Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

THẾ CỜ CHIẾN LƯỢC CHÍNH TRỊ VIỆT NAM


Suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, kể từ thời Pháp thuộc cho đến giờ Việt Nam vẫn là nước tuột hậu mọi mặt so với đà tiến hóa chung của thế giới gồm những nước phát triển về mặt khoa học kỹ thuật, chính trị, văn hóa xã hội theo đà văn minh tiên tiến như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Hòa Lan, Nhật Bản... Những nước này trước đây đã từng là thực dân, mặc dù một vài nước đã từng bị bại trận sau thế chiến như Đức, Ý, Nhật, nhưng tất cả đều đã đặt nền móng cho đất nước họ, đi bước đầu thế giới trong việc công nghệ hóa quốc gia và nhất là khoa học chính trị ngày nay thật đã giải phóng cho nhân loại có đuợc nhiều tự do nhân phẩm và quyền làm người thật sự được bảo đảm tôn trọng.

Khác với các quốc gia chậm tiến khác, ngày hôm nay Việt Nam còn thua cả Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Nam Hàn, những quốc gia này cũng đã từng là thuộc địa bị đô hộ, nhưng họ có được may mắn là sau thế chiến, nước họ đã không có xảy ra chiến tranh dai dẳng như Việt Nam, nên họ đã có thời gian yên ổn để xây dựng phát triển. Ngược lại Việt Nam lại rơi vào cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam Bắc, để rồi bị tàn phá, tuột hậu hơn nữa so với các quốc gia cũng từng là thuộc địa hay bán thuộc địa nói trên.

Sự tuột hậu của Việt Nam có những nguyên nhân sâu xa còn kéo dài đến ngày nay. Khi so sánh về sự tiến bộ phát triển với các nước quanh khu vực, Việt Nam thường hay đem Nhật hay gần nhất là Nam Hàn cũng đã từng có chung những trường hợp tương tự như đất nước bị chia đôi để lượng định hướng đi và những bài học của lịch sử.

Nước Nhật và Việt Nam đã có những giai đoạn lịch sử khá giống nhau vào giữa thế kỷ thứ 19 với triều đại Minh Trị Thiên Hoàng ở Nhật và nhà Nguyễn ở Việt Nam. Lúc chế độ Mạc Phủ (Tokugawa) ở Nhật bế quan toả cảng thì Việt Nam đang trong thời kỳ cai trị của vua Gia Long, có thể nói còn cởi mở hơn chế độ Mạc Phủ bởi vua Gia Long đã từng giao tiếp với Pháp cũng như nhiều giáo sĩ Thiên Chúa giáo đến truyền giáo ở Việt Nam. Vua Gia Long cũng đã thấy rõ  phần nào tình hình và những thế lực thực dân bành trướng theo đường biển đến vùng Đông Nam Á như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hòa Lan có mặt trên các thuộc địa như Philippines, Nam Dương, Mã Lai Á... nhưng tiếc thay vua Gia Long cũng như những vị vua khác sau này không thức thời thấy được sức mạnh hàng hải và những kỹ thuật khoa học lẫn quân sự cũng như xu thế chính trị của thời đại nên đã bỏ mất cơ hội canh tân hóa đất nước theo khoa học Tây phương để có đủ sức mạnh bảo vệ chủ quyền quốc gia trước sự xâm chiếm của thực dân Châu Âu. Những năm như 1842 Anh gây cuộc chiến tranh Nha Phiến ở Trung Hoa để mở đầu việc thiết lập các Tô giới giao thương dưới quyền cai trị của các cường quốc Tây phương. Năm 1853 Đô đốc Perry của Mỹ  kéo chiến hạm tới Nhật buộc chề độ Mạc Phủ phải dỡ bỏ chính sách bế quan tỏa cảng cũng nhằm thiết lập những hải cảng giao thương. Năm 1856 Pháp kéo chiến thuyền Catinat đến cửa biển Đà Nẵng bắn phá khắp nơi cũng nhằm buộc nhà Nguyễn phải gỡ bỏ chính sách bế quan tỏa cảng. Thấy thế để có dịp so sánh những quốc gia nào trong cùng một thời gian đã sớm biết thức tỉnh để canh tân hóa quốc gia theo kỹ thuật khoa học Tây phương ngõ hầu đủ mạnh để không bị thực dân Tây phương xâm chiếm. Trường hợp nước Nhật, chế độ Mạc Phủ dần suy yếu, cuối cùng phải trao trả mọi quyền hành cai trị lại cho Minh Trị Thiên Hoàng để mở ra thời kỳ canh tân đất nước với những người lãnh đạo dưới trướng của Minh Trị đầy hùng tâm, trong sạch cùng chủ động triệt để theo đuổi sách lược canh tân đất nước theo hướng khoa học kỹ thuật của Tây phương.

Phần Việt Nam, các vua nhà Nguyễn luôn thủ cựu, ôm lấy cái học của Trung Hoa không muốn bứt rời, vẫn bế quan tỏa cảng mặc dù tiếng súng của Pháp đã cảnh báo, nếu không thức tỉnh canh tân đất nước theo khoa học Tây phương thì tai họa vì yếu thế, bại trận, bị đô hộ sẽ xảy ra sau này. Nhưng các vua nhà Nguyễn vẫn cứ mê ngủ trong cái học cổ thời của Trung Hoa, vẫn cứ cấm đạo, giết hại các giáo sĩ lẫn những người theo Thiên Chúa giáo, tuyệt giao chung với những đòi hỏi mở cửa thông thương của Tây phương. Cơ hội canh tân đất nước theo lối Tây phương như Nhật đã bỏ lỡ, hậu qủa là bại trận trước sự xâm lăng của Pháp để bị đô hộ suốt gần 100 năm kéo dài trong tình trạng nhược tiểu lệ thuộc.

Tinh trạng Việt Nam bị lệ thuộc Pháp kéo dài gần một thế kỷ, cho đến thế chiến thứ 2 kết thúc, các cường quốc Châu Âu đã dần trao trả độc lập lại cho các quốc gia thuộc địa. Cơ hội mới đã đến cho Việt Nam để có thể chung sức bắt tay canh tân đất nước, nhưng tiếc thay cơ hội lần thứ 2 này cũng đã bỏ lỡ. Từ khi Việt Nam được trao trả độc lập 1954, đồng thời cung bị phân chia hai miền Nam Bắc thành hai chế độ qua sự chi phối trong một thế giới lưỡng cực giữa tư bản và cộng sản. Chiến tranh đã nổ ra giữa hai miền Nam Bắc thành một cuộc nội chiến tương tàn, hủy hoại toàn diện đến tận cùng mọi nền tảng xã hội. Trên 20 năm chiến tranh đã tàn phá mọi nguồn nhân lực, tàn phá mọi mặt đời sống nên không thể nào có được cơ hội để canh tân đất nưóc. Khi chế độ cộng sản miền Bắc đã khai tử chế độ tự do miền Nam để rồi có dịp nhìn lại, mặc dầu đã gần nửa thế kỷ chiến tranh đã đi qua, ngày nay ta thấy rõ chế độ cộng sản chỉ là sản phẩm giai đoạn của đế quốc Nga và Tàu. Chủ thuyết Mác-Lênin có thời hai nước Nga-Hoa đã xem nhau như thù địch, tố cáo nhau là "phản động", là "chủ nghĩa xét lại". Điều này chứng tỏ lý thuyết Mác-Lênin được áp dụng đầu tiên tại nước Nga để xây dựng nên nhà nước Sô-Viết chỉ nhằm chống lại phương Tây, phản ảnh rõ hoàn cảnh địa lý và chính trị với chiều dài lịch sữ nhiều thế kỷ từ thời các Sa Hoàng đến giờ nước Nga luôn trong tình thế tranh chấp với các nước phương Tây. Xét cho cùng lý thuyết Mác-Lênin cũng chỉ như phương tiện tiếp tục phản kháng lại phương Tây, nhưng đến khi không còn phù hợp cho quyền lợi nước Nga nửa thì giới lãnh đạo cũng biết vứt bỏ đi, bới nó không phải là cứu cánh tốt đẹp cần đeo đuổi. Có chăng chỉ còn giới lãnh đạo Hà Nội, lú mù như các tổng bí thư, ban tuyên giáo đảng cộng sản cứ nhại đi nhại lại mà chẳng biết chút gì về thực trạng thế giới ngày nay với những thể chế chính trị tự do dân chủ đang bước vào ngưỡng cửa toàn cầu hóa, có những trách nhiệm chung trong những tương quan đối nội và đối ngoại trên con đường xây dựng và phát triển giữa quốc gia và cộng đồng thế giới.

Trở lại việc canh tân đất nước như đã nói, sau 40 năm sau kết thúc chiến tranh với sự cai trị của chế độ cộng sản, Việt Nam ngày nay thật sự cũng đã đánh mất đi cơ hội thứ 2  kể từ năm 1954 đến nay. Điều dễ thấy nhất như đã trình bày, thể chế chính trị cộng sản theo học thuyết Mác-Lênin chỉ là phương tiện giúp nước Nga lôi kéo những nước khác trên thế giới chống lại phương Tây, ngày nay nó không còn hiệu qủa nửa thì phương tiện lỗi thời này phải bị nước Nga khai tử để tìm những phương tiện khả thi khác. Việt Nam chỉ còn chờ một cơ hội thứ 3 sau thời kỳ hậu cộng sản, chờ cho đến khi nào chế độ công sản không còn tồn tại trên đất nước Việt Nam như trường hợp nước Nga đã hủy bỏ nó như một phương tiện chống Tây phương đã lỗi thời. Vấn đề canh tân của Việt Nam từng ấp ủ gần hai thế kỷ qua không phải để chống lại Tây phương như Nga, hay bế quan tỏa cảng, khư khư ôm lấy cái học cổ thời như nhà Nguyễn, mà vấn đề canh tân đất nước phải nhìn đến phương Tây như Nhật Bản đã thực hiện cách nay đã hai thế kỷ.

Canh tân đất nước theo khoa học kỹ thuật Tây phương cũng cần phải canh tân cả về mặt khoa học chính trị theo lối Tây phương mới tạo nên những điều kiện: Ắt có và  hội đủ cho công cuộc phát triển theo chiều hướng tốt.

Khi nhìn nhận chính trị là một khoa học tổng quan, thống lãnh mọi môn học khác trong việc điều hành và chi phối tất cả những hoạt động của toàn thể quốc gia và xã hội thì mặc nhiên chúng ta cũng phải thừa nhận những sự liên quan đến cả mọi lãnh vực khác như kinh tế, quân sự, văn hóa xã hội... đến bang giao quốc tế cũng đều có những định chế và công ước tuân thủ chung cho những quốc gia thật sự thấy mình có trách nhiệm muốn đưa đất nước tiến theo chiều hướng phát triển tốt đẹp chung.

Cuối cùng chính trị mới là cứu cánh luôn cần phải đeo đuổi, cần có một tầng lớp lãnh đạo thanh liêm và thông hiểu được hết đường hướng canh tân chung, giữ cho xã hội không tan rã vì lối học theo Tây của từng cá nhân người Việt trong hai thế kỷ qua chỉ thụ động vì thời thế bắt buộc, nước đến chân nên mới chịu nhảy nên đa số không có phương hướng và chủ đích nào ngoài vấn đề  mưu cầu sự sống vật chất, chưa nói khi những cá nhân ngồi lại như tình trạng người Việt ngày nay thì ôi thôi!... ấu đả nhau vô số chuyện ông nói gà, bà nói vịt... chẳng ai chịu nghe ai! Khác hẳn người Nhật khi ngồi chung lại với nhau là cả một sức mạnh đáng kính nể, cho thấy công cuộc canh tân khởi đầu từ hai thế kỷ qua, những nguời lãnh đạo nước Nhật luôn có chính sách và đường hướng giữ cho xã hội Nhật Bản luôn được đều hòa phát triển, nhất là công cuộc lãnh đạo từ thời Minh Trị Thiên Hoàng đến ngày nay luôn được kế tục qua mọi chính quyền nên những kinh nghiệm cùng những tinh hoa qúi báu đã trở thành di sản vô gía giúp nước Nhật luôn biết đoàn kết gắn bó, đến thế giới nhìn vào đều phải kiên nể, thán phục.

Nhìn lại Việt Nam ngày nay, chúng ta nhận thấy con đường tiến thủ đã rõ! Chế độ chính trị đường cùng của cộng sản đã mất phương hướng. Không có con đường nào bi đát hơn là " Định hướng xã hội chủ nghĩa ". Chế độ cộng sản đã tự mâu thuẩn với mọi gía trị văn minh thời đại, còn tệ hại hơn thời kỳ bế quan tỏa cảng của nhà Nguyễn đã dẫn đến hậu qủa bại trận trước thực dân Pháp.

Ngày nay thể chế chính trị cộng sản Việt Nam luôn dựa dẫm theo Tàu, nên mọi chính sách chiến lược ít nhiều đều bị lệ thuộc theo Bắc Kinh, đặt Việt Nam vào trong quỹ đạo vận hành của Bắc Kinh. Mới nhất là giàn khoan Hải Dương (Haiyang Shiyou) 981 của Trung cộng đã khuấy động ngoài Biển Đông, cũng là lúc mọi người thấy rõ hơn những phản ứng luôn mang tính đỡ đòn, thụ động của Hà Nội, chẳng tạo được một chiến lược đối trọng trường kỳ nào trước sự xăm lăng trắng trợn của Bắc Kinh, bởi bản chất chế độ Hà Nội là đầu phục Bắc Kinh để còn ve vãn tưng hót và nương nhờ vai trò đồng chí truyền thống còn sót lại trong lịch sử đã cáo chung của các chế độ cộng sản trên khắp thế giới.


Thể chế chính trị cộng sản Việt Nam đã nương bóng theo người thì làm gì có chiến lược sâu xa nào hơn là chấp nhận bị lệ thuộc vào những quyết định may rủi của nước lớn như Trung cộng. Khi nước lớn muốn tác oai tác quái, kéo giàn khoan đến cắm sâu vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam thì nội bộ đảng cộng sản Việt Nam không còn bưng bít được những chia rẽ xáo trộn. Mai đây nếu Bắc Kinh cho triệu tập một hội nghị theo ý tổng bí thư đảng CSVN từng sợ hãi quếnh quán muốn khẩn khoản liên lạc cầu hòa gấp qua đường dây nóng về vụ giàn khoan, nhưng đã bị Bắc Kinh cắt đứt theo lối giận dữ kiểu như cha muốn từ con, thôi còn gì tủi nhục hơn nữa hỡi ông tổng bí thư!... Mai này Bắc Kinh nguôi ngoai, Tập Cận Bình có chút bớt giận, sẽ triệu hồi cả hàng ngũ đảng CSVN qua răn đe trách móc thì phận yếu hèn như đảng CSVN biết sao hơn là phải lục đục, cố lôi kéo nhau hết qua Tàu triều kiến là cái chắc.

Một hội nghị Thành Đô thứ 2 chăng? Cả đất nước Việt Nam lại thêm một lần tắt ngủm nữa vì thế cờ chả ra chiến lược chính trị gì của đảng cộng sản Việt Nam đành phải chịu khuất phục trước thế cờ chiến lược chính trị của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán.

@ Phạm Thiên Thơ

Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Shangri-la: Mỹ ủng hộ kế hoạch “phòng vệ tập thể” của Nhật

Thời sự: Thứ bảy, 31/05/2014

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu tại Diễn đàn An ninh Khu vực Shangri-La, Singapore - REUTERS /Edgar Su
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu tại Diễn đàn An ninh Khu vực Shangri-La, Singapore – REUTERS /Edgar Su
Tú Anh
 
Chiến lược an ninh khu vực của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được Hoa Kỳ công khai hậu thuẫn. Tại Diễn đàn an ninh khu vực Shangri-La, Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố Nhật Bản sẽ phải năng động hơn trong vai trò bảo vệ an ninh khu vực và Hoa Kỳ hết lòng yễm trợ.

Theo AFP, tại Diễn đàn an ninh khu vực khai mạc vào ngày hôm qua 30/05 ở Singapore, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố là Nhật Bản sẽ tích cực hơn trong việc bảo vệ an ninh khu vực theo như các nguyên tắc mới đã được sửa đổi về vai trò của quân đội mà Nhật Bản vẫn gọi là «tự vệ đội».
 
Bình luận về lời tuyên bố này của lãnh đạo Nhật Bản, cũng ngay tại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, một cách mạnh mẽ nhất, ủng hộ quan điểm của Tokyo. Chủ nhân Lầu năm góc tuyên bố với các đồng nhiệm, chuyên gia, tướng lãnh vùng Châu Á-Thái Bình dương là Hoa Kỳ ủng hộ nỗ lực của Nhật «tái phối trí kế hoạch Phòng Vệ Tập Thể theo chiều hướng năng động kiến tạo hòa bình và trật tự khu vực».
 
Một cách cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cho biết là Hoa Kỳ và đồng minh Nhật Bản đã « bắt đầu xem xét lại các đường lối chỉ đạo chung » lần đầu tiên từ hai thập kỷ. Nỗ lực chung này nhằm bảo đảm cho liên minh Mỹ-Nhật phát triển phù hợp với tình hình an ninh khu vực và nâng cao khả năng ứng phó của quân đội Nhật.
 
Trước đó, theo trình bày của Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản cũng như Đông nam Á đang bị Trung Quốc gây hấn. Trong tình huống này, Tokyo phải có khả năng đối trọng với Bắc Kinh và phải năng động hơn hiện nay.
 
Theo sách lược « phòng vệ tập thể », quân đội Nhật không bắt buộc phải chờ bị đối phương tấn công trước mà có thể ra tay trước nếu một « đơn vị bạn » bị đe dọa.
 

Vì an ninh châu Á, Nhật Bản đối trọng với Trung Quốc

Thời sự: Thứ bảy, 31/05/2014

Thủ tướng Shinzo Abe: Nhật sẽ giao cho Philippines, Indonesia và Việt Nam tàu tuần duyên để tăng khả năng tự vệ - Reuters /P. Hackett
Thủ tướng Shinzo Abe: Nhật sẽ giao cho Philippines, Indonesia và Việt Nam tàu tuần duyên để tăng khả năng tự vệ – Reuters /P. Hackett
Tú Anh
 
Trung Quốc đơn độc tại Diễn đàn An ninh Châu Á Shangrila diễn ra hàng năm tại Singapore. Hành động gây bất ổn định của Bắc Kinh bị Washington cảnh cáo trong khi Tokyo, nhân danh hòa bình khu vực tuyên bố sẽ chủ động hơn và giúp đỡ nhiều hơn các quốc gia Đông Nam Á bị Trung Quốc lấn hiếp.
 
Thái độ hung hăng của chính quyền Trung Quốc tại Hoa Đông và Biển Đông đã đưa đến một hệ quả không thể tránh được : Bắc Kinh bị đặt vào thế bị cáo trong lúc Tokyo nổi bật với vai trò cứu tinh : hỗ trợ các quốc gia trong vùng bảo vệ an ninh trên không và trên biển.
 
Tại Diễn đàn An ninh khu vực Sangri-La, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với tư cách là khách mời chỉ đạo, tuyên bố Nhật và Hoa Kỳ đã sẵn sàng thắt chặt hợp tác với Úc và Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN.
 
Trong chiều hướng này, Nhật Bản đóng vai trò năng động và tích cực hơn so với thời gian qua để bảo vệ hòa bình tại châu Á và cho thế giới.
 
Trước mặt các phái đoàn quân sự cao cấp, chuyên gia quân sự, ngoại giao quốc tế trong đó có Trung Quốc, và Đông Nam Á, ông Shinzo Abe loan báo Nhật Bản sắp chuyển giao cho Philippines, một trong những quốc gia nghèo trong vùng, 10 tàu tuần duyên để tăng cường khả năng tự vệ. Indonesia cũng sắp nhận được ba tàu tuần duyên tương tự và Việt Nam cũng có thể được hỗ trợ không khác gì hai nước ASEAN kia.
 
Thông điệp an ninh của Thủ tướng Nhật Bản được đưa ra vào lúc tình hình trên hai vùng biển Hoa Đông và Biển Đông tăng nhiệt. Hôm nay, hai tàu tuần duyên Trung Quốc lại xâm nhập quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Ngày 25/05/2014, Trung Quốc cho máy bay chiến đấu bay sát, khoảng 30 mét, một máy bay quân sự Nhật Bản.
 
Trong vùng lãnh hải Việt Nam, Trung Quốc hành xử như đang ở ao nhà, đặt giàn khoan tìm khí đốt, huy động hàng trăm hải thuyền trấn áp tàu cảnh sát biển Việt Nam và tàu cá của ngư dân. Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố 80% biển Đông Nam Á là của Trung Quốc.
 
Trong một phản ứng mới nhất, Việt Nam hôm thứ Năm 29/05/2014, tố cáo tàu chiến Trung Quốc chỉa súng uy hiếp tàu cảnh sát biển Việt Nam. Trong cuộc đọ sức không tương xứng với Trung Quốc năm 2012, Philippines bị mất một vùng đảo đá ngầm và ngư trường truyền thống của dân chài.
 
Trong thống điệp tại Singapore, Thủ tướng Nhật Bản nhiều lần nhắc đến « nhà nước pháp quyền » kêu gọi các quốc gia trong vùng tôn trọng ba nguyên tắc : tôn trọng chuẩn mực quốc tế về đường phân định biên giới, không dùng biện pháp cưỡng chế, áp đặt và phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình.
 
Không tố cáo đích danh Trung Quốc, Thủ tướng Shinzo Abe lên án các hành động « vi phạm ba nguyên tắc này » cố tình « làm thay đổi nguyên trạng ».
 
Theo quan điểm của lãnh đạo Nhật Bản, để bảo vệ được nền hòa bình trong khu vực trước những đe dọa của Trung Quốc, các nước liên hệ phải hợp tác chặt chẽ với nhau và với Hoa Kỳ cũng như với Úc ở tận cùng Nam Thái Bình dương.
 
Chiến lược của Nhật được đặt tên là « kế hoạch Phòng vệ Tập thể » cho phép Nhật Bản hiện đang bị Hiến pháp hiếu hòa trói buộc, có thể động binh khi một đồng minh bị uy hiếp mà không cần chờ đến phiên mình bị tấn công.
 
Sáng kiến của Tokyo đã được Hoa Kỳ, qua tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hoan nghênh và ủng hộ.
 
Kế hoạch này nếu được tiến hành sẽ tạo cho Nhật bản một vai trò chủ động hơn thay vì phải chờ và nhờ sức mạnh của Hoa Kỳ. Mặt khác, nó giúp cho ngành công nghệ quân sự Nhật Bản phát triển mạnh và làm nhẹ gánh nặng tài chính của Mỹ trong chiến lược chuyển trục. Các nước Đông Nam Á có được một đồng minh gần về quân sự lẫn kinh tế.
 
Phản ứng của Trung Quốc không làm giới phân tích ngạc nhiên : Theo AFP, bà Phó Oánh, chủ tịch Ủy ban đối ngoại của quốc hội Trung Quốc có mặt tại Singapore, cho rằng Nhật Bản khai thác xung khắc biển đảo để sửa đổi chính sách an ninh khu vực và điều này làm các quốc gia trong vùng lo ngại.
 
Ngoại trừ Bắc Kinh, chưa một thủ đô châu Á nào bị Trung Quốc uy hiếp, đã lên tiếng phản đối Nhật Bản.
 

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Việt Nam cứu xét 'giải pháp quốc phòng' vụ TQ hạ đặt giàn khoan

Thời sự: Thứ sáu, 23/05/2014


Việt Nam đang cứu xét giải pháp đưa Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế để giải quyết cuộc tranh chấp đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn về các vùng biển đang trong vòng tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông.

Báo Financial Times dẫn lời ông Ernie Bowers, một chuyên gia về các vấn đề Á Châu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), đánh giá khả năng Hà nội sẽ theo chân Philippines kiện Trung Quốc trước Tòa án Trọng tài Quốc tế tại La Haye, là có xác suất 75% sẽ xảy ra.

Ông Bowers là người quen thuộc với cuộc tranh luận ở Việt Nam về liệu có nên tiến hành giải pháp pháp lý chống Trung Quốc hay không.

Cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông đã âm ỉ từ nhiều năm qua, nhưng căng thẳng tăng cao đáng kể trong 3 tuần qua, sau khi Trung Quốc kéo giàn khoan nước sâu khổng lồ vào Biển Đông, và lần đầu tiên khởi sự khoan dầu trong vùng biển mà Việt Nam cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vì chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 200 hải lý.

Hôm nay truyền thông báo chí do nhà nước Việt Nam kiểm soát, dường như muốn đẩy mạnh phương án này. Trang bienphong.com đăng bài viết với hàng tít "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để kiện Trung Quốc." Trang mạng này dẫn lời Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ khẳng định như vừa kể.

Ông Trục nói rằng nếu Hà nội không cương quyết ngăn cản bước leo thang của Trung Quốc lần này, thì nó sẽ tạo ra một tiền lệ để Trung Quốc sau này tiến sát vào bờ biển Việt Nam và các quốc gia khác trong vùng để khai thác dầu khí. Ông Trần Công Trục cho rằng vụ hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một cuộc "xâm lược mềm", rất nguy hiểm và rất khó đối phó.

Hơn 100 tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc đang trong tình trạng đối đầu căng thẳng gần giàn khoan HD 981 của Trung Quốc trong vùng lãnh hải Việt Nam.

Hãng tin Reuters tường thuật, Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói chính phủ của ông đang cứu xét một loạt "giải pháp quốc phòng" khác nhau chống Trung Quốc, kể cả giải pháp pháp ly, sau khi Bắc Kinh di chuyển giàn khoan dầu vào các vùng biển đang trong vòng tranh chấp với Việt Nam ở Biển Đông.

Quyết định của Việt Nam theo chân Philippines đưa cuộc tranh chấp ra trước Tòa Án Trọng Tài quốc tế sẽ làm Bắc Kinh giận dữ. Trung Quốc vẫn muốn giải quyết tranh chấp qua các cuộc thương thuyết song phương, nhưng một số nước ASEAN, nhất là Philippines, tin rằng quốc tế hóa cuộc tranh chấp biển đảo với Trung Quốc là giải pháp duy nhất đối với các nước nhỏ trong cuộc đối đầu ở Biển Đông.

Trả lời một cuộc phỏng vấn do Reuters thực hiện qua email hôm thứ Năm, ông Nguyễn Tấn Dũng gạt giải pháp quân sự sang một bên.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Reuters, rằng liệu Việt Nam có nghĩ tới việc giải quyết những căng thẳng bằng các phương tiện quân sự. Ông Nguyễn Tấn Dũng viết:

"Quý vị hỏi về các biện pháp quân sự à. Không, Việt Nam đã chịu đựng quá nhiều gian khổ và mất mát do các cuộc chiến xâm lược gây ra trong quá khứ rồi. Chúng tôi chỉ mong muốn có hòa bình và hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước."

Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố Việt Nam sẽ không bao giờ là nước khởi sự một cuộc đối đầu quân sự, trừ phi bị buộc vào thế phải tự vệ.

Tuy nhiên ông Nguyễn Tấn Dũng lập lại quyết tâm sẽ bảo vệ chủ quyền và các lợi ích chính đáng của mình, bởi vì chủ quyền lãnh thổ, kể cả chủ quyền các vùng lãnh hải và biển đảo, là quyền thiêng liêng.

Nhưng mặt khác, Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào chống một nước khác.

Trong khi đó, Hoa Kỳ đã dùng những từ ngữ cứng rắn và quyết liệt hơn khi nói đến cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Ông Kurt Campbell, từng là nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đặc trách vùng Đông Á, nói rằng Hoa Kỳ đã quyết định đi theo một hướng tiếp cận mạnh mẽ hơn về cái gọi là đường 9 đoạn tại Biển Đông, vạch ra vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền ở Biển Đông, bởi vì ASEAN ngày càng bực dọc hơn về tình trạng thiếu tiến bộ trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh.

Tuần trước, ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN, kêu gọi Trung Quốc hãy rời các vùng biển của Việt Nam để xoa dịu cuộc khủng hoảng ở quần đảo Hoàng Sa. Lời phát biểu của Tổng thư ký ASEAN đã khơi lên một phản ứng mạnh từ Bắc Kinh, nói rằng ông Lê Lương Minh đã "làm ngơ sự thật, vi phạm lập trường trung dung của ASEAN, và đơn phương đánh đi những tín hiệu sai lạc."

Nguồn: Reuters, Financial Times, Thanhnien, Tuoi Tr

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

MỘT MŨI TÊN BẮN RƠI HAI KẺ THÙ ẢO TƯỞNG

 
Bất cứ một cuộc chiến tranh xâm chiếm lớn nhỏ nào từ phía những kẻ khởi động trước đều đã được tính toán kỹ trưóc khi xua quân xâm lăng, đe dọa tước đoạt chủ quyền lảnh thổ hay lãnh hải của một quốc gia khác. Trong trường hợp Việt Nam, giàn khoan Hải Dương (Haiyang Shiyou) 981 của Trung cộng  đã ngang nhiên kéo vào vùng đặt quyền kinh tế của Việt Nam, đi theo giàn khoan còn có  trên 80 tàu bảo vệ, cho đến hôm nay thứ bảy 17/5 Trung cộng đã tăng cường thêm lên tới 126 tàu bao gồm hải cảnh, hải giám, bán quân sự lẫn quân sự có trang bị tên lửa cùng nhiều máy bay tuần thám đã  thực sự là những kẻ đầu tiên gây chiến trước, công khai  thách thức lại chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
 
Chế độ Hà Nội không còn có thể mơ ngủ được nữa quanh 16 chữ vàng và 4 tốt. Nguyên nhân sâu xa nào Bắc Kinh đã luôn là những kẻ khởi đầu trước mọi cuộc xâm lăng Việt Nam, trong lúc giới cầm quyền Hà Nội từ trước đến giờ vẫn luôn là những kẻ thụ động đẩy đưa cả dân tộc Việt Nam phải nhận lãnh mọi hậu qủa tai tai hại bất ngờ từ dã tâm xâm lược của Bắc Kinh? Xét qúa trình lịch sử cầm quyền của đảng CSVN, đáng cho tất cả mọi người Việt Nam rút ra  được những bài học ngàn đời không thể quên đưọc.
 
Sau hiệp định Genève 1954 phân chia hai miền Nam Bắc với hai chế độ khác nhau, đảng CSVN đã cho tiến hành cuộc chiến, quyết chiếm cho bằng được miền Nam, nên chịu nhận tất cả mọi viện trợ quân sự lẫn kinh tế từ Liên Xô và Trung cộng, nhận chịu lệ thuộc luôn cả ý thức hệ cộng sản và mọi chiến lược chống lại cả thế giới tự do với sự lãnh đạo của Mỹ. Cuộc chiến do CSVN phát động với sự tiếp tay xô đẩy từ phái sau của Nga và Tàu là một cuộc chiến vô vọng, chỉ tự mình gây điêu linh và tàn phá mọi nền tảng tốt đẹp còn lại của dân tộc sau khi Pháp đã rút lui ra khỏi Việt Nam. Mục tiêu chiến tranh để giành quyền thống nhất  đất nước của đảng CSVN chỉ là sự ngụy biện. Lịch sử đã vén màn bí mật, cho thấy cuộc thống nhất này đã đưa đất nước và dân tộc Việt Nam đến chổ bị tàn phá mọi mặt, càng  nghèo khốn và lạc hậu hơn trước thế giới ngày nay. Nhìn quanh thế giới hiện đại, ta thấy cuộc thống nhất nước Đức không tốn sương máu và cũng không băng hoại mọi nền tảng xây dựng xã hội nên đã đưa cả Đông Đức vực dậy trong tự do dân chủ và giầu mạnh. Thật đáng tủi hổ biết bao nhiêu cho tất cả người Việt chúng ta khi biết so sánh lại sự thống nhất của nước Đức với sự thống nhất Việt Nam, đáng để cảnh tỉnh những ai cứ thích hô hào thống nhất theo con đường chiến tranh huynh đệ tương tàn. Thử nhìn hai nước Nam và Bắc Hàn, có nên thống nhất dưới quyền lãnh đạo một thể chế như Bắc Hàn không? – Chắc chắn không ai muốn thế, nếu có thống nhất thì khả năng vực dậy một Hàn quốc giàu mạnh phải đặt dưới sự lãnh đạo theo thể chế Nam Hàn mới tốt đẹp. Sự thống nhất Hàn quốc trong tương lai có nhiều xác xuất  sẽ như nước Đức, tránh mọi cuộc chiến tương tàn, tránh được mọi nền tảng xây dựng xã hội tốt đẹp bị hủy hoại, đó mới chính là  hoài bảo thượng sách tối ưu nhất nơi những người lãnh đạo thật sự lỗi lạc hơn người.
 
Cuộc chiến do đảng CSVN chủ trương đã đưa Việt Nam phải bị lệ thuộc hơn vào qũy đạo Nga Hoa, cho nên Trung cộng ngày nay mới lên mặt tác oai tác quái, đòi hỏi đảng CSVN phải trả món nợ vay mượn trong chiến tranh. Nhưng với viện trợ vũ khí, kinh tế lẫn sự lệ thuộc tư tưởng và đường lối đấu tranh, áp đặt cai trị, tất cả đều rập khuôn theo mô hình chủ nghĩa Mao đã làm tiêu ma hết đất nước thì còn có gì để trả ngoài việc phải cắt đất, dâng biển cầu hòa, để Bắc Kinh mặc tình thao túng hàng ngũ những kẻ cầm quyền, buộc phải đề ra mọi chính sách phù hợp theo lợi ích nước Tàu. Rõ ràng đảng CSVN đã trở nên nhu nhược trước dã tâm xâm lăng của Bắc Kinh. Đảng CSVN ngày nay đã đi ngược lại quyền lợi của dân tộc, đã tước đoạt hết quyền làm chủ của người dân với những hành động đàn áp và triệt tiêu hết những tiếng nói bất đồng chính kiến.
 
Giàn khoan Hải Dương (Haiyang Shiyou) 981 của Trung cộng đang cắm sâu nơi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam chính là thước đo xem hàng ngũ chớp bu đảng CSVN sẽ đối phó ra sao. Ai chống đối, ai cúi đầu bỏ mặc cho Trung cộng hoành hành, hay còn ra lệnh đàn áp những cuộc biểu tình chống Tàu như năm 2007 trước đây? Mọi sự sẽ lần lượt phơi bày khi Bắc Kinh thật sự đã bất ngờ cho tiến hành cuộc xâm lăng. Sự hợp tác về mọi phương diện đối với Bắc Kinh chỉ là chiêu bài che đậy dã tâm đế quốc, luôn muốn xâm chiếm các lân bang như Việt Nam nhằm nối dài truyền thống bành trướng chủ nghĩa thiên triều Đại Hán. Mọi người Việt Nam yêu nước đã bừng tỉnh cơn mộng mị 16 chữ vàng và 4 tốt do đảng CSVN cõng từ bên Tàu về.  
  
Cả Tây phần Thái Bình Dương từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á đều chống lại  bản đồ lưỡi bò chín đoạn. Bắc Kinh như kẻ cô độc khi tình hữu nghị giả tạo cuối cùng với đàng em Hà Nội duy nhất còn sót lại đã bị rơi rớt.
 
Việt Nam phải chuẩn bị những cuộc xuống đường đấu tranh khắp nơi từ quốc nội đến hải ngoại, phải kết thành trường lũy kháng chiến chống Tàu. Chuẩn bị mọi kế sách đối phó chiến tranh gián điệp, đối phó đám dân Tàu và những kẻ tay sai đã được cấy vào khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam để làm nội ứng cho cuộc xâm lăng từ bên ngoài vào.  Bằng mọi gía phải xua đuổi giàn khoan 981 ra khỏi hải phận Việt Nam.
 
Mũi tên của dân tộc đã vươn cao, chờ bắn rơi 16 chữ vàng cùng 4 tốt lừa mị của Bắc Kinh và những kẻ ươn hèn theo giặc.
 
Một mũi tên đồng lúc bắn rơi hai kẻ thù ảo tưởng. 
  
@Phạm Thiên Thơ

Việt - Mỹ điện đàm về vụ giàn khoan

Thời sự: Thứ tư, 21/05/2014

Bộ trưởng Phạm Bình Minh từng gặp Bộ trưởng John Kerry
 ở hội nghị Asean tháng Bảy 2013
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry về căng thẳng với Trung Quốc.
 
Trang web Bộ Ngoại giao Việt Nam nói cuộc điện đàm diễn ra sáng 21/5.
 
Việt Nam nói ông Phạm Bình Minh đã cập nhật cho ông John Kerry về việc Trung Quốc “đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”.
 
Theo Ngoại trưởng Minh, Trung Quốc “liên tục gia tăng số lượng tàu, trong đó có tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh và tàu đổ bộ lớn”.
 
Ông Phạm Bình Minh nhắc lại “Việt Nam đã hết sức kiềm chế, kiên trì thông qua đối thoại, tránh xung đột, đồng thời kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống khỏi khu vực”.
 
Cũng theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ trả lời rằng ông “đánh giá cao sự kiềm chế và thiện chí của Việt Nam thể hiện trong việc kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình và đối thoại, không để căng thẳng leo thang”.
 
Ông John Kerry xem giàn khoan của Trung Quốc là “hành động khiêu khích, làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực”.
 
Ngoại trưởng Mỹ tái khẳng định lập trường về việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông “một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982”.
 
Cũng trong cuộc đối thoại, Ngoại trưởng Việt Nam nói Việt Nam “sẵn sàng phối hợp với Hoa Kỳ triển khai các biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ theo tinh thần quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước”.
 

Căng thẳng

 
Đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải đã công kích Việt Nam
Cuộc điện đàm được Việt Nam công bố dường như cho thấy cố gắng xích lại gần với Washington của Hà Nội trong bối cảnh Bắc Kinh không nhượng bộ về vụ giàn khoan.
 
Trong diễn biến mới nhất, Đại sứ Trung Quốc ở Mỹ công kích Việt Nam.
 
Trả lời đài Mỹ CNN hôm 20/5, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nói công ty Trung Quốc hoạt động “tại vùng biển cách đảo Trung Quốc 17 hải lý, trong khi vùng biển này cách bờ biển Việt Nam 150 hải lý”.
 
“Thứ hai, đây là giàn khoan duy nhất của chúng tôi tại khu vực này. Nhưng Việt Nam đang có hơn 30 giàn khoan, đều nằm trong khu vực tranh chấp. Giàn khoan duy nhất của chúng tôi nằm ở vùng biển không hề có tranh chấp.”
 
Đại sứ Thôi nói tiếp: “Thứ ba, chúng tôi chỉ có tàu chính phủ và dân sự tại đó, nhưng Việt Nam có tàu quân sự, tàu vũ trang, đây là sự thật.”
 
Ông Thôi Thiên Khải cũng nhắc về các vụ bạo động ở Việt Nam.
 
“Họ tấn công các công ty nước ngoài, đốt nhà máy, giết người vô tội. Những gì đang xảy ra ở Việt Nam cũng cùng bản chất như những gì đang xảy ra trên biển,” Đại sứ Trung Quốc lớn tiếng.
 
Chính phủ Việt Nam cho biết đã 20 lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan.
 
Tuy vậy đến nay không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc nhượng bộ.
 
Nguồn: http://www.bbc

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Trung Quốc không thể là đồng minh của ai

Điểm báo: Thứ ba, 20/5/2014
       
Tổng thống Putin, thượng khách của ông Tập Cận Bình tại Thượng Hải. Ảnh ngày 20/05/2014
Tổng thống Putin, thượng khách của ông Tập Cận Bình tại Thượng Hải. Ảnh ngày 20/05/2014
Reuters
Trọng Thành
        
Quan hệ Nga – Trung Quốc là tiêu điểm chú ý của báo chí Pháp. Báo Les Echos : « Sự xích lại gần nhau Nga – Trung cho thấy tính mập mờ của nền ngoại giao Trung Quốc ».

Nga – Trung thoạt nhìn là hai quốc gia có rất nhiều điểm giống nhau : hai bên có lập trường chung trên nhiều hồ sơ quốc tế, như Syria, Iran…, cả hai chế độ cùng duy trì quyền lực bằng việc kiểm soát xã hội, khống chế tự do ngôn luận.
 
Tuy nhiên, « tình bạn » giữa Bắc Kinh và Matxcơva chủ yếu được thúc đẩy bởi thái độ thực dụng. Hợp đồng khí đốt sắp được ký, nhưng « dưới nụ cười bề ngoài, là nỗi lòng cay đắng của ông Putin chấp nhận nhiều thiệt thòi dưới áp lực sắt đá của Bắc Kinh », trong bối cảnh Nga gặp bất lợi tại thị trường Châu Âu với khủng hoảng Ukraina. Khủng hoảng này cho thấy Bắc Kinh lâm vào trạng thái khó ở như thế nào khi phải lựa chọn một lập trường trong vấn đề Nga sáp nhập Crimée. Bắc Kinh hoàn toàn không muốn thấy một kịch bản tương tự ở Tây Tạng, Tân Cương hay thậm chí Đài Loan, khi trưng cầu dân ý quyết định vận mệnh quốc gia.

Trên lĩnh vực quan hệ quốc tế, nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn chỉ là « một đối tác hạng xoàng », không có một tầm nhìn, không bảo vệ được một dự án riêng, được xác lập một cách minh bạch. Thái độ của Trung Quốc về cơ bản là thụ động và phòng ngự.

Bài phân tích do đặc phái viên Les Echos tại Bắc Kinh kết luận : « Cố gắng tỏ vẻ là bạn bè của bất cứ ai, vấn đề thực sự của Bắc Kinh là Trung Quốc không là đồng minh của bất cứ ai ».

Matxcơva quay sang Bắc Kinh, nhưng khó ngả hẳn vào lòng Trung Quốc

« Lạnh lẽo với Châu Âu, Matxcơva quay sang Bắc Kinh » là tựa đề bài viết chính trang quốc tế của Le Figaro.

Tổng thống Nga hôm nay bắt đầu chuyến công du Trung Quốc, với một loạt các ông chủ lớn. 43 thỏa thuận dự kiến sẽ được ký kết, trong đó đáng chú ý nhất là hợp đồng của công ty Gazprom cam kết cấp 38 tỷ mét khối khí đốt hàng năm cho Trung Quốc. Về mặt hình thức, hợp tác Nga – Trung dự kiến nhiều hứa hẹn, với khả năng tăng gấp đôi trao đổi thương mại song phương, mà hiện tại vốn chỉ bằng 1/5 so với các trao đổi mậu dịch với Châu Âu.

Trung Quốc thèm khát nhiên liệu và công nghệ của Nga, đặc biệt trong ngành hàng không dân sự và quân sự. Bắc Kinh dự định hợp tác với Sukhoi để sản xuất máy bay dân dụng 300 chỗ ngồi, để không phụ thuộc vào Airbus và Boeing. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã mua bản quyền máy bay chiến đấu Sukhoi 27…

Hai nguyên thủ Nga – Trung đang thương thuyết về một « kiến trúc quan hệ quốc tế » mới và sẽ chứng kiến cuộc tập trận chung trên biển. Tuy nhiên, theo Le Figaro, « không ai ở Matxcơva chờ đợi Tổng thống Nga quay lưng với Liên hiệp Châu Âu để ngả hẳn vào lòng Bắc Kinh ». Về phần mình, Bắc Kinh phủ nhận muốn xây dựng « một liên minh quân sự-chính trị Nga Trung ».

Dư luận Nga rất lo sợ Trung Quốc như một cường quốc nguy hiểm, cụ thể với các hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường của nước láng giềng phía bắc. Ở điện Kremlin người ta nghi ngờ Bắc Kinh lợi dụng thiện chí của Matxcơva để mặc cả nhằm hạ giá mua khí đốt.

Về quan hệ Nga-Trung, bài « Trục Nga-Trung : Chuẩn bị thông qua thỏa thuận khí đốt » trên Les Echos mô tả Nga gặp nhiều khó khăn với Trung Quốc trong các đàm phán hơn là với Châu Âu, đặc biệt là Bắc Kinh không chấp nhận cho Nga gia nhập thị trường phân phối nội địa.

Thái độ đế quốc của Bắc Kinh chọc giận Việt Nam

Về xung đột Việt Nam – Trung Quốc, báo Le Monde có bài phân tích của đặc phái viên khu vực Bruno Philip với tựa đề : « Quan điểm đế quốc của Bắc Kinh chọc giận Việt Nam ».

Đặc phái viên của Le Monde nhận xét, cho đến trước vụ Trung Quốc đặt giàn khoan thăm dò tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông, chính quyền Việt Nam vẫn lựa chọn con đường ngoại giao để dàn xếp các bất đồng. Tuy nhiên, hành động xâm phạm vào vùng thềm lục địa của Việt Nam, không có bất cứ một tham khảo trước nào của Bắc Kinh khiến Hà Nội buộc phải phản ứng. Các đụng độ bằng súng phun nước và húc tàu vào nhau được phóng viên Le Monde nhận định là « một trong các biến cố nghiêm trọng nhất, kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới 1979 ».

Nhiều cuộc biểu tình ôn hòa đã diễn ra sau đó tại hai thành phố lớn của Việt Nam, tiếp theo đó là làn sóng biểu tình đi kèm bạo động tại một số khu công nghiệp, khiến hai công nhân Trung Quốc thiệt mạng và 140 người khác bị thương.

Theo Le Monde, làn sóng bạo lực này là hậu quả tai hại do thái độ của Bắc Kinh : Trung Quốc mạnh lên không chỉ về kinh tế, cùng với thái độ dân tộc chủ nghĩa gia tăng Bắc Kinh nỗ lực hiện đại hóa quân sự, đặc biệt là hải quân.

Câu hỏi đặt ra là, liệu chính quyền Việt Nam có thay đổi chính sách đối với Trung Quốc hay không ? Nhà cầm quyền Việt Nam đang đứng trước nhiều chỉ trích gay gắt của một bộ phận công luận. Le Monde dẫn lời của nhà bình luận chính trị Nguyễn Quang A : « tham vọng xâm chiếm, người Trung Quốc có trong máu. Còn chúng tôi, đó là kháng cự », và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang « Trung Quốc nói rằng Việt Nam phải rút trước…. nhưng đây là nhà tôi ! Tại sao tôi phải rút ! ».

Le Monde đánh giá, cho đến nay, chỉ có Philippines là có thái độ kháng cự mạnh nhất trước một nước Trung Quốc, có thái độ khinh bỉ tất cả các nước láng giềng « nhỏ bé » xung quanh và tự tin vào sức mạnh có khả năng thống trị toàn thế giới của mình.

Nguồn: http://www.viet.rfi