CÁC CƯỜNG-QUỐC
VÀ SÁCH-LƯỢC
THÁI-BÌNH-DƯƠNG
(Tiếp theo…)
CHƯƠNG SÁU
*************************************************************************************
6. NHẬT: MƠ VÀO ĐẠI LỤC,
NHỚ VỀ HẠ-UY-DI
- Đảo quốc và những Địa-trung-hải địa phương.
- Đi về đâu giữa muôn trùng sóng gío? - Đài Loan và Hạ-Uy-Di…
- Những mối thù bất cộng đái thiên…
VI
một sức hấp dẫn tất nhiên,
bất khả kháng
Nếu eo biển Pas De Calais giữa Anh và Pháp rộng hơn, nếu đảo quốc Anh Cát Lợi có được diện tích của đảo Tân Guinée hay đảo Bornéo thì chắc giữa Anh và Pháp đã không có cuộc chiến tranh Trăm Năm mà thực sự kéo dài đến 116 năm với nhiều phen huyết chiến (1337-1453).
Nhật Bản cũng là một đảo quốc như Anh và cũng ở gần Đại Lục, Hoàng Hải, Đông Hải với những quần đảo bên bờ Đại Lục đều có thủy thế và địa thế làm những Địa Trung Hải thu hẹp lại để cho dân Nhật xông pha sóng gío một cách dễ dàng. Nói về tài đi biển, người Nhật chưa hẳn đã hơn được người Maori ở Tân Tây Lan nhưng vì đất Nhật giống như những trường lũy ở ngoài chiến hào canh chừng cho hoàng thành là Đại Lục nên người Nhật luôn luôn hướng về Đại Lục để tìm đất sống rộng rãi hơn. Vượt qua hàng rào nước mặn để đến hoàng thành, người hải đảo nào lại không muốn biến những địa trung hải địa phương thành những “ao nhà’’ để cho mình tha hồ nắm quyền bá chủ?
Giữa là một vùng biển, ngoài này là những đảo eo hẹp, trong kia là Đại Lục mênh mông… sức hấp dẫn của Đại Lục thật là mê ly, bất khả kháng. Chiếm giữ vị trí chiến lược hai bên, canh giữ, “ao nhà’’ thì có gì đáng gọi là hiếu chiến? Người lập nước ở Đại Lục có rộng đường dụng võ, miễn là biết chiến đấu thì có thể giong ruổi con đường vạn dặm, tìm hạnh phúc trong tiếng vó ngựa tung hoành. Còn như dân hải đảo có giỏi dụng võ thì cũng chỉ chiếm lĩnh cho hết mấy ngàn hòn đảo lớn nhỏ thôi, đất ở đâu mà chiếm thêm được nữa? Không lẽ giục ngựa xuống biển, tranh giành Thủy Phủ với Diêm Vương, Long Vương? Vậy thì, bằng bất cứ mọi gía, phải tìm đường vào Đại Lục. Cuộc chiến tranh Trăm Năm giữa Anh và Pháp vì Anh đương lâm vào cảnh nội chiến giữa 2 phe Bạch tường vi, Hồng tường vi. Nội chiến chấm dứt thì Anh Quốc có hy vọng đi chiếm đất phương xa, ở Phi Châu hay ở Tân Thế Giới.
Nước Nhật không có cái may mắn ấy cho nên Nhật phải nhìn chăm chăm vào bán đảo Triều Tiên, Liêu Đông, hải đảo Đài Loan, quần đảo Bành Hổ, Phúc Kiến. Chiếm giữ được đất ở hai bên bờ địa trung hải, cái lợi nhất định phải là cái lợi đa diện, đa phương:
- Không sợ người đại lục xâm lăng vì họ rục rịch đóng binh thì mình đánh ngay họ ở trên bờ đại lục. Dẫu cho mình chiến bại, họ cũng chưa dễ dàng gì vượt qua biển để xâm phạm đến đất mình. Cho dẫu họ có vượt biển khơi thì mình cũng có thể nghênh chiến ở ngoài khơi, nhận chìm họ xuống biển. Cho dẫu họ có đổ bộ được lên bờ biển, chiếm được vài biên thành đi nữa, chắc gì họ đã giữ được lâu? Không cần mình phải huy động dân đông đảo bao vây họ bốn mặt mà họ vẫn phải chịu cái nguy tuyệt lương, tuyệt viện.
- Nếu dân đảo chiếm giữ được bờ đại lục thì dân đảo có hy vọng vào sâu. Lo gì cái nạn tuyệt lương! Đại lục rộng mênh mông, ta có thể cướp lương của địch mà nuôi dưỡng quân ta. Nơi này họ nghiêm việc đề phòng thì ta xuất kỳ bất ý, đánh cướp nơi khác. Bộ đâu nơi nào họ cũng nghiêm cẩn được hết hay sao? Họ chia quân phòng giữ lung tung thì nơi nào họ cũng thưa hở. Mình tiến lên thì có hy vọng chiến thắng. Gặp lúc không xứng ý thì lui về căn cứ chờ đợi thời cơ. Cùng lắm là lại ra biển, họ dễ gì truy kích mình được? Tạm lui ra biển rồi mình lại tràn vào, quyền chủ động là ở nơi mình chứ dân đại lục thường phải giữ thế phòng ngự, dẫu không hoàn toàn bị động thì cũng khó chơi cái trò tiến thoái cút bắt với mình. Biển khơi đối với dân hải đảo là một đường giao thông thuận lợi dễ dàng, một nơi mưu sinh cung cấp tài nguyên dồi dào, có cả minh châu, san hô, kỳ trân dị bảo. Đối với dân đại lục thì lại là một cõi huyền bí đầy những thứ kình ngao quái dị, sóng gío bất trắc, hãi hùng. Đó mới thật là thiên hiểm, trời bầy ra nơi hiểm trở, dân đại lục ra đến bờ biển là đứng khựng lại, chùn bước không dám đi xa.
Nhờ có biển khơi nuôi dưỡng và bảo vệ, dân hải đảo ít lo bị nạn xâm lược. Chỉ có dân hải đảo chinh phục dân hải đảo mà thôi. Dân Nhật mạnh hơn dân Ainou (Oải Nô) từ quần đảo Kiou Siou (Cửu Châu) tiến lên chiếm lĩnh hết Tam Đảo. Năm 365, Nhật đánh nước Tân La ở bán đảo Triều Tiên, bắt phải triều cống. Nhật đã có một căn cứ trên bờ đại lục để tính kế lâu dài… Dân đại lục phải lo lấy lòng dân hải đảo. Năm 479, vua Nam Triều ở Trung Hoa phải phong cho Hùng Lược Thiên Hoàng làm Trấn Đông đại tướng quân.
Trong lịch sử kiến quốc, dân Nhật ít khi phải tiếp nhận cái nguy cơ xâm lược đến từ đại lục. Lấy binh uy của quân Mông Cổ làm rúng động cả hai châu Âu – Á, lại được dân Triều Tiên làm cố vấn thủy sư, tổ chức cuộc xâm lăng có phương pháp, trước hết chiếm vùng eo biển Đối Mã để vững cái thế vọng hải rồi sau mới huy động đại binh thế mà rốt cuộc cũng phải chịu thảm bại năm 1281 ở Hoàng Hải. Cả một hạm đội hùng mạnh 4000 chiến thuyền và 100.000 quân kiêu dũng đều chìm lỉm trước ngọn Thần Phong và sức nghênh chiến nương theo oai sóng gío của dân Tam Đảo (Trận chiến gợi cho người đọc sử liên tưởng đến việc quân Anh đại phá “Đạo Binh Vạn Thắng’’ (Invincible Armada) của Tây Ban Nha xâm lăng Anh Cát Lợi sau này). Nếu phải nghênh chiến để bảo toàn hải đảo, dân hải đảo thường hưởng được cái lợi lấy khỏe đợi mệt đến mức tối đa. Thuận tiện cho họ về cả hai mặt chiến, thủ.
Người đánh mình thì khó, mình đánh người thì dễ. Bởi thế, dù không xâm lược chiếm đất, đặt quan cai trị, lập căn cứ thuộc địa ở bên bờ đại lục được đi nữa thì dân hải đảo cũng còn có cách làm nghề hải khấu, thủy khấu, quấy nhiễu đại lục liên miên. Người Viking, người Normand ở Bắc Âu, người Đồ Bà ở Nam Dương quần đảo đều dùng chiến thuyền để thực hiện những việc xâm chiếm đại lục, trách gì dân Nhật không để cho Triều Tiên, Liêu Đông, Triết Giang, Phúc Kiến, toàn những mồi béo bở trên bờ đại lục được lạc nghiệp an cư. Ai mà thờ ơ được trước những kho gạo, kho vàng bạc gấm lụa, kho nô lệ mỹ nữ bày sẵn trên bờ đại lục?
Thời Trung cổ dã man thì cuớp bóc thả giàn, trong thời đại văn minh thì việc tranh đoạt tài nguyên phải diễn ra dưới những hình thức khác cho hợp với… nhân đạo, nhân quyền mà lại di hại rộng rãi, sâu xa, dai dẳng hơn.
ĐẠI TRƯỢNG PHU TỨ HẢI VI GIA
Câu đối phổ thông, dán chỗ ngồi chơi của những người học thức sơ sài mà có hoài bão suông suông rằng đời mình sẽ là cuộc đời Từ Hải:
Chí quân tử cửu châu lập nghiệp,
Đại trượng phu tứ hải vi gia!
Sức mấy mà anh dám đi lập một túp liều bên đảo Cửu châu của Nhật? Vừa mới thấy bóng khách lạ lảng vảng gần bờ biển, họ nghĩ anh là do thám thì đời anh bị dũ sổ Nam Tào ngay. Cũng khó lập nghiệp ở 9 châu trong bản đồ Vũ Cống. Thiện chiến như những đoàn quân chinh phục của Phong Thần Tú Cát, Đại nguyên soái Nhật Bản mà gây chiến suốt 5 năm, rốt cuộc đến năm 1592 vẫn bị dân đại lục đẩy lui ra biển.
Trời sinh ra muôn vật, đã cho phi cầm tẩu thú, du ngư, tiềm long, mỗi loài một chỗ ở riêng. Anh là dân đại lục thì anh cứ chịu khó làm bạn với non xanh, đừng có láng cháng ra làm chi xa đến các đảo viễn duyên, nhất là khi những đảo ấy lại ở gần một nước hải đảo hùng mạnh. Nếu anh được thác sinh làm dân hải đảo thì anh đừng mạo hiểm đi lập nghiệp ở các bán đảo làm chi. Dân đại lục sẽ tìm đủ mọi cách khử trừ, trả anh về với biển cả. Dầu anh có thiện chí, hòa bình đến mấy, họ cũng sợ về sau anh sẽ đổi dạ thay lòng. Biết đâu lúc ban đầu anh cu xử tử tế dễ thương nhưng đến khi làm ăn có cơ sở rồi, đủ vây cánh anh sẽ chơi cái trò phản khách vi chủ, đoạt luôn đất sống của người ta thì nguy lắm. Cái trò tu hú xí ổ cưởng là việc xẫy ra một cách rất nhàm đến nỗi người nghe không cần luận bàn lẽ phải về đâu, mà cứ quay lại trách cái bất trí của con cưởng. Sao lại để cho tu hú đến đẻ nhờ? Nó có thừa dịp mình đi vắng mà gởi một cái trứng nội tuyến vào thì mình cũng phải đủ thông minh để làm một sự phân biệt của người, của ta chứ? Hiếu khách như thổ dân đảo Cuba và đế quốc Aztèque hồi cuối thế kỷ XV thấy bọn người mặt trắng, râu ria xồm xoàm giông buồn đến đất mình thì vội vàng ra đón, đem biếu đủ các thức ăn thức uống giải lao. Thế rồi chỉ 50 năm sau ngày Christophe Colomb đổ bộ lên Cuba, thổ dân ở đó không còn mạng nào sống sót. Đế quốc Aztèque tiêu diệt, vị hoàng đế cuối cùng bị người ta nướng trên than hồng để khảo cho ra hầm bạc, hầm vàng.
Trong cuộc cạnh tranh sinh tồn, dân hải đảo có thừa kinh nghiệm để không chấp nhận sự hiện diện của đại lục. và dân đại lục cũng đáp lễ tương tự, chứ ai dại gì chứa chấp cái nguy cơ nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà. Dân Nhật đã nhiều lần nhảy lên cầu bán đảo Triều Tiên nhưng rồi cứ bị đẩy xuống. Vì là một đảo quốc, họ chỉ thành công trong việc lập nghiệp tại các hải đảo mà thôi. Khí hậu hải đảo cố nhiên là thích hợp với dân hải đảo. Vì họ là đảo quốc nên không có định hướng phát triển lãnh thổ, hể nơi nào có hải đảo chiếm lĩnh được là họ di dân đến ngay. Đâu có cần bàn luận Nam, Bắc, Đông, Tây. Miễn là có hải đảo mà trong đó có nước ngọt là cư trú được. Nhật đã từng xuống Đài Loan trong thế kỷ XVII, đến Hạ Uy Di trong thế kỷ XVIII, thám hiểm quần đảo Kouriles năm 1976, khi thấy người Nga lập công ty bán da thú, thận hải cẩu ở đây. Năm 1800, Nhật đã chính thức dùng cờ trắng mặt trời đỏ để làm huy hiệu quôc gia, thượng quốc kỳ trên các thuyền bè chạy đường Kouriles-Edo.
Thật là một viễn kiến chính trị vô địch khi hơn một thế kỷ về trước, năm 1654, lúc tướng Nga là Khabaraff, Stepannoff đến giang khẩu sông Hắc Long, những người Nhật đã lo ngại người Nga vượt biển. Rồi người Nga vượt biển, do những nhiệp cầu quần đảo Kouriles, họ mon nen đến gần Nhật. Nga là dân đại lục mà đến chi đây? Họ đến được đây, thế tất là trên hành trình muôn dặm, họ đã chinh phục được nhiều dân tộc, nhiều sắc tộc. Bằng bất cứ mọi gía, phải đẩy người Nga lên bờ đại lục mới xong…
Năm 1875, Nhật Nga ký hiệp ước, thỏa thuận chia nhau các hải đảo. Quần đảo Kouriles thuộc về Nhật, đảo Sakhaline thuộc về Nga. Nhật phải bù cho Nga một số tiền và được quyền đánh cá trong biển Okhostk ở duyên biên Sibir (Tây Bá Lợi Á). Như vậy cả Nga lẫn Nhật, ai cũng có cảm tưởng mình đã đạt được ít thành công. Nga vẫn còn gần Nhật vì còn đảo Sakhaline, Nhật đã đẩy lui được một mũi trường kiếm của Nga chĩa vào lưng mình, chỉ còn lại một mũi. Cố nhiên là chịu một mũi kiếm đỡ nguy hiểm hơn là bị thọc mũi dùi ở cả hai đường. Nhưng an ninh quốc gia hoàn toàn chưa có. Thật là chuyện nam giải mà hiện thời chưa có thể giải quyết dứt khoát bằng võ lực cho xong xuôi, dứt khoát khỏi bận lòng lo nghĩ về sau.
Từ những đợt sóng gío lạnh ở các biển phương Bắc đến những hải lưu ấm áp ở các biển phương Nam, nơi nào có hải đảo là nơi ấy thích hợp với sự bành trướng cúa Nhật. Tiến thêm một bước thì trong cuộc chiến tranh đầu thế kỷ, Nhật đã tranh được một nửa đảo Sakhaline. Ngày ký hòa ước với Nga, chính phủ Nhật không dám công bố kết quả. Vì sợ dân chúng phẫn nộ mà ác hại thay, sự phẫn nộ ấy lại có lý qúa chừng. Tại sao chiến thắng lẫy lừng ở Lữ Thuận, Phung Thiên mà các nhà ngoại giao lại chỉ dám đòi có nửa đảo? Mà đảo ấy đâu có phải là đảo của Nga? Thổ dân là người Ainou, sắc tộc này đã lệ thuộc và đồng hóa vào dân Nhật một phần lớn. Sao các nhà ngoại giao Nhật lại khiếp nhược và bất tài đến nỗi không dám nhân danh dân Ainou mà đòi trọn đảo cho rồi? Nga không chịu nhường thì bất qúa đánh nhau thêm vài trận nữa. Quân dân sẵn sàng xông trận để đẩy Nga lên bờ đại lục cho yên.
Từ lúc Hayasky Sihei viết sách tố cáo trước dư luận quốc nội nguy cơ của Nga đối với an ninh lãnh thổ Nhật đến nay đã 141 năm, dân Nhật đã thấm nhuần ý thức phải đánh bại Nga để mưu cuộc sinh tồn, tại sao chính phủ lại không dựa vào ý dân, dân tâm mà cương quyết thì đòi chiếm lĩnh trọn đảo Khố Diệp cho kỳ được? Lưỡi guơm Nga đã bị bẻ gãy một nửa nhưng địch thủ vẫn còn giữ được một phần cán để rồi có dịp sẽ múa gươm gẫy mà đánh rấn tới, đoạt lại phần đất đã nhường…
Dân chúng thất vọng xót xa phải có chỉ dụ trấn tĩnh của Thiên Hoàng Minh Trị họ mới không bạo động.
Đảo quốc không bao giờ muốn thấy một cường quốc đại lục đến gần mình. Cường quốc đại lục nào lại không sẵn sàng coi đảo quốc như những mảnh vỡ thuộc về đại lục? Có quan niện như thế mới huy động được dân chúng tác chiến khi cần.
Hải lục chia đôi đường, có sự cách biệt phân minh thì mới đỡ tranh chấp và tranh chiến.
QUỐC KẾ TỔN THƯƠNG – TRỜI CHUNG KHÓ ĐỘI
Bom nguyên tử rớt xuống Trường Kỳ, Quảng Đảo vài trăm ngàn người thương vong. Hơn một phần tư thế kỷ sau vẫn có người tử nạn vì vết thương phóng xạ tuyến. Sự việc tuy đau lòng và khủng khiếp, song nếu số nạn nhân lên đến một triệu đi nữa thì sự thực cũng chưa tổn hại gì đối với số dân trăm triệu của Nhật Bản hiện giờ. Dân Nhật không có cái tâm lý bồn chồn vì một vài ngàn tù binh như dân Mỹ. Vậy mà sao quân Mỹ trú phòng ở căn cứ Xung Thăng (Okinawa) thì bị dân Nhật biểu tình phản đối, xua đuổi như đuổi tà ma? Dân Nhật cũng thừa biết rằng lính Mỹ ở trên đất mình, mình có những dịch vụ để thu ngoại tệ. Tích trữ Mỹ kim thì cũng như tích trữ vàng. Cho dẫu rằng năm 1971, đồng Mỹ kim có xuống gía chút đỉnh thì đó cũng chưa phải là duyên cớ chính đáng va sâu xa để dân Nhật tận tình tống khứ lính Mỹ, tự mình cắt đứt mất của mình một nguồn ngoại tệ.
Kẻ thù là kẻ thù mà tiền của kẻ thù thì vẫn cứ là tiền có thể xài được lắm. Tưởng niện những người tử nạn bom nguyên tử mà chê tiền chẳng hóa ra thất sách lắm hay sao? Sống với tiền, vì tiền chứ ai lại sống sướng, sống đủ tiện nghi với hoài niệm lịch sử?
Sau thế chiến, Nhật bị đẩy ra biển, bỏ lại hết công trình kinh doanh ở Triều Tiên và Mãn Châu. Mãn Châu là một vùng trang bị kỹ nghệ nặng rất quy mô, được cái mỹ danh là Rhur Asiatique, Rhur là vùng kỹ nghệ trọng yếu của Đức, Đức phục hưng mau chóng cũng nhờ sắt thép, than đá của vùng Rhur. Nhưng mất Mãn Châu rồi Nhật cũng cứ phục hưng nhanh chóng như thường, ngang hàng rồi vượt hàng Tây Đức về kỹ nghệ.
Cố gắng ngoi lên bờ dại lục rồi lại bị người ta đẩy rơi xuống biển. Nhật đã bị đẩy rơi xuống biển nhiều lần. Yi Soon Si, thủa sư đô đốc Đại Hàn, sáng chế tàu rùa, tầu lặn đầu tiên trên thế giới, đánh cho quân xâm lược của Phong Thần Tú Cát tan tành. Đã quen nếm mùi thất bại kiểu này, Nhật không coi đó là mối thù trời chung chẳng đội… Biết đâu, thời thế vần xoay, biển dâu thay đổi, ngụp lặn ngoài biển rồi cũng có dịp bò lên.
Nhật lại bị dồn lên phương bắc, giao hoàn Đài Loan cho Trung Hoa Dân Quốc sau 50 năm khó nhọc kinh doanh. Tiếc thì có tiếc nhưng ở Đài Loan, dân Tàu nhiều, dân Nhật ít, cho dẫu còn giữ được Đài Loan đi nữa thì lẽ tự nhiên dân Tàu vẫn là kẻ hưởng lợi nhiều hơn.
Điều làm cho Nhật đau lòng nát dạ không thể nguôi quên là quần đảo Hạ Uy Di biến thành tiểu bang thứ 50 của Mỹ. Tại đây, kiều dân Nhật đến sinh cư lập nghiệp đã vài trăm năm, thâm căn cố đế, còn hơn người Mỹ ở Hiệp Chủng Quốc nữa. Miền Viễn Tây (Far West) người Mỹ tạp chủng mới bá chiếm từ thế kỷ XIX chứ nào phải năm tháng đã xa với gì. So với người Nhật ở Hạ Uy Di thì chủ quyền lịch sử của Nhật có nguồn gốc sâu xa, dân Nhật chiếm gần 2/3 tổng số dân chúng. Người Mỹ chìm trong số người da trắng mà người da trắng thì chỉ chiếm 10%, một tỉ lệ còn thua cả người Tàu. Mỹ đã khôn khéo viện cớ thực thi dân chủ cho hợp với trào lưu tiến bộ văn minh của nhân loại, ép vua Kala Kana phải tổ chức bầu cử, triệu tập Quốc Hội. Bọn dân biểu tay sai của tài phiệt, đắc cử nhờ những thủ đoạn gian manh, nhem nhuốc, báo ơn thí chủ bằng cách biểu quyết cho Mỹ thuê Trân Châu Cảng để lo việc phòng thủ chung. (Năm 1887) Quốc Vương Hạ Uy Di là Kala Kana nuốt hận mà băng hà và ngày nay người Polynésien chỉ chiếm được tỉ lệ 3% dân số. Họ là dân thiểu số ngay trên lãnh thổ tổ tiên.
Sau thế chiến, người Nhật bị bứng đi ở các quần đảo Mariannes, Marshall mà Nhật đã giành được trong tay Đức từ thời Âu chiến. Kiều dân Nhật đến các đảo ấy trồng dừa, trồng chuối, khai hoang, lập ấp, sinh con đẻ cháu đã vài đời. Nhật đáng bị đuổi đi, nỗi oan khổ bơ vơ nói sao cho xiết!
Thế là hy vọng Nam Tiến của Nhật tiêu tan thành mây khói. Cho dẫu có ngày khôi phục được oai võ thì cũng không còn đâu căn cứ để dụng võ tranh hùng ở Nam phần Thái Bình Dương. Đảo Guam, căn cứ hải không quân trọng yếu của Mỹ chính ở trong quần đảo Mariannes vậy. Á Châu của người Châu Á, nhưng đảo Guam là căn cứ Mỹ muôn năm! Quần đảo Mariannes bất qúa chỉ nuôi nổi vài trăm ngàn dân, gía trị kinh tế không lấy gì làm to nhưng gía trị chiến lược lại vô cùng trọng yếu. Phi cơ phản lực Mỹ từ đảo Guam có thể can thiệp vào chiến cuộc Việt Nam và đã can thiệp nhiều phen rồi.
Nhật mất tuốt những tiền đồn dụng võ ở phương Nam. Một sự mất mát ngăn trở rất nhiều cho những mưu tính tương lai của Nhật. Phe Đồng Minh thắng trận đổ cho Nhật cái lỗi gây ra chiến cuộc Thái Bình Dương. Sự thực lịch sử thì chính Mỹ gây ra, nhưng cái lý của kẻ chiến thắng đạp phăng lên trên sự thực để mà thành một cái ly rất mạnh.
Nhật có thể thực hiện Nam Tiến bằng sách lược kinh tế, những thương thuyền đi về Đông Nam Á thiếu những nơi đình bạc thuận tiện, gặp trường hợp chiến tranh thì những đoàn thương thuyền ấy chỉ dùng làm mồi cho đối phương triệt kích bằng tiềm thủy đĩnh mà thôi. Muốn có sự bảo vệ hữu hiệu, Nhật phải cầu cứu với Mỹ. Gỉa sử Mỹ chần chờ một chút là nền thương mại viễn dương của Nhật bị tổn thương ngay.
Mỹ nâng đỡ cho Nhật tổ chức những đoàn Nhân dân Tự vệ trang bị võ khí hết sức tối tân nhưng lực lượng ấy chỉ dùng để dọa nạt, kềm hãm Hoa Lục chứ không dùng để bảo vệ các cuộc hải trình thương mãi của Nhật được. Có sức mạnh mà thiếu căn cứ, giương mắt trao trảo nhìn quyền lợi thương mại, nguồn sống chính của quốc gia bị người ngoài uy hiếp, lúc nào họ muốn ra oai là ta phải khép nép tuân phục, tình cảnh này mà không gọi là bi đát thì không còn biết dùng 2 chữ “bi đát’’ để chỉ những trường hợp nào?
Sự phú thịnh của Nhật ở trong tay Mỹ, dây da siết cổ do Mỹ nắm hết các mối, hể ương ngạnh thì sớm liệu hồn…
Có thể nào dân Nhật không phẩn nộ khi gợi nhớ những hải đảo mà ngày trước mình xuất nhập dễ dàng, những hải đảo mà các tay hảo hán giang hồ đã khai cơ lập nghiệp.
Phẩn nộ mà vẫn phải tùng phục, hận thù mang xuống tuyền đài chưa tan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét