Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

CHIẾN SỰ THÁI BÌNH DƯƠNG

CÁC CƯỜNG-QUỐC
VÀ SÁCH-LƯỢC
THÁI-BÌNH-DƯƠNG

 

(Tiếp theo…)

CHƯƠNG BẢY
********************************************************* 
 
 
 
7. CHIẾN SỰ THÁI BÌNH DƯƠNG 
   
  • Đế quốc 3 vòng. Kế hoạch Nam Tiến của Tanaka (Điền Trung) năm 1927.
 
  • Tốc chiến tốc thắng – Thắng mau hơn dự định đến 2, 3 tháng.
 
  • Chiến thuật nhảy qua lưng cừu của Đồng Minh. Nhảy tới Xung Thằng Okinawa.
 
 
      
 
 
 
VII
lý thế về việc thiết lập 3 vòng 
 
 
Bị Mỹ phong tỏa nguồn tiếp liệu, bất đắc dĩ Nhật phải khai chiến trên Thái Bình Dương với kế hoạch thiết lập một đại khu thịnh vượng chung ở Đông Á gồm có 3 vòng: 
    
     - Vòng trung tâm gồm có Nhật, Cao ly, Mãn Châu, Đài Loan, Trung Hoa (không kể các đất phiên thuộc Thiên Triều ngày trước).
 
     - Vòng tiếp tế gồm có Phi Luật Tân, Đông Dương, Mã Lai, Nam Dương Quần Đảo.
 
     - Vòng đai phòng thủ gồm có Miến Điện, Tân Guinée, quần đảo bismarck, Mariannes, Carolines, Marshall.  
 
Nhật chưa hề nghĩ đến việc xâm chiếm Alaska ở Bắc Mỹ và Úc Châu, một đảo lục địa ở Nam phần Thái Bình Dương. Vòng đai phòng thủ ấy theo các nhà quân sự đủ để ngăn cản cuộc tấn công của Đồng Minh. Nhật cũng đặt tin tưởng vào các hoạt động của tàu ngầm Đức khiến Đồng Minh Anh Mỹ thiếu phương tiện mở những cuộc phản công trên Thái Bình Dương. 
 
Trái lại, về phía Đức ở Âu Châu, Hitler có cái ảo vọng đánh chiếm miền Caucase ở Nam Nga mở đường vào Tây Á trong khi quân Nhật đánh Ấn Độ rồi quân Trục hội kiến nhau ở Ba Tư. Hitler gởi đến cho người Nhật một nhân tài cách mạng của Ấn Độ là Chandra Bose hăng say với việc giải phóng Ấn Độ bằng võ lực.
Để tiến hành kế hoạch dự định, tháng 7 năm 1941, 40.000 quân Nhật tràn xuống phía Nam Đông Dương. Tổng Thống Roosevelt lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động đó uy hiếp nền an ninh quốc gia của Mỹ, và như vậy thì chính sách hòa dịu, thân hữu của Mỹ đối với Nhật phải cáo chung từ đây. 
 
Nhật sửa soạn gấp việc Nam tiến, quyền Tổng chỉ huy phương Nam thuộc về hoàng thân Terauchi, căn cứ xuất phát là Hoa Nam, Đài Loan, Đông Dương cho mặt Thái Bình Dương, Thái Lan cho mặt Miến Điện. 
 
Chủ trương Đại Đông Á có hiệu lực xúc động phấn khởi đối với các dân tộc Đông Nam Á thống khổ dưới ách thống trị của thực dân da trắng từ bấy nhiêu lâu. Nhiều người tin tưởng ngây thơ vào những lời tuyên bố tình thương trong chủng tộc da vàng. Cố nhiên là việc thiết lập khu Đại Đông Á phải phục vụ quyền lợi Nhật Bản trước đã. Dân Nhật phải sống khắc khổ, thắt lưng buộc bụng từ khi chiến cuộc Hoa Lục sa lầy, vụ xung đột Lư Cầu Kiều kéo dài đã 4 năm dư mà chưa đem lại kết qủa dứt khoát. Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, 3 nước xuất cảng nhiều gạo nhất thế giới hồi đó, đủ sức nuôi quân đội Nhật tung hoành ở Thái Bình Dương. Dầu hỏa Nam Dương đủ cung ứng cho nhu cầu nhiên liệu của kỹ nghệ và các tàu bè Nhật Bản. Chiếm được vùng tiếp tế nguyên liệu, Nhật có đủ phương tiện để theo đuổi chiến tranh cho đến ngày toàn thắng. Vùng tiếp tế là máu, là sữa, nguồn sống của đế quốc Nhật vậy. Làm chủ được vùng tiếp tế thì Nhật thoát khỏi cái nạn khắc khoải mong chờ nguyên liệu đến từ thuộc địa các nước Tây Phương, đến từ Mỹ, cường quốc lúc nào cũng sẵn sàng bắt chẹt Nhật, gây đủ thứ rắc rối khó khăn. Nhật mưu tính một khu Đại Đông Á thịnh vượng (điều này thì thực tâm) với điều kiện sự thịnh vượng chung ấy phải phục vụ cho sự thịnh vượng riêng của Nhật… 
 
CHIẾN LƯỢC THẦN TỐC 
 
Trong sách Quân Sử Thế Chiến (Histoire militaire de la seconde guerre mondiale), tác giả là tướng Chassin chê Nhật không biết tấn công Đông Minh ở Thái Bình Dương vào tháng 5 năm 1940, lúc quân Anh hốt hoảng bôn đào ở Dunkerque. Thực ra cuối năm 1941, đầu năm 1942, quân Nhật vẫn chiến thắng thần tốc, khiến cho thế giới nghe tin mà thán phục, kinh hoàng. Nhật không dùng cơ hội Dunkerque thì dùng cơ hội Bắc Phi vì lúc đó quân Trục dưới quyền tướng Rommel đang đánh đuổi quân Anh chạy dài về Ai Cập.
 
Thái Bình Dương rộng mênh mông, muốn làm chủ chiến trường, cần phải làm chủ những phi trường trên các hải đảo. Những đảo vòng tròn bằng san hô như quần đảo Marshall rất thuận tiện cho việc lập căn cứ, đường vòng tròn trên đảo dùng làm đường bay, vũng nước trong đảo tiếp nhận tàu bè và thủy phi cơ, vùng trú ẩn kín đáo. 
 
Quần đảo Salomon, đảo lớn Tân Guinée có nhiều núi cao, chỉ có vùng duyên hải là có ít nhiều đường giao thông, những sân bay ở đây thật là qúi gía. Bên phòng ngự cố giữ, bên tấn công cố chiếm, chiến sự ác liệt liên tiếp xãy ra. 
 
Phòng tuyến Nhật có vị thế một chữ L, chiều dọc chạy từ quần đảo Kouriles xuống đến quần đảo Mariannes, Carolines. Trên đường này đảo Saipan là căn cứ chính. Chiều ngang chạy từ quần đảo Palau qua quần đảo Carolines đến quần đảo Marshall. 
 
Ngoài ra còn có căn cứ Cam Ranh; Saigon ở Đông Dương, địa bàn thuận lợi để tiến sang Mã Lai, xuống Nam Dương Quần Đảo.
 
Phe Đồng Minh Anh, Mỹ, Hòa Lan, Úc có nhiều căn cứ hơn. Mỹ có đảo Guam ở sát phòng tuyến. Trân Châu Cảng với lực lượng hùng hậu về hải không quân. Anh có Hương Cảng và nhất là Tân Gia Ba (Singapour) pháo đài kiên cố nhất ở Đông Nam Á. Hòa Lan làm chủ Nam Dương Quần Đảo 2 triệu cây số vuông đất nhiều nguyên liệu. Phía Nam bán cầu, Úc và Tân Tây Lan là những hậu cứ bất khả xâm phạm vì Nhật không hề nghĩ đến việc chiếm lãnh Úc Châu, chiếm lãnh rồi làm sao trấn giữ?
 
Chỉ nói riêng về Phi Luật Tân với hơn 7000 đảo, nếu quân Mỹ thiện chiến hơn và được dân địa phương giúp sức thì cũng đũ khiến cho Nhật sa lầy. 
 
Trước lực lượng hùng hậu của Đồng Minh, sau trận tập kích Trân Châu Cảng, hủy diệt cái nguy cơ trước mắt, Nhật chỉ dùng có 200.000 binh sĩ, dưới 1.000 phi cơ, 10 hàng không mẫu hạm, 13 thiết giáp hạm, mà trong vòng 20 ngày loại trừ 2 hạm đội Đồng Minh trong Thái Bình Dương, chiếm đảo Guam của Mỹ, Hương Cảng của Anh, nhảy lên Phi Luật Tân, Mã Lai và đảo Bornéo. 
 
Ngày 15 tháng 2 năm 1942, toàn thể nước Anh, 70.000 quân Anh trấn thủ Tân Gia Ba phải thượng cờ hàng… quân Nhật tiến sang đảo Java với khí thế triều dâng gío cuốn.
 
Blitz Krieg. Chiến tranh chớp nhoáng, quân Nhật đã thắng những trận sấm sét vang lừng. 
 
ĐỒNG MINH PHẢN CÔNG
 
Chiến thuật, chiến lược của Mỹ căn cứ vào sự phòng thủ phương tiện vật chất. Tiềm lực kỹ nghệ nhờ chiến tranh mà phát triển mạnh thêm. Ngân sách năm 1942 của Mỹ có những khoảng chi tiêu khổng lồ về chiến cụ. Mỹ trù liệu 60.000 phi cơ, 45.000 chiến xa, 10 triệu tấn tàu bè. Năm 1943, trù liệu 125.000 phi cơ, 75.000 chiến xa, 10 triệu tấn tàu bè. Cuối năm 1942 Mỹ động viên đến 4 triệu người trong quân đội về các ngành kỹ nghệ. 
 
Thượng tuần tháng 5 năm 1942 trận đánh ở biển San Hô, quân Nhật muốn nới rộng vòng đai phòng ngự bị quân Mỹ chận lại. Thượng tuần tháng 6, quân Nhật muốn chiếm đảo Midway (Trung Lộ) ở 1300 hải lý phía bắc Hạ Uy Di bị quân Mỹ đẩy lui và Nhật bị tổn thất rất nặng. 4 hàng không mẫu hạm Nhật bị chìm, 2 thiết giáp hạm bị tổn thương, 1 tuần dương hạm bị chìm, 250 phi cơ bị hạ. 
 
Từ đây, Đồng Minh Anh Mỹ chuyển sang thế phản công với những phương tiện rất là phong phú. Nhờ có những pháo đài bay B.29, phi cơ Mỹ từ Hoa Lục trút bom xuống đất Nhật và ở Thái Bình Dương, căn cứ Truk của Nhật bị Mỹ tập kích, tương tự như trận Trân Châu Cảng mà Nhật đã thực hiện hơn hai năm về trước. Trong trận Truk, Nhật bị mất 12 chiến hạm, 11 thương thuyền, 200 phi cơ bị phá hủy. 
 
Cũng nhờ có lực lượng phi cơ rất hùng hậu, Mỹ không cần tiến dọc theo đường phòng tuyến, đánh lấy tuần tự từng căn cứ một cho mất thì giờ. Mỹ dùng chiến thuật nhãy lưng cừu, đánh thẳng vào những căn cứ trọng yếu của Nhật, bỏ rơi những căn cứ trọng yếu khác mà không sợ bị Nhật đánh ép lại. Phi cơ Mỹ có nhiệm vụ ngăn cản diệt trừ những cuộc hành quân của Nhật xuất phát từ những đồn con nhím mà Mỹ bỏ rơi lại đàng sau. Nhờ chiến thuật này mà năm 1944 chỉ trong vòng 3 tháng, Mỹ tiến xa 1.500 cây số đến gần quần đảo Phi Luật Tân. 
 
Trận đánh ở Guadalcanal (căn cứ Nhật uy hiếp Úc châu) Mỹ cũng thắng nhờ có hải lục không quân hùng hậu. Mỹ bại, Mỹ tổn thất, nhưng nhờ có nhiều chiến hạm, nhiều phi cơ qúa nên cứ phản công và đánh rấn tới, đến chừng thắng thì bày trận khác lớn hơn.
 
Trận đánh đảo Saipan (tháng 6, tháng 7 năm 1944) chỉ còn cách xa Tokyo 2.300 cây số, mưa bom, mưa đạn của Mỹ phá tan được tinh thần quyết chiến cảm tử của quân Nhật thà chết chứ không chịu đầu hàng. 
 
Trận  IWOSHIMA, một bước nhãy dài của Mỹ cũng diễn ra trong những điều kiện tương tự . Iwoshima, đảo ở cách Tokyo 1150 cây số diện tích đảo chỉ có 24 cây số vuông mà đầu năm 1945, Mỹ phải đánh tới một tháng. 
 
Tháng 4, trận Okinawa lại càng quan trọng hơn. Okinawa cách Tokyo 1450 cây số, Nagasaki 450 cây số, Cao Ly 950 cây số, Thượng Hải 800 cây số, Đài Loan 600 cây số. Chiếm được Okinawa là Mỹ đã nhãy lên giữa trung tâm đế quốc Nhật rồi. Nhật dùng phi cơ Thần Phong, phi công liều mạng đâm xuống tàu Mỹ. Sau 52 ngày tận lực kháng chiến, đảo Okinawa thất thủ, nhiều lương dân trung nghĩa nhãy xuống sông tự vận, quyết không đội trời chung với quân thù.
 
Kỹ nghệ chiến tranh của Mỹ đã chiến thắng, Mỹ chỉ thắng nhờ có vậy mà thôi. 
 
MỘT YẾU TỐ THẤT BẠI CỦA NHẬT  
 
Để đối phó với vòng vây hải dương của đồng minh càng ngày càng thắt chặt lại trên Thái Bình Dương. Nhật cũng tổ chức Pháo đài Á châu với một đường tiếp vận từ Tân Gia Ba lên đến Mãn Châu, đem nguyên liệu Đông Nam Á về cung ứng nhu cầu Kỹ nghệ chính quốc. Mỹ có nhãy lên bờ đại lục mà tranh hùng thì còn lâu. Quan niệm Pháo Đài Á Châu cũng chỉ là một quan niệm phòng ngự như Chiến Lũy Đại Tây Dương của Hitler bên Âu châu, chứng tỏ Nhật không còn nắm thế chủ động chiến trường được nữa. Mình phải lùi về thế phòng thủ trong khi người ta hăm hở mở trận phản công, đánh thẳng vào những căn cứ trọng yếu giữa đế quốc của mình, chỉ cần nghe danh từ Pháo Đài Á Châu cũng đủ biết cán cân chiến thắng đã nghiêng về phía địch. 
 
Tuy nhiên vì tinh thần chiến đấu của quân dân Nhật rất cao nên Mỹ phải dùng đến bom nguyên tử. Đây không phải là độc quyền phát minh của Mỹ. Đức đã có thể chế tạo nổi thứ khí giới này trước Mỹ nếu chiếc tàu chở nước nặng của Đức từ Na Uy trở về không bị đánh chìm. Nhật cũng đã có thể chế tạo nổi thứ khí giới này nếu 5 ký uranium mà Nhật thu vét được ở Đông Dương chuyển về Nhật trên một chuyến tàu chở thương binh không bị Đồng Minh truy kích ở Nam Hải.
 
Nhật thua vì kỹ nghệ chiến tranh Nhật không đủ tiềm năng ganh đua với kỹ nghệ chiến tranh Mỹ. Sự lý thật hiển nhiên. 
 
Nhưng truy nguyên sâu xa hơn… 
 
Nhật yếu vì kỹ nghệ chiến tranh chưa phát triển đúng mức cho kịp thời, cho sớm. Thử hỏi vì sao? 
 
Nhật phải ứng chiến trên một chiến trường rất rộng, không còn đủ người xung vào các ngành kỹ nghệ, và bận tâm vì quân vụ, Nhật không huấn luyện được cho đủ số thợ chuyên môn. Nguyên liệu tuy sẵn mà thiếu thợ chuyên môn thì ai cũng biết kỹ nghệ rất khó lòng phát triển.
 
Nhật phải ứng chiến ở nhiều mặt trận là vì Nhật không muốn để cho người khác thay mình chiến đấu. Lại càng không muốn cho các dân tộc nhược tiểu thực sự được giải phóng. Chính sách Đại Đông Á chẳng qua chỉ là việc thay thầy đổi chủ, thực dân da vàng hưởng thụ, đặc lợi, đặc quyền thay cho thực dân da trắng mà thôi. Lòng dân nhược tiểu phấn khởi lúc đầu đã nguội lạnh dần dần và chính gì vậy mà ở Phi Luật Tân, Fertig đã dựa vào dân Hồi Giáo Moros ở Mindanao phát động chiến tranh du kích rất vất vả, gian nan. Lại ở Miến Điện, Thiếu tướng Wingare, người Anh dám hành quân quấy rối sau phòng tuyến Nhật. 
 
Dẫu không bị bom nguyên tử làm rúng động tinh thần thì Nhật cũng đã thua từ ngày những dân tộc nhược tiểu nhìn rõ chân tướng của Nhật. Gỉa sử tại các vùng đất chiếm được, Nhật cho thành lập ngay những chính phủ quốc gia cho người bản xứ, trao trả thực quyền cho họ, nâng đỡ những phần tử cách mạng thì quân vụ của Nhật giảm bớt rất nhiều. Nhật không bận tâm nhiều về việc phòng thủ phong cương, có đủ nhân lực và thì giờ mà phát triển kỹ nghệ chiến tranh tại chỗ. 
 
Và nếu như vậy thì vụ Ấn Độ quật khởi đã nổ tung từ năm 1942 lúc Chandra Bose lảng vảng gần biên giới. Quân Nhật đâu có cần vào Assam làm chi. Cứ để Chandra bose chuyên lo việc ấy. Lại như ở Đông Dương, nếu Nhật không thỏa hiệp với Pháp thì quân Phục Quốc của tướng Trần Trung Lập đã khôi phục chủ quyền cho nước Việt và chế độ thực dân của Pháp đã sụp đổ ngay từ năm 1940. 
 
Khi mà khối dân nhược tiểu cộng tác chân thành với Nhật thì chắc chắn giòng lịch sử thế giới đã rẽ sang một nẻo khác, cuộc diện năm châu đã biến đổi, khác hẳn tình trạng ngày nay. 
 
Có thể Anh đã bại trận ở Ấn Độ từ năm 1942 chứ không phải chỉ có một pháo đài Tân Gia Ba thất thủ. Như Anh bại trận, Mỹ cô lập, sức mấy mà đổ bộ Bắc Phi? Và Thái Bình Dương Nhật có thể làm ân nhân cho nhiều dân tộc chứ không phải như hiện thời, ở trong tình trạng phi võ trang, chỉ có một lực lương Nhân Dân Tự Vệ mà vẫn bị các dân nhược tiểu nghi ngờ…

 
 
 
(Hết chương 7)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét