Thứ Tư, 23 tháng 9, 2009

TIÊN ĐOÁN VÀ MƠ ƯỚC CỦA LÝ THUYẾT MARX


Tuyên Ngôn Thư Đảng Cộng Sản được Karl Marx viết vào năm 1847, xuất bản tại Anh vào đầu năm 1848. Từ đó tới nay đã 160 năm. Tuyên ngôn có thể nói đã gói ghém tất cả mơ ước và tiên đoán cùng lý thuyết của Marx. Nhưng những biến cố lịch sử xẩy ra trong 160 năm qua đã hoàn toàn đi ngược lại mơ ước và tuyên đoán của ông.

MƠ ƯỚC VÀ TIÊN ĐOÁN CỦA KARL MARX
1- Marx mơ ước một xã hội không giai cấp và công bằng

Nhiều người biết Marx mơ ước một xã hội công bằng, không giai cấp, không có cảnh người bóc lột người. Ông viết: “ Nếu trong tiến trình phát triển, những kình chống giai cấp sẽ biến mất và nếu sự sản xuất được tập trung trong tay những cá nhân liên đới ( individus associés), công quyền sẽ mất tính chất chính trị. Quyền chính trị, nói cho đúng ra, cũng chỉ là quyền có tổ chức của giai cấp này đễ đàn áp giai cấp kia. Nếu giai cấp vô sản trong cuộc tranh đấu chống lại giai cấp hữu sản, tất yếu tạo thành giai cấp, sẽ đứng lên qua một cuộc cách mạng như giai cấp thống trị và, vì là giai cấp thống trị, nó phá hủy bằng bạo lực, chế độ sản xuất cũ, có nghĩa đồng thời nó phá hủy những điều kiện của sự kình chống giai cấp; nó phá hủy giai cấp một cách tổng quát, và từ đó, đồng thời phá hủy luôn sự thống trị của mình như là một giai cấp.

“Thay vào xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và sự kình chống giai cấp của nó, xuất hiện một hiệp hội ( association), mà trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của tất cả mọi người ;” ( K. Marx, Le Manifeste du Pari communiste – trang 46 – nhà xuất bản Union générale d’Editons – Paris 1962).

2- Marx mơ ước và tiên đoán cách mạng tất yêu sẽ xẩy ra tại các nước tư bản

Vì cho rằng xã hội chia thành giai cấp, như ông viết : “ Lịch sử của bất cứ xã hội nào cho tới ngày hôm nay chỉ là lịch sử của đấu tranh giai cấp “ ( Sách đã dẫn – trang 19 ), Marx cho rằng trong xã hội tư bản, giai cấp tư sản, tức giai cấp chủ, càng ngày càng ít và càng giầu; giai cấp thợ càng ngày càng nghèo và càng đông; kình chống giai cấp càng ngày càng to lớn và gay gắt; đưa đến chỗ bùng nổ cách mạng . Đó là cách mạng tất yếu, Ông viết : “ Giai cấp tư sản không những tạo ra những vũ khí để giết mình; mà nó còn tạo ra những người sử dụng những vũ khí này: những người thợ hiện đại, giai tầng vô sản .” ( Sách đã dẫn – trang 27). Ông cò tiếp : “ Sự phát triển kỹ nghệ nặng đã tự đào hố trên mảnh đất mà giai tầng tư sản xây dựng lên hệ thống sản xuất và tư hữu của mình. Giai tầng tư sản đã tự đào mồ chôn mình. Sự sụp đổ của nó và chiến thắng của giai tầng vô sản là tất yếu không thể tránh được. “ ( Sách đã dẫn – trang 34).

3- Marx mơ ước và tiên đoán Nhà nước sẽ biến mất, xã hội sẽ cai quản bằng những người thợ thuyền, sẽ là xã hội làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu

Hệ thống lý luận của Marx giống như hệ thống toán học của Euclide, bắt đầu bằng một định đề. Euclide bắt đầu bằng định đề : “ Trên một mặt phẳng, từ một điểm ngoài một đường thẳng, người ta chỉ có thể vẽ một đường thẳng duy nhất song song với đường thẳng trước. “ Marx thì bắt đầu bằng 2 định đề : “ Nguyên nhân của sự phân chia xã hội thành giai cấp là quyền tư hữu “, “ Từ ngày có quyền tư hữu, lịch sử của nhân loại là lịch sử của đấu tranh giai cấp “. Và từ đó Marx đưa ra những định lý như : “ Nhà nước, quyền chính trị, nói đúng ra, chỉ là quyền có tổ chức của giai cấp này để đàn áp giai cấp kia.” ( Sách đã dẫn – trang 46). Vì vậy, một khi quyền tư hữu bị bãi bỏ, thì giai cấp bị bãi bỏ, từ đó Nhà nước cũng bị bãi bỏ; nếu nói đúng theo ngôn từ của Marx và Engel, như trong quyển Nguyên do của gia đình, của quyền tư hữu và của Nhà nước ( L’Origine de la famille, de la proprìté privée et de l’Etat ) của Engels, thì Nhà nước tự biến mất ( il s’éteint ).

THỰC TẾ LỊCH SỬ HOÀN TOÀN CHỨNG MINH NGƯỢC LẠI

Đã 160 năm trôi qua từ ngày Marx và Engels viết quyển Tuyên Ngôn Thư, biết bao biến cố đã xẩy ra cho lịch sử nhân loại. Xét những biến cố này, chúng ta thấy nó hoàn toàn trái ngược với những mơ ước và tiên đoán của Marx và Engels. Năm 1883, Marx chết và Engels chết năm 1895. Năm 1917, Lénine cướp chính quyền ở Nga sô, lập nên Nhà nước cộng sản đầu tiên, rồi Đảng cộng sản tại một số quốc gia bắt chước theo, nổi lên cướp chính quyền như ở Tàu, Việt Nam. Vào cuối thập niên 80, đầu 90, một số chế độ cộng sản sụp đổ bắt đầu bằng Đông Âu và Liên Sô; làm cho người ta tự đặt câu hỏi : Tại sao cách mạng tất yếu không xẩy ra tại những nước tư bản, như Marx mơ ước và tiên đoán; mà lại xẩy ra tại những nước cộng sản đã áp dụng lý thuyết của Marx . (2)

1- Cách mạng tất yếu không xẩy ra tại các nước tư bản, mà cách mạng tất yếu đã xẩy ra tại những nước cộng sản

Marx mơ ước và tiên đoán một cuộc cách mạng tất yếu sẽ xẩy ra tại những nước tư bản. Lúc đầu ông tin tưởng nó sẽ xẩy ra ở Anh, vì đây là nước kỹ nghệ phát triển nhất; ông chờ hoài, mà nó không xẩy ra; sau ông quay sang hy vọng ở Đức; nó cũng không xẩy ra ở Đức và ông chết vào năm 1883, vào tuổi 65, ở vào thời này thế là thọ; vì tuổi thọ trung bình của Âu châu vào đầu thế kỷ 20 mới chỉ có 50. Ba mươi bốn năm sau, gần tàn Đệ Nhất Thế Chiến (1914-1918), Lénine được Bộ Tham Mưu Đức đưa từ Thụy Sỹ về Nga, giúp đỡ tiền bạc để cướp chính quyền. Người cộng sản bảo rằng đây là một cuộc cách mạng; nhưng thực tế đây là một cuộc đảo chánh. Nó chẳng có tính chất gì là cách mạng tất yếu. Từ 1917 tới nay, một số nước cộng sản ra đời, sau Nga Sô, rồi sụp đổ, bắt đâu bằng những nước Đông Âu. Quan sát sự sụp đổ những nước cộng sản, người ta lại thấy nó có tính cách của cuộc cách mạng tất yếu, đúng như lời tiên đóan của Marx cho những nước tư bản. Đó là giai cấp chủ càng ngày càng ít và càng giầu có; giai cấp thợ càng ngày càng đông và càng nghèo khổ. Hố ngăn cách càng này càng lớn. Nên cách mạng tất yếu đã bùng nổ. (3) Tại sao như vậy ?

- Vì bắt nguồn từ một sự sai lầm to lớn của Marx cho rằng quyền tư hữu có thể bãi bỏ. Thực tế quyền tư hữu không thể bãi bỏ, mà chỉ có thể chuyển nhượng. Hơn thế nữa, Marx bảo rằng quyền kinh tế quyết định tất; nhưng ở những nước cộng
sản, quyền chính trị quyết định tất. Sau khi cướp được chính quyền, người cộng sản cầm quyền đánh tư bản mại sản; tước hết quyền tư hữu của dân, bảo rằng nay thuộc về Nhà nước, thuộc về dân; nhưng trên thực tế thuộc về một thiểu số đảng đoàn cán bộ. Quyền tư hữu đã chuyển nhượng. Xã hội cộng sản trở nên vô cùng bất công: một thiểu số đảng đoàn cán bộ thì vô cùng giầu có; trong khi đó thì đại đa số dân vô cùng nghèo khổ. Và cách mạng đã bùng nổ, đưa đến sự sụp đỗ của những nước cộng sản. Đúng như lời tiên đoán của Marx. Ngược lại, cách mạng tất yếu đã không xẩy ra tại những nước tư bản, vì họ tôn trọng quyền tư hữu, một động lực khiến con người làm việc, làm cho kinh tế phát triển. Thêm vào đó họ chọn mô hình tổ chức xã hội dân chủ tự do và kinh tế thị trường. Trong một xã hội dân chủ, giới cầm quyền muốn được dân bầu hay được tái đắc cử, thì phải nghĩ đến dân mà đại đa số là thợ thuyền hay nông dân. Vì vậy nên đời sống thợ thuyền và nông dân ở những nước tư bản mỗi ngày một cải thiện.

2- Xã hội cộng sản là một xã hội giai cấp, phẩm trật, bất công, tham nhũng, hội lộ, thối nát nhất

Sau khi người cộng sản cướp được chính quyền, đánh tư bản, mại sản, toàn thể gia tài của quốc gia dân tộc thuộc về tay một thiểu số đảng đoàn cán bộ, cộng thêm quan niệm độc tài vô sản, bảo rằng quyền hành thuộc về giới vô sản; nhưng thực tế, quyền thuộc về tay một số lãnh đạo đảng cộng sản, xã hội cộng sản không những trở nên bất công, mà còn trở nên vô cùng phẩm trật. Trong khi đó thì đại đa số dân bị tước quyền tư hữu, không muốn làm việc, xã hội lâm vào cảnh : “ Cha chung không ai khóc; ruộng chung không ai cày; nhà chung không người chăm sóc “ ; xã hội trở nên tụt hậu về kinh tế, bế tắc về mọi vấn đề. Hối lộ, tham những lan tràn, đạo đức, giáo dục bị băng hoại; y tế bị xuống cấp. Dân bất mãn nổi lên ở khắp nơi. Để dẹp những cuộc biểu tình, bất mãn của dân, giới lãnh đạo phải tăng cường công an, quân đội, cơ quan tuyên truyền nói láo, bóp méo sự thật và cơ quan pháp lý vu khống. Nhà nước không tự biến mất như Marx mơ ước và tiên đoán, mà Nhà nước cộng sản càng ngày càng to lớn, càng đàn áp. Thiên đàng cộng sản không thấy, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu như Marx mơ ước không có; mà chỉ thấy địa ngục cộng sản; người bóc lột người mạnh mẽ, tàn ác hơn trước .

TẠI SAO NHƯ VẬY
1- Vì Marx không tưởng (1)

Quyển Tuyên Ngôn Thư Đảng Cộng sản có 43 trang ( Sách đã dẫn), Marx bỏ 14 trang để phê bình những nhà tư tưởng xã hội trước Marx như Saint Simon, Charles Fourrier, Robert Owen v..v…, cho rằng những người này là không tưởng. Nhưng 160 năm đã trôi qua, chúng ta thấy gì? Chúng ta thấy qua những biến cố lịch sử, chính trị trên toàn thế giới, chính Marx mới là không tưởng và ngược lại lại những nhà tư tưởng xã hội trước Marx mới là không không tưởng; vì những tư tưởng của họ đã được áp dụng bởi những đảng Xã hội, Dân chủ Xã hội ở những nước Tây Âu, nhất là bắc Âu, như Thụy Điển, Hòa Lan, Na uy, Đan mạch, Phần Lan. Nếu nói rằng nếu có xã hội chủ nghĩa trên trái đất này, thì người ta phải nói tới những nước Bắc Âu.

Marx không tưởng ở chỗ cho rằng quyền tư hữu có thể bãi bõ; nhưng quyền tư hữu không thể bãi bỏ mà chỉ có thể chuyển nhượng. Thêm vào đó, Marx còn đơn giản tối đa vấn đề, khi ông viết : “ Người cộng sản có thể tóm gọn lý thuyết của mình trong câu nói duy nhất : Bãi bỏ quyền tư hữu. “ ( Sách đã dẫn – trang 36).

2- Vì lý thuyết của Marx không có khoa học như ông nói, mà là phản khoa học, chỉ là những lời tiên tri, không gắn liền với thực tế tiến triển của xã hội và lịch sử

Lý thuyết của Marx không những không tưởng, mà còn phản khoa học, phản phát triển.

Marx cho rằng lý thuyết của ông là khoa học, phương pháp của ông là khoa học, vì ông đi từ phương pháp thực nghiệm, thực tiễn, từ cái gì cụ thể, tới cái gì trừu tượng; nhưng thực tế Marx đi hoàn toàn ngược lại. Marx đã đi từ cái gì trừu tượng nhất, từ những lời tiên tri để dựng lên lý thuyết của mình; rồi sau đó cố bẻ cong thực tế lịch sử để hợp với lý thuyết không tưởng của mình, nhất là những người áp dụng lý thuyết của ông, lâm vào tình trạng “Đẽo chân để đi vừa giày “, làm cho xã hội cộng sản trở nên què quặt.

Thật vậy, Marx là người gốc Do Thái. Gia đình Marx đã bao nhiêu đời làm mục sư Do Thái giáo; vì vậy Marx bị ảnh hưởng sâu đậm bởi tư tưởng triết học Do Thái giáo, theo đó con người đang sống trong cảnh địa đàng, rồi con người ăn vào trái cấm, bị tội lỗi, bị đày xuống trần gian, sống cuộc đời khổ cực, đọa đày. Sống khổ cực, đọa đày đến một lúc con người được Đấng Cứu thế cứu rỗi, giúp con người trở lại địa đàng. Marx đã lấy nguyên những lời tiên tri này làm thành lý thuyết của mình; nhưng hiện đại hóa, thay vì là địa đàng thì Marx thay thế bằng xã hội cộng sản nguyên thủy; thay vì là trái cấm, thì Marx thay thế bằng quyền tư hữu; thay vì là Đấng Cứu thế, thì Marx thay thế bằng giai cấp vô sản. Lý thuyết của Marx trở thành : Con người đang sống trong địa đàng là xã hội cộng sản nguyên thủy, không quyền tư hữu, không giai cấp; nay con người ăn vào trái cấm là quyền tư hữu, làm con người bị đọa đày, xã hội bị chia thành giai cấp; sự đấu tranh giai cấp trở nên quyết liệt, thì giai cấp vô sản, thay vì Đấng Cứu thế, đứng lên làm cách mạng tất yêu, cứu rỗi con người. Một sự xây dựng lý thuyết bắt nguồn từ những lời tiên tri, hoàn toàn không tưởng, không có một tý gì là khoa học, thực tế, thực tiễn.

Thêm vào đó, lý thuyết của Marx lại bị áp dụng sai lầm. Marx chủ trương chỉ có cách mạng cộng sản ở những nước phát triển kỹ nghệ cao, vì chỉ ở đó mới có một đội ngũ thợ thuyền. Trong khi đó Lénine làm cách mạng cộng sản ở một nước mới bắt đầu kỹ nghệ, phần lớn là nông dân. Mao trạch Đông và Hồ chí Minh làm cách mạng cộng sản ở một nước nông nghiệp, hoàn toàn phong kiến. Marx không bao giờ chủ trương độc khuynh, độc đảng. Ông viết : “ Người cộng sản không tạo thành một đảng riêng biệt, tách rời với những đảng thợ thuyền khác .” ( Sách đã dẫn – trang 35) Trong khi đó Lénine chủ trương độc khuynh, độc đảng.

Có lẽ đó là tất cả những nguyên do đưa đến thảm họa cộng sản vào thế kỷ 20 với hơn 100 triệu người chết vì chế độ này. Chính vì vậy mà Hội đồng Âu châu cách đây một năm đã biểu quyết Nghị quyết 1481, kết án chế độ cộng sản là chế độ diệt chủng, mà trong đó những nước Đông Âu, cộng sản cũ, lại chính là những nước là tác giả và cổ võ Nghị quyết nhất.

Những mơ ước, tiên tri, tiên đoán của Marx từ 160 năm qua đã bị lịch sử phản bác lại hoàn toàn. Liên sô nước theo lý thuyết này đầu tiên đã từ bỏ, sau đó là các nước Đông Âu. Dân tộc Việt Nam hãy noi theo dân tộc Nga và Đông Âu, can đảm đứng lên đấu tranh để từ bỏ lý thuyết không tưởng này; vì nó chỉ mang đến đau thương, tàn phá cho dân tộc và đất nước như lịch sử gần 100 năm qua áp dụng lý thuyết này đã chứng minh .


Paris ngày 22/09/2007
Chu chi Nam

_______________________________________________
(1) Xin xem Phê bình tư tưởng của Marx trong :
http://perso.orange.fr/chuchinam/
(2) Xin xem “Cộng sản, loài cỏ dại, loài trùng độc“.
(3) Xin xem “Cách mạng tất yếu không xẩy ra tại các nước tư bản; mà đã xẩy ra và còn xẩy ra tại những nước cộng sản.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét