hơn làm dân một nước Đại cường. Làm chính khách một nước nhược tiểu cũng khó hơn làm chính khách một nước đại cường vì cái lý thế của cuộc diện chính trị muôn đời xui khiến ra như thế.

Bất luận việc gì ở nước nhược tiểu cũng đòi hỏi nhiều phấn đấu nỗ lực. Cứ xem lịch sử hiện đại thì đủ rõ, lọ là phải nói nhiều.

Lúc cuộc thế chiến xãy ra, nước Pháp phải đánh nhau với nước Đức. Nước Pháp đâu có thua trận nhiều bằng nước Nga, nhưng nước Pháp qụy luôn còn nước Nga thì có đất rộng mênh mông để rút lui, thực hiện kế thanh dã, nhử quân Đức vào trọng địa. Nếu cứ chạy dài như vậy thì đã mât đến 3 nước Pháp rồi!

Phiêu linh ở hải ngoại để mưu cuộc phục quốc, phục thù, đối với đại cuờng Mỹ, tướng De Gaulle thường có thái độ ương ngạnh, bất nhân nhuợng, tranh chấp một cách cứng rắn. Thủ tướng Winston Churchill đã có lần khuyên tướng De Gaulle nên hòa dịu hơn, khiêm tốn hơn một chút, De Gaulle đáp lại rằng:

- Ông khác, tôi khác, tôi theo gương ông thế nào được! Ông ở thế mạnh, tôi ở thế yếu. Ông có hải lục không quân, cả một đế quốc rộng lớn. Tôi chỉ có niềm tin và sự kiêu hãnh mà thôi!

Lấy địa vị nưóc Pháp chỉ mới vừa bại trận và vẫn còn nhiều thuộc địa ở hải ngoại mà De Gaulle dã cảm thấy tất cả sự gian nan, tủi nhục của một sự hợp tác bất bình đẳng nơi nước đồng minh thế thì đối với những nước Á-Phi mất chủ quyền hàng mấy thế kỷ, công cuộc tranh thủ độc lập hẳn phải khó khăn gấp bội. Tranh thủ được độc lập rồi thì phải dùng đủ thứ mưu trí khôn ngoan để đối phó với những thủ đoạn quấy phá, thao túng của các cường quốc. Và các cường quốc vì bản chất là cường quốc có nhiều thực lực nên một hành động nào, một mưu lược nào dù vụng về đi nữa cũng có thể đem lại ít nhiều kết qủa tốt đẹp về phía họ và gieo rắc ít nhiều nguy hại cho những nước vừa yếu vừa nghèo.

Làm việc với phương tiện dồi dào thì vừa dễ thành công vừa ít tốn sức. Người buôn thúng bán bưng kiếm lời chừng vài ba trăm cần phải tính toán suy nghĩ nhiều hơn một nhà xuất nhập cảng kiếm lời năm, bảy chục ngàn đồng!

Sự thực chua chát thương tâm cùa cuộc đời là thế.

Người dân nhược tiểu cần phải có nhiều kiến thức hơn người dân đại cường – Nghe có vẽ nghịch lý nhưng cái nghịch lý đó lại là sự thực. Nhất là trong lãnh vực chính trị, người dân nhược tiểu lại càng không có quyền khờ khạo, ngây thơ. Hiểu biết sự thực thì có nhiều khi phải đau buồn vì sự thực nhưng thà như vậy còn hơn là cứ mơ mơ màng màng ru ngủ tâm hồn nhược tiểu bằng những bản tình ca lãng mạng để rồi một khi va chạm với thực tế thì thất vọng, tuyệt vọng não nùng!

Một người tiềm hiểu sự thực, đó chưa phải là hiện tượng có sức mạnh. Một nghìn người tiềm biết sự thực, đó là sự bắt đầu của một sức mạnh có ít nhiều tác dụng rồi. Người dân nhựợc tiểu muốn khỏi thất vọng cũng như muốn tránh sự chìm đắm trong vũng lầy nhược tiểu lâu ngày, cần phải có sức mạnh trong rất nhiều lãnh vực…

Với tư cách một người dân nhược tiểu ở trong địa vực Đông Nam Á nơi mà các thế lực cường quốc dùng làm diễn trường tranh chấp, tôi may mắn được hấp thụ tư tưởng bảo quốc, kiến quốc của các nhà cách mạng quốc gia chân chính và đọc thêm được một số sách báo nói về những điều mình đang suy tư để tiếp tục đi trên con đường tìm sự hiểu biết cho chính mình cũng như cho những người đồng cảnh. Người đồng cảnh thì đông lắm, đó là đại chúng Việt-Nam đang cần thấy rõ những thế lực nào chi phối thân phận… Trong cuộc mưu sinh vất vả hiện tại, không phải ai cũng có đủ thì giờ đi tìm sự hiểu biết cần thiết đâu!

Nghĩ rằng mình đã làm được một chút gì hữu ích cho người đồng cảnh (dù là một chút xíu đi nữa), đó cũng là một ý nghĩ đem lại sự phấn khởi cho những người cầm bút đã trót sinh vào địa vực Á Phi.

Tự thấy mình có bổn phận phải khởi thảo tập sách nhỏ này vì đây là một tia sáng về đại thế thiên-hạ.


SÀI-GÒN - VIỆT-NAMNgày Giổ Tổ Hùng-Vương, năm 4.851 Việt-lịch
VŨ - TIẾN - PHÚC










CHƯƠNG MỘT
********************************************************





1.NHỮNG HÀNH TRÌNH DI DÂN Ở THÁI-BÌNH-DƯƠNG.

 

· Đất Mỹ-Châu: hấp lực quyến rũ đối với người Á-Châu.

· Những người đi theo Thần Tiki. Người Indonésien vượt biển.

· Việt Nam và Nam-Hải









I
địa thế và thủy thế



Tên cũ của Thái Bình Dương chỉ gồm có hai chữ giản dị mà rất đúng sự thật. Đó là Đại Dương (Grand Océan). Tất cả các biển trên thế giới cộng chung lại được 361 triệu cây số vuông diện tích, 1.370 triệu cây số khối nước, một mình Thái Bình Dương đã chiếm được 180 triệu cây số vuông diện tích và 724 triệu cây số khối nước rồi. Hơn môt nửa nước của thế giới đều dồn về đây, tĩnh từ Đại thật xứng với Thái Bình Dương hùng vỹ! còn cái danh từ Thái Bình là do nhà thám hiểm Magellan đặt ra. Lần đầu vượt Thái Bình Dương, nhà hàng hải Tây Phương may mắn không gặp bão tố. Tuy nhiên, đến quần đảo Phi Luật Tân mặc dầu được dân địa phương tiếp đãi rất tử tế, y cậy mình có súng và có áo giáp, gây sự với vua chư hầu Silapulapu và bị thổ dân giết chết tại trận. Sóng gío dấy lên từ tánh tham bạo, dâm ngược của đoàn thủy thủ Tây Ban Nha…!

Thái Bình Dương rộng bao la và nhiều sóng gío. Đại Dương mở rộng về phía Nam, thu hẹp về phía Bắc. Quần đảo Aléoutiennes là những nhịp cầu thiên tạo để du khách tìm đường từng đợt, tuần tự tiến lên Mỹ Châu. Eo biển Béring lại hẹp, trước thời kỳ Đệ tứ băng hà chấm dứt, hai đầu Á-Mỹ còn dính liền nhau. Có lẽ người Á châu sơ thủy (Asiates) tổ tiên của người Da đỏ đã do đường này đến lập nghiệp ở Mỹ.

Theo thuyết của Clifford Evans, cách đây 5.000 năm, người Nhật đã đến làm ăn, dựng một thị trấn ở Valdivia, trên đường xích đạo Nam-Mỹ. Chứng cớ là người ta đã khai quật được ở đây những mảnh đồ sứ xa xưa của người Nhật, sự phát kiến những di tích Nhật ở Nam-Mỹ làm cho các nhà nhân chủng học kinh ngạc, bàng hoàng…

Theo thuyết của John Fryer ở Đại học California, năm 458, năm vị thiền sư (một là người Trung Hoa, bốn là người dân Á Phú Hãn) đã đến Mỹ châu để truyền bá Phật giáo. Sự việc này được chứng minh băng những tài liệu lịch sử xác thực, rõ ràng. Thêm nữa cách kiến trúc đền đài của dân Maya ở Trung Mỹ có nhiều điểm giống với nghệ thuật Chu-Tần.

Người Polynésien như người Maori ở Tân Tây Lan là những nhà hàng hải có đủ tài năng và can đảm để thực hiện những cuộc hành trình xa xôi giữa muôn trùng sóng gío. Đâu có phải vì một sự tình cờ mà củ khoai lang ngọt ở vùng Đa Đảo giữa Thái Bình Dương và ở Pérou (góc Tây-Bắc Nam Mỹ, đều gọi là Kumara). Chính những nhà hàng hải Polynésien đã đem ra Hải Dương Châu con heo, con chó, con gà. Về thảo mộc, họ đem đến cây dừa, cây bành (arbre à pain), cây chuối, khoai môn, khoai hoàng tinh, khoai lang ngọt. Tất cả những thứ ấy trừ con chó và củ khoai lang ngọt đều là sản vật của miền Nam Dương quần đảo và Mã Lai.

Lại cũng không phải là sự tình cờ mà tiếng Mérina ở Mã Đảo “Đông Phi“ lại bà con với tiếng Mã Lai ở Đông Nam Á. Người Thượng ở Mã Đảo giống như người Thượng ở Trường sơn Việt Nam.

Những cuộc di dân tấp nập và thành công của người Polynésien về thời Thượng Cổ chứng tỏ rằng họ đã có kỹ thuật hàng hải rất cao, biết rõ các giòng hải lưu và các mùa gío.

Cách bờ biển Chili 3.200 cây số về phía tây có quần đảo Tượng đá (người Pháp gọi là đảo Pâques vì người Tây phương đổ bộ lên đảo vào ngày lễ Phục Sinh năm 1722), thổ dân còn nhắc đến việc dựng nước của vua Hotu Matua. Mặc dầu đã trải qua nhiều biến cố, các lái buôn nô lệ Tây Phương bắt bớt dần, đốt phá sách sử của dân đảo, nhưng những tài liệu còn sót lại chứng tỏ họ đã có trình độ văn minh cao, có thứ chữ tượng hình, biết chép sử sách. Những tượng đá vỹ đại nặng hàng 20-30 tấn là những công trình điêu khắc huyền bí có ý nghĩa sâu xa.

Ở quần đảo Tiki (người Pháp gọi là Les Marquises, quần đảo của Hầu tước phu nhân) thổ dân có dấu được trong hang đá những di tích lịch sử về đạo thờ Thần Thái-Dương. Thổ dân là con cháu của những người đã dùng bè gỗ lalsa vượt 8.000 cây số trùng dương, tiến mãi về phuơng Tây, đi tìm thử nơi nào Thần Thái-Dương lặn nghĩ. (Sau thế chiến, một nhà hàng hải Na Uy là Ther Heyerdahl đã diễn thử cuộc hành trình truy tầm Mặt Trời bằng bè gỗ từ bờ biển Pérou (Nam Mỹ) đến giữa Thái Bình Dương. Cuộc thực nghiệm kiểm chứng thành công và trên hải trình đi qua nhiều quần đảo Ther Hayerdahl đã có dịp đau lòng nhận xét rằng từ thế kỷ thứ XVI với sự thám hiểm của Magellan, các nhà hàng hải, các lái buôn Tây Phương đã hủy diệt, tàn phá các nền văn minh hải đảo, di hận rất nhiều cho những con người còn có một chút liêm sỉ và có nhân cách đủ để làm người…!).

Thủy thế và đại thế không thể ngăn trở đuợc sự giao thân giữa Á Châu và Mỹ Châu qua trung gian Hải Dương Châu với 3 nhóm quần đảo Polynésien, Micronésie, Mélanésie. Những quần đảo ấy, kể cả Úc Châu và Tân Tây Lan vào đầu Đệ tứ nguyên đại đã có vài lần dính liền với Á Châu. Đến khi đất sụt, thu hẹp diện tích, biển lan rộng thêm, những người muôn năm cũ còn ghi nhớ bờ cỏi, phong cương, đã náo nức đi tìm dấu vết quốc thổ. Có lẽ đó cũng là một lý do mà người Polynésien, người Indonésien thời đó đã không ngại những cuộc viễn trình, Vì lý do tôn giáo hay vì tình cảm hoài hương, những người Á Châu đã lập được những thành tích hàng hải oai hùng trước khi người Tây Phương đổ đến…


NAM-HẢI: Đia-Trung-Hải Đông Nam…


Từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á, ba vùng biển có liên quan mật thiết đến vận mạng các dân tộc Á Châu, có sự giao thông đều đặn từ hải đảo vào và từ đại lục ra hải đảo là Hoàng Hải, Đông Hải và Nam Hải.

Nam Hải là một Địa Trung Hải quan trọng bởi vì quần đảo Nam Dương – Mã Lai là trạm khởi hành cho những cuộc thám sát viễn dương. Các nhà hàng hải Tây Phương gọi dân Polynésien như thổ dân Hạ Uy Di, Tân Tây Lan, Samoa là những ngưòi Viking ở Đông phương, bởi vì trong lịch sử nhân loại ở Âu châu và dân Ponynésien ở Á châu là những thứ dân có nghệ thuật tiến bộ sớm nhất và có những thành tích vượt biển đáng khâm phục nhất.

Dân Polynésien phát tích ở Hawaiki, lưu vực sông Hằng, đến quần đảo Nam Dương – Mã Lai hòa đồng với người cổ Mã Lai rồi sau đó mới giong thuyền đi khắp các hải đảo Á Châu và Đại Dương Châu. Những thành tích gần nhất còn ghi trong trí nhớ mọi người như vị anh hùng dân tộc của dân Maori ở Tân Tây Lan là Kupé đến hải đảo này vào thế kỷ thứ X. Hai thế kỷ sau. một nhà hàng hải khác là Toi lại đe dân đến từ đảo Tahiki đến đảo Bắc của quần đảo Tân Tây Lan, đảo Mây trắng Ngàn Dặm.

Riêng trong vùng Nam Hải, nguời Indonésien cũng lập được nhiều thành tích khả quan. Coi Nam Hải là Địa Trung Hải, đảo Đài Loan trấn giữ giới hạn ở phía Bắc, quần đảo Phi Luật Tân hơn 7000 đảo làm giới hạn phương Đông, quần đảo Nam Dương hơn 3000 đảo làm trạm tiếp cư ở phương Nam, bờ đại lục Á Châu ở phía Tây là nơi dân Indonésien xuất phát. Nam Hải có giòng hải lưu đi lên từ phía Phi Luật Tân đến hải phận Quảng Đông rồi uốn quanh xuống trong hải phận nước Việt. Người Indonésien, người Chiêm thành đều biết lợi dụng hải du này trong những cuộc hải trình xa xôi. Người Chiêm thành có đến Sa Na trong đảo Hải Nam, người Indonésien đến Phi Luật Tân và đi xa đến tận đảo Bornéo. Người Dayak ở Bornéo và người Djarai ở Trường sơn Việt Nam có huyết thống và ngôn ngữ rất gần nhau.

Từ căn cứ Nam Dương, Mã Lai, người Indonésien còn đi xa về phía Ấn Độ Dương, đến tận Mã Đảo và Đông Phi nữa. Trong cuộc di dân khoảng 1500 năm trước Tây lịch, người Indonésien đến đảo Sumatra. Những đồ đá tìm thấy ở tây bộ Java giống như đồ đá tìm thấy ở Đông Sơn. Dân Mã Đảo gọi quê hương mình là Nyarrivun´ny riaka, nghĩa là đất ở giữa các giòng sông, biển, nơi mà các hải lưu dồn về từ phương Đông. Chỉ cần tránh mùa gío bão là các sõng, thuyền độc mộc, bè gỗ từ phương Đông có thể đến Mã Đảo dễ dàng. Khoai mì (sắn, tiếng Bắc), khoai mài (Huỳnh tinh, tiếng Trung, Nam) là những thực phẩm do người Indonésien đem tới.

Bờ cỏi Đại Việt và Chiêm Thành là những cứ điểm tốt, phía Bắc thông lên Hoa Nam, phía Nam xuống Phù Nam – Chân Lạp, Mã Lai, phía Đông nhìn ra Lữ Tống. Chính vì lợi thế này mà giặc biển Đồ Bà trong thế kỷ thư VIII đã chiếm cứ quần đảo Côn Lôn, tiến đánh Châu Tân Đồng Long (Khánh Thuận) của nước Hoàn Vương (Chiêm Thành) và Châu Hoan, Châu Ái của An Nam đô hộ phủ. Người Đồ Bà muốn làm được công việc như Cri Mara, vua sáng lập ra nước Lâm Ấp, tiền thân của Chiêm Thành. Định chiếm giữ mà không xong thì cướp bóc rồi rút ra căn cứ hải đảo. Điều mà giặc Đồ Bà đã làm vào thế kỷ thứ VIII thì 9 thế kỷ sau, thuyền trưởng Hòa Lan là Flatvoet cũng cố gắng mà làm. Flatvoet nhận được mệnh lệnh của phủ toàn quyền Hòa Lan ở Batavia phải thuê đầm Mang Rang. Việc thuê mướn không thành, người Hòa Lan quay sang nghề cướp giật, gieo rắc kinh hoàng từ Cù Lao Chàm (Quảng Nam) cho đến quần đảo Côn Lôn.

Sự hiện diện của giặc biển chứng tỏ Nam Hải là một biển giao thông tấp nập…mặc dầu nếu gặp cướp hoành hành mạnh qúa thì thương nghiệp phải đình trệ, tiêu vong. Nói cho đúng thì giặc cướp biển, tùy theo trường hợp mà biến thành thượng khách có thể mua bán sòng phẳng. Có khi họ là giặc cướp đối với nước này mà là thượng khách đối với nước kia.

Nam Hải là biển giao thương trọng yếu của các nước Đông Nam Á, chính vì lẽ đó mà nhà Nguyên muốn đặt quyền thiên tử của mình trên đảo Java. Năm 1293, thủy quân nhà Nguyên đánh Java (đảo lớn trong Nam Dương quần đảo). Năm 1294, đánh Lữ Tống, đảo Bắc của quần đảo Phi Luật Tân.

Nhà Nguyên chuyên dùng oai võ chứ thế lực kinh tế không có bao nhiêu. Chính sách Nam Hải của nhà Minh thành công hơn. Khởi đầu từ năm 1405, Trịnh Hòa đem 62 tàu lớn, thủy binh đông đến 27.800 người xuống Nam Dương. Cùng đi với Trịnh Hòa còn có Vương Cảnh Hoằng và về sau còn có Thạch Hiển. Dân chúng các tỉnh Mân (Phúc Kiến) Việt (Quảng Đông) theo chân Tam Bảo Thái Giám đến lập nghiệp ở Đông Nam Á rất đông. Thế lực kinh tế thực dân của nhà Minh rất lớn đến nổi về sau có Trịnh Chiêu làm vua ở Xiêm La, Lương Đạo Minh làm vua ở Tam Phật Tề (bán đảo Malacca). Vương Cơ làm vua nước Thuận Pháp trên đảo Java, Trần Tổ Nghĩa làm vua ở Cựu Cảng v.v…

Nam Hải, các nước bên bờ đại lục cũng như các đảo quốc bao quanh là một miền xung yếu của Á Châu, một nơi mà xưa nay các thế lực cường quốc thường tìm cách thu phục, dàn trải ảnh hưởng. Xung yếu ngay từ vị trí then chốt, chế ngự đường hàng hải Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương. Càng đến gần thời đại hiện kim, vị trí then chốt càng tăng thêm giá trị.


VIỆT NAM: Những nỗi ưu tư của các bậc quốc sĩ.


Người hiểu biết gía trị các hải đảo và sức mạnh của chiến thuyền trong công việc quốc phòng, hiểu một cách thấu triệt và có thiện chí tối tân hóa thủy quân Việt Nam là vua Minh Mạng. Nhà vua sai người đi thám sát chính trị để hiểu rõ đại thế thiên hạ. Như năm 1835, sai Thân Văn Quyền đi Lữ Tống (Phi Luật Tân). Năm 1836, sai Nguyễn Tri Phuơng đi Hạ Châu (Tân Gia Ba), vừa hộ tống tàu bạt gío của Anh Cát Lợi, vừa dò xét sự thông thương của người Tân Phương. Năm 1839, việc chế hỏa thuyền, tàu chạy bằng hơi nước thành công. Hoàng Văn Lịch, Võ Huy Trinh có công giám đốc thợ thuyền được trọng thưởng. Vua ngự xem máy chạy và phán rằng:

- Tàu này mua bên Tây cũng được nhưng ta sai chế tạo, không ngại tốn kém là muốn cho thợ thuyền trong nước quen với máy móc, tập nghề cho khéo, cho tinh.

Các nơi hiểm yếu trong nước đều có đồn bảo giữ gìn, nhất là các đảo trấn hải thì lại càng được nhà vua chú ý. Như đảo Kim Dự ở Hà Tiên, đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi Đà Nẳng. Vũng biển và quần đảo Hoàng Sa, sách Tinh đà Thắng lãm của người Tàu gọi là Thất châu dương (biển bảy bãi, đảo lớn) chế ngự đường hàng hải đi Hải Nam về phía bắc, đi Dà Nẳng về phía Tây, nhà vua đã cho lập Đội Hoàng Sa để phòng giữ thường xuyên, lấy dân ở đảo Lý Sơn (cù lao Ré, Quảng Ngãi) sung vào.

Vua Minh Mạng băng rồi, 4 năm sau phái bộ Đào Trí Phú đi Tân Gia Ba về còn dâng lên vua một chiếc hỏa thuyền. Đây là hỏa thuyền kiểi mới, máy móc tinh xảo hơn những chiếc tàu do người Pháp chế tạo từ đời Gia Long.

Gỉa sử vua Thiệu Trị biết noi theo gương tiên đế, lập ra công binh xưởng cho thợ thuyền trong nước tập quen nghề máy móc. Nếu những người có trách nhiệm lãnh đạo quốc gia thời Tự Đức hiểu được cái xu thế tiến hóa của các cường quốc Tây Phương và những tham vọng của họ…

Nhưng thôi! sống là phải huớng về tương lai. Sự hoài niệm dĩ vãng chỉ có ích lợi khi làm tăng thêm ý chí sinh tồn, nhuệ khí tiến thủ của dân tộc. Hải phận nước ta từ Mang Nhai (Móng Cái) vào đến Lộc Trĩ (Hà Tiên) dài đến 2300 cây số lại có các đảo trấn hải như Cát Bà, Cái Bầu trong vịnh Bắc Việt, Hoàng Sa, Phú Qúi dọc theo bờ biển miền Trung, Thổ Châu, Côn Lôn, Phú Quốc, canh chừng viễn dương… thực là có cái thế hùng cứ trong một miền Nam Hải rộng lớn. Bờ biển Khánh Thuận theo lời Marcel Monier trong sách Vòng quanh Á Châu (Le tour d´Asia) là một đoạn bờ biển mây trời, đá núi, sóng nước phối hợp màu sắc xinh đẹp nhất hoàn cầu. Hải sản của chúng ta cũng nhiều vì dân tộc chúng ta ăn cá mắm nhiều hơn ăn thịt. Có địa thế và hải thế tốt, có tài sản thiên nhiên phong phú mà không biết khai thác cho đúng phương pháp để đem lại sinh kế dồi dào cho quốc dân… việc thất cơ di hận vô cùng trong thế kỷ XIX quyết không nên để cho tái diễn.

Cơ sở kinh tế của ta là nông ngư nghiệp. Công tác sơn phòng và công tác hải phòng đều trọng yếu như nhau.

Chiến sĩ Cần-Vương tiên phong của miền Trung là Phan-Trung khi đi qua những hải cảng tốt ở vùng Khánh Thuận đã phải than thở:

Bi ngã hải tần vô chiến hạm…
Tàn đăng sổ điểm hữu ngư châu.
dịch:
Trông vời chiến hạm ta đâu…
Đèn tàn le lói thuyền câu giữa giòng.

Chúng ta không khỏi phải than thở não nùng nhưng chúng ta vẫn phải lo.

Sinh kế của ngư dân, an ninh trên mặt biển phải hữu hiệu. Các tàu đánh cá của ta vẫn còn lẩn quẩn trong hải phận nước nhà. Kỹ nghệ cá hộp của ta còn ấu trĩ.

Biết bao vấn đề làm cho những người hữu tâm với đất nước phải buồn lo. Chúng ta thừa kế phần đất Chiêm Thành, người Chiêm xưa kia là những thủy thủ dũng cảm. Chúng ta lại thừa kế bình nguyên Cửu Long của đế quốc Phù Nam. Đế quốc này có một nền ngoại thương trên mặt biển rất phát đạt. Chúng ta đã có kế hoạch gì để mạnh về hải quân, giàu về ngoại thương khi chúng ta đã tranh thủ được nền hoà bình cần thiết?

Ở miền đất và miền biển xung yếu, chúng ta phải có những sách lược hưng quốc để có một ngày nhìn muôn trùng sóng biếc Nam Hải, chúng ta nói được chữ “Mare nostrum“, Biển của chúng ta…
                                                Bản đồ Thái Bình Dương
 
 

(Hết chương 1)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét