CÁC CƯỜNG-QUỐC
VÀ SÁCH-LƯỢC
THÁI-BÌNH-DƯƠNG
(Tiếp theo…)
CHƯƠNG NĂM
*********************************************************************
5. ÂM MƯU GÂY SÓNG GÍO MỸ – NHẬT
- Nhường cho nước Nhật khai hỏa.
- Roosevelt: Sau Nhật phải có Nga.
- Công đức của các nước nhược tiểu đối với Nga Sô vĩ đại
V
Đòn kinh tế khiêu khích quân sự
Monroe là một người hùng. Với khẩu hiệu “Châu mỹ của người Mỹ’’ ông đã ngăn chặn thế lực quân sự và kinh tế, chính trị của các nước thực dân Tây Âu, dành Trung, Nam Mỹ làm địa bàn hoạt động tối huệ cho Hiệp Chủng Quốc. Roosevelt cũng là một người hùng. Ông đã làm cho Mỹ nắm quyền bá chủ Thái Bình Dương sau thế chiến.
Muốn nắm quyền bá chủ Thái Bình Dương thì phải đánh đổ nước Nhật. Nhưng Hiến pháp Mỹ không để cho Tổng Thống có quyền tuyên chiến theo ý muốn của mình. Đợi Quốc Hội thảo luận, biểu quyết thì mệt lắm, lâu lắm. Tốt hơn hết là ép nước Nhật phải động binh hạ thủ trước. Mỹ trên thế tự vệ, như vậy công luận quốc tế không ai buộc tội Mỹ là thủ phạm chiến tranh. Có thể, các sử gia cũng bị mắc lừa nữa!
Năm 1941 quân Nhật từ Bắc Đông Dương tràn xuống Nam Đông Dương. Cuộc chiến tranh dai dẳng với nước Trung Hoa đã làm cho Nhật vô cùng khốn quẫn về nguyên liệu. Mỹ thừa biết nhược điểm của Nhật. Khi ép buộc nước Anh phải đóng cửa đường Miến Điện không được tiếp tế cho Quốc Quân Trung Hoa, Mỹ bèn phản ứng bằng cách cấm xuất cảng sang Nhật các loại động cơ phi thuyền và các loại máy bay, dụng cụ. Roosevelt tố cáo hiệp ước giao thương Mỹ – Nhật là lỗi thời. Rồi được trớn cấm luôn dầu hỏa, cao su, chì, đồng, kẽm, v.v…
Nhật tìm cách thương thuyết hòa hoãn, năn nỉ Mỹ bỏ lệnh cấm đi. Nhật đề nghị chấm dứt chiến tranh ở Trung Hoa, chính phủ Trùng Khánh của Tưởng Giới Thạch và chính phủ Nam Kinh của Uông Tinh Vệ hợp nhất, tất cả quyền lợi của Mỹ ở Trung Hoa đều được Nhật cam kết tôn trọng. Mãn châu Quốc được coi như chư hầu của Nhật vì Mãn châu là của người Kim, đâu phải là của Trung Hoa.
Mỹ đòi Nhật phải hạn chế bớt những bổn phận đối với Trục Sắt Tam Cường Đức, Ý, Nhật, hạn chế đến mức làm cho những điều kiện liên minh trở thành vô hiệu. Trục Sắt còn cái danh mà cái thực thì phải tiêu tan. Mãn châu không thể là thuộc quốc của Nhật được. Lệnh cấm xuất cảng dầu hỏa, kim loại, những nguyên liệu cần thiết cho kỹ nghệ Nhật vẫn cứ được duy trì, cho đến khi nào tình hình quốc tế thật sự lắng dịu!
Yêu sách kiểu đó thì ai chẳng giận sôi gan! Chiến tranh Trung Hoa – Nhật có kết liễu đi nữa mà Mỹ viện cớ chiến tranh Anh – Đức vẫn còn hay tình hình thế giới vì một lý do vì đó vẫn còn nghiêm trọng thì Mỹ vẫn có quyền cấm xuất cảng các nguyên liệu cần thiết cho kỹ nghệ Nhật như thường!
Đó là quan điểm bất di bất dịch của Mỹ từ tháng 6 năm 1941. Mỹ – Anh lại phối hợp hoạt động quân sự phòng vệ Đông Nam Á. Thủ tướng Konoye năn nỉ xin gặp Roosevelt ở Alaska hay ở Hạ Uy Di để thảo luận. Roosevelt nhất định chối từ. Đó là cách buộc Nhật phải đi đến chiến tranh với Mỹ.
Người ta cứ hay trách Nhật gây chiến vì Nhật tập kích Trân Châu Cảng thành cộng. Nhật có tuyên chiến hẳn hoi nhưng dầu không tuyên chiến thì Tổng Thống Mỹ cũng biết rõ là Nhật đánh Trân Châu Cảng. Ông biết luôn cả cái mật khẩu tấn công của Bộ Tham Mưu Nhật “Gío đông: Mưa“. Tình báo Mỹ nắm được chìa khóa mật mã của Nhật từ lâu. Khi nghe tin quân Nhật đánh phá Trân Châu Cảng tan tành rồi (đô đốc, đại tướng Mỹ còn bận du hí cuối tuần), Tổng Thống Roosevelt nói một cách rất bình tỉnh:
- This it is! (Thôi được rồi!)
Nghĩa là nước Nhật đã vào tròng rồi, đã mắc mưu rồi. 6 chiếc thiết giáp hạm bị đánh hư hao (2 chiếc chìm), 2362 người Mỹ tử trận, đó là một duyên cớ rất tốt để cho Tổng Thống Mỹ tuyên chiến với Nhật. Khả năng kỹ nghệ của Mỹ không hao tổn, làm ra tàu mới tốt hơn tàu cũ mấy hồi! Trong khi dư luận báo chí mỉa mai quân Mỹ yếu, bất tài, chính phủ Mỹ bất lực, ca ngợi quân đội Phù Tang anh dũng, bách chiến bách thắng, cơ mưu xuất nhập như thần thì Roosevelt và các cố vấn của ông khúc khích cười riêng với nhau, đắc ý lắm.
Kỹ nghệ chiến tranh phát triển sẽ đem lại công ăn việc làm cho rất nhiều người. Tuy gọi là Thế chiến nhưng chiến tranh đâu có lan đến đất Mỹ mà lo. 3 châu Âu, Á, Phi, bị tàn phá, nhất là Châu Âu địch thủ của Mỹ mà bị tàn phá cho thật nặng thì Mỹ lại càng có cơ hội làm chủ nợ thế giới, tha hồ hốt bạc!
Nhờ trận đại bại ở Trân Châu Cảng mà Mỹ đã hưởng được những quyền lợi to lớn vô cùng. Nước cờ bỏ thí Trân Châu Cảng để tối tân hóa kỹ nghệ chiến tranh là một nước cờ cao tuyệt diệu vậy.
TRÍ HỮU SỞ CÙNG: CÁO GÌA BỆNH HOẠN ĐẤU TRÍ SAO LẠI CÁO GIÀ KHANG KIỆN
Để uy hiếp nươc Nhật, Tổng Thống Roosevelt đã tuyên bố rằng:
Hoa Kỳ cần phải có một nước Đại Nga thân hữu để kèm sau lưng nước Nhật.
Luật cho vay-thuê (Prêt-bail) cho phép chính quyền Mỹ tiếp tế lương thực khí giới dồi dào cho Nga. Không phải Mỹ thương yêu vì Nga đâu. Nếu không có Nhật là đối thủ của Mỹ tại Thái Bình Dương thì Mỹ sẳn sàng bỏ Nga cho Đức đập chết. Đức là nước ở Trung Âu chỉ tiếp giáp với biển ở Bắc Hải, không nguy hiểm gì cho sự nghiệp bá chủ của Mỹ ở Đại Tây Dương, Hitler lại sợ Mỹ tung quân và tung tiền can thiệp vào Âu châu như họ đã làm từ năm 1917 nên hết sức thận trọng trong việc đương đầu với các tàu áp tải của Mỹ. Chính các tàu Mỹ lại tấn công các tầu lặn của Đức trước. Như vụ diệt ngư lôi hạm Mỹ Greer bắn thủy lôi vào tiềm thủy đĩnh Đức đương lặn. Bực qúa tiềm thủy đĩnh Đức phải nổi lên mặt nước, bắn trả. Thế là Roosevelt nổi giận, coi việc bán lại để tự vệ là hành động côn đồ và ra lệnh đánh chìm bất cứ loại tàu nào của phe trục. Đức đánh Nga, Mỹ cứu Nga bằng tiếp vận chiến, thế mà Đức chưa dám trả đũa Mỹ ngay. Uy thế của tỷ phú Sam lớn thật. Mỹ muốn đánh thắng Nhật nhưng biết rằng lính Nhật có tinh thần cảm tử rất cao. Trái lại lính Mỹ ra trận với tác phong công tử. Anh nhà giàu nào lại không úy tử tham sinh? Sợ bom đạn, sợ thương vong mà lại muốn thắng trận thì chỉ còn có cách chi tiền để người khác phải đánh giặc thế cho mình. Ý nghĩa cao qúi trong việc ban hành, “luật vay-thuê’’ là như vậy. Đất Nhật hẹp, được gọi một cách hết sức tượng hình là Phù Tang tam đảo mà lại bị hai anh chàng khổng lồ vây đánh hai đầu thì sức mấy mà chẳng thua tan?
Mỹ lại muốn Nhật rút chân ra khỏi lục địa Á Châu. Bán đảo Triều Tiên, về phương diện quân sự, được coi là một chiếc cầu nối liền Hoa Lục và đảo quốc Phù Tang. Mãn Châu vùng kỹ nghệ trù phú do sức kinh doanh của Nhật là một địa bàn tốt để Nhật tùy cơ tiến xuống Hoa Bắc hay lấn lên đất Sibir. Nhật ở Mãn Châu khác nào một lưỡi gươm thọc vào lưng Nga, Nga chịu thế nào được? Sớm muộn gì thì Nga cũng nhổ thanh gươm ấy đi. Cho khỏi đau khổ và để rửa luôn cái nhục chiến bại năm 1905 nữa. Dầu Mỹ không yêu cầu hễ có dịp thuận tiện là Nga can thiệp quân sự vào Mãn Châu ngay. Chiến thắng thì tha hồ đoạt của!
Thế là tại Hội nghị Yalta trên bờ Hắc Hải, mùa xuân năm 1945, Roosevelt lại hứa cho Nga quần đảo Kouriles là quần đảo mà Nhật đã mua lại của Nga chứ đâu có phải chiếm cứ ngang xương. Nhưng mà thôi được, lấy của làng làm ơn cho ông xã có sao đâu? Đất đảo gì của mình mà tiếc! Thêm nữa, bọn Nhật đáng ghét lắm. Ai đời chỉ có một quần đảo Bonin dài 8 cây số, rộng 4 cây số mà quân Nhật phòng thủ rất là gắt gao. 22.000 lính tử trận gần hết, chỉ có 212 thương binh trầm trọng là bị bắt mà thôi. Quân Mỹ tử trận cũng bộn! Đánh giặc cái kiểu này thì chán lắm. Đây chỉ là một quần đảo nhỏ mọn mà Thủy quân Lục chiến đã khó lòng đắc ý… nói gì đến khi lên các đảo chính của Nhật thì mới sao nữa, hở Trời?
Averell Harriman (sau này còn phó hội Balê mùa hạ năm Mậu Thân 1968) lúc đó làm cố vấn cho Tổng Thống Roosevelt có ý tiếc về những nhượng bộ của Mỹ đối với Nga ở miền Đông Bắc Á. Nhưng mà ông đã không tận lực can ngăn. Nói cho đúng sự thật, hồi đó bom nguyên tử chưa hoàn thành. Roosevelt thì đương đau yếu, bệnh hoạn. Trái lại Stalin sức khỏe rất dồi dào, chỉ có một mình Winston Churchill là hiểu một cách thấu triệt những tham vọng của Nga ở Đông Âu và ở Đông Bắc Á. Nhưng nuớc Anh đương nhờ vả nước Mỹ mới có phương tiện chiến đấu, tiếng nói của con nợ đối với chủ nợ đâu có được nặng cân.
Chẳng những Nga đã chiếm thượng phong với Mỹ ở Đông Bắc Á và Đông Âu, Nga lại còn tự coi như chỉ có mình mới đủ sức đánh tan quân Nhật, Đến khi Mỹ đã hoàn thành bom nguyên tử, Mỹ muốn can ngăn Nga đừng có hành binh ở Mãn Châu nữa nhưng Nga đâu có chịu nghe lời. sau khi bom nguyên tử đã trút xuống Trường Kỳ và Quảng Đảo rồi, Nga mới chịu ra quân. Rốt cuộc trong một cuộc biểu dương lực lượng, dạo mát quân sự kéo dài một tuần, Nga đã tước đoạt cơ sở kỹ nghệ của Nhật ở Mãn Châu một số vốn đến 2 tỷ Mỹ kim hồi đó.
Phần thưởng quần đảo Kouriles mà Mỹ đã hứa hẹn và đảo Khố Diệp làm tăng gía trị phòng ngự cho quân cảng Hải Sâm Uy. Khi không mà Mỹ rước cọp đến gần các căn cứ của mình ở đất Nhật để thêm phần lo sợ…
Hội Nghị Yalta đã di hại rất nhiều cho sách luợc Mỹ ở Thái Bình Dương. Mỹ không nhìn rộng thấy xa, chỉ chăm chăm một việc làm cho nước Nhật suy yếu, thất thế hoàn toàn về quân sự. Đến khi thời thế biến chuyển, Mỹ cần Nhật làm một hải đài, phía tây canh chừng Hoa Lục, phía bắc ngăn đón tham vọng bành trướng của Nga thì Nhật đã bị tước đoạt các đảo chiến lược trọng yếu.
Làm chính trị, tranh bá đồ vương trong thiên hạ mà nhãn quan cận thị thì dẫu có tiền rừng bạc biển, khí giới lương thực như trường sơn điệp điệp cũng khó lòng tránh khỏi những bước thất ý ngỡ ngàng.
SỰ HẢNH DIỆN ĐAU KHỔ CỦA CÁC NƯỚC NHƯỢC TIỂU ĐÔNG NAM Á
Đông Nam Á, ngay từ đời Tần Hán đã nổi tiếng là Kim Địa (Chersonèse d’Or) vang lừng đến Tây Phương. Nhiều miền ở đây được đặt tên có chữ kim như Kim Lân là Miến Điện, Kim Đảo (Poulo Mas) là Sumatra, quế gừng, riềng, hồ tiêu, gỗ mun, gỗ teck, sừng tê, ngà voi, đủ thứ kỳ trân dị bảo. Trầm hương, kỳ nam là những hương liệu qúi gía hấp dẫn, khiến cho người Á Rập phải lặn lội đi tìm, bất chấp ba đào nguy hiểm.
Các cường quốc ở thế kỷ XX tuy vẫn qúi những món đó nhưng họ muốn chiếm đoạt những nguyên liệu cần thiết và có lợi hơn nhiều. Cao su, dầu hỏa, thiết, đồng, sắt, lúa gạo, kỹ nghệ và nông nghiệp phát triển mạnh mẽ rất lợi cho các nước viễn chinh Anh, Pháp, Hòa Lan đã hưởng nhiều lợi lộc đáng kể. Nhật là nước mới trở thành cường quốc đầu thế kỷ XX, những đất giàu đã bị thiên hạ chiếm đoạt mất hết. Mình không còn một chổ chen chân.
Đã thế mà gã tỷ phú Mỹ còn bày ra trò cấm nhập cảng nguyên liệu. Nguy cho Nhật biết đường nào! Những quân đội phòng thủ thuộc địa của Anh, Pháp, Mỹ, Hòa Lan, đều không thể địch nổi quân Nhật. Yếu tố quan trọng là tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Người lính Nhật sinh trưởng trong truyền thống trung quân ái quốc, hiểu rằng đây là cuộc chiến đấu sinh tử tồn vong, họ phải thắng để cho Tổ Quốc trường tồn, lui bước nhường quân địch là dẫn mình vào cõi chết ô nhục, không chết tức khắc thì cũng chết mòn trong cuộc đời vong quốc nô. Trái lại, lính Anh, Pháp, Mỹ, Hòa Lan sống ở thuộc địa lâu ngày, quen dùng cặp mắt người thượng quốc xem khinh dân bản xứ, tự cao tự đại, cứ tưởng rằng mình vô địch trên cõi trần gian. Ăn sung mặc sướng, quen nết mất rồi, chịu gian khổ chiến trường sao nổi? Dân bản xứ có nổi loạn, họ chỉ bắng vài phát súng là xong. Cần gì phải luyện tập kỹ thuật chiến đấu học tập chiến lược, chiến thuật?
Một yếu tố thứ hai nữa là quân anh, Pháp, Mỹ, Hòa Lan bị dân bản xứ thù ghét, dân bản xứ chưa biết nhận diện thực dân da vàng nhưng tổ tiên, cha con họ có thừa kinh nghiệm trực tiếp bản thân về các quan lớn thực dân da trắng. Ở thuộc địa, một tên lính da trắng mạt hạng cũng bắt dân bản xứ đối với mình như một vị quan lớn thì mới thỏa lòng. Người Nhật với cái chủ thuyết Đại Đông Á mưu cầu thịnh vượng chung đã tranh thủ được cảm tình của dân bản xứ náo nức một sự thay đổi mà chưa biết sự khổ nhục đổi chủ thay thầy.
Quân Nhật từ Đông Dương đổ bộ lên Mã Lai, xông vào rừng rậm, vượt qua 640 cây số “ địa ngục xanh’’ bất chấp đỉa, vắt, muỗi mòng, sơn lam chướng khí, tiến về Tân Gia Ba. Ở Miến Điện, Phi Luật Tân, Nam Dương quần đảo, nơi nào quân Nhật cũng chỉ gặp một sự chống cự yếu ớt. Liên quân ABDA (Mỹ, Anh, Hòa, Úc) bại tẩu liền liền. Ở Tân Gia Ba 70.000 quân Anh thiếu nước uống phải treo cờ trắng.
Quân Nhật có thực hiện chương trình Nam tiến thì quân Nga ở đất Sibir mới dám triệt thoái, di chuyển sang mặt trận Đông Âu, cứu vãn nguy cơ đang đè nặng lên thủ đô Mạc Tư Khoa của Hồng quân.
Giả sử năm 1941, quân Nhật không dồn về Đông Nam Á mà lại nhảy lên tỉnh Hải Dương (Khaborowsky) của Nga ở Sibir thì sao? Chắc chắn là Mạc Tư Khoa thất thủ. Giòng lịch sử chuyển sang hướng khác mất rồi. Kho tài nguyên phong phú của Đông Nam Á đã cứu mạng Nga Sô, “thành trì của cách mạng thế giới’’. Để rồi các lãnh tụ Cộng quân được huấn luyện ở Nga hay ở Hoa Lục về đây quấy rối, đem lại rất nhiều đau khổ tang tóc của đám dân bản xứ hâm mộ hòa bình.
Lão tử nói “tài đa lụy thân’’. Của cải nhiều làm cho mình khổ sở. Đúng qúa chừng đi.
Muốn khỏi khổ thì nên liên kết với nhau để tạo thành một sức mạnh bảo vệ hữu hiệu. Bằng không thì kho tài nguyên dồi dào đó làm cho thiên hạ thèm muốn, bâu lại xâu xé, mình ở giữa tha hồ chịu trận và chết oan!
Nhất là từ lúc khám phá ra dầu hỏa dưới thềm lục địa thì lại càng nên coi chừng cái họa “tài đa lụy thân’’ to lớn hơn trước. Tài nguyên Đông Nam Á đã cứu mạng cho một siêu cường quốc nhưng không cưú nổi dân địa phương thoát khỏi sự loạn lạc, sự xâu xé tơi bời.
Chừng nào người Đông Nam Á mới có đủ sức mạnh để nói một câu hợp với quyền lợi chính đáng của mình.
Tài nguyên Đông Nam Á phải đem lại quyền lợi cho người Đông Nam Á trước đã.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét