Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

ĐẠI NGA VÀ ĐƯỜNG RA BIỂN TỰ DO

CÁC CƯỜNG-QUỐC
VÀ SÁCH-LƯỢC THÁI-BÌNH-DƯƠNG





(Tiếp theo...)


CHƯƠNG BỐN
*******************************************************************

 


4. ĐẠI NGA VÀ ĐƯỜNG RA BIỂN TỰ DO.

 

· Đông tiến: ngược chiều đường hãn quốc Khâm Sát…


· Điểm cuối cùng của mũi tên mạnh không xuyên thủng vải thưa.


· Hải-Sâm-Uy: tranh hùng với Mỹ, đe Nhật, dọa Hoa Lục. Trục xuyên dương.







IV

ngược đường hung-nô,

băng miền sa-thảo

 
Từ phía Đông thành Vienne nưóc Áo đi xa về phương Đông, tiến ra bắc ngạn Hắc Hải rồi Lý Hải và chạy tuốt ra cho đến Thái Bình Dương cỏ xanh dàn trải kín nẻo chân trời, đồng cỏ mênh mông, càng đi xa càng cảm thấy trời dài đất rộng. Vào thời oai võ cực thịnh, quân Hung Nô đã lên đường Tây tiến, chiếm các miền cỏ xanh đất tốt bên biển Aral (năm 320), thừa thắng xông lên, đến khoảng đất giữa Lý Hải và Hắc Hải (năm 370), chia quân làm hai cánh như thế gọng kìm, uy hiếp, bao vây đế quốc Đông La Mã. Chưa vừa lòng, năm 451 chúa Hung Nô Attila còn tiến sang tận đất Pháp. Tung hoành thiên hạ, vó ngựa du mục có ước vọng thành vó ngựa liên đại dương. Đường Tây tiến của Attila xa hơn đường Tây tiến của Bạt Đô, tướng Mông Cổ thế kỷ thứ XIII, chỉ đến nước Ý.

Hàn Quốc Khâm Sát bao gồm các thảo nguyên Sibir, nam bộ nước Nga, vua Nga đành phải nạp cống xưng thần, thời lệ thuộc kéo dài ba thế kỷ. Đến giữa thế kỷ thứ XVI, tình thế đảo ngược, hãn quốc Khâm Sát phải công nhận chủ quyền thiên tử của vua Nga, vua Ivan IV.

Hung Nô, Mông Cổ Tây tiến, Nga Đông tiến, hai hướng Tây, Đông trái ngược nhưng cùng ở trong một lãnh vực dụng võ, ở trên một con đường. Xuất phát từ phương Đông thì đi về phía Tây, xuất phát từ phuơng Tây thì Iđ về phía Đông, chính sách Đông tiến của Nga thực ra là dõi theo truyền thống Mông Cổ.

Miền Bắc Sibir gía lạnh, chỉ có đài nguyên với các loại rêu nấm, dân cư rất là thưa thớt, không cần đánh chiếm cho mất công. Chỉ cần chiếm vùng đất đen, vùng sa thảo ở miền Nam là coi như thu phục đuợc miền Bắc. Giữa thế kỷ thứ XVI, lúc các nông dân Nga vượt qua núi Oural vào miền Nam thì thời oai võ thống trị của Mông Cổ coi như đã vĩnh viễn cáo chung. Dặm trường nào có ai ngăn, các bộ lạc du mục tuy có tài thiện xạ nhưng chỉ có cung tên, không thể thắng được các đoàn quân Nga trang bị súng đạn. Chỉ có một thế kỷ bành trướng là Nga đến được bờ Thái Bình Dương. Đụng độ với quân Thanh ở lưu vực Hắc Long Giang, lần này Nga mới gặp một địch thủ mạnh. Tìm cửa biển âm áp chưa được, rẽ xuống phương Nam thì bị quân Thanh ngăn đón nhưng cứ thẳng ra phương Đông, giữa bờ Á Châu và Mỹ Châu thì Nga không gặp trở ngại gì. Nga khai thác việc buôn bán da thú, cung cấp nguyên liệu cho thị truờng kỹ nghệ khăn áo ngự hàn, lợi tức cũng tạm đủ nuôi nuôi sống những người thám hiểm. Khí hậu càng lạnh, càng có nhiều loại thú lông trắng muốt xinh xinh. Người Nga đi thật xa và nhảy lên Alaska, miền Viễn Bắc của Châu Mỹ. Những bộ lạc Eskimos không phản đối, trong ngôn ngữ dân Eskimos không có danh từ nào chỉ về chiến tranh. Sang đến bên kia bờ Thái Bình Dương là việc mà người Mông Cổ chưa bao giờ làm được và cũng thấy không cần thiết phải làm. Chưa hẳn người Nga đã có viễn kiến chính trị hơn người Mông Cổ. Nhưng hể gặp đất thì cứ xí phần, mặc dầu lúc đó, ngoài việc săn thú lấy da, săn hải cẩu lấy mở, thịt, thận, người Nga cũng chưa biết dùng Alaska vào việc gì. Nếu chỉ cần săn thú là lưới cá thì Alaska qủa thật không cần thiết gì cho kế hoạch kiến quốc của Nga. Điều Nga cần nhất là một cửa biển nắng ấm, một của biển không bị trở ngại băng tuyết, một “Cửa Biển Tự Do“. Chính băng tuyết đã ngăn trở sự giao thông thủy vận.

Nga cần rẽ xuống phía Nam, nhưng năm 1654 các tướng Nga là Khabarov, Stepanov thám hiểm Hắc Long Giang, xâm phạm vào mục trường của dân Hậu Kim (Mãn Thanh), bị quân nhà Thanh đánh đuổi. Nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy. Họ đánh đuổi thì mình xé ra một chút, họ đi rồi mình lại mon men tìm đến, quyết thực hiện cho được chương trình. Năm 1657, Khabarov đến lưu vực sông Ô Tô Lý (Oussouri) trên bờ biển Thái Bình Dương.

Nhà Thanh đương hồi hưng thịnh, Nga không lấn áp gì được, bất đắc dĩ phải ký hòa ước Nê Bố Sở (Nerchinsk) vào năm 1689 và tuân thủ các đìều khoản ký kết, thi hành cho đến năm 1858 mới thôi. Lái buôn Nga được phép đến buôn bán ở Bắc Kinh, cư trú hàng năm không qúa ba tháng, buôn bán xong là phải ra đi, không được đem theo đàn bà trong thời gian cư trú.

Mãi đến khoảng giữa thế kỷ XIX, thừa lúc nhà Thanh suy nhược, lúc bấy giờ Nga mới thiết lập tỉnh Hải Dương (Khabarowsky) và quân cảng Vladivostock có nghĩa là người Thống Trị Phương Đông. Thế kỷ XX nhờ nhiệt độ cao của địa cầu gia tăng đều đều, từ đầu thế kỷ đến giờ nhiệt độ trung bình đã tăng lên 2 độ, Hải Sâm Uy ít khi bị băng tuyết bít kín, “tự do“ gần suốt năm nhưng thời đó Hải Sâm Uy trong những tháng tàn đông, đầu xuân, tàu bè không ra vào được.

Từ khi vượt qua núi Oural, con đường tiến thủ của Nga đã vạch rõ rồi. Lập được quân cảng Hải Sâm Uy, Nga đã có thế mạnh hiện diện ở Thái Bình Dương, đạt được mục đích ra biển.

Nga cần có thế mạnh ở biển Baltique (Bắc Âu), ở Địa Trung Hải (Nam Âu), ở Ấn Độ Dương (Nam Á), mục đích nào cũng to lớn, Nga đã đang và sẽ thực hiện lần hồi. Giữa thế kỷ XIX lập được Hải Sâm Uy, một thành công đủ khiến cho Mỹ lo ngại. Những chi tiết nhất thời trong kế hoạch lớn; những quyền mưu và thủ đoạn làm việc có thể thay đổi nhưng những mục tiêu lớn của quốc gia thì vẫn bất di, bất dịch. Đạt được là thành công, không đạt được là thất bại. Hải Sâm Uy là căn cứ quan trọng để Nga còn mưu tính việc tiến xuống phương Nam. Không có quyền lực nào buộc Nga phải rời bỏ căn cứ này bởi vì cả một chính sách Đông Tiến liên hệ vào đó.

NHỮNG BƯỚC THỤT LÙI, NHỮNG MỐI HẬN LUYẾN TIẾC

Bên kia Thái Bình Dương cũng có một chàng khổng lồ có tham vọng không kém gì mình, cứng rắn trong việc thực hiện tham vọng như mình mà lại giàu có hơn mình; đó là Hiệp Chủng Quốc Mỹ Châu, thường gọi là Hoa Kỳ, gọi tắt là nước Mỹ.

Mỹ là đối thủ xứng đáng nhất của Nga trong thế kỷ XIX. Xứng đáng về nhiều phương diện: kích thước địa hình, tham vọng chính trị, thủ đoạn thực hiện, lẹ bước mau chân.

Cứ xem việc Đô đốc Mỹ Perry và Đô đốc Nga Pontiakine cùng hè nhau phá tan chính sách bế quan tỏa cảng của Mạc Phủ Hideyoshi thì đủ biết. Phương pháp của các cường quốc Tây Phương là vừa thương thuyết vừa biểu diễn quân sự. Trò biểu diễn vui nhất là đậu tầu ngoài khơi, nã đạn đại pháo vào bờ, súng địch không bắn đến tàu mình mà đạn đại bác của mình nổ tung trên thành địch.

Mito Ariaki dàn quân trên bờ biển mà làm gì? Perry có thể đánh tan đoàn quân phòng thủ duyên hải, nhưng vì lý do “kỷ nguyên thương thuyết“, nên Perry chỉ pháo kích để đe dọa, ra oai mà chơi chứ không muốn tác chiến thực sự, không cần phải gây thương vong cho võ sĩ Nhật để mua thù chuốc oán làm gì.

Trong việc tranh nhau ép Nhật mở cửa thông thương, Mỹ đã đi trước Nga một bước. Cùng năm 1854 ấy, nhưng đến hạ tuần tháng 12, tàu Nga mới đến Nhật và gặp rủi ro. Trước ngày lễ Giáng Sinh, Nhật có nạn động đất. Tàu Nga bị sóng biển nhận chìm. Nhưng không sao, Pontiakine cũng đòi được quyền thông thương ở 3 cửa biển, chạy theo kịp Mỹ.

Hoạt động ở hải ngoại mà Mỹ còn muốn chiếm thượng phong đối với Nga thì đời nào trên lục địa Mỹ châu, Mỹ chịu để cho Nga hiện diện. Phương chi từ sơ diệp thượng bán thế kỷ XIX, Monroe đã xứng ra thuyết liên Mỹ với khẩu hiệu “Châu Mỹ của người Mỹ“ và hiểu ngầm… dưới thế lực bảo trợ kinh tế, chính trị của Hoa Kỳ, Mỹ đã không chấp nhận người Anh ở Venezuela, người Pháp ở Mễ Tây Cơ thì đời nào Mỹ để cho Nga hiện diện ở Alaska được.

Mỹ là nước có tư tưởng “toàn lục lên dương“. Toàn lục là giữ trọn lục địa Mỹ châu làm phạm vi hoạt động của mình, không để nước nào xía vào thủ lợi. Liên dương là từ Đại Tây Dương đến bờ biển Thái Bình Dương. Đối với Thái Bình Dương thì từ Đông ngạn đến tây ngạn, nơi nào Mỹ cũng muốn hiện diện. Từ bắc phần đến nam phần Thái Bình Dương, nơi nào Mỹ cũng muốn có thương phụ, có căn cứ trú quán.

Với tư tưởng “toàn lục liên dương“ mà để cho Nga hùng cứ Alaska thì mọi tai biến bất trắc về sau, ai lường trước cho được. Cần phải dồn Nga về Á Châu. Năm 1867, Mỹ mua lại quần đảo Pribiloff và đất Alaska với gía 7.200.000 Mỹ kim. Chính phủ giải thích với dân chúng: Giữa Mỹ và Nga có tình hữu nghị sâu xa lâu đời nên Mỹ mua giúp cho Nga đỡ cơn túng ngặt! Người dân ngoài phố đâu có muốn hiểu về quốc kế lâu dài, cần phải giao hoàn Nga về Á Châu, đừng cho lảng vảng ở Mỹ Châu e về sau sinh ra những chuyện bất tường, bất lợi.

Tư tưởng toàn lục đẩy Nga ra khỏi Mỹ Châu. Tư tưởng liên dương giúp cho Mỹ kinh doanh việc hải ngoại.

Nga đã thua trí Mỹ một keo rất nặng về việc bán đất Alaska năm 1867.

Rồi Nga còn bán quần đảo Kouriles tí hon cho Nhật nữa. Đảo thì tí hon, nhưng gía trị chiến lược lại lớn. Nhật không để cho Nga lập căn cứ quân sự ở phía trên đầu mình. Nga không hề có ý định đô hộ Nhật, thôi thì bán quần đảo Kouriles cũng được đi. Vả lại Nga còn có đảo Sakhaline đáng gía hơn nhiều lắm.

Mục tiêu của Nga là Đại Liên, Lữ Thuận cửa biển không vướng tuyết băng. Đường sắt Nam-Mãn giúp Nga cũng cố thế lực của mình ở Mãn Châu để dòm ngó thị trường Hoa Bắc. Kịp đến khi trận Trung Nhật chiến tranh bùng nổ, Trung Hoa chiến bại, phải nhường cho Nhật bán đảo Liêu Đông. Nhật nhảy lên bờ Thái Bình Dương, nguy hiển cho địa bàn Mãn Châu mà Nga đã kín đáo tự để dành cho mình biết mấy. Vậy thì phải chơi trò nhân nghĩa, rũ rê bạn Đức, bạn Pháp xúm lại, khuyên Nhật không nên có tham vọng lãnh thổ, chỉ nên nhận số tiền bồi thường rồi trả Liêu Đông lại cho Trung Hoa. Nhật là nước nhỏ vừa mới hưng thịnh chống sao cho lại áp lực 3 đại cường. Thâm ý của Nga là bắt Trung Hoa xuất tiền ra chuộc đất để rồi sau đó Nga sẽ tìm cớ đoạt đi.

Bất ngờ, Nga thảm bại năm 1905. Trên bộ dưới biển đều thua, hạm đội Rodjetvensky đi nạp mạng ở eo biển Đối Mã. Bao nhiêu mưu cơ đều hư hỏng, may mà đất Sybir rộng rãi, quân của tướng Kouropalkine có đất chạy dài!

Vì Nga là nước lớn, “ đất vòng quanh Âu-Á“ phải ứng trực ở nhiều địa khu xung yếu, ở bán đảo Ba Nhĩ Cán (Đông Âu) ở phía Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư (hướng ra Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương) nên không thể dồn hết lực lượng ra vùng Đông Bắc Á được. Huống chi trong những lúc tranh hùng với Mỹ, Nga phải lo thôn tính miền Trung Á Hồi Gíao, tranh hùng với Nhật, Nga phải đối phó với Đức, Áo lăm le Đông tiến và thực sự đã ví Nga lúng túng trong Hắc Hải không có lối thoát ra ngoài. Phải đối phó nhiều mặt, Nga đành chịu lép ở Đông Bắc Á.

Tuy nhiên, sau hơn 3 trăm năm Đông tiến, Nga đã đạt được những thành tích phi thường. Trừ đế quốc Mông Cổ ra, đế quốc đã thuộc về dĩ vãng. Trên chính trường thế giới hiện đại, không có một nước có một khối lãnh thổ liên lạc chiếm tỷ lệ 1/6 trong tổng số đất nổi ở địa cầu. Những sự thất bại của Nga ở Đông Bắc Á, nói theo tiếng Gia Cát Lượng là: Mũi tên mạnh đi đến đường cùng không xuyên thủng vải thưa. (Cường nổ chi mạt bất năng xuyên lổ cảo).

Nhưng mũi tên của Nga đã chịu rằng mình đã đi đến đường cùng hay chưa? Kiên trì trong ý định, đi quanh đi quẹo vẫn cứ ngó đến mục tiêu, không nhảy được thì bò tới, quân sự không thắng thì cố thắng bằng thương thuyết ngoại giao, Nga đã chịu tỏa chiết ở đầu thế kỷ XX tại Đông Bắc Á nhưng Nga chưa nản chí…

HẢI SÂM UY: HỔ THỊ TAM CƯỜNG

Tam cường là Trung Cộng, Mỹ và Nhật Bản. Hổ thị là nhìn như cọp rình mồi. Sau thế chiến, uy thế của Nga lại trỗi dậy mạnh mẽ ở Bắc Phần Thái Bình Dương.

Nhờ có sự thất sách của Tổng Thống Rơsevelt nước Mỹ. Nga đã thu hồi lại hoàn toàn đảo Khố Diệp và quần đảo Kouriles. Ở đảo Khố Diệp có mỏ dầu hỏa, Nhật đã mất một nguồn nhiên liệu quan trọng khi mất thành qủa chiến thắng năm 1905 là nam phần quần đảo này. Trước kia chiến thắng thì được đất, 40 năm sau chiến bại thì mất đất, chuyện đó rất thường.

Có điều ức lòng là quần đảo Kouriles, Nhật xuất tiền ra mua của Nga chứ không hề chiếm đoạt không thế mà vẫn cứ bị Mỹ chơi cái trò “lấy của làng làm ơn cho ông xã“. Mỹ đã không có viễn kiến chính trị về thời hậu chiến một chút nào. Lúc đó, ở Âu Châu lính Mỹ chỉ mong sao cho mau chiến thắng để chạy về nhà, ở Á Châu lính Mỹ muốn được bạn đồng minh gánh bớt dùm nỗi gian lao chiến đấu. Chính phủ Mỹ mong dàn thế trận lưỡng hạ giáp công. Quân Nga từ phía tây và phía bắc đánh xuống, quân Mỹ từ phía nam đánh lên, kẹp Nhật vào giữa hai gọng kìm quân sự khổng lồ, sức mấy mà Nhật trường kỳ kháng chiến.

Vậy Hải Sâm Uy khởi sắc từ Hội Nghị Yalta. Có dảo Khố Diệp và quần đảo Kouriles làm bình phong viễn ứng, với một quân số túc trực lên đến 25 sư đoàn, 6 hầm bí mật chứa những phản lực tối tân, Hải Sâm Uy là một căn cứ hải lực không quân lớn nhất của Nga ở Đông Bắc Á, một thứ Trân Châu Cảng của Nga vậy.

Từ năm 1963 đến nay, Trung Cộng vẫn thường nhắc cho dân Hoa Lục cái hận mất đất từ hơn trăm năm về trước. Miền Đại Đông Bắc mà Trung Cộng đòi hỏi chính là tỉnh Hải Dương của Nga, tỉnh Khabarowsky vậy. Quân tuần biên của hai bên Nga, Trung đụng độ nhau có hơn 4000 trận, kể cả trận lưu huyết ở Trân Đảo (Damansky) hồi đầu năm 69. Theo lời Nga tố cáo, có đến 3000 quân Trung Cộng vượt biên giới, nhưng dầu có đến 300.000 đi nữa thì Hải Sâm Uy cũng có đủ ưu thế đối phó dễ dàng.

Điều làm cho Mỹ ân hận nhất là đã tước nhược Nhật Bản thái qúa. Hiến pháp Nhật là thứ hiến pháp phi võ trang. Dẫu hiện thời, người ta đã khôn khéo tránh né hiến pháp mà tái võ trang dưới hình thức “Nhân Dân Tự Vệ“ nhưng đã gọi là “Nhân Dân Tự Vệ“ thì quân số hiện thời cho cả hải lục không quân 250.000 người đã là đông đảo lắm. Quân lực toàn quốc chỉ có chừng ấy thì đã đủ nói chuyện với ai? “Qúi hồ tinh, bất qúi hồ đa“ ít mà tinh nhuệ còn hơn nhiều mà ô hợp. Đúng thế, nhưng mà qúa ít thì dầu cho tinh nhuệ cách mấy cũng không làm được trò trống gì. Phục hưng võ lực bằng quân số đã là chuyện khó khăn, còn làm sao lấy lại các vị trí hình thắng ở quần đảo Kouriles và đảo Khố Diệp. Mỹ muốn có một người bạn để làm thanh viện ở Á ngặt vì trước kia Mỹ đã vụng tính nông nổi làm cho người bạn ấy què quặt mất rồi!

Mỹ muốn giao thân với Hoa Lục, dùng Trung Cộng để kềm chế Nga Mỹ, lại sợ Trung Cộng vùng vẫy qúa chừng nên muốn dùng Nhật Bản kềm chế Trung Cộng. Toàn là cái thuật mượn tay người. Anh nhà giàu làm vậy là anh nhà giàu khôn nhưng những anh nhà nghèo cũng không dại đến nỗi ăn cơm nhà đi vác ngà voi. Phàm việc đời, ân oán giang hồ, có ân thì phải báo ân, có oán thì phải báo oán. Mỹ đã tạo những điều kiện thuận tiện cho kinh tế Nhật phục hưng, tạo cái chính trị thuận lợi cho Trung Cộng vào Liên Hiệp Quốc. Và còn nhiều quyền lợi thương mại với nhau. Nếu người khôn biết áp dụng châm ngôn “America First“ (Mỹ quốc trước tiên) trong bất cứ trường hợp nào thì Trung Cộng và Nhật Bản cũng biết thủ thân vi đại. Mặc dầu Trung Cộng và Nhật Bản đối với Nga đều có mối thù thổ địa, mối thù bất cộng đái thiên, nhưng Trung Cộng và Nhật Bản đều có đủ kiên nhẫn để chờ một cơ hội khôi phục it tốn xương máu nhất.

Và trong khi chờ đợi thì Hải Sâm Uy vẫn cứ đủ uy thế để hổ thị tam cường. Bắc phần Thái Bình Dương lại hẹp không mở rộng như Nam phần. Với những hỏa tiễn liên lục địa ngày nay Nga, Mỹ nhìn nhau ái ngại. Nếu hỏa tiễn từ Hải Sâm Uy bay sang đất Mỹ thì chắc là tác động của nó không phải chỉ gây vài đám cháy rừng như những trái cầu bí mật của Nhật Bản năm 1944 đâu!

LIÊN MINH NGA-ẤN

Từ miền Trung Á Hồi Giáo, Nga trông về phương Nam, muốn có đường thông tới Ấn Độ Dương, Nga đã không ngần ngại xâm lăng Ba Tư. Huyết chiến với dân A Phú Hãn để mở đuờng song có lần bị cá nước ấy đánh cho Nga nhiều trận thua đau, có lần bị người Anh cản mũi nên Nga phải lùi lại. Dân A Phú Hãn dũng cảm, đâu có chịu ngồi nhìn thiên hạ bá chiếm non sông. Như năm 1842, Anh muốn chiếm A Phú Hãn, phổng tay trên Nga nên hưng binh, rốt cuộc quân Anh đại bại.

Đường Ấn Độ Dương coi vậy mà khó thực hiện. Năm 1892, Anh chiếm được cao nguyên Pamir. Nhưng mà lúc này Ấn Độ đã thuộc về Anh, Nga đứng trên cao nguyên nhìn xuống mà chơi cho đỡ buồn, con đường ra biển thì phải tính nẻo khác.

Hướng về Ba Tư, Nga cũng bị Anh chận đường. Năm 1907, Nga phải thỏa thuận với Anh chia Ba Tư làm hai khu vực ảnh hưởng. Cố nhiên là Nga phải nhận khu vực phía bắc có nhiều rừng núi còn phía đông nam có hải thế thuận tiện thì phải thuộc phần Anh. Trong thế chiến, Anh và Nga thỏa thuận cùng chiếm Ba Tư để bảo vệ đường tiếp tế cho Nga, nhưng phần hải thế có những vị trí hình thắng vẫn do Anh chiếm giữ.

Ở Ấn Độ Dương, Nga chưa bao giờ đắc ý kể cả sau Thế Chiến trong việc thi đua viện trợ Á Phú Hãn. Người Mỹ đã thay chân người Anh cản đuờng ra biển của Nga ở Ấn Độ Dương. Vì người Mỹ đã nắm hết ưu thế ở Nam Phần Thái Bình Dương với liên minh ANZUS (Úc - Tân Tây Lan - Mỹ) người Nga nhất thiết phải có một cái gì ở phía Nam Á và Ấn Độ Dương để giữ thế quân bình: Anh quốc đã dần dần trao gánh nặng quân sự ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương cho Mỹ, Trung Cộng chiếm được cảm tình thân hữu của Hồi Quốc, Nga cần phải có sự liên minh với Ấn Độ để giữ thế quân bình.

Với liên minh Nam Á, Nga có thể bao vây, uy hiếp Trung Cộng về phía Tây Tạng, Ấn Độ cũng mong muốn như vậy cho nhẹ bớt áp lực Trung Cộng ở biên thùy phương Bắc nơi mà trong một trận cường tập năm 1962, Trung Cộng đã tiêu diệt sư đoàn thiện chiến nhất của Ấn.

Nếu xét hải thế từ Đông Bắc Á sang Ấn Độ Dương thì Nga ở hai đầu còn Mỹ và các lực lượng thân hữu với Mỹ chiếm trọn phần giữa rộng lớn. Cam Ranh ở Việt Nam, Stattahip ở đông nam Vọng Các, là những căn cứ đủ chứng tỏ ưu thế mạnh mẽ của Mỹ, Nga không hy vọng gì cạnh tranh chút đỉnh ở vùng này. Có một chư hầu là Bắc Việt thì Bắc Việt phải đi nước đôi, không dám tận tình theo Nga vì sợ oai Trung Cộng. Cho dẫu Nga có tranh được ảnh hưởng mạnh mẽ ở Bắc Việt thì Bắc Việt là một cô thành bơ vơ giữa hai thế lực Hoa Lục – Hoa Kỳ. Chiếm giữ cô thành, tự đặt mình vào vòng vây của địch thủ mà nói chuyện tranh hùng thì qủa thật là thiên nan vạn nan.

Nga thoát khỏi vòng vây đó bằng cách liên minh với Ấn Độ. Ấn Độ tọa trấn giữa Ấn Độ Dương. Từ bờ biển phía đông, Nga có thể ập đến sau lưng Mỹ ở Đông Nam Á.

Liên minh Nga Ấn là một thành công rạng rỡ và trong tương lai nếu Thái Bình Dương có sóng gió thì chắc chắn sẽ có những tiếng ứng điệu nổi lên từ phía Ấn Độ Dương.

Biển Đông rạng ánh mặt trời. Biển Đông là biển lớn. Vị trí và vị thế của các cường quốc đã phân định rồi. Biển Nam là Ấn Độ Dương, tại đây, các cường quốc đã và đang dùng những đòn phép ngoại giao để tạo lập một thế quân bình võ lực.

Như vậy là để phụng sự hòa bình. Một khi mà các phe, các khối đều đủ sức canh chừng nhau thì sự thù nghịch gầm gừ bất qúa chỉ đứng trong khuôn khổ chiến tranh lạnh cung cấp đề tài bình luận cho báo chí thế giới… khiến độc giả năm châu bốn biển hồi hộp, lo âu, ít khi có chiến tranh nóng vì người khởi chiến nếu không tin mình nắm đủ yếu tố quyết thắng và tất thắng thì đâu có dám ra tay.

Ở Ấn Độ Dương, Nga cũng đi theo con đường Mông Cổ. Từ các sa thảo Trung Á, Nga vào Ấn Độ y như Mông Ngột Nhi đế quốc ngày xưa. Phía bắc từ Bắc Băng Dương, phía Nam đến Ấn Độ Dương, phía Đông đến Bắc phần Thái Bình Dương, địa bàn dụng võ của Nga thật là vĩ đại, bao gồm lãnh vực hoạt động của hãn quốc Khâm Sát và đế quốc Mông Ngột Nhi, một biệt tộc Mông Cổ.

Vậy thì Nga là Mông Cổ ở thế kỷ XX chăng?.
 
 


(Hết chương 4)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét