CÁC CƯỜNG-QUỐC
VÀ SÁCH-LƯỢCTHÁI-BÌNH-DƯƠNG
VÀ SÁCH-LƯỢCTHÁI-BÌNH-DƯƠNG
(Tiếp theo)
CHƯƠNG HAI
*************************************
2. TRUNG HOA: ĐÔNG NAM CHÍ MỸ.
- Cõi bờ hải nội. Đài Loan, một cục nợ cho hai triều đại Minh, Thanh.
- Trịnh Hoà xuất xứ viễn dương, một hành động vô tiền tuyệt-hậu.
- Đông-Nam: chính sách viễn giao cận công.
II
tư tưởng đại lục
TRUNG-HOA; trong ý thức thiên địa định vị giao hòa, tự coi mình là trung tâm thế giới. Tự cao, tự đại nhưng vẫn đúng một phần. Từ đời Tần Hán đến giờ, ít nhất Trung Hoa cũng đã là trung tâm văn hóa cho toàn cõi Á Đông, có ảnh huởng chính trị, văn hóa thấm nhuần các nước từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á. Ảnh huởng chính trị vượt qua Hoàng Hải mà vào đất Nhật chứ binh thuyền Trung Hoa chưa xâm phạm Nhật bao giờ. (Những trận thủy chiến năm 1274 và 1281 là do nhà Nguyên chủ trương với sự trợ lực và cố vấn kỹ thuật của người Triều-tiên, chứ hồi đó nhà Tống đã diệt vong từ mấy năm trước).
Ba triều đại gọi là Tam vương, Hạ, Thương, Chu, chỉ lo kinh doanh lưu vực Hoàng Hà. Vua nhà Chu phong cho Thái Công Vọng ở đất Tề, trong bán đảo Sơn Đông tiếp giáp với biển. Tài nguyên sau này giúp cho Hoàn Công và Quảng Trọng dựng nên nghiệp bá, một phần lớn nhờ ở muối biển. Tuy biết rằng trùng dương đem lại nhiều nguồn lợi, song người Trung Hoa ít muốn vượt biển ra khơi.
Bắc nhân kỵ mã, Nam nhân thừa thuyền.
Người phương Bắc cỡi ngựa, người phương Nam cỡi thuyền, đó là phân biệt về khả năng và cách sinh hoạt của Hoa Bắc, Hoa Nam. Người Hoa Bắc thuần chủng hơn người Hoa Nam. Trong huyết thống Hoa Nam có giòng Sở, Việt, Thái. Hoa Nam nhiều mưa, nhiều sông ngòi hơn Hoa Bắc, con người sinh trưởng phải thích ứng với hoàn cảnh, phải biết chèo thuyền. Họ chèo thuyền rất tài, có thể kẹp mái chèo vào giữa ngón chân cái và các ngón khác, tay cầm lái, thuyền lướt trên sông rạch phăng phăng.
Vua chúa các triều đại Tần, Hán, Đường đều là người Hoa Bắc, bảo thủ tư tưởng đại lục, không thích chuyện thám hiểm viễn dương. Cứ xem Hán văn dùng chữ “hải nội“ đồng nghĩa với chữ “quốc nội“ thì đủ biết người Hán không có tham vọng xa xôi về những miền đất ngoài khơi Đông Hải. Đức minh trị của nhà vua mà sáng chói thì người phương xa tìm đến xin vào chầu. Không lo mình không thống trị được cõi xa, chỉ lo mình thiếu ân đức. Nếu mình có ân đức thì:
Tọa pháp cung trung triều Tứ Di.
Cứ ngồi yên ở trong cung mà Di, Địch bốn phương nghe tiếng chính trị nhân ái, tìm đến xin thần phục. Như vậy gọi là đức hóa.
Vua Hán Cao Tổ không ưa vượt biển cho nên di thần của nước Tề là Điền Hoành chỉ chiếm giữ vài hòn đảo hoang ngoài tỉnh Sơn Đông mà nhà vua không hề nghĩ đến việc dụng võ. Nhà vua rất lo ngại Điền Hoành nuôi dưỡng sĩ tốt, tạo thành thế lực lớn nên vội sai Lục Gỉa đi thuyết hàng càng sớm càng hay. Nếu Điền Hoành không tự sát nửa đường thì chắc vua Hán sẽ phong cho một chức quan, một tước hầu mà lưu giữ Điền Hoành trong nội địa. Thả về ngoài đó, ai dám theo mà kiểm soát những hành động khuấy nước, chọc trời?
Võ công như Hán Vũ Đế mà cũng chỉ đến đào ao Côn Minh để luyện tập thủy sư chứ không dám xuống sông Trường Giang hay đến Hồ Động Đình mà thao diễn quân sự. Thích việc sông nước như Tùy Dượng Đế thì cũng chỉ đến đào vận hà nối liền Nam Hoa, Hoa Bắc và ngao du trong sông mà thôi. Kỵ biển.
Vua Thái Tông nhà Đường thân chinh đi đánh Cao Ly. Truyện kể lại rằng quân sư Từ Mậu Công phải cho kết nhiều thuyền lại rồi cho cất nhà lầu lên trên để nhà vua khỏi sợ sóng. Không cần luận rằng việc ấy có đúng trăm phần hay không, chỉ cần biết răng người kể và người nghe đều có cái mặc cảm như nhau là e ngại sóng gío. (Sóng gío là chuyện tối kỵ, cho nên để diễn tả một tai nạn lớn, người Trung Hoa dùng chữ bình địa khởi phong ba). Tự mình có sẵn cái tâm lý sợ biển, sợ sóng cho nên khi thấy có người phương xa vượt biển, đến triều kiến thì mình sẵn sàng đãi ngộ một cách đặc biệt để đền đáp lại tấm lòng mến nghĩa tìm về.
Năm 631, vua Chiêm là Phạm Đầu Lê (Kandapadharma) tiến cống các đồ trân bảo hải ngoại, trầm hương, kỳ nam, pha lê lưu ly, ké trắng, ké ngũ sắc, sừng tê, ngà voi. Vua Thái Tôn nhà Đường thích qúa, truyền chỉ đến khi vua “thiên thu vạn tuế hậu“ thì đặt tượng Phạm Đầu Lê ở sơn lăng để nhà vua có một bầy tôi trung nghĩa.
Ngoài biển là thế giới của thần tiên. Vượt biển đi buôn bán phương xa là sáng kiến tự động của nhân dân, chính phủ không hề khuyến khích bảo trợ. Thế kỷ VI, ghe thuyền Trung Hoa đã đến buôn bán ở Virapura, thủ phủ Châu Tân Đồng Long (Panduranga, Khánh Hòa, Bình Thuận). Ghe thuyền La Mã đến buôn bán với Phù Nam, nhờ Phù Nam là một trung tâm thương mại lớn ở Á Đông mà Trung Quốc biết đến nước Đại-Tần (La Mã). Những kinh nghiệm hành trình đều do lái buôn Hoa-Nam thu thập, hoặc do bản thân kinh lịch, hoặc do người khác truyền dạy, trình bày.
Vào thời oai võ cực thịnh, giữa thế kỷ VIII, nhà Đường có 6 phủ đô hộ (An Đông, An Bắc, Bắc Đình, Thiền Vu, An Tây, An Nam), nhà Đường cũng không dám vượt biển đi xâm chiếm một đảo nhỏ nào ở hải ngoại. Nhật Bản là nước ở gần, du học sinh Nhật Bản có đến trọ học ở Trường An, nhà Đường sẵn sàng dung nạp. Nhưng mở mang thế lực quân sự mà phải vượt biển thì nhà Đường nhất thiết không làm, không muốn mạo hiểm. Trường hợp thân chinh Cao Ly của vua Thái Tôn chỉ là một hành động lẻ loi, thêm nữa bán đảo Triều Tiên dính liền với đại lục. Người Hoa Bắc kỵ mã chứ không chịu thừa thuyền. Có người giải thích sự việc này bằng thuyết dân Hoa Bắc có pha giống với các thứ rợ Hồ du mục ở miền sa thảo. Việc phối hợp giữa người Hoa Bắc và các chủng tộc Di Địch là một việc có từ đời nhà Chu hay trước hơn nữa cũng nên. Người Trung Hoa không quan niệm tinh thần dân tộc bằng huyết thống như các dân tộc khác. Dù là Di Địch mà theo văn hóa Trung Quốc thì Trung Quốc sẵn sàng coi là ruột thịt, anh em. Có thêm huyết thống dân du mục sa thảo trong mình, dân Hoa Bắc lại càng kỵ biển.
Điều đáng chú ý tức cười là dân Trung Hoa hay nói đến long xà. Long là biểu hiệu tuợng trưng cho nhà vua mà không một ông vua Hán, Đường nào ngự thuyền ra ngắm biển khơi một chuyến. Con long của Trung Quốc cũng không cần ở biển mà có thể ở trong giếng, trong sông, trong ruộng nước. Hữu thủy tất hữu long, hể có nước là có rồng, sông Hoàng cuồn cuộn đủ có long xà, ra biển tìm long chi nữa? Kinh dịch có câu:
- Long chiến vu dã, ký huyết huyền hoàng.
Một cánh đồng ruộng đủ làm chiến trường cho bầy rồng, không cần phải ra biển khơi. Một cơn mưa giông, sấm sét đầy trời là thừa đủ điều kiện cho long xà biến hóa. Cá chép vượt đủ ba cấp Vũ-Môn có thể hóa thành long. Vũ-Môn là thác nước trong đại lục.
Tư tưởng đại lục ăn sâu vào tiềm thức dân Hoa Bắc. Những câu thơ tả cảnh biển khơi trong Đường thi rất hiếm, rất khó tìm. Những bức danh họa đời Đường không có bức nào vẽ sóng biển.
Chính trị Trung Quốc thời Hán, Đường thiếu hằn cái việc thám hiểm, tìm đất mới nơi hải ngoại.
HẢI ĐẢO: Những món nợ ưu phiền.
Những tay thảo khấu, giang hồ vong mạng, ở trong đại lục bị truy nã, chạy ra hải đảo, tụ tập thuyền bè, ngày thường sống nhờ hải sản, đón cướp thuyền buôn. Khi có quân số đông, bọn chúnh xông vào cướp phá các làng xốm trù phú ở đại lục, vây hảm huyện thành, tỉnh thành. Trên các hải đảo, chúng cũng thường khẩn hoang, trồng trọt hoa màu để tính kế tự túc lương thực. Những kho lương thực chôn dấu giúp chúng cố thủ trong hải đảo những ngày bị các lực lượng an ninh đại lục bao vây. Nếu chúng thất trận, lực lượng hao mòn, chúng im hơi lặng tiếng một thời gian rồi lần hồi khôi phục nếp sinh hoạt cũ. Các hải đảo là những căn cứ quân sự của các hải khấu thường xuyên đe dọa đại lục, hải khấu có thể đến tự phương xa như Oa Khấu chiếm cứ Đài Loan, giặc Đồ Bà qui tụ về Côn Lôn trong Nam Hải… Từ Đài Loan, hải khấu đổ quân lên Phúc Kiến, xông vào Triết Giang. Từ Côn Lôn giặc có thể cướp phá miền Khánh Thuận hay tiến xa hơn nữa, ập xuống Trung châu Bắc Việt...
Từ Hải trong đời Gia Tỉnh triều Minh là một tên tướng cướp, có quân Oa Khấu hợp lực, làm cho khói lửa bừng lên ở các thị trấn trù phú các tỉnh Mân, Triết, báo hại quân triều phải ứng chiến rất gian nan. Truyện Kiều ghi về binh uy của Từ Hải bằng câu.
Thừa cơ trúc chẻ ngói tan,
Binh uy từ đó sấm vang trong ngoài.
Các tướng giặc về sau bị Hồ Tôn Hiến dụ hàng rồi giết đi nhưng tình thế cũng chỉ tạm yên đuợc một lúc. Không phải triều đình không đủ sức trấn giữ những đảo ngoài khơi. Nhưng quan lại thường tham ô, những tay hào kiệt trong đám dân gian bất bình cứ vịn vào cớ đó mà khởi loại. Dân hải đảo lại quen thói dọc ngang trời rộng, vẫy vùng biển khơi, bất đắc dĩ mới phải chấp nhận sự hiện diện của quan triều, nên hễ cứ thấy có người xướng xuất phản đối là đua nhau hưởng ứng. Có khi bị bắt ép phải hưởng ứng vì tướng giặc cũng như quan triều đều ra lệnh trưng binh. Lương tiền phía bên tướng giặc thường được chi một cách rất hào hiệp. Ai mạnh, ai xài bảnh thì dân theo.
Sự việc cứ như thế mà phát sinh, diễn tiến, tái phát, tái diễn, thành ra hải đảo với vua quan trong đại lục là những cục nợ ưu phiền. Hải khấu tuy không đủ sức làm khuynh đảo triều đại, không phải là thứ bệnh nguy trong thế phủ, hải khấu chỉ là những thú bệnh ghẻ ngoài da nhưng nhiều khi cũng gây ra lắm nỗi xót xa, đau nhức. Hải khấu hoạt động của giặc biển Đồ Bà là Nam Hải, hải vực của Oa Khấu là Đông Hải, Đài Loan. Sự việc cứ diễn tiến như thế từ thuở Hán, Đường xa xưa cho đến cuối thế kỷ XIX, khi mà trong phần Nam Hải thuộc hải phận Việt Nam, Bùi Viện tổ chức được các đoàn quân tuần dương tinh nhuệ, và ở Đông Hải, Nhật Bản làm chủ Đài Loan, dùng những phép sắc máu, chấm dứt nạn hải khấu ngay tự gốc rễ. Năm 1895, Thanh triều phải cắt nhượng Đài Loan cho Nhật, xén bỏ một cục nợ ưu phiền nhưng lại phải mang mối sỉ nhục, tổn thương thể diện.
Đã có một lần Đài Loan suýt gân thành nạn lớn và chỉ có một lần đó mà thôi. Số là khỏng giữa thế kỷ XVII, Thanh triều hạ lệnh gọt tóc thắt bím rất nghiêm ngặt. “Lưu đầu bất lưu phát, lưu phát bất lưu đầu!“. Còn tóc thì mất đầu, còn đầu thì phải gọt tóc, sĩ dân miền Hoa Nam phẩn nộ, Ngô Tam Quế bất bình vì ngôi Vương Bình Tây của mình sắp bị triệt bỏ, bèn truyền hịch khởi nghĩa, dân chúng xa gần đều nô nức hưởng ứng, tưởng đâu ngày quang phục của dân tộc đã đến gần rồi. Đài Loan lúc bấy giờ là giang sơn của Trịnh Thành Công, một bậc di thần của nhà Minh chưa nguội tấm lòng báo quốc. Trịnh Thành Công, mẹ là người Nhật nên có tên Nhật là Koxinga. Qui tụ được nhiều Oa Khấu ở dưới cờ, Trịnh Thành Công có một lực lượng thủy quân khá mạnh. Nhờ vậy mà đã đánh đuổi được Hòa Lan để độc quyền chiếm giữ Đài Loan, mưu tính việc đồ báo trung nghĩa. Thừa lúc có loạn Tam Phiên mà Ngô Tam Quế là kẻ cầm đầu, Trịnh Thành Công đổ quân đại lục, tiến vào chiếm giữ Kim Lăng (Nam Kinh), làm lễ yết kiến tôn lăng Minh Thái Tổ, sĩ dân rất cảm động, nhiều người tình nguyện chạy theo chân ngựa, lo việc khôi phục sơn hà. Nhưng rồi Tam Phiên không có hành động nhất trí, Ngô Tam Quế tự xưng là Chu Đế, đòi chia nước nghị hòa với Thanh Triều, trước đó thì Thượng Chí Tín, con của Bình Nam Vương Thượng Khả Hỷ, đã về hàng nhà Thanh, trước tình thế nội bộ phân ly đó, Trịnh Thành công đành phải lui binh về Đài Loan. Quân Thanh đâu có dám truy kích. Sau khi Ngô Tam Quế thất bại, vua Khang Hy cũng không dám nghĩ đến việc trực đảo sào huyệt, đánh thẳng ra Đài Loan để diệt trừ tận gốc mối lo về sau. Mãi cho đến năm 1683, sau khi Trịnh Thành Công qua đời, nhà Thanh thừa lúc Trịnh Kính thơ ấu, sai Thi Ngân đem binh đánh dẹp.
Dẹp được họ Trịnh ở đảo Đài loan, vua tôi nhà Mãn Thanh chỉ yên tâm được it lâu rồi đâu lại váo đấy. Tình hình Đài Loan lại sội động. Đời vua Càn Long, nhà vua lại phải dùng đại binh phong tỏa và tiến đánh Đài Loan vì những người trong các hội kín hưng Hán bài Mãn, cứ lấy hải đảo này làm cơ sở khởi nghĩa. Việc đánh dẹp Dài Loan vào năm 1787 đuợc Thanh triều ghi vào hàng Thập toàn võ công. Đủ biết nỗi bận tâm của các vua quan đại lục.
Giữ các hải đảo thì giữ không yên, chính thức bỏ đi thì luyến tiếc, cắt nhượng cho người ngoại quốc thì ô nhục, rõ ràng là cái nợ của truyền kiếp bỏ thì thương, vương thì tội, các vua quan đại lục thiếu hẳn cái chí khí trấn hải nên không có phuơng lược giải quyết vấn đề hải đảo cho êm đẹp để giữ gìn quyền lực và thể diện Thiên triều.
Chính sách viễn giao cận công và 7 lần xuất xứ tây dương của Trịnh Hòa
Các vua Hán Đường không có chính sánh viễn dương. Nhà Tống suy nhược không đủ năng lực thực hiện chính sách đại lục của Hán Đuờng, đối với các nước Tây Hạ, Liêu Kim chỉ lo nộp vàng, bạc, trà, lụa để cầu hòa, mong sao cho khỏi mất nước là may, còn hơi sức đâu mà lo đến chuyện hải ngoại.
Trong các triều đại Trung Quốc, chỉ có một triều đại là có viễn lược hải dương. Đó là triều Minh. Và trong triều Minh cũng chi có một ông vua lo chuyện ấy: vua Minh Thành Tổ.
Năm 1405, Trịnh Hòa (nguyên là thái giám) đem 62 binh thuyền, 27.000 thủy thủ, xuất phát từ Lưu Gia Cảng ở Tô Châu, đi xuống Nam Dương quần đảo, sang đến Ấn Độ.
Năm 1407-09, xuất xứ lần thứ 2, lúc về có ghé vào đất Xiêm.
Năm 1413, Trịnh Hòa sang đến bờ biển Somalia ở Phi Châu, có ghé vào Aden.
Năm 1430-33 trong chuyến đi cuối cùng, Trịnh Hòa đến quần đảo Zanzibar, các nước Đông phi, lại đến viếng thánh địa La Mecque của Hồi giáo nữa.
Việc xuất xứ này làm lợi cho uy thế của nhà Minh vô cùng. Nhà Nguyên dùng binh lực tiến đánh các nước ở đảo Java trong Nam Dương quần đảo, chỉ gây được cái kết qủa mua thù chuốc oán, bất đắc dĩ các vua chư hầu ở Nam Dương mới dâng lễ cống tượng trưng, khi có khi không, viện cớ đại dương nhiều sóng gío, sứ trình muôn dặm gian nan. Trịnh hòa chỉ dùng binh lực thị uy, còn thì đem đạo đức, chính trị mà thuyết phục. Nhiều vua chư hầu ở tận Đông Phi sai người sang cống Thiên triều. (Cho đến ngày nay, Trung Cộng nhờ dư âm của các cuộc viễn sứ Trịnh Hòa mà chiếm đoạt được cảm tình của nhiều nước Đông Phi, đặc biệt là ở quần đảo Zanzibar trong nước Tanzanie, mặc dầu Trung Cộng không có đủ phương tiện để thi đua viện trợ với các nước Âu Mỹ).
Sử Tây Phương gọi Trịnh Hòa bằng danh hiệu Amiral Ennuque (Đô Đốc – Thái giám) và rất lấy làm kinh ngạc, không hiểu vì sao năm 1433, các hoạt động viễn dương của Trung Quốc lại ngưng hẳn trên đà thắng lợi vinh quang. Có gì là khó hiểu đâu! Phàm một chính sách muốn thi hành thì phải có người chủ trương cho kiện toàn, có người thực hành cho đủ năng lực. Vua Tuyện Tông kế vị vua Thành Tổ, không có cái hùng tài đại lược như phụ hoàng. Sau Trịnh Hòa cũng không còn người có chí lớn, hoặc có mà không được nhà vua tin dùng. Trung Quốc lại trở về với truyền thống chính trị đại lục.
Chính trị đại lục được kết tinh trong chính sách Viễn giao cận công.
Viễn giao là kết giao thân hữu với các nước ở xa. Họ ở xa mình, mình không tử tế thì chỉ gây ra oán thù vô ích.
Cận công là đánh các nước gần. Tùy theo tình thế mà sát nhập hẳn vào bản chương hay là bắt phải giữ lễ triều cống.
Chính sách này đã giúp cho nước Tần dựng nên đế nghiệp, đúng như lời Phạm Thư trình bày với Tần Chiêu Vương. Đánh các nươc gần thì đánh Hàn, Triệu, Ngụy, kết giao với các nước xa thì giao thân với các nước Tề, Sở. Đợi khi các nước gần đã bị thôn tính thì lúc bấy giờ sẽ tính kế nuốt luôn các nước ở xa. Hàn, Triệu, Ngụy mất rồi thì Tề, Sở cũng không còn được. Nhà Tần diệt 6 nước, thống nhất bờ cỏi Trung Quốc váo năm 221 trước Tây lịch.
"Lục quốc diệt, hải nội nhất" Tần Thủy Hoàng vẫn cứ tiếp tục chính sách Viễn giao cận công, sai Nhâm Ngao, Triệu Đà lấn đất của các bộ tộc Việt.
Nhà Tần mất, nhà Hán xưng đế ở Trung hoa. Hán Vũ Đế lại dùng chính sách này, sai Trương Khiện đi giao hảo với rợ Nhục Chi ở phương xa, đánh đuổi Hung Nô ở gần, đánh chiếm Triều Tiên và Nam Việt.
Bờ cõi nhà Đường cũng gần như bờ cõi nhà Hán, phía tây đi xa hơn, uy thế chính trị vượt Thông Lĩnh sang đến tận Ba Tư.
Chính sách này đã làm cho Trung Hoa lớn mạnh một cách từ từ và chắc chắn. Đất Bách Việt ở Triết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây bị nuốt hết, dân Việt đồng hóa với người Hoa. Vua Tuyên Tông nhà Minh có đình chỉ việc xuất sứ viễn dương để chuyên tâm kế tiếp cái truyền thống đại lục thì cũng không phải là một sự lỗi lầm đáng chỉ trích.
Sự thật ý của nhà Minh ở Đại Việt (năm 1428 Lê Lợi công bố bài đại cáo Bình Ngô) có hiệu lực làm vua Tuyên tông nhụt chí một phần nào. Nhưng sự việc này chưa đủ làm cho vua tôi nhà Nguyên khiếp đảm. Nhà Nguyên từ khi bỏ đất Trung Hoa chạy lên Hòa Lâm vẫn còn cái tham vọng quyển thổ trùng lai. Kỵ binh Mông Cổ vẫn là thứ kỵ binh thiện chiến. Vua tôi nhà Minh lo ngại, sợ tận lực nhìn ra trước mặt, mưu đồ công việc viễn dương, e khi quân Mông Cổ ập đến sau lưng thì trở tay không kịp. Vả lại, ngoài cái hãnh diện, (thần thánh tứ vũ, khiến cho ngoài bốn phương, trong sáu cõi, không đâu là không thần phục), nhà Minh có mong gì mở đất ở Đông Phi. Vậy thì tạm ngưng ngay cái viễn lược hải dương hay ngưng hẵn cũng được.
Nhưng còn Đông Nam Á là đất xung yếu mà có nước lại tiếp liên cõi bờ với Trung Quốc thì Trung Quốc vẫn cứ theo đuổi chính sách viễn giao cận công.
Viễn giao như đối xử tử tế có ân nghĩa vói các nước Chiêm Thành, Xiêm La, các nước ở bán đảo Mã Lai, các nước ở Phi Luật Tân (Lữ Tống), Nam Dương Quần Đảo.
Cận công thì như các nước Đại Việt, Miến Điện, tiếp giáp bờ cỏi với Trung Hoa. Mình muốn công nhưng cũng phải nén lòng, chờ đợi cơ hội tốt. Trong thế kỷ thứ XV, Đại Việt là một cường quốc, uy thế lừng lẫy, nhà Minh không làm gì được thì không tấn công. Đại Việt lấn chiếm 2 đại châu của Chiêm Thành là Amaravati và Vijaya, nhà Minh vỗ về thương xót nước Chiêm Thành, bảo phải trả đất lại cho dân Chiêm, vua Đại việt không trả, nhà Minh cũng phải đành chịu. Đối với Chiêm Thành, vua nhà Minh tỏ ý ưu đãi và bênh vực rõ rệt, song các vua Chiêm Thành thấy không nhờ cậy gì được nơi uy thế của Thiên triều nên đến khoảng gần giữa thế kỷ XVI thì bỏ không vào cống nữa.
Nhà Minh cũng chỉ có một lần dụng võ, ăn hiếp nhà Mạc (coi như ngụy triều) mà chiếm được một chút đất, 5 động biên thùy cho rộng Khiêm Châu. Kết qủa của việc huy động đại binh thật là ít oi, thảm não. Thế mà khi hưng binh động chúng thì vua Gia Tĩnh (Minh Thế Tông) tặng quân sư Mao Bá Ôn những lời thơ tin tưởng vào thắng lợi một cách rất huênh hoang!
Huyệt trung lâu nghị dã nan đào!
(Trong hang sâu kiến chạy đàng nào).
(Trong hang sâu kiến chạy đàng nào).
Lấn được 5 động ở biên thùy rồi bãi binh ngay, lớ dớ sợ mang cái nạn Liễu Thăng, Lương Minh thì mệt lắm.
Tuy vậy, không phải là chính sách viễn giao cận công thu hẹp trong phạm vi Đông Nam Á không có kết qủa trường cửu đâu. Trịnh Hòa đã làm cho uy thé nhà Minh vang lừng ở hải ngoại. Hoa dân đến lập nghiệp ở các nước Đông Nam Á, tại các đảo Nam Dương, Phi Luật Tân cũng như như trên bờ cõi đại lục Xiêm La, Miến Điện, Việt Nam, ngày càng nhiều. Lực lượng kiều dân Trung Hoa ở Đông Nam Á đông đảo đến 12 triệu người (tính đến năm 1972 khi tài liệu tham khảo này cho phát hành) là một lực lượng rất hùng hậu, thâm căn cố đế từ lâu đời, bắt các nước Âu-Mỹ ngày nay phải kiêng nể.
Đó là một lực lượng trong tương lai rất cần thiết và chắc chắn rất đắc lực cho viễn lược hải dương của Hoa tộc vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét