Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

HOA KỲ: ĐỊNH HƯỚNG THÁI BÌNH DƯƠNG


CÁC CƯỜNG-QUỐC
VÀ SÁCH-LƯỢC
THÁI-BÌNH-DƯƠNG





(Tiếp theo...)


CHƯƠNG 3
***************************************************************



3. HOA KỲ: ĐỊNH HƯỚNG THÁI BÌNH DƯƠNG



. Định hướng kiến quốc của Hoa-Kỳ: liên lục, liên dương…

. Trường hận của hải đảo Đài Loan.

. Đông Dương trong gío lốc… Hòa bình.






 

III
hướng tiến nhất định:
phương tây

Không cần phải nhọc công biểu tình “chống Mỹ cứu nước“ làm chi, đến lúc cần rút lui thì Mỹ cứ rút lui dầu cho những nhà thầu rác Mỹ, đồ phế thải (và thường có hàng P.X. dấu phía dưới) có thiết hương án, ái mộ xin lưu, Mỹ cũng không thèm lưu lại. Nhưng Mỹ cần hiện diện ở Đông Nam Á. Đi mà vẫn như ở, ở mà có sự ra đi, thực thực hư hư, biến đổi theo cái điệu vô trung sinh hữu. Ôi! Đâu có phải chỉ mấy vị thiền sư mới biết chuyện sắc tức thị không, khộng tức thị sắc, thân như điện ảnh hữu hoàn vô… Mỹ rút quân mau hơn chương trình dự liệu. Tình hình thế giới biến chuyển dồn dập, mau hơn người ta tưởng rất nhiều.

Trong khoảng thời gian trên 200 năm kiến quốc, hướng tiến nhất định của người Mỹ là phương Tây. Vùng Đại-thảo-nguyên mặc sức cho người Mỹ trường khu đại tiến. Cung tên của người Á châu sơ thủy (Asiates, Da Đỏ) địch sao nổi súng trường, súng liên thanh. Vừa đến bờ Thái Bình Dương là người Mỹ phóng một cái nhìn thật xa, từ đông ngạn vút sang tây ngạn. Người Mỹ sẵn sàng coi những đảo quốc Hạ Uy Di, Nhật Bản, Phi Luật Tân như những trạm đường dừng thuyền, những nhịp cầu để dựa vào đó nhảy lên đại lục. Tuy quốc sách Tây tiến có khi bị chiết tỏa, bị đình trệ (Mỹ cần củng cố nội bộ, nắm cho vững Bắc Mỹ, kềm chế Gia Nã Đại, tước nhược Mễ Tây Cơ…) nhưng hễ chuyện nội cố êm xuôi là Mỹ dốc hết toàn lực vào con đường Tây Tiến. Trên con đường liên dương đi từ Đông ngạn sang Tây ngạn Thái Bình Dương, gặp một đối thủ đáng kể là Nhật Bản. Trong thế kỷ thứ XIX, Mỹ không dám khai chiến với Nhật bởi vì Mỹ rất không muốn Nga thừa cơ hội tốt vô song là cuộc chiến tranh Mỹ-Nhật mà nắm quyền bá chủ ở Đông Bắc Á và phần đại dương duyên hải.

Năm 1867, Mỹ đã khôn ngoan mua đất Alaska của Nga với gía 7.200.000 Mỹ kim (số lẻ là để cho các quan nhậm xà, quan Nga cũng như quan Mỹ) dồn Nga về Á châu, khuyên Nga cứ từ Hải Sâm Uy đi xuống để Nga đụng đầu với Nhật. Trong lúc người Nhật lo ngay ngáy, sợ Nga bám vào Mãn Châu, sinh gốc mọc rễ, khó bứng về sau thì Mỹ dùng Quốc Hội Hạ Uy Di ép Quốc Vương Kala Kana cho Mỹ thuê Trân Châu Cảng. Hạ Uy Di mà Nhật sẵn sàng coi như thuộc quốc của mình, Hạ Uy Di đã bị Mỹ phỗng tay trên. Dân đa số ở quần đảo Hạ Uy Di là dân Nhật đành phải miễm cưỡng làm công dân Mỹ… gốc Nhật! Đâu phải đợi đến năm 1960, Hạ Uy Di mới vong quốc. Sự thực thì quần đảo của Quốc Vương Kala Kana đã thành một tiểu bang Mỹ từ khoảng cuối thế kỷ thứ XIX rồi!

Thừa thắng xông lên, Mỹ bợ luôn quần đảo Phi Luật Tân của đế quốc Tây Ban Nha cho tiện sổ sách. Lãnh tụ của nghĩa quân Aguinaldo (Tàu lai) đã xướng xuất ra việc đánh Tây cứu nước, cầu viện với Mỹ, được Mỹ tận tình giúp đỡ, nhưng Tây đi thì Mỹ đến rồi cứ ở lì. Bất đắc dĩ Aguinaldo phải phát động chiến tranh du kích chống Mỹ, nhưng “sự khứ anh hùng ẩm hận da“ Aguinaldo bị Mỹ bắt và hành quyết mau lẹ. Phi Luật Tân bèn thành thuộc địa Mỹ. Ngặt vì đường mía Phi Luật Tân rẻ qúa, tràn ngật thị trường Mỹ khiến Mỹ cảm thấy cần phải có chương trình trao trả độc lập cho Phi Luật Tân để cho hợp… nhân đạo và hợp với gía biểu quan thuế phong tỏa của Mỹ về đường. Phi Luật Tân có độc lập thì Mỹ mới có thể đánh thuế nhập cảng đường Phi theo gía cao chứ Phi là thuộc địa thì luật lệ không cho phép Mỹ dựng hàng rào quan thuế! Vậy là chương trình trao trả độc lập từ từ được công bố vào năm Bính Tý (1936) khiến nhà thi sĩ Tản Đà nước Việt làm thơ cho báo Tết mà cảm khoái ngâm rằng:

Quân bất kiến: Phi Luật Tân nhi kim độc lập quốc,
Hựu bất kiến: Mãn Châu, Hoa Bắc hà bi thương!
Thời hưng vong, bỉ thái là thường,
So chữ nhược, chữ cường không hạn lệ…

Sau thế chiến, Phi Luật Tân được độc lập thực sự nhưng đến khoảng năm 1970-1971 thì một chính khách Phi là Antonio đề xứng việc Phi Luật Tân xin làm tiểu bang thứ 51 của Mỹ. Phong trào xin nội thuộc đã có 1.250.000 đoàn viên… Rất có hy vọng phát triển mạnh mẽ. Vậy là Mỹ tuy viễn khứ mà vẫn nhưng lưu…

Lấy đó mà suy thì sự hiện diện không nhất thiết phải có lực lượng quân sự tại chổ. Kiểm điểm thành tích Tây tiến kiến quốc của Mỹ, chúng ta thấy có 4 bước tiến quan trọng:

- Bước     I :  Chiếm cứ Đại thảo nguyên, chạy thẳng ra Đông ngạn Thái
                     Bình Dương.

- Bước   II :  Tranh hùng với Nhật, tiên hạ thủ ở quần đảo Hạ Uy Di.

- Bước III :  Khuynh đảo Tây Ban Nha, thu phục Phi Luật Tân.

- Bước  IV :  Đánh bại Nhật, nhảy lên bờ đại lục ở Trung Hoa và Đông
                    Nam Á.

Trong từng bước lớn ấy, thỉnh thoảng Mỹ cũng bị chiết tỏa, hoặc vì tình hình nội bộ, hoặc vì ngoại địch đánh cho Mỹ những cú bất ngờ. Như năm 1865, Mỹ tính can thiệp vào Việt Nam, nhưng vì Abraham Lincoln bị ám sát mà chương trình Tây tiến bị gác lại. Lại như sau thế chiến, thế lực Mỹ ở Trung Hoa Dân Quốc rất vững, bất ngờ bị Trung Cọng đẩy ra hải đảo Đài Loan.

Đường kiến quốc đã nhất định là liên lục liên dương cho nên khởi thủy từ 13 tiểu bang ở duyên ngạn Đại Tây Dương mà sau thành 48 tiểu bang tiếp với Thái Bình Dương rồi sau thành 50 tiểu bang ra giữa Thái Bình Dương và thế lực chính trị thì dàn trải khắp cõi Á Đông, từ Đông Bắc Á (Nhật Bản, Nam Hàn) đến Đông Nam Á (Indonésien, Việt, Thái, Miên, Lào…). Gặp thứ địch thủ mạnh không bóp chết được thì tìm cách lôi cuốn, thỏa hiệp. Nhượng bộ Trung Cộng vào Liên Hiệp Quốc là một sự “hy sinh“ lớn, chắc sẽ được báo đáp xứng đáng. Nhường cho Pháp can thiệp ở Lào để thêm bạn đồng minh chí thiết, có quyền lợi thì mới có tâm tình chí thiết, đồng vinh đồng nhục với nhau. (Nếu quyền lợi to hơn nữa thì sự chí thiết có thể đồng sinh đồng tử trừ phi bạn đồng minh đi kiếm ăn lẻ được miếng to hơn miếng đã được nhường…) Pháp nhảy vào Lào, đường ra biển của Lào đều thuộc vào khu vực ảnh hưởng Mỹ. Mỹ có thể kềm chế Pháp, Pháp không thể lộng hành.

Việc kiến quốc của một nước phải theo một chân lý lớn. Chân lý đó, các nhà chính trị cổ điển gọi là quốc thị. Quốc thị của Mỹ là đường Tây tiến. Tiến mãi cho đến khi gặp một thế lực có sức mạnh tương đương cản lại mình. Việc thành lập những căn cứ quan trọng ở Guam, Majuro, Cam Ranh, Stattahip, (đông nam Vọng Các) v.v… đều cần thiết để phục vụ cho quốc thị tây tiến.

Mỹ không thể xa lìa quốc thị. Cho nên, dầu có triệt thoái khỏi mấy căn cứ đó thì Mỹ nhất định cũng phải có những phương lược phi thường nào đó để được hiện diện…

SÓNG GÍO DỒN DẬP, THÂN PHẬN NHƯỢC TIỂU LO GẤP TỪ GIỜ…
 
Thủ thân vi đại! Có thân thì phải biết lo. Nếu không, tai hại giáng xuống trên đầu, bấy giờ chỉ còn có nước kêu Trời mà Trời thì ở xa lắm.

Để thực hiện quốc thị. Mỹ đã từng gây ra sóng gío Thái Bình Dương. Như năm 1941, Mỹ quyết khai chiến với Nhật nhưng muốn cho Nhật đánh mình trước. Chi vậy? Tổng thống Roosevelt khiêu khích Nhật bằng cách thương thuyết, đưa ra những đề nghị mà nếu Nhật chấp nhận thì coi như Nhật đã bại trận hoàn toàn. Điều kiện khiến Nhật nổi giận, tập kích Trân Châu Cảng vì đã buộc Nhật phải triệt thoái ra khỏi Hoa Lục và cả Đông Dương nữa. Chiến tranh Mỹ-Nhật đã không thể tránh được thì Nhật phải đánh trước để tranh quyền chủ động chiến trường. Mỹ thí cho Nhật một số lớn phi cơ và chiến hạm lỗi thời ở Trân Châu Cảng để tạo ra chính nghĩa mà huy động nhân tài, vật lực trong nước khỏi bị Quốc Hội chống đối lôi thôi. Sau trận Trân Châu Cảng khả năng và tiềm năng kỹ nghệ của Mỹ được huy động đúng mức nên đã gia tăng gấp bội. Thua năm 1941, Mỹ gỡ lại trong năm 1943 rồi cứ đà chiến thắng mà xông tới…

Mỹ triệt thoái quân đội ra khỏi Đông Dương nếu Cộng Sản Bắc Việt biết nghĩ xa thì chắc không nên huênh hoang khoe tài, khoe giỏi. Coi chừng Mỹ xúi Trung Cộng bóp cho nghẹt thở đến nơi…

Chính vì sợ đàn em mình kẹt cứng trong cái trục liên hoàn Mỹ-Hoa mà Nga Sô phải ngậm bồ hòn làm ngọt, cắn răng đại chi viện cho Bắc Việt. Bất đắc dĩ mà đại chi viện chứ Nga cũng cần tiền để mua lúa mì Gia Nã Đại (Hiệp ước mua 91 triệu tấn lúa mì của Gia Nã Đại mới ký từ năm 1966, còn có hiệu lực trong nhiều năm). Để Bắc Việt bị Trung Cộng đè bẹp thì biết đến bao giờ Nga mới lại gây dựng được chút ảnh hưởng ở Đông Nam Á Châu?

Đáng lý thì Trung Cộng không chịu để Nga duy trì ảnh hưởng tại Bắc Việt song vì nhiều lý do rất phức tạp mà Trung Cộng tạm chấp nhận cái cảnh hai thiên tử một chư hầu. Trong thâm tâm, lúc nào cũng thấy rằng mình có lợi thế vô song ở Bắc Việt, muốn ra tay uy hiếp lức nào cũng được, thôi thì nể Mỹ mà nới tay cho Bắc Việt một chút để hòa hoãn với Nga. Nhất cử lưỡng tiện! Trung Cộng còn nhiều việc trọng đại đáng lo hơn. Ví dụ như trận đánh Trân Đảo (tiếng Nga là Damansky) mùa xuân năm 1969 sau hơn 4.180 vụ xung đột giữa lính tuần biên của 2 bên. Việc trọng đại nhất là tăng cường lực lượng võ trang nguyên tử. Bận tâm làm gì đến một chú lỏi con. Vả chăng, hiện thời, chú nhỏ bị lụt lội tàn phá mùa màng, ngăn cản không cho Nga đại chi viện thì mình phải gánh lấy trách nhiệm nuôi ăn và cấp súng. Có ai nhịn đói trường kỳ mà ra trận được đâu?

Thái Bình Dương – cái tên bất xứng với cái thực, do Magellan mù tịt hình thế sơn hải đặt ra–vốn có rất nhiều sóng gío, từ sóng ngầm đến sóng thần, hiểu theo đủ hai thứ nghĩa đen, nghĩa bóng. Khi mà Tam Cường Mỹ, Hoa, Nga thỏa thuận, sắp xếp mọi việc cho quyền lợi của họ được ổn định, thì thân phận các nước nhược tiểu coi như chiếc bách sóng dồi.

Bi đát nhất là Đài Loan, có lẽ các chính khách hải đảo nên mượn hai câu thơ của vua Lê Chiêu Thống, ông vua đã bị hoàng đế Càn-Long nhà Mãn Thanh bỏ rơi một cách thảm hại, mà ngâm nga cho vơi bớt tâm tình sầu hận mang mang.

                 Tảo thức đại bang vô tín nghĩa,
                 Bội thành nhất chiến tử do vinh.
        Dịch:
                 Sớm hay nước lớn lừa ta,
                 Dựa thành quyết chiến chết mà còn vinh!

Bỏ cố quốc mà đi là mong có ngày quang phục. Ai ngờ bị bạn đồng minh lật gạt, bỏ rơi. Nếu sớm biết sẽ cứ tử chiến dưới thành, dẫu chết cũng còn vinh dự.

Trục liên hoàn Mỹ Hoa thực hiện, cứ bề ngoài mà xét thì Hoa Lục huởng đủ mọi hình thức vinh dự, uy thế thiên triều, sứ giả Mỹ phải đến chầu kim thuyết Bắc Kinh chứ sứ thần Hoa không phải đợi lệnh ở Hoa Thịnh Đốn. Chính Nixon cũng phải đích thân đến Bắc Kinh. Cứ theo phép chép sử đời Chiến Quốc thì phải dùng những chữ “lai triều, đãi lệnh“ (đến chầu, đợi lệnh) chứ không thể dùng chữ gì khác. Trung Cộng lại vừa mới được thu nhận vào Liên Hiệp Quốc, uy thế lãnh đạo khối thứ ba – Khối Á Phi – càng gia tăng. Ngoại giao của Trung Cộng thắng lợi, thật là vẻ vang.

Chịu khuất phục như thế, Hoa Kỳ phải hưởng được những cái lợi to lớn để bù vào. Cái lợi to lớn vô cùng, không thể uớc tính đưọc bao nhiêu tỷ đô la, cái lợi hiển nhiên của Hoa Kỳ là thấy Trung Cộng chính diện đối đầu với Nga Sô để Hoa Kỳ rảnh tay đối phó với những phong trào xã hội, du kích chiến ở Trung Nam Mỹ. Nếu những phong trào tả khuynh, phiếm loạn hay cách mạng xã hội, bình phân địa quyền, quốc hữu hóa xí nghiệp đắc thắng ở Trung Nam Mỹ thì vốn liếng dầu tư của hoa Kỳ gần hai trăm năm nay sẽ tiêu tan như những giọt sương mai. Đồng tiền liền khúc ruột, tư bản mà mất vốn thì thà chết còn hơn. Mất sao được? Phải làm sao giữ cho được một vốn bốn lời hay tệ lắm thì cũng nhất bản nhất tức chứ! Nếu Trung Cộng giở chứng không lo đối đầu với Nga mà cứ muốn chọi tay đôi với Mỹ thì Mỹ sẽ để cho Nhật tái võ trang thả cửa, lúc đó thì Trung Cộng phải liệu hồn. Lực lượng nhân dân tự vệ của Nhật tuy mới khoảng 250.000 người nhưng võ khí vô cùng tối tân, cũng là một lực lượng đáng kinh! Nếu cần thì sữa đổi hiến pháp, gia tăng quân số chứ khó khăn gì. Nhật là đồng minh đắc lực của Mỹ ở Viễn Đông sẽ giúp Mỹ rất nhiều, kể cả những việc làm cho Đông Nam Á phú thịnh. Gỉa sử có một ngày tốt trời nào đó. Nhật cũng giở chứng… kháng Mỹ thì Mỹ tung cái đòn phong tỏa kinh tế ra. Nhật tuy là cường quốc kỹ nghệ và thương mại nhưng phải nhập cảng rất nhiều nguyên liệu từ các quốc gia bên ngoài. Triệt cái nguồn nguyên liệu thì Nhật xính vính, không cần giao phong ở chiến trường, chỉ cần lui một cái ở thị trường nguyên liệu là đủ khiến cho Nhật phải… vào khuôn, vào phép. Cái gì chứ làm mưa làm gío chơi ở thị trường thì dẫu đồng đô la có sụt gía, tài phiệt Mỹ vẫn còn đủ khả năng.

Với Mỹ, sóng gío Thái Bình Dương coi như tạm yên rồi đó. Nhưng thân phận nhược tiểu như các nước ở Đông Dương thì biết tính sao đây?

Ngưòi dân bản địa từ thời lập quốc đến trước cuộc chiến tranh Nam-Bắc tương tàn do Cộng Sản Bắc Việt phát động từ năm 1960 vẫn quen với nếp sống tự lực, tự cường mà nét cụ thể nhất là tự túc về lương thực. Bom đạn đã cày nát quê hương làm cho thôn xốm điêu tàn, người dân quê ly hương làm sao tiếp tục sản xuất được? Trở về làng cũ, an ninh chưa bảo đảm hay dù có bảo đảm được ban ngày thì cũng rất ngại những bóng đen võ trang xuất hiện ban đêm. Vấn đề cấp bách nhất của Đông Dương và của Việt Nam nói riêng là sản xuất lúa gạo, cung ứng nhu cầu ăn no của toàn dân. Tất cả những chính sách, những biện pháp an ninh, v.v… tất cả đều phải nhắm tới cái đích túc thực. Đó là việc làm đầu tiên của những người lãnh đạo thực tâm yêu nước. Hễ túc thực thực được thì chủ quyền chính trị được người ngoài kính nể ngay.

Túc thực là điểm quy tụ tất cả những nỗ lực nội trị, ngoại giao. Hể túc thực được thì là ta đã đủ mạnh, có thể đứng để tính chuyện tương lai. Việc nước, việc dân không gì lớn bằng chuyện đó. Chính chuyện đó lại đẻ ra rất nhiều vấn đề quan trọng:

- Quân sự: làm thế nào để bảo đảm an ninh cho người dân sản xuất lúa gạo? Làm thế nào để người dân hợp tác vói chính quyền bảo vệ lúa gạo đã sản xuất, tránh cái nạn sưu sách lương thực của giặc thù.

- Hành chánh: làn thế nào để có một bộ máy chính quyền trong sạch, phục vụ hữu hiệu cho quốc kế túc thực?

Tự lực, tự cường, tự quản… (thêm bao nhiêu tự nữa cũng được) phải khởi đầu bằng quốc kế túc thực đã. Có được như vậy mới mong đối phó với bao nhiêu bảo tố, sóng gío sắp trút xuống trên đầu chúng ta. Phải lo ngày, lo đêm, lo tự bây giờ kẻo vướng vào những trò ma giáo mà những nước giàu có tung ra để khai thác sự ốm đói của chúng ta, thu phần lợi tối đa về phần họ.

Đã là thân phận nhược tiểu, nghèo khó từ lâu, không nuôi nổi miệng (đã thế mà còn cứ phớt tỉnh… muôn việc trông chờ độ lượng hào hiệp của người ngoài), không chịu nghĩ tới việc thiết thực cấp bách thì đừng trách gì người bạc tình, bất nghĩa.

(Hết chương 3)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét